Huawei đang chia tách Mỹ và Phương Tây

Thứ Năm, 06/02/2020, 10:13
Bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước Phương Tây vẫn tiếp tục chấp nhận để Huawei tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của mạng 5G, một cơ sở để đẩy mạnh các hoạt động viễn thông liên lạc và phát triển kinh tế số, hoạt động kinh tế hướng đến tương lai.

Mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương xung quanh nhu cầu phát triển kinh tế và các lo ngại về an ninh đã phản ánh xu thế cạnh tranh và lôi kéo ảnh hưởng của hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay.

Anh và Đức thể hiện quan điểm độc lập

Giữa lúc truyền thông Mỹ và phương Tây liên tục đưa ra các cảnh báo, Chính phủ Đức chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt đối với việc triển khai mạng 5G và liệu có nên ngăn chặn một cách triệt để gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia cũng cấp hạ tầng mạng hay không.

Các nhà khai thác mạng viễn thông Đức hiện đều là khách hàng lâu năm của Huawei đã cảnh báo rằng việc cấm nhà cung cấp Trung Quốc sẽ khiến quốc gia châu Âu này chậm chân thêm nhiều năm nữa và tốn hàng tỷ USD chi phí cho việc ra mắt mạng 5G.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói về câu hỏi hóc búa 5G này: "Làm sao để tôi an toàn? Tôi nghĩ rằng tôi làm cho mình an toàn nhất thông qua đa dạng hóa và dự phòng khi cần thiết, đó là những phương pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho bản thân".

Bà còn nhấn mạnh: "Đa dạng hóa là rất quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia trong việc triển khai công nghệ di động 5G và việc tránh xa một nhà cung cấp có nguy cơ phản tác dụng".

Trong khi đó, tờ Financial Times hôm 29-1 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Anh Boris Johnson xem xét lại quyết định cho phép Huawei tham gia phát triển mạng điện thoại di động 5G tại Anh trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Anh và Mỹ xung quanh nhiều vấn đề.

Lời kêu gọi của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh một số nghị sĩ cao cấp đảng Bảo thủ lên tiếng lo ngại thái độ của chính quyền ông Trump trước quyết định của Thủ tướng Johnson cho phép công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc Huawei tham gia phát triển một số mảng phụ trong hệ thống 5G tại Anh. Những nghị sĩ này e ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ thời hậu Brexit.

Mỹ tin rằng Huawei là mối nguy hiểm cho hoạt động gián điệp, điều mà Huawei liên tục phủ nhận và khẳng định họ là một công ty tư nhân, không liên quan đến Chính phủ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 28-1, Anh đã quyết định cho phép Huawei được tham gia có giới hạn để phát triển các linh kiện cho mạng di động tốc độ cao 5G. Theo đó, Anh sẽ cấm công ty Trung Quốc cung cấp hàng cho các phần “nhạy cảm”, được gọi là mạng lõi. Điều này có nghĩa là Huawei chỉ được cung cấp tối đa 35% trong “vùng ngoại biên” của mạng 5G, trong khi hãng này sẽ bị cấm ở các khu vực gần căn cứ quân sự và địa điểm hạt nhân.

Mặc dù quyết định của Chính phủ Anh còn chờ Quốc hội thông qua, đây vẫn được xem như một sự thất bại đối với Mỹ - quốc gia đã gây sức ép buộc các đồng minh cấm Tập đoàn Huawei.

EU đã tạm dừng lệnh cấm triển khai mạng 5G đối với Huawei.

Rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương

Từ tháng 5-2019, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên chiến với Tập đoàn Huawei một người khổng lồ về trang thiết bị công nghệ thông tin của Trung Quốc thành lập năm 1987. Washington liên tục thúc ép 3 đồng minh thân thiết nhất trong Liên minh châu Âu (EU) là Anh, Pháp, Đức tẩy chay tập đoàn này.

Tháng 10-2019, dưới sức ép của Mỹ, Liên minh châu Âu công bố một báo cáo nêu bật một số "đe dọa có thể nhằm vào hệ thống mạng 5G, có khả năng một số quốc gia hay các nhà cung cấp mạng tiến hành các đợt tấn công liên tiếp và tinh vi đe dọa đến an ninh" mạng điện thoại di động của châu Âu. Đức và Anh cũng lần lượt có các tuyên bố thể hiện sự quan ngại về an ninh liên quan đến Huawei tuy không khẳng định sẽ rút khỏi hợp tác với Huawei.

Đối với vấn đề này, Paris đã thể hiện quan điểm rõ ràng hơn. Đến đầu tháng 12-2019, Pháp tuyên bố "không nhất thiết phải theo Mỹ loại Huawei khỏi các dự án xây dựng mạng điện thoại đời mới". Trước đó vài tháng, Pháp vừa thông qua một bộ luật nhằm nâng cao khả năng bảo đảm mức độ an toàn cho mạng 5G nhưng tránh nêu tên bất kỳ nhà cung cấp nào.

Trên cấp độ toàn khu vực, EU cũng đã quyết định sẽ không cấm "người khổng lồ" viễn thông Trung Quốc Huawei hay bất kỳ công ty nào tham gia xây dựng mạng 5G tại châu Âu, bất chấp sức ép mạnh mẽ từ phía Mỹ yêu cầu các đồng minh tẩy chay công ty Trung Quốc này.

Cho tới nay EU vẫn luôn tìm kiếm một biện pháp trung dung để cân bằng giữa "sự thống trị" của Huawei trong lĩnh vực 5G và những lo ngại về rủi ro an ninh mà phía Mỹ thường xuyên đề cập.

Phát biểu với báo giới hôm 28-1, Ủy viên cấp cao EU ông Thierry Breton cho biết Ủy ban châu Âu (EC) cơ quan điều hành của EU sẽ chính thức công bố các khuyến nghị hướng dẫn các quốc gia thành viên EU trong việc xây dựng hệ thống mạng 5G, theo hướng siết chặt kiểm soát chứ không áp đặt lệnh cấm.

Ông nhấn mạnh: "Đây không phải là vấn đề về phân biệt đối xử mà là việc đặt ra các quy tắc. Các quy tắc này sẽ rất nghiêm khắc, với những yêu cầu đòi hỏi cao và tất nhiên, chúng tôi sẽ chào đón tất cả các công ty - những đối tác sẵn sàng tuân thủ các quy tắc này - đến với châu Âu".

Trong 6 tháng cuối năm 2019, chính Washington đã 3 lần tạm hoãn lệnh trừng phạt Huawei, theo nhịp lên - xuống của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã ngỏ ý "hỗ trợ" tài chính cho hai tập đoàn châu Âu là Nokia và Ericsson, nhằm tạo điều kiện để có một sự cạnh tranh trên thị trường cung cấp mạng 5G bởi theo Washington, "nhiều năm qua, Huawei đã được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dễ dàng cấp tín dụng để trở thành một ông kẹ trong ngành viễn thông của thế giới".

Vấn đề hiện được chính giới và các chuyên gia châu Âu tranh cãi là liệu EU có thể trông cậy vào hai tập đoàn đứng đầu trong ngành viễn thông của họ là Nokia và Ericsson mà không cần đến Huawei của Trung Quốc hay không?

Nam Sơn
.
.