Khi thịt đến từ... ống nghiệm

Thứ Tư, 02/01/2019, 22:49
Hiện nay, trước nhu cầu về thịt ngày càng tăng của nhân loại, giới khoa học đã cho ra đời "thịt nhân tạo" - loại thực phẩm được cho là có thể thay thế thịt động vật trong tương lai. Họ cho rằng nếu sản xuất thành công và đưa "thịt nhân tạo" vào thị trường thì có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện liệu người tiêu dùng có "dám" đổi một miếng thịt tươi từ quy trình chăn nuôi thông thường sang một miếng thịt "từ ống nghiệm" hay không?

Thơm ngon như thật?

"Thịt nhân tạo" được nghiên cứu và tạo ra trong phòng thí nghiệm qua ba giai đoạn. Đầu tiên, các nhà khoa học thu thập các tế bào có tốc độ phát triển nhanh chóng có nguồn gốc từ động vật. Các tế bào sau đó được nuôi bằng cách sử dụng một protein thúc đẩy sự phát triển của mô trong môi trường đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết và lò phản ứng sinh học có khả năng cung cấp những yêu cầu năng lượng cần thiết.

Một khi quá trình nuôi cấy khởi động thành công, về lý thuyết "thịt nhân tạo" có thể được sản xuất vô thời hạn mà không cần lấy các tế bào mới từ một sinh vật sống. Theo ước tính, trong điều kiện lý tưởng, hai tháng sản xuất thịt nuôi cấy có thể cho ra khoảng 50.000 tấn thịt từ 10 tế bào thịt lợn ban đầu.

Sản phẩm thịt bò nhân tạo của Aleph Farms (Israel) có đủ các thớ cơ và mạch máu như thịt thật, được phát triển bằng một loạt công nghệ phức tạp.

Chiếc burger kẹp "thịt nhân tạo" đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 2013, do một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Maastricht (Hà Lan) sản xuất từ tế bào gốc của bò. Kể từ đó đến nay, gần 100 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, cũng như nhiều công ty khởi nghiệp, đã và đang nghiên cứu về "thịt nhân tạo". Đầu năm 2018, Công ty SuperMeat (Israel) đã huy động được 3 triệu USD để phục vụ kế hoạch phát triển thịt bò tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, Công ty Memphis Meats ở Thung lũng Silicon mới tung ra đoạn phim giới thiệu về các loại thịt gà và vịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào cuối tháng 11-2018, huy động được hơn 20 triệu USD để đưa các sản phẩm "hoàn chỉnh" ra thị trường vào năm 2020.

Tham vọng thương mại hóa "thịt nhân tạo" hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh nhu cầu thịt ngày càng tăng, và được dự báo lên đến 470 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Sự hấp dẫn của lĩnh vực "thịt nhân tạo" hầu như chưa được khai phá này khiến các ông lớn liên tục phô diễn công nghệ.

Công ty công nghệ sinh học Aleph Farms (Israel) vừa giới thiệu loại thịt bò nhân tạo được phát triển bằng cách lấy mẫu tế bào từ động vật sống, sau đó biến thành thức ăn bằng phương pháp ủ nhờ một loạt công nghệ phức tạp, bao gồm tế bào gốc, tế bào mỡ, tế bào mạch máu và tế bào cơ. Cho đến nay, đây là công ty duy nhất có khả năng làm một miếng thịt hoàn chỉnh có đủ các thớ cơ và mạch máu.

Nhìn thấy triển vọng của "thịt nhân tạo", Trung Quốc mới đây mạnh tay đầu tư 300 triệu USD mua công nghệ của Israel, tuyên bố sẽ đưa "thịt nhân tạo" lên kệ tại các siêu thị vào năm 2020, và khi đó hương vị của nó hoàn toàn giống hoặc thậm chí còn ngon hơn thịt thật. Còn hãng chế biến thịt lớn nhất của Mỹ Tyson Foods đã quyết định đầu tư vào Công ty Future Meat Technologies (Israel) để nghiên cứu tạo ra các loại "thịt nhân tạo" trên nền tảng các tế bào cơ và mỡ có giá cả hợp lý trong tương lai. Đơn vị này tuyên bố đã xây dựng một "lộ trình rõ ràng" để "thịt nhân tạo" có mức giá từ 5-10 USD/kg vào năm 2020.

Tranh cãi chưa dứt

Giới khoa học tin rằng "thịt nhân tạo" sẽ là lựa chọn tối ưu cho sức khỏe so với các loại thịt tự nhiên khi có thể được bổ sung thêm axit béo omega-3. Ngoài ra, "thịt nhân tạo" không dùng thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng, các hóa chất nguy hiểm như thuốc trừ sâu hay trừ nấm, và loại bỏ được các yếu tố như chất béo bão hòa làm tăng cholesterol xấu. Về phương diện môi trường, sản phẩm độc đáo này chỉ phát thải khí nhà kính 4%, giúp cắt giảm hàng tỷ tấn khí nhà kính do việc nuôi gia súc thải ra (18%), giảm nhu cầu năng lượng đến 45% và chỉ cần 2% diện tích đất đai ngành chăn nuôi gia súc thông thường sử dụng.

Đối với người chăn nuôi và chính phủ mỗi nước, "thịt nhân tạo" được cho là giúp cắt giảm chi phí chăn nuôi gia súc, từ vận chuyển đến tiêu thụ, chi phí giết mổ và chi phí mua thức ăn, tạo nên một khoản tiết kiệm lớn cho nền kinh tế. Một khi cắt giảm được chi phí sản xuất, thịt nhân tạo được cho là rẻ hơn thịt thật. Thế nhưng, phe phản đối cho rằng "thịt nhân tạo" chỉ là ý tưởng xa vời, không thể thương mại hóa. Lý do là, cho đến nay, chưa có công ty nào tạo ra được một thứ thịt tin tưởng được, đủ để bán cho siêu thị và các nhà hàng.

Còn người tiêu dùng vẫn hoài nghi về mức độ an toàn của "thịt nhân tạo" khi cho rằng sản phẩm này vẫn mang những đặc tính của thịt vốn thường bị các nghiên cứu khoa học cho là thủ phạm làm tăng các bệnh như ung thư. Trong khi nhóm bảo vệ quyền động vật hoan nghênh thịt nhân tạo thì nhóm ăn chay lại phản đối điều này vì cho đây là một loại thịt phát triển từ nuôi cấy bắp cơ con vật nên vô hình trung các món ăn có thịt nuôi cấy tổng hợp cũng là ăn thịt động vật, là sát sinh.Xe bay, phương tiện

của tương laiHiện nay, sản xuất thịt bằng công nghệ nuôi dưỡng tế bào đang đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng gia tăng của các chủ trang trại chăn nuôi gia súc vì theo những người này đây chỉ là "sản phẩm nhái" của thịt lợn và thịt bò truyền thống được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Tháng 11-2018, Hiệp hội những người chăn nuôi gia súc Mỹ viết đơn kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu không xem "thịt nhân tạo" là thịt, đồng thời đặt vấn đề về một dự luật có điều khoản cấm ghi nhãn các sản phẩm thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm là "thịt".

Tranh cãi tiếp diễn khi các cơ quan quản lý ở Mỹ đang lúng túng trước "thịt nhân tạo". Hiện nay Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đều cho rằng họ mới là cơ quan có thẩm quyền quản lý "thịt nhân tạo". Dù trách nhiệm quản lý thuộc về FDA hay USDA thì họ cũng cần phải xác định liệu quy trình sản xuất thịt bằng phương pháp nuôi tế bào có an toàn hay không trước khi quyết định đặt tên "thịt" cho các sản phẩm nhân tạo kiểu này.

Nam Hồng - Minh Thy (tổng hợp)
.
.