Không có "căn phòng bí mật" nào trong hầm mộ Vua Tutankhamun

Thứ Tư, 09/05/2018, 15:24
Đó là kết luận của một nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Bách khoa Turin (Italy) do Tiến sĩ Francesco Porcelli sau nhiều năm tiến hành nghiên cứu về hầm mộ Vua Tutankhamun.

Kết luận này, dự kiến sẽ được trình bày tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Vua Tutankhamun, đã chấm dứt tranh cãi kéo dài suốt nhiều năm qua kể từ khi nhà khảo cổ người Anh Nicholas Reeves năm 2015 cho rằng, tồn tại hai khoang trống liền kề hầm mộ Vua Tutankhamun và đó có thể là nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti (khoảng 1370 TCN - khoảng 1330 TCN)  - người được cho là mẹ kế của vị Pharaon này.

Tiến sĩ Francesco Porcelli cho biết, để đi đến kết luận trên, nhóm của ông đã phải làm việc liên tục trong 3 năm, sử dụng công nghệ quét radar xuyên lòng đất (GPR) để quét đến độ sâu khoảng 10m nhằm lập hệ thống bản đồ nơi an nghỉ của các Pharaoh Ai Cập.

Mặt nạ bằng vàng của Vua Tutankhamun tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.

Cùng với đó, họ cũng đã quét địa điểm an táng và các khu vực lân cận với hy vọng tìm thấy báu vật của người Ai Cập cổ đại. Và các kết quả của GPR cho thấy không tồn tại căn phòng bí mật nào, thậm chí không có dấu vết nào của một lối đi bí mật hoặc một khung cửa ra vào bí mật được cho là dẫn tới nơi chôn cất Nữ hoàng Nefertiti.

Tiến sĩ Francesco Porcelli nêu rõ: "Công trình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một cách dứt khoát rằng, không hề có phòng kín, hoặc hành lang bí mật nào tiếp giáp với hầm mộ Vua Tutankhamun". Trong báo cáo gửi Bộ Di tích cổ Ai Cập, Tiến sĩ Francesco Porcelli khẳng định, kết luận này có độ tin tưởng rất cao.

Bộ trên tuyên bố: "Điều này đã được kết luận với độ tin cậy rất cao từ những kết luận của Tiến sĩ Porcelli. Giả thuyết tồn tại một phòng kín hoặc hành lang liền kề với hầm mộ Vua Tutankhamun là không chính xác". Đây là lần thứ ba trong vòng 3 năm qua nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Bách khoa Turin sử dụng công nghệ GPR để tìm kiếm căn phòng trên trong hầm mộ Vua Tutankhamun.

Hồi năm 2014, một nhóm các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật ghi nhiệt độ bằng tia hồng ngoại và đi đến kết luận rằng, hầm mộ Vua Tutankhamun có thể chứa căn phòng bí mật là nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Nefertiti. Phát hiện này phù hợp với giả thuyết được đưa ra trước đó của nhà khảo cổ học Nicholas Reeves về việc khu hầm mộ khả năng có chứa 2 căn phòng bí mật. Cửa dẫn vào hai căn phòng này đã bị trát vữa và vẽ lên trên.

Theo ông Reeves, 2 cánh cửa này là hai trong số nhiều manh mối chỉ đến việc khu hầm mộ ban đầu được xây dựng cho Nữ hoàng Nefertiti. Nhà khoa học này từng tuyên bố ông có niềm tin mạnh mẽ là vị Nữ hoàng Ai Cập có thể được chôn cất ở đâu đó trong Thung lũng các vị Vua.

Xác ướp Vua Tutankhamun.

Trong bản nghiên cứu được công bố năm 2014, ông Reeves cho rằng, sau khi băng hà, Nữ hoàng Nefertiti được an táng rồi sau đó lối vào căn phòng chứa hài cốt của bà bị bịt lại và vẽ đè lên. Cùng với đó, có nhiều hình ảnh trong hầm mộ Vua Tutankhamun phản ánh những nhân vật có gương mặt sở hữu những đường nét ban đầu có liên quan đến việc mô phỏng hình ảnh của Nữ hoàng Nefertiti.

Ngoài ra, kích thước và quy hoạch của khu hầm mộ này cũng là một bằng chứng khác khiến các nhà khảo cổ học đặt ra nghi vấn. Chỉ với 4 căn phòng, hầm mộ Vua Tutankhamun nhỏ hơn tất cả các hầm mộ của các Pharaoh khác.

Sở dĩ nhà khảo cổ Reeves dành nhiều tâm huyết cho việc tìm kiếm lăng mộ Nữ hoàng Nefertiti vì theo ông, bà không chỉ là một nhân vật có vai trò rất quan trọng trong lịch sử, mà thời kỳ của bà còn là thời kỳ của nghệ thuật tráng lệ đỉnh cao. Bà cũng là vị Hoàng hậu đầy quyền lực và được xem là biểu tượng của sắc đẹp.

Nữ hoàng Nefertiti là "Người vợ hoàng gia vĩ đại" (Great Royal Wife) của Pharaoh Akhenaten, thường được biết qua danh hiệu Amenhotep IV. Nefertiti và chồng được biết đến với cuộc cách mạng tôn giáo. Bà cùng trị vì với chồng mình với tư cách Nữ chúa của Ai Cập, trong một thời kì mà được đánh giá là giàu có nhất của Ai Cập cổ đại.

Một số học giả tin rằng