C17 - siêu vận tải quân sự đưa Bệnh viện dã chiến Việt Nam đến Nam Sudan
- Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam không vận tới Nam Sudan bằng C-17
- Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan
Theo tin từ Đại sứ quán Australia, siêu vận tải quân sự C17 đã rời TP Hồ Chí Minh đi Nam Sudan vào sáng sớm 2-10 và đợt chuyển quân thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra sau khoảng 2 tuần để chuyên chở số nhân sự và trang thiết bị còn lại của bệnh viện dã chiến cấp 2.
Tổng cộng, máy bay C17 Globemaster III của Australia chở toàn bộ 63 quân nhân và 64 tấn hàng hoá phục vụ việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam ở Nam Sudan. Phó Tư lệnh Tác chiến Liên quân Australia, Thiếu tướng Gregory Bilton nói: "Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình cấp đơn vị đầu tiên của Việt Nam tại một phái bộ của LHQ là một dấu mốc quan trọng. Hoạt động không vận và những hỗ trợ khác của Australia cho việc triển khai này thể hiện cam kết chung của hai nước đối với LHQ, an ninh toàn cầu cũng như mối quan hệ song phương vững mạnh".
Cận cảnh C17 Globemaster III. |
Cũng theo lời Thiếu tướng Gregory Bilton, Australia có một đội gồm 8 chiếc C17 Globemaster III do hãng Boeing của Mỹ sản xuất. Đội siêu vận tải quân sự này thuộc biên chế Lực lượng Không quân Australia, cho phép nước này nhanh chóng triển khai quân đội, vật tư, phương tiện chiến đấu, thiết bị hạng nặng và trực thăng ở bất cứ đâu trên thế giới. Cả 8 chiếc này đều đỗ tại căn cứ RAAF Base Amberley và được điều hành bởi Không đội số 36. Những năm gần đây, đội bay này thường cung cấp hậu cần cho Không quân Australia ở Trung Đông, Afghanistan và Đông Timor.
Tờ The Australia dẫn một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Australia cho biết, Australia lần đầu tiên giới thiệu phi đội gồm 4 chiếc C17 Globemaster III từ năm 2006 và đến năm 2008, 2011, 2012 và 2015, nước này đã lần lượt mua bổ sung thêm 4 chiếc nữa. Một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Australia lý giải về việc gia tăng số lượng cho phi đội siêu vận tải này như sau: "Australia là một quốc gia lớn. Khoảng cách bờ biển đến bờ biển gần bằng với New York đến Los Angeles. Máy bay vận tải chiến thuật như C-130J Hercules và C-27J Spartan là cần thiết trong nước nhưng Australia cũng cần một phương tiện vận chuyển lớn hơn, Chính phủ Australia đã tổng hợp và lựa chọn chiếc C17 Globemaster III vì nó có thể chở được tới 4 chiếc C-130 Hercules và bay gấp đôi C-130 Hercules".
Trên thực tế, C17 Globemaster III hiện là máy bay vận tải quân sự lớn nhất của Không quân Australia và thế giới. Khả năng trọng tải tối đa của nó là 77.500kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 265.350 kg. Độ cao hành trình của C17 Globemaster III là 8.500m và máy bay vận tải này có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 830km/h; bay một mạch tới 10.000km (phụ thuộc vào khối lượng chuyên chở). Tính năng có thể tiếp dầu trên không giúp tăng quãng đường bay được của C17 Globemaster III.
Thêm vào đó, C17 Globemaster III còn được thiết kế để hoạt động trên cả đường băng ngắn 900m và hẹp 27m. Trên các đoạn đường băng ngắn, các bộ đảo chiều đẩy được sử dụng để quay trở lại máy bay và hướng ngược lại trên các đường lăn hẹp, sử dụng hệ thống điều khiển ba điểm hoặc nhiều điểm. Thậm chí, C17 Globemaster III còn có thể hoạt động từ đường băng chưa được trải nhựa, chưa được cải tiến, mặc dù điều này hiếm khi được thực hiện bởi các máy bay vận tải quân sự khác.
C17 Globemaster III được thiết kế để bay với 102 binh sĩ và thiết bị. Theo điều kiện của Australia, siêu vận tải quân sự này cũng có thể mang theo một xe tăng Abrams M1 60 tấn. C17 Globemaster III được thiết kế tối ưu giúp phi công, chuyên gia bốc dỡ và nhân viên bảo dưỡng dễ dàng vận hành.
Siêu vận tải này cũng có hệ thống màn hình nổi (heads-up display - HUD) và hệ thống điều khiến cải tiến cho phi công; sàn chở hàng có thể tháo dỡ, lắp đặt lại dễ dàng giúp chuyên gia bốc dỡ hàng hóa có thể xếp dỡ hàng nhanh hơn; có các tấm pa-nel lớn và máy tính hỗ trợ nhân viên kỹ thuật đảm nhận các công việc bảo dưỡng máy bay. Một điểm khác biệt nữa giữa C17 Globemaster III và các máy bay vận tải khác là nó được trang bị thiết bị phòng thủ tác chiến điện tử. Tổ bay có thể vận hành máy bay sử dụng các thiết bị tác chiến trong đêm. Máy bay có khả năng thả hàng hóa từ trên không và hỗ trợ lính nhảy dù...
Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Craig Chittick nói: "Việc sử dụng máy bay vận tải của Australia để chuyển quân và thiết bị của bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam cho thấy sự hợp tác và tin cậy ở mức độ cao giữa Lực lượng Quốc phòng Australia và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là hoạt động tuyệt vời để kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Australia - Việt Nam và 20 năm quan hệ quốc phòng giữa hai nước".
Hoạt động không vận này cũng là điểm nhấn trong những hỗ trợ của Australia nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu triển khai hoạt động tại một phái bộ gìn giữ hoà bình của LHQ. Bên cạnh việc điều C17 Globemaster III chuyên chở binh sĩ và thiết bị của bệnh viện dã chiến, Australia cũng đã tổ chức huấn luyện chuyên môn về gìn giữ hoà bình và đào tạo tiếng Anh cho các binh sĩ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; cũng như cung cấp một số trang thiết bị quan trọng phục vụ việc triển khai bệnh viện dã chiến này của Việt Nam.
Được biết, hiện tại, một đơn vị của Lực lượng Quốc phòng Australia có tên gọi là Chiến dịch ASLAN, gồm 25 nhân sự đang được triển khai tại Phái bộ của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS).