Khách sạn tự cung cấp năng lượng đầu tiên trên thế giới

Thứ Ba, 17/04/2018, 16:58
Theo dự án, khách sạn Svart – khách sạn tự cung cấp năng lượng đầu tiên trên thế giới -được thiết kế theo kiểu tàu vũ trụ với hình dạng đĩa bay UFO.

Khi du lịch đến vùng bờ biển Helgeland ở miền bắc Na Uy, chúng ta không nên bỏ qua con sông băng Svartisen bên sườn núi Almlifjellet và cảnh quan xinh đẹp của vịnh Holandsfjorden. Trong môi trường thiên nhiên trong lành còn hoang sơ này, du khách có thể bắt gặp Svart – khách sạn tự cung cấp năng lượng đầu tiên trên thế giới dự kiến sẽ mở cửa đón khách vào năm 2022. Theo dự án, khách sạn được thiết kế theo kiểu tàu vũ trụ với hình dạng đĩa bay UFO.

Mẫu thiết kế hình tròn của toà nhà khách sạn.

Được thiết kế bởi công ty kiến trúc quốc tế Snohetta ở thủ đô Oslo của Na Uy, thuộc sở hữu của công ty Thám hiểm Bắc Cực Na Uy (Artic Adventure of Norway) và công ty bất động sản MIRIS, khách sạn Svart sẽ khai thác năng lượng địa nhiệt và năng lượng mặt trời để tạo ra lượng năng lượng dư thừa có thể được chuyển trở lại lưới điện.

Zenul Khan, giám đốc dự án Svart của Snohetta, cho biết: “Điều kiện tự nhiên ở Bắc Cực vốn mỏng manh và hoang sơ. Chúng ta cần phải tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên trong khu vực và không phá hỏng những gì đã khiến cho Svartisen trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Do đó, với dự án xây dựng công trình bền vững như vậy, chúng tôi cố gắng khuyến khích cách tiếp cận du lịch bền vững bằng cách nâng cao ý thức của mọi người về cách chúng ta trải nghiệm những địa điểm xinh đẹp một cách kỳ lạ”.

Vòng Bắc Cực có sức quyến rũ hết sức kỳ bí đối với những người tìm kiếm sự trải nghiệm nơi một trong những khu vực hẻo lánh nhất thế giới trước khi nó tan chảy. Năm 2015, khoảng 3,6 triệu du khách tìm đến Na Uy – tăng 12% so với năm 2014. Đó là lý do thôi thúc công ty Thám hiểm Bắc cực Na Uy sáng tạo những cách bền vững để khám phá vẻ đẹp tự nhiên của Na Uy.

Trine Stolsnes, giám đốc tiếp thị công ty Thám hiểm Bắc cực Na Uy, bình luận: “Trong vài năm qua, khu vực phải hứng chịu áp lực nặng nề do số lượng du khách tăng nhanh. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng con sông băng Svartisen, cũng như phần còn lại trong khu vực, có thể thích ứng với sự tăng trưởng của ngành du lịch đồng thời vẫn gìn giữ an toàn cho cảnh quan thiên nhiên”.

Đó là lý do ra đời dự án khách sạn Svart tự cung và sản xuất nhiều năng lượng tái chế hơn mức nó sử dụng.

Trine Stolsnes nhấn mạnh: “Các chủ khách sạn phải chịu trách nhiệm đồng thời bảo đảm rằng du khách hiểu rõ vai trò của họ khi đến thăm một môi trường tự nhiên như thế này”. Svart được xây dựng từ vật liệu địa phương như đá và gỗ bền vững trước thời tiết. Không giống như xi măng hay thép, nguyên liệu tự nhiên sẽ xóa mờ dấu ấn carbon.

Các hệ thống tòa nhà khách sạn được xây dựng một cách hợp lý bao gồm hệ thống thông gió, làm mát và sưởi ấm yêu cầu sử dụng năng lượng luôn ở mức thấp nhất. Ví dụ như khu vực sân thượng râm mát giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng thiết bị điều hòa trong suốt mùa hè, trong khi các giếng địa nhiệt cho phép sưởi ấm tòa nhà vào mùa đông. Zenul Khan bảo đảm: “Chúng tôi có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng đến 85% so với những khách sạn hiện đại khác”.

Năng lượng Mặt trời giúp cho khách sạn Svart có tính hiệu quả bền vững. Vào mùa hè, các cột chống của khách sạn đóng vai trò như một lối đi tản mát bằng gỗ; còn vào mùa đông, lối đi này có thể được dùng làm nơi chứa thuyền bè. Cách duy nhất để tiếp cận khu vực xung quanh khách sạn là di chuyển bằng thuyền. Dự án còn bao gồm kế hoạch xây dựng một tuyến giao thông đường thuỷ trung hoà về năng lượng kết nối thành phố gần nhất, Bodo, đến khách sạn.

Kjetil Thorsen, nhà đồng sáng lập công tySnohetta, phát biểu: “Việc xây dựng trong một môi trường quý giá như vậy đòi hỏi đi kèm với bổn phận rõ ràng về bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên, cũng như thảm động thực vật của khu vực. Điều quan trọng đối với chúng tôi là thiết kế ra một toà nhà bền vững, để lại thật ít dấu ấn môi trường lên vùng thiên nhiên phương bắc xinh đẹp này”.

Xét từ góc độ môi trường, nhiều chiến lược đã được vận dụng để bảo đảm cho khách sạn có khả năng tự cung cấp năng lượng.

Trước hết, Snohetta vạch ra một sơ đồ bao quát về hoạt động của bức xạ mặt trời trong tương quan với bối cảnh núi non trong suốt một năm, để dựa vào đó mà thu được lượng năng lượng nhiều nhất.

Kết quả nghiên cứu này là tiền đề quan trọng cho mẫu thiết kế hình tròn của toà nhà khách sạn. Các phòng khách sạn, nhà hàng và hành lang đều được bố trí theo lối chiến lược nhằm mục đích khai thác năng lượng mặt trời trong ngày và theo mùa. Trên nóc khách sạn là những tấm pin mặt trời chiếm diện tích 4.800 mét vuông. Những tấm pin này được Na Uy sản xuất bằng năng lượng khí hydro sạch, góp phần làm giảm dấu ấn carbon nhiều hơn nữa.

Do đêm mùa hè dài hơn bình thường, nguồn năng lượng mặt trời được sản sinh ra hằng năm ở đây cao hơn hẳn mức năng lượng thu được ở khu vực phía nam. Các mặt tường công trình bảo vệ nó khỏi ánh nắng gay gắt mùa hè khi mặt trời lên cao, do đó khách sạn không cần đến hệ thống làm mát nhân tạo. Vào những tháng mùa đông, khi mặt trời xuống thấp, các ô cửa sổ lớn cho độ phơi sáng tối đa, giúp khách sạn khai thác nguồn nhiệt lượng thiên nhiên.

Diên San (tổng hợp)
.
.