Khi AI được triển khai trong chiến sự xe tăng
- Nga âm thầm đưa thêm xe tăng đến Syria khi chảo lửa Idlib "cháy rực"1
- SUV phiên bản xe tăng có thể… xuống địa ngục
- Lái xe tăng dạo chơi trên phố vì… say rượu
"Trợ lý AI" cho xe tăng
Trên chiến trường truyền thống, các chỉ huy chiến trường có thể bị choáng ngợp với một khối lượng dữ liệu khổng lồ từ phi đội máy bay không người lái, vệ tinh và máy bay do thám "truyền thống". Để khắc phục vấn đề này, quân đội Mỹ đã khởi động dự án phát triển AI để phân tích dữ liệu và đưa ra những chiến lược hiệu quả nhất khi đối phó với diễn biến tình hình chiến trường thực địa.
Riêng đối với chiến sự sử dụng xe tăng, đây là một cuộc chiến không dễ đoán định khi các cỗ máy xe tăng cồng kềnh lăn bánh di chuyển trên các chiến tuyến mở. Ví dụ, hồi tháng 7-1943, giới hoạch định chính sách cho quân đội Đức cho rằng đà tiến quân của họ ở thành phố Kursk của Nga sẽ kết thúc trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, nỗ lực đó kéo dài gần 2 tháng trời và rốt cục thất bại.
Xe tăng hùng mạnh nhất thế giới trở nên vô dụng nếu đến chiến trường quá muộn. |
Ngay cả Cuộc chiến tranh Baghdad năm 2003, trong đó, các lực lượng của Mỹ sở hữu ưu thế vượt trội về không quân cũng đã kéo dài 1 tuần lễ. Đối với chiến sự tương lai, tiến trình hoạt động như vậy là quá chậm chạp. Để khắc phục tình huống này, quân đội Mỹ đã triển khai Dự án Quarterback, để tăng tốc độ hoạt động của các phương tiện bọc thép bằng cách đồng bộ hóa dữ liệu trận chiến bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Chương trình hoàn toàn mới này nhằm cung cấp cho đội xe tăng một "trợ lý AI" có thể giúp thâu tóm và bao quát toàn bộ chiến trường, thu thập tất cả dữ liệu sẵn có trên chiến trường, từ máy bay không người lái, radar, robot trên mặt đất, vệ tinh, máy chụp ảnh được gắn trong kính bảo hộ của binh sĩ.
Sau đó, "trợ lý AI" này sẽ phân tích dữ liệu rồi đưa ra một chiến lược tốt nhất để đánh bại kẻ thù với bất kỳ loại vũ khí nào họ có. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy mạnh quá trình ra quyết định trong cuộc chiến.
Dự tính, việc đưa AI vào chiến sự xe tăng sẽ tăng tốc độ xử lý tình huống lên ít nhất 6 lần so với một cuộc chiến có chỉ huy là con người thực hiện. Nói cách khác, Quarterback sẽ giúp đội ngũ chỉ huy hoàn thành 2 nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn và mau lẹ hơn: Đó là nắm bắt được chính xác những gì đang diễn ra trên chiến trường rồi sau đó lựa chọn chiến lược phù hợp nhất dựa trên những khí tài sẵn có kèm theo các yếu tố khác.
Theo ông Kevin McEnery, Phó Giám đốc Nhóm đa chức năng phương tiện chiến đấu thế hệ mới thuộc Quân đội Mỹ, thông thường, phải mất 96 tiếng đồng hồ để các hiển thị màn hình bản đồ đơn giản đồng bộ hóa với chu kỳ mục tiêu của một sư đoàn hoặc lữ đoàn. Giờ đây, quá trình này giảm lượng thời gian xuống còn "96 giây" với sự trợ giúp của AI.
Ông McEnery giải thích thêm rằng tất cả các chủng loại thiết bị cảm biến quân sự hiện tại và tương lai, khí tài hàng không, khí tài chiến tranh điện tử, khí tài mạng, các hệ thống bay không người lái hoặc dưới mặt đất không người lái, các phương tiện có người lái thế hệ mới và binh sĩ ở bên ngoài phương tiện chiến đấu sẽ phát hiện và định vị kẻ thù trên trận chiến.
Quá trình phát hiện và định vị mối đe dọa này cần sự hỗ trợ của một hệ thống AI, thu thập và tổng hợp dữ liệu về mối đe dọa đó với các dữ liệu cảm biến khác, sau đó truyền dữ liệu này đến các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, để tiếp đó đưa ra khuyến nghị đến các chỉ huy ở các cấp về loại vũ khí chiến đấu tốt nhất đem lại hiệu quả lớn nhất. Loại vũ khí được khuyến nghị này có thể là chiến đấu cơ F-35, lựu pháo tầm bắn mở rộng hoặc một phương tiện được điều khiển từ xa.
