Khống chế bạch hầu bằng tiêm chủng
- Nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu dịp giáp Tết
- 2 học sinh trung học tử vong vì bệnh bạch hầu
- Nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản
Chiều ngày 16-1-2017, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, đã gửi báo cáo đến Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng về một ổ dịch nghi là bạch hầu vừa xuất hiện tại trường THPT Tây Giang, huyện Tây Giang của tỉnh.
10 giờ sáng ngày 10-1-2017, Sở Y tế, UBND huyện Tây Giang, Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng tỉnh nhận được thông tin từ TTYT huyện Tây Giang: Qua theo dõi, phát hiện đã xác nhận, tại trường THPT Tây Giang có 5 ca mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó..., trong đó có 2 ca tử vong và 8 người có nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc gần với bệnh nhân...
Trẻ tím tái vì thiếu oxy do bạch hầu. |
Theo báo cáo, hiện đã có hai ca được điều trị ổn định tại TTYT huyện Tây Giang và một ca điều trị tại Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng... Đáng nói là 2 ca tử vong (em Bhling Boong ở xã A Vương và Zơrâm Sáo, xã Axan, cùng 17 tuổi), có một ca khởi bệnh từ ngày 24-12-2016, nhưng do thi học kỳ I và nghỉ Tết dương lịch nên không được lưu tâm.
Vì thế đến ngày 4-1-2017, bệnh trở nặng mới đưa vào TTYT huyện Tây Giang khi đã khó thở, phải đặt nội khí quản..., bệnh nhân đã chết trên đường chuyển viện...
Một ca khởi bệnh từ ngày 2-1-2017, ngày 7-1 chuyển xuống BV Hoàn Mỹ rồi BV Đà Nẵng, tử vong ngày 9-1-2017. Kết quả xét nghiệm cả hai ca dương tính với bạch hầu. Ngày 16-1, Viện Pasteur Nha Trang đã có đoàn công tác đến Tây Giang để hỗ trợ khống chế dịch. Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đến chiều ngày 16-1-2017, những người mắc bệnh đã qua khỏi, sức khoẻ ổn định và những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân vẫn bình thường, chưa phát hiện ca mắc mới từ ngày 11 đến ngày 16-1-2017.
Sở Y tế đã chỉ đạo triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly ổ dịch ở gia đình 5 trường hợp nặng cũng như khu điều trị những bệnh nhân này ở TTYT Tây Giang, Trường THPT Tây Giang và trường dân tộc nội trú...
Năm 2015, tháng 7, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam có dịch bạch hầu, với 13 ca bệnh cùng các triệu chứng như đau rát họng, sưng hạch vùng cổ…, có người 45 tuổi mắc bệnh như ông Hồ Văn Xíu...; ba ca tử vong trong vòng 10 ngày là các em Hồ Văn Quý, 16 tuổi, Hồ Thị Viên, 17 tuổi và chị Hồ Thị Nẩy, 28 tuổi.
Bạch hầu thường không phát thành dịch lớn mà chỉ là dịch tản phát (số lượng người mắc không nhiều như một số dịch bệnh khác)... Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7-2016, ở hai xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước có ổ dịch bạch hầu, 55 người mắc với các triệu chứng ho, sốt, khó thở; ba người tử vong. Ba bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu và diễn tiến xấu rất nhanh.
Cùng vào viện ngày 24-6, thì ngày 29-6, bệnh nhi Thị Lại, 12 tuổi, tử vong; ngày 30-6, đến bệnh nhân Điểu Trích, 18 tuổi; ngày 8-7 bệnh nhân Nguyễn Trường Hậu, 24 tuổi, tử vong, được xác định do biến chứng viêm cơ tim cấp, dù đã chuyển về Viện Nhiệt đới, TP. HCM rồi sang BV Chợ rẫy...
Viện Pasteur, TP. HCM cho biết ngoài 3 ca tử vong nói trên, ở Bình Phước có 26 trường hợp mắc "hội chứng amidan", trong đó có 4 mẫu xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Bệnh lây lan nhanh nên có gia đình nhiều người mắc. Em Điểu Vinh, 15 tuổi, lây bệnh từ một bệnh nhân tử vong, rồi lây cho cha và em gái, trong đó em và cha là Điểu Huynh, 36 tuổi đều bị biến chứng viêm cơ tim cấp nhưng may mắn qua được. Từ tháng 2 đến tháng 9- 2015, có 5 ca mắc bạch hầu ở huyện K'Bang, Gia Lai, trong đó một bé trai 13 tuổi tử vong, bé chỉ tiêm một mũi vacxin phòng bệnh. Bạch hầu mắc rải rác từ năm 2012 ở 4 huyện của tỉnh Gia Lai...
Triệu chứng bệnh và biến chứng nguy hiểm
Bệnh bạch hầu do một loại trực khuẩn (Corynebacterium diphtheriae) có độc lực mạnh gây ra. Hypocrates là người đầu tiên mô tả bệnh này và ở Tây Ban Nha người ta gọi nó là "kẻ treo cổ - El garatillo". Bệnh có thể bệnh mũi: chảy nước mũi nhẹ một hay hai bên, lẫn máu, hôi; có khi loét cả môi trên; có giả mạc (màng màu trắng ngà, dai; do độc tố của vi khuẩn làm chết tế bào, các tế bào chết tạo thành màng giả tại chỗ) ở vách mũi; triệu chứng toàn thân nhẹ; thường mắc ở trẻ còn bú.
Thể hầu họng - amidan (70%): sốt nhẹ, 38 - 38,50C; trẻ bỏ ăn, bất an; sau 1 - 2 ngày xuất hiện giả mạc lan dần từ amidan đến vòm khẩu cái; hạch cổ sưng to, có khi cổ sưng phù to (dấu hiệu "bạnh cổ bò"). Thể thanh quản: giả mạc từ khẩu cái lan xuống thanh quản, bít một phần đường thở, làm khó thở có tiếng rít thanh quản và co lõm hố thượng đòn, khoang liên sườn; giọng khàn do thanh quản bị viêm, phù; tiếng ho ông ổng.
Thanh quản là nơi hẹp nhất của đường hô hấp trên, nên giả mạc kích thước lớn ở đây là nguy cơ bịt đường thở rất nhanh đưa đến hôn mê và tử vong (trong khoảng 7 - 10 ngày).
Có hai biến chứng nguy hiểm là giả mạc lan rộng và viêm cơ tim cấp do độc tố vi khuẩn giải phóng vào máu. Khi chẩn đoán và điều trị muộn, giả mạc lan xuống dưới thanh quản, đến khí, phế quản sẽ bịt hoàn toàn đường thở. Nếu không mở khí quản sẽ tử vong nhanh chóng... Viêm cơ tim làm tiếng tim mờ hoặc như tiếng ngựa phi, loạn nhịp tim, rung nhĩ, ngoại tâm thu (một nhịp tim nhanh xen giữa hai nhịp, không có máu được đẩy đi), nhịp nhanh thất, rung thất, phân ly nhĩ - thất...
Rất nguy hiểm là viêm cơ tim có thể xuất hiện ngay cả khi bệnh được cho là nhẹ (sốt, khó thở, đau họng, giả mạc... không điển hình) khi chậm dùng kháng độc tố bạch hầu. Viêm cơ tim xảy ra ở 10 - 25% các ca bệnh và tử vong 50 - 60%; có thể xuất hiện bất kỳ, vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc vào tuần 4 - 6.
Các biến chứng thần kinh (nếu có) xuất hiện muộn, từ tuần 3 đến tuần 7 (nhưng có khi ngay tuần đầu): Liệt màn khẩu cái (màn hầu) hai bên gây khó nuốt và sặc; liệt cơ vận động nhãn cầu làm nhìn mờ và lác; liệt cơ hoành gây viêm phổi hoặc suy hô hấp; liệt các chi hoàn toàn (hiếm gặp).
Tuy nhiên, hầu hết biến chứng thần kinh hồi phục hoàn toàn sau nhiều tuần, nhiều tháng. Khi đang sốt, bạch hầu là một trong vài bệnh hiếm hoi có triệu chứng mạch - nhiệt phân ly: sốt hoặc sốt cao nhưng mạch chậm hoặc rất chậm (do độc tố của vi khuẩn), trong khi quy luật chung là sốt càng cao mạch càng nhanh. Thông thường khi tăng 10C (tính từ ngưỡng 36,1 đến 36,5oC, là nhiệt độ nách khi không sốt), mạch tăng 10 nhịp.
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhưng tiêm phòng đủ thì không mắc
Tuy số người mắc bệnh không nhiều như các bệnh dịch khác nhưng bạch hầu có số bệnh nhân tử vong cao. BV TW Huế thống kê, chết do bạch hầu ở Việt Nam là 8,3%; trong khi tỉ lệ tử vong của thế giới từ 5 đến 10%, cao nhất là 20% đối với trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi và không thay đổi trong 50 năm qua.
Do những tiến bộ về y tế nên hiện bạch hầu thường xuất hiện ở vùng sâu, xa, kinh tế khó khăn, nhận thức lạc hậu về bệnh tật. Người dân ngoài việc không tiêm chủng, còn không hiểu biết về bệnh nên cho là nhẹ khi thấy đau họng, khi thấy có người chết mới hoảng sợ đi khám. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người vẫn chỉ lo cúng bái, đuổi ma, chứ không đến trạm xá.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc phản ánh, khi có người chết, người dân cho rằng làng liên tục xuất hiện những cái chết "xấu", nên đã bỏ đi, dựng nhà mới cách đó 30m!? Bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi vệ sinh không tốt...
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ; nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng là cách phòng bệnh tốt.
Những địa phương đã xảy ra dịch bạch hầu có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc hoàn toàn không tiêm, ví dụ thôn 8B, xã Phước Lộc, Quang Nam (nói trên), hầu hết là đồng bào Bh'noong, trước vụ dịch 2015 là thôn "trắng" về tiêm chủng. Cán bộ y tế địa phương rất khó tiếp cận để vận động đồng bào đưa người bệnh ra trạm xá, thậm chí phát thuốc người dân cũng không chịu uống.
Vụ dịch 2016 ở Đồng Phú, Bình Phước có nguyên nhân là ba năm trước đó tiêm chủng bạch hầu ở huyện này chỉ đạt cao nhất 54%, trong khi yêu cầu phải trên 95%. Khi đang dập dịch ở Thuận Lợi và Thuận Phú thì hai xã Đồng Tiến, Tân Lợi, cùng huyện lại có ca bệnh bạch hầu trong cộng đồng đồng bào S'tiêng với tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Cục Y tế dự phòng đã phải cấp khẩn cấp 10.000 liều vacxin DTP cho tỉnh này...
Năm 2015, Gia Lai chỉ tiêm chủng đạt 86%... Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương cả nước, từ khi vacxin phòng bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vacxin hoặc tiêm không đủ liều.
Hiện bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh, nếu chưa tiêm vacxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng vacxin kết hợp, có thành phần phòng bệnh bạch hầu như Quinvaxem hoặc DTP (phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà), hoặc Td hấp phụ (phòng bạch hầu, uốn ván) đầy đủ, đúng lịch. Khi nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; nghỉ ngơi tuyệt đối để tránh gánh nặng cho tim.
Lịch tiêm chủng DTP hoặc Quinvaxem: Mũi 1: trẻ 2 tháng tuổi Mũi 2: Sau mũi một 1 tháng Mũi 3: Sau mũi hai 1 tháng Mũi 4: khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu mũi 4 tiêm trước sinh nhật lần thứ 4 thì nên tiêm mũi nhắc lại khi trẻ 5 - 6 tuổi; nếu mũi 4 tiêm sau sinh nhật lần thứ 4 thì không cần tiêm mũi 5; không nên tiêm trước 12 tháng tuổi. |