Hy vọng mới cho người bị liệt tứ chi

Thứ Sáu, 07/04/2017, 21:00
Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã thử nghiệm thành công hệ thống thần kinh giả giúp người bị liệt tứ chi có thể cử động cánh tay và bàn tay. Nhờ vào công nghệ thần kinh giả, một người đàn ông Mỹ bị liệt từ phần vai trở xuống mới đây đã có thể cử động cánh tay và sử dụng các ngón tay để tự ăn uống. Đây là tiến bộ y học đáng kể nhất tính đến thời điểm này.

Nghiên cứu được thực hiện tại thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ. Bệnh nhân tham gia thử nghiệm là Bill Kochevar (56 tuổi). Mười năm trước, ông gặp phải tai nạn xe đạp và bị thương ở phần đốt sống cổ thứ 4 dẫn đến bị liệt. Hệ thống thần kinh giả hoạt động dựa trên một thiết bị giúp liên kết phần cột sống bị tổn thương với các cơ quan, các điện cực và các dây dẫn truyền thần kinh tương ứng, từ đó nối lại đường truyền giữa não bộ và các cơ tay bị tê liệt.

Thiết bị thử nghiệm bao gồm 2 điện cực được lắp vào trong não bộ và 192 vi điện cực được phẫu thuật cấy ghép tại các bộ phận. Điện cực được cấy lắp ở não sẽ ghi nhận các tín hiệu mệnh lệnh mà não bộ muốn cánh tay và bàn tay thực hiện. 

Bill Kochevar, người bị liệt tứ chi suốt 10 năm, nay đã có thể cử động nhờ hệ thống thần kinh giả.

Sau đó, mệnh lệnh sẽ được các điện cực ở cơ tiếp nhận và dẫn truyền lại cho 36 điện cực được cấy ở cánh tay và cẳng tay. Với đường truyền tín hiệu này, Kochevar có thể ra lệnh cho cánh tay cử động để uống một ngụm cà phê, gãi mũi hoặc ăn khoai tây nghiền. Cánh tay thật trên cơ thể cần có thêm hỗ trợ của một cánh tay máy di động để khắc phục ảnh hưởng của trọng lực. Cánh tay hỗ trợ cũng được kết nối với não.

Trích dẫn hãng tin AFP, Tiến sĩ Bolu Ajiboye, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Theo như chúng tôi biết, đây là thử nghiệm đầu tiên thành công trên thế giới về việc người bị liệt hoàn toàn sử dụng gián tiếp suy nghĩ của mình để điều khiển cánh tay và bàn tay thực hiện những cử động chức năng".

Trước đó cũng từng có nhiều nghiên cứu tương tự được thực hiện, dựa trên ý tưởng công nghệ thần kinh giả. Năm ngoái, một thanh niên người Mỹ tên là Ian Burkhart, đã thành công khi điều khiển tay của mình thông qua một tương tác giữa não bộ và giao diện máy tính. Nhưng theo các tác giả của nghiên cứu mới, thiết bị của Burkhart chỉ dùng được trong những trường hợp bị tê liệt nhẹ.

Trong một bài viết được đăng trên tạp chí The Lancet, Tiến sĩ Steve Perlmutter thuộc Đại học Washington khẳng định nghiên cứu này đã tạo ra sự đột phá. Theo ông, đây là lần đầu tiên một người bị tê liệt tứ chi có thể thực hiện những cử động cơ thể kết hợp nhiều bộ phận gồm tay, khuỷu tay và vai, nhờ vào suy nghĩ vận động của thần kinh giả. "Tuy nhiên, phương pháp điều trị này chưa được sử dụng bên ngoài phòng thí nghiệm".

Ông cho biết các cử động của thiết bị vẫn khá chậm và thiếu chính xác. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều trở ngại khác cần phải vượt qua như vấn đề thu nhỏ hệ thống thiết bị và giá cả.

Đan Kô (theo The Lancet)
.
.