Như vậy, quân đội Mỹ không chỉ dừng lại ở công cụ giúp mô hình hóa dữ liệu mà còn nhiều hơn thế. Quân đội Mỹ muốn AI trợ giúp bằng cách vạch ra chiến lược chiến đấu, như nhận định của Trung tá Jay Wisham, một trong những chỉ huy chương trình.
Giải thích cho nhận định này, ông đã nêu một loạt câu hỏi: "Bạn muốn đưa ra quyết định dựa trên [dữ liệu chiến trường] như thế nào? Làm thế nào để bạn muốn chọn cách hiệu quả nhất để ngắm bắn một mục tiêu, dựa trên xác suất bắn trúng và xác suất tiêu diệt mục tiêu? Bạn có sẵn hỏa lực tấn công gián tiếp mà bạn có thể yêu cầu hay không? Bạn có khí tài thực sự để có thể yêu cầu hay không? Liệu tôi có thể gửi cho bạn một công cụ trợ giúp vì những lý do nào đó hay không?".
Tất cả những câu hỏi này được giải đáp bằng cách quay trở lại khái niệm về cách thức bạn có thể đưa ra một quyết định sáng suốt hơn và mau lẹ hơn. Và người đưa ra quyết định đó có thể là một chỉ huy xe tăng hoặc có thể là một chỉ huy tiểu đoàn.
Mục tiêu lâu dài
Mục tiêu lâu dài là phát triển hệ thống AI có thể đánh giá tình huống chiến thuật và đưa ra các mệnh lệnh cho các lực lượng robot chiến đấu hoặc các lực lượng con người một cách nhanh chóng và tin cậy hơn so với mệnh lệnh do con người đưa ra. Đó là lý do vì sao Dự án Quarterback này đi kèm với các robot chiến đấu thế hệ mới hoạt động dựa trên sự điều hành của AI. Các robot này có thể chiến đấu theo nhóm với sự can thiệp ít nhất của con người.
Sự hỗ trợ của AI trong việc ra quyết định giúp tối đa hóa hiệu quả hoạt động của vũ khí truyền thống cũng như robot chiến đấu. |
Như vậy, các kế hoạch trong tương lai của quân đội Mỹ không chỉ phụ thuộc nhiều vào AI mà còn vào robot hoạt động trên mặt đất được tích hợp trí tuệ hơn bất kỳ loại robot nào khác.
Hiện nay, một nhân viên điều hành trong quân đội Mỹ có thể điều khiển khoảng 2 robot trên mặt đất. Quân đội Mỹ dự định sẽ nâng tỷ lệ này lên thành một người điều khiển 12 robot. Điều này đòi hỏi những loại robot trong tương lai này không chỉ thu thập dữ liệu hình ảnh mà còn hiểu và nhận thức được bối cảnh xung quanh chúng, chỉ định (mặc dù ở giai đoạn đầu) các vật thể thuộc phạm vi nhận thức của chúng. Những robot đó sẽ phải đưa ra các quyết định với sự kiểm duyệt và giám sát tối thiểu của con người.
Trong suốt quá trình thử nghiệm, vốn do phòng nghiên cứu của quân đội Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu Đại học Carnegie Mellon đã trình bày các cuộc thử nghiệm về robot trong đó robot hoạt động trên mặt đất có thể thu thập dạng thông tin tình báo, tự đánh giá thông tin và thậm chí giải mã ý nghĩa của việc di chuyển "bí mật" với mệnh lệnh tối thiểu từ con người.
Việc dựa vào sự hỗ trợ của những robot kiểu này sẽ đòi hỏi sự phụ thuộc lớn hơn vào các hệ thống trí tuệ nhân tạo lớn và nhỏ vốn có thể đưa ra các kết luận thông qua việc lý giải mạng thần kinh nhân tạo hoặc lý giải dựa trên quá trình học sâu. (Học sâu là một nhánh của phương pháp học máy dựa trên một tập hợp các thuật toán để cố gắng mô hình dữ liệu trừu tượng hóa ở mức cao bằng cách sử dụng nhiều lớp xử lý với cấu trúc phức tạp, hoặc bằng cách khác bao gồm nhiều biến đổi phi tuyến).
Lúc này, một câu hỏi nảy sinh là mức độ tin cậy như thế nào trong bối cảnh robot hoạt động tự động trên chiến trường và đưa ra những mệnh lệnh với sự trợ giúp của AI trong khi sự giám sát của con người gần như chỉ là con số không. Nói cách khác, đội ngũ chỉ huy và binh sĩ sẽ phải trở nên yên tâm hơn với các robot và phần mềm vốn đưa ra các kết quả thông qua các quá trình mà không thể giải thích một cách dễ dàng, ngay cả bởi những người lập trình tạo ra chúng.
Vấn đề độ tin cậy
Theo Trung tá Wisham, cách thức để phát triển niềm tin chính là cách mà con người phát triển niềm tin đối với một người khác, một cách chậm chạp song với nhiều thực hành. Ông giải thích: "...Nếu bạn biết cách chứng minh cho một binh sĩ nào đó rằng công cụ hoặc hệ thống này hoạt động tương đối tốt và có những công dụng bổ sung thì họ sẽ tin tưởng bạn một cách nhanh chóng".
Xe tăng tự quản có thể được sử dụng trên chiến trường. |
Một điểm đáng lưu tâm là Dự án Quarterback không chỉ là dự án duy nhất trên thế giới hiện nay được thiết kế để đưa robot chiến đấu hoạt động thay cho binh sĩ thật. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Bae Systems của Anh cũng đang nghiên cứu về xe tăng chiến đấu tự quản vốn sẽ không cần binh sĩ thật trên chiến trường thực địa.
Cụ thể, tập đoàn này đang hợp tác với quân đội Australia để nghiên cứu đưa AI vào quá trình điều hành 2 xe thiết giáp chở quân M113 AS4 của lục quân Australia. Tập đoàn BAE cho biết quân đội Australia sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm để "đánh giá tốt hơn các cơ hội triển khai tính tự động trên chiến trường".
Kênh truyền hình CNBC của Mỹ cho hay các cuộc thử nghiệm sẽ được hoàn tất vào tháng 10. Nếu thành công, các phương tiện xe bọc thép này có thể giúp thực hiện cả các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và công tác hỗ trợ trên chiến trường.
Ông Brad Yelland, trưởng bộ phận công nghệ của BAE Systems tại Australia, cho biết các phương tiện bọc thép này sẽ đáp ứng được "một môi trường chiến sự diễn biến nhanh" nhờ sự trợ giúp của công nghệ tự quản, đem lại khả năng tư duy vượt trội, di chuyển nhanh vượt trội và hành động vượt trội để đối phó với các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống.
Những quan ngại
Việc khởi động Dự án Quarterback nói trên diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại ngày càng gia tăng về việc sử dụng AI trong một cuộc chiến tranh thực sự. Vì vậy, việc sử dụng xe tăng tự quản trong khuôn khổ dự án nói trên làm nảy sinh lo sợ rằng chúng có thể vô tình phát động một cuộc chiến.
Các nhà tương lai học nhận định những nhà chế tạo robot không tuân thủ hướng dẫn có nguy cơ khiến robot "phản lại" con người. Tiến sĩ Ian Pearson, từng là chuyên gia điều khiển học, cho rằng loài người có nguy cơ đối mặt với "sự nổi dậy của robot" trong tương lai.
Chiến dịch Ngăn chặn Robot giết người, viết tắt là CSKR, tổ chức quốc tế tập hợp các tổ chức phi chính phủ của những người tìm cách ngăn cấm trước các vũ khí sát thương tự động được sử dụng để giết người, đang thúc đẩy áp dụng các luật lệ để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí tự động trong đó có cả các robot chiến đấu. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết các nước hàng đầu thế giới đang đẩy mạnh việc phát triển công nghệ (vũ khí tự động) với tốc độ báo động.
Hồi đầu tháng 9, Tiến sĩ Pearson cũng cảnh báo cách thức robot có thể được các cá nhân và tổ chức triển khai làm nhiệm vụ ám sát hoặc sử dụng trong hoạt động gián điệp.
Tuy nhiên, điều đáng sợ là robot có thể thay đổi ngoại hình chỉ trong giây lát để che giấu tội ác và khiến cảnh sát không thể truy lùng tội phạm. Ben Donaldson, một thành viên của CSKR bình luận: "Chúng ta đang ở bờ vực của một thế hệ mới các hệ thống vũ khí có thể giết người mà không cần sự kiểm soát của con người".
Cơ chế hoạt động tự chủ đang len lỏi vào các hệ thống vũ khí đã được triển khai hoặc chuẩn bị được triển khai, từ súng máy di động của Hàn Quốc vốn có thể tự động nhận dạng và tấn công đối phương đến máy bay không người lái tấn công tự sát Harop của Israel có khả năng nhận dạng, lựa chọn và nã hỏa lực vào các mục tiêu đang di chuyển mà không cần sự giám sát của con người.