Hy vọng chữa đột quỵ từ nọc độc nhện

Thứ Sáu, 23/06/2017, 14:49
Một phân tử có tên gọi Hi1a được nhóm nhà khoa học từ 2 trường đại học Queensland và Monash (Australia) phát hiện tình cờ sau khi giải trình tự ADN từ nọc loài nhện cực độc Hadronyche infensa ở nước này. Theo các nhà nghiên cứu, Hi1a có thể bảo vệ các tế bào não khỏi bị tổn hại sau cơn đột quỵ, thậm chí hiệu quả bảo vệ kéo dài đến nhiều giờ sau đó.

Vết cắn từ nhện độc Hadronych infensa - tìm thấy nhiều tại 2 bang Queensland và New South Wales của Australia - có thể giết chết một người trong 15 phút, song một phân tử vô hại chứa trong nọc loài này lại có tác dụng bảo vệ các tế bào não sau đột quỵ.

Để nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học thu thập nọc từ 3 con nhện độc bắt được trên bờ biển Orchid nằm cách thành phố Brisbane thuộc bang Queensland khoảng 400km về phía bắc. Đột quỵ xảy ra khi luồng máu đến não bộ bị nghẽn đột ngột khiến cho cơ quan này bị thiếu oxy. Khoảng 85% ca đột quỵ xảy ra do mạch máu bị nghẽn và số còn lại do chảy máy khi mạch máu bị đứt vỡ.

Giáo sư Glenn King.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì đột quỵ - đứng hàng thứ 2 trên thế giới sau những ca tử vong do đau tim. Trong một loạt thí nghiệm tiến hành trên chuột trong phòng thí nghiệm, giáo sư Glenn King ở Trung tâm nghiên cứu cảm giác đau Đại học Queensland nhận thấy chỉ một liều nhỏ phân tử Hi1a cũng bảo vệ được các tế bào thần kinh (neuron) không bị tổn hại do đột quỵ.

Cụ thể là phân tử Hi1a ngăn chặn các kênh ion cảm ứng acid trong não bộ. Trong bài viết đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, giáo sư Glenn King mô tả phương thức hoạt động của Hi1a trong 2 giờ sau khi xảy ra đột quỵ giúp giảm tổn thương não bộ chuột thí nghiệm đến 80%. Thêm vào đó, Hi1a vẫn có được hiệu quả vào 8 giờ sau cơ đột quỵ, giúp giảm tổn thương não khoảng 65% so với những con chuột không được chữa trị bằng phân tử này.

Thu thập nọc nhện độc Australia để nghiên cứu.

Giáo sư King giải thích: "Tình trạng não của những con chuột không được chữa trị bằng Hi1a rất kinh khủng sau đột quỵ. Song, nếu được dùng phân tử này các chức năng não của chúng phục hồi trở lại bình thường". Các nhà nghiên cứu Australia hy vọng sẽ sớm được phép tiến hành những cuộc thí nghiệm ở người với Hi1a trong vòng 2 năm tới. Nếu nghiên cứu ở người thành công, Hi1a sẽ chính thức được sử dụng để điều trị đột quỵ cho bệnh nhân.

Hiện nay, trên thị trường vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào đủ hiệu quả để bảo vệ não bộ nơi bệnh nhân đột quỵ. Thay vào đó, các bệnh viện tốt nhất có thể sử dụng thuốc để phá vỡ huyết khối hoặc lấy nó ra bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch. Nhưng, trước khi sử dụng thuốc làm tan huyết khối, các bác sĩ phải tiến hành scan não bộ để chắc chắn thủ phạm gây đột quỵ là huyết khối hơn là do xuất huyết nội. Nếu như Hi1a được chứng minh an toàn đối với trường hợp chảy máu não thì bệnh nhân có thể được chỉ định dùng phân tử trước khi chuyển đến bệnh viện.

Giáo sư King cho biết: "Thuốc có thể được dùng ngay trên xe cấp cứu đối với phần đông các bệnh nhân đột quỵ trước khi đến bệnh viện nhằm bảo vệ số lớn tế bào não. Điều đó giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong do đột quỵ đồng thời tạo nhiều cơ hội hơn cho sự phục hồi chức năng não". 

Kate Holmes.

Trong khi đó, Kate Holmes, nữ phó giám đốc nghiên cứu của hiệp hội Stroke Association tỏ ý nghi ngờ hiệu quả chữa trị của Hi1a trên con người: "Chúng ta hoan nghênh bất cứ phương pháp điều trị nào hứa hẹn hiệu quả giảm bớt tổn hại não bộ do đột quỵ gây ra, nhất là đối với số bệnh nhân không thể đến bệnh viện trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để có thể tin tưởng vào phân tử Hi1a".

Giáo sư Glenn King giải thích: "Phòng thí nghiệm của tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển dược phẩm chữa trị các dạng rối loạn hệ thần kinh. Nhiều dạng rối loạn liên quan đến các kênh ion hoạt động bất thường (gây động kinh) hay thái quá (gây đau mạn tính và đột quỵ). Đó là lý do chúng tôi tìm kiếm các phân tử có thể điều chỉnh hiệu quả hoạt dộng của các kênh ion trong não bộ. Nọc độc một số loài không xương sống như nhện, rết và bọ cạp chính là giải pháp cho vấn đề của chúng tôi do có yếu tố điều chỉnh kênh ion. Hiện nay, chúng tôi sở hữu bộ sưu tập nọc độc động vật chân khớp thuộc hàng lớn nhất thế giới để phục vụ cho nghiên cứu phát triển dược phẩm chữa trị đột quỵ".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.