Iran có thể giáng đòn hạt nhân phủ đầu vào châu Âu?

Thứ Bảy, 18/03/2017, 08:30
Theo nguồn tin từ các tổ chức đối lập Iran buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, thì Tehran đã và đang âm thầm xúc tiến chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của mình - dưới sự trợ giúp của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.

Đồng thời họ cũng chỉ ra 15 địa điểm cụ thể có khả năng sản xuất và tàng trữ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, với nguồn kinh phí chừng 1,2 tỉ USD đã được chính thể Hồi giáo Iran chi ra cho mục đích "răn đe hạch tâm" này…

"Tại khu vực Trung Cận Đông đang âm ỷ tồn tại một "cơn sốt hạch tâm", có thể đe dọa trực tiếp tới một loạt các quốc gia ở Nam Âu, trong đó bao gồm cả những thành viên thuộc NATO như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Pháp - "siêu cường hạt nhân" kỳ cựu nữa - cũng không loại trừ", đó là một đoạn trích dẫn trong bản báo cáo tuyệt mật mới đây của Cơ quan Tình báo CHLB Đức (BND), được đăng tải trên tạp chí Focus đầy uy tín qua một nguồn cung cấp thông tin khuyết danh có cơ sở.

Một nhân viên kỹ thuật tại tổ hợp nghiên cứu hạt nhân Isfahan.

Còn theo các tổ chức Iran có nhãn quan chính trị đối lập, thì hiện ở quốc gia thuộc dạng "nghèo khó và kém phát triển" này đã xuất hiện một chương trình nhằm hoàn tất thứ vũ khí có tầm hủy diệt đáng sợ: tên lửa mang đầu đạn hạch tâm với tầm hoạt động trong vòng bán kính tới 2.000km. Chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo của Iran được biết đến dưới mật danh "Sikhab -4", dựa trên "nguyên mẫu" của hỏa tiễn tầm trung "SS -4" dưới thời Liên Xô trước đây.

Theo giới chuyên gia am hiểu, thì chỉ trong vòng 2 năm nữa, tức là vào khoảng đầu năm 2019, người Iran sẽ có trong tay thứ vũ khí "răn đe" đáng sợ của mình.

Bất chấp những lời khẳng định từ phía Iran, rằng chương trình phát triển hạch tâm của họ chỉ "thuần túy vì mục đích hòa bình" mà thôi, sự rò rỉ từ các nguồn tin tình báo tuyệt mật vẫn khiến cả giới quân sự lẫn chính khách ở Tây Âu… lo ngại.

Vẫn theo tin tình báo có cơ sở, thì cách đây nhiều năm, Tehran đã nhận được sự trợ giúp kỹ thuật làm giàu uranium - thứ nguyên liệu không thể thiếu trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử - từ Pakistan, qua phương cách khí ly tâm. Đây là một trong những kỹ nghệ tiên phong trong lĩnh vực hạt nhân quân sự. Sau đó dưới vỏ bọc khuếch trương "kỹ nghệ chế biến sữa", Iran đã thành công trong việc thuyết phục một loạt các công ty phương Tây cung cấp cho họ hệ thống ống thép chất lượng cao, có thể đem lắp đặt thoải mái vào các công xưởng chế tạo vũ khí hạch tâm.

Toàn cảnh trung tâm nguyên tử Bushehr nhìn từ vệ tinh.

Điều này đồng nghĩa với việc: hoặc là giới kỹ nghệ gia Tây phương chẳng cần lưu tâm tới mục đích "mua sắm đồ sộ" từ Tehran; hoặc là theo nguyên tắc kinh doanh muôn thuở "lợi nhuận trên hết" miễn có lời là được, còn hậu quả muốn ra sao thì ra(!).

Khoảng 3.000 chuyên gia và nhân viên kỹ thuật đang ngày đêm miệt mài làm việc tại Isfahan - tổ hợp nghiên cứu hạt nhân lớn nhất Iran. Còn trung tâm nguyên tử ở Bushehr khởi sự bởi kỹ nghệ Đức hơn 4 thập niên trước qua Hãng Siemens, sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 bị bỏ dở, đã được người Nga giúp hoàn tất việc khôi phục các lò phản ứng… Một cuộc "chạy đua hạch tâm" đang thực sự tồn tại ở Iran.

Tuy nhiên cũng có những nguồn tin mật "đỡ lo" hơn, rằng hiện Tehran vẫn chưa có đủ lượng nguyên liệu chiến lược tối thiểu để phát triển vũ khí mới, cho dù gián điệp Iran được lệnh lùng mua chúng khắp nơi - kể cả trên thị trường chợ đen quốc tế.

Một nguồn tin khác: lực lượng phản gián Anh cảnh báo là Iran đang "bắc cầu" qua ngả Afghanistan, nhằm mua nguồn uranium giàu "rơi rớt" lại từ các quốc gia thuộc khối Liên minh quân sự Warsaw cũ.

Thu Hường (theo Focus)
.
.