Khi bị rắn độc cắn…
- Đi bắt cua, học sinh lớp 5 bị rắn cắn tử vong
- Bé gái suýt mất chân vì rắn cắn
- Bé trai 5 tuổi bị rắn cắn ngay tại nhà
Mất vài trăm triệu chưa chắc cứu được
Bác Nguyễn Như Phán, 70 tuổi, ở xã Yên Cường, Ý Yên, Nam Định, vẻ mặt thẫn thờ, bất lực ngồi bên giường bệnh đọc kinh, cầu mong Trời, Phật che chở cho vợ. Tai họa ập đến làm bác choáng váng nhưng chẳng biết làm gì, chỉ mong cứu được bác gái cho dù vay lãi cắt cổ... "Hôm ấy bà nhà tôi đi cắt cỏ bò, đến tối thì thấy sốt, nóng hầm hập rồi tím tái, co giật... Tôi hỏi thì bà ấy bảo lúc chiều bị rắn cắn. Cả nhà hốt hoảng đưa đi cấp cứu. Giờ bà ấy nằm đây, chẳng biết sống chết ra sao nữa mà tiền điều trị đã hết 225 triệu rồi...".
BS Lê Quang Thuận, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân ái ngại: "Bác Lan được chuyển đến đây từ ngày 19-11-2016, trong tình trạng lơ mơ, liệt toàn thân, ghi điện cơ thấy các dây thần kinh tổn thương nặng, suy thận, toan (axit) chuyển hóa nặng, sốc, trụy tim mạch... phải lọc máu liên tục.
Hoại tử vùng chi bị rắn cắn. |
Đến hôm 27-12 đã cử động được chút ít, nhưng vẫn mê man, không tự thở được, phải thở máy liên tục qua đường mở khí quản, khả năng hồi phục khó khăn phải điều trị lâu dài mà lại không có bảo hiểm y tế”. Trước tình cảnh ấy, Trung tâm Chống độc và Phòng Công tác xã hội BV đã kêu gọi giúp đỡ được 6 triệu đồng cho bác Lan, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
Anh Nguyễn Văn Thiên, ở xã Trung Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đi soi lấy tổ chim bị rắn cạp nia cắn. Đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, đã liệt tứ chi, đồng tử giãn, rối loạn hô hấp... Ngay lập tức, phải chỉ định thở máy, điều trị tích cực...
Sau 2 tuần, sức khỏe đã hồi phục khoảng 60%, nhưng lại biến chứng tiêu cơ vân (các cơ toàn thân, trừ cơ tim; cơ đường tiêu hóa, bàng quang,...) gây suy thận do protein cơ hoại tử, thải trừ qua đường thận, nếu không điều trị sẽ tử vong.
Bệnh nhân không còn nguy hiểm bởi nọc rắn nhưng lại khó toàn mạng vì suy thận và các bác sĩ lo lắng khi gia đình muốn xin về vì đã kiệt quệ. Không có bảo hiểm y tế, lại nằm phòng hồi sức tích cực hơn một tháng, số tiền phải nộp đã hơn 300 triệu... Vợ chồng anh làm nông, phải nuôi hai con ăn học...
Số người bị rắn độc cắn rất lớn nhưng người dân còn xem thường!
Hàng năm, các tỉnh, thành đều có số lượng lớn người bị các loại rắn độc cắn, đặc biệt, từ mấy năm nay số ca rắn lục đuôi đỏ (ĐĐ) cắn tăng vọt. Hàng năm Viện Nhiệt đới TP. HCM nhận 800 - 1.000 ca rắn độc cắn. Đến đầu tháng 11-2014, Trại rắn Đồng Tâm, Long An, đã cấp cứu, điều trị 1.236 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có gần 70% là rắn độc như cạp nia, chàm quạp, lục, hổ mèo, hổ đất…, số ca bị rắn lục ĐĐ cắn là 856. Mỗi năm trại cấp cứu điều trị 500 - 600 ca rắn độc cắn.
Đến cuối tháng 11-2016, BV tỉnh Phú Yên đã chữa trị cho 141 ca bị rắn lục ĐĐ cắn; hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có trên 40 người nhập viện vì loại rắn này. Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai, Vĩnh Long, Lâm Đồng và TP Cần Thơ, Đà Nẵng, TP. HCM... đều có rất nhiều người bị rắn lục ĐĐ cắn...
Chân cháu bé ở Bình Thuận bị rắn hổ mèo cắn. |
Thông thường, hầu hết các loài rắn chỉ cắn người khi vô tình đi vào chỗ chúng đang ẩn nấp hoặc rình mồi, làm chúng lầm tưởng bị "tấn công". Riêng rắn lục thì thấy nhiều trường hợp chủ động tấn công người (hoặc vật) trước dù không kích động chúng. Nói đến rắn lục, ai cũng nghĩ chúng ở rừng, nhưng những năm gần đây chúng hình như chuyển "không gian sinh tồn" về đồng bằng, ngoài trú ngụ ở bờ bụi, trên cây, còn nằm trên hè phố, bò vào nhà, chui vào trong màn, ẩn dưới gối...
Đến tháng 9-2014, BV quân y 121, Cần Thơ tiếp nhận trên 350 ca bị rắn cắn, thì 345 người là nạn nhân của rắn lục, 9 người bị rắn hô cắn. Năm 2015, BV tiếp nhận hơn 400 ca bị rắn cắn với trên 80% là rắn lục ĐĐ. Đến nay ở miền Trung đã có hơn 400 ca bị rắn độc cắn, trong đó phần lớn là nạn nhân của rắn lục ĐĐ... Gia đình anh Hà Văn Nhàn ở Nam Đàn, Nghệ An, từ tháng 10-2013 đến nay có 5 trong số 6 người bị rắn lục ĐĐ cắn khi đang làm vườn, thậm chí ở trong nhà...
Hoàn cảnh bị rắn cắn không giống nhau, biểu hiện triệu chứng khác nhau tùy loại rắn và nguy hiểm là cách xử lý sai lầm hoặc không có huyết thanh kháng độc rắn đặc hiệu... Tháng 1-2016, em L.Q.K, 13 tuổi, ở Đắk Nông đi chơi tối về, bị rắn lục ĐĐ cắn. Người nhà đưa đến "thầy rắn" đắp thuốc nam, hứa 3 ngày sẽ khỏi... Đến ngày thứ 6 chân phải sưng to lan tới đùi, tím bầm, đau nhức, sốt cao, lạnh run, xuất huyết dưới da mặt, mắt, chân tay và thân..., nhiễm trùng, nhiễm độc. BV Nhi Đồng 1, TP. HCM phải truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu 2 đợt mới cứu được...
Bé 2 tuổi 6 tháng, ở Bình Thuận, đang nằm võng ở vườn, bị rắn hổ mèo rơi từ trên cây xuống cắn. Bé nói là bị "con gì cắn vào chân" nhưng thấy cháu không có biểu hiện gì nên người lớn chủ quan, 12 giờ sau, bé kêu mệt, khó thở, chân sưng bầm..., chuyển từ BV Bình Thuận đến BV Nhi đồng 2, TP HCM khi đã hôn mê, chân trái sưng to, tím đen, toàn thân phù nề, nhịp tim chậm, liệt chi, thị lực giảm, suy hô hấp, rối loạn đông máu nặng..., phải đặt nội khí quản, thở máy, chống sốc, kháng sinh, rạch giải áp cẳng chân, nhưng cháu không qua được.
Trước đó, bé gái 13 tuổi, ở An Giang tử vong sau 7 ngày bị rắn cắn, người lớn nhai lá cây đắp vết thương. Khi vào BV Nhi Đồng 1, TP HCM, đã suy đa tạng, trụy tim mạch do thời gian độc chất phát tác quá dài...
Trời tối, bé 6 tuổi ở xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình ra sân sau nhà bị rắn cắn vào bàn chân. Gia đình chỉ đắp lá, sau 4 ngày chân bé sưng to và hoại tử mới đưa đi cấp cứu. Cẳng chân trái bé tím đen, sưng nề, BV phải cắt lọc mô hoại tử để cứu chân. Mẹ cháu nói tưởng là nhẹ!...
Ở Bảo Lâm, Cao Bằng, bố mẹ biết con gái Vừ Mí Chá, 2 tuổi, bị rắn cắn nhưng chỉ garo vùng cổ tay trong khoảng 10 phút mà không đưa đi cấp cứu. Sáng hôm sau, tay bé sưng nề, tím đỏ tới nách, phỏng nước màu tím... Sau 4 ngày cấp cứu ở Khoa Nhi, BV Bạch Mai, cháu mới qua cơn nguy kịch...
Bé Thắng, sinh năm 2005, ở Gia Lai, chăn bò gần nhà thì bị rắn lục ĐĐ cắn vào chân, một lúc sau thì hôn mê, vết thương chảy máu không cầm, chân sưng tấy, toàn thân bầm tím... Cháu bị rối loạn đông máu nên khoa Nhi BV Gia Lai phải truyền liên tục đến 18 đơn vị máu, nhưng khó khăn là máu cháu nhóm A, loại máu hiếm...
Bắt cua trong hốc đất ở bờ ruộng, cháu Nguyễn Đăng Thắng, 11 tuổi, ở xóm 10, Đức Liên, xã Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An bị rắn cắn. Dù đã chuyển ra Hà Nội chữa trị nhưng cháu đã tử vong sau một tuần điều trị...
Bắt rắn Hổ chúa, anh Hồ Văn Cường, ở xã Trà Tân, Bắc Trà My, Quảng Nam và anh Nguyễn Hoàng L. ở xã Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai tử vong vì chất độc cực mạnh của loài này v.v...
Nhận biết sơ bộ triệu chứng khi bị rắn cắn và sơ cứu
Độc rắn có ba nhóm làm vỡ hồng cầu, bạch cầu, tiêu sợi huyết (Fibrin), phá hủy thành mạch máu hoặc gây đông máu trong mạch; độc thần kinh và độc tế bào. Chất độc các loài rắn độc ở Việt Nam chỉ gây chảy máu (do tiêu sợi huyết), không làm đông máu như số ít loài rắn độc trên thế giới. Chất độc ở một loài rắn độc thường kết hợp các nhóm độc này với mức độ khác nhau. Với toàn thân làm chảy máu tự phát diện rộng nhiều nơi (dưới da, đường ruột, mô não, đường tiết niệu), phù nề, liệt, đặc biệt nguy hiểm là liệt cơ hô hấp..., loạn nhịp tim, suy thận, tiêu cơ vân...; gây biến chứng viêm phổi, suy thận; tại vết cắn loét kéo dài, nhiễm trùng, viêm cơ xương khớp lâu ngày gây biến dạng hoặc hoại tử, phải cắt cụt chi.
Các triệu chứng xuất hiện nhanh sau khi bị cắn, rất nguy hiểm vì tử vong nhanh và biểu hiện khác nhau ở từng loại rắn. Với độc rắn cạp nia, cạp nong: tỉnh táo; sụp mi là dấu hiệu đầu tiên; đồng tử giãn tối đa; nhãn cầu bất động hoặc khó vận động; đau họng, khó nói và há miệng, khó nuốt, nhiều đờm rãi, liệt hầu họng; vã mồ hôi, da lạnh; đau và liệt hoàn toàn các cơ (liệt cơ liên sườn, cơ hoành gây suy hô hấp), liệt chi đối xứng; nhịp tim nhanh, tăng huyết áp; ít tiêu cơ vân; táo bón; nhìn, sờ thấy bàng quang căng tròn như quả bóng.
Độc rắn hổ chúa gây đau nhức toàn thân, mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ, liệt, hôn mê, tử vong nhanh chóng do suy hô hấp, suy thận. Rắn lục cắn làm chảy máu vết cắn không cầm; phù nề; xuất huyết dưới da, tiêu hóa; nôn; đau bụng; khó thở do liệt hô hấp; tan máu; trụy tim mạch; hạch to..., tuy vẫn tỉnh táo. Rắn hổ mèo cắn làm mệt mỏi, đau bụng, nôn, tiêu chảy, mờ mắt, đau đầu, đau cơ, sốc, nhịp tim nhanh, khó thở nhưng không suy hô hấp, chỉ suy hô hấp khi suy đa tạng. Hổ đất cắn nhanh chóng hôn mê; đẻn cắn cơ thể lạnh nhanh, liệt cứng chân tay...
Vết cắn của rắn không độc là những chấm nhỏ, có hình vòng cung và quan trọng nhất là không có vết răng nanh; cảm giác ngứa ở vết cắn. Rắn độc tiết độc bằng hai răng lớn, rỗng (móc độc) ở hàm trên, vết cắn có thể có 1 hoặc cả 2 vết răng này, nhìn rõ và to hơn các vết răng khác. Hổ phì để lại vết cắn rất rõ, sưng tấy, phù nề, lan tỏa ít, hoại tử tại chỗ cắn; rắn lục cắn rất đau đớn, vết cắn sưng, đau, hoại tử, nhiễm trùng. Vết cắn của rắn cạp nia, cạp nong thường ít khi rõ, ít hoặc không đau, không sưng tấy phù nề, không hoại tử.
Bà Tạ Thị Năm, 47 tuổi, ở Bắc Ninh, sau giấc ngủ trưa, thấy đau tức ngực, khó thở, buồn nôn, mắt mờ..., đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai khi đã liệt toàn thân, suy hô hấp... phải thở máy. Từ vết cắn và triệu chứng, BS xác định do rắn cạp nia cắn. Rắn cạp nia cắn không đau, vì thế nhiều người không biết mình bị rắn cắn. Đẻn cắn không đau; hổ chúa cắn rất đau đớn, chảy máu nhiều, hoại tử vết cắn; hổ mèo cắn đau, vết cắn sưng nề lan nhanh và hoại tử...
Khi bị rắn cắn phải ngồi im, không tự đi hay chạy vì sẽ làm chất độc phát tác nhanh. Bị rắn họ Rắn hổ (Elapidae: Cạp nia thường, cạp nia Bắc, cạp nia Nam, cạp nong, cạp nong đầu đỏ, hổ mèo (Hổ mang Xiêm, hổ mang Đông Dương), hổ đất (hổ phì, hổ một mắt kính), hổ mang, đẻn gai, hổ chúa cắn, dùng băng vải rộng 5 - 10cm băng ép toàn bộ chi sao cho máu động mạch vẫn lưu thông, nặn máu độc từ vết cắn.
Họ rắn lục (Viperidae: Lục ĐĐ, lục đầu bạc - đầu màu trắng, thân màu đen có các vạch trắng chéo ngang, lục núi, lục sừng, lục Trùng Khánh, lục xanh, lục Vongen, lục mũi hếch, lục nưa (chàm quạp, rắn khô mộc, lục Malaysia) - màu nâu hay đỏ nâu, lưng có nhiều hoa văn hình tam giác sẫm màu hơn, đối xứng như cánh bướm, lục Trường sơn, lục Hòn sơn cắn, không được băng ép, không chích, rạch, châm, nhể hay hút, nặn máu ở vết cắn.
Bị rắn độc cắn nói chung không buộc xoắn bằng dây vải nhỏ, dây cao su, không uống hoặc đắp bất kỳ thuốc gì. Nạn nhân cần đến ngay BV vì mọi ca rắn độc cắn cần xử trí, theo dõi ít nhất trong 12 giờ đầu, sau 24 - 48 giờ, việc chữa trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Các nước điều chế huyết thanh kháng độc rắn theo những loại rắn đặc thù của nước mình; không có kháng huyết thanh giải độc chéo và chung cho tất cả rắn độc. Việt Nam hiện thiếu rất nhiều loại kháng huyết thanh chống độc đối với 53 loài rắn độc đặc hữu...
Tốt nhất là phòng rắn cắn bằng cách phát quang bờ bụi quanh nhà…; đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi ủng, găng tay và đuổi rắn bằng gậy khi làm việc. Trẻ em cần tránh xa và đặc biệt không trêu chọc rắn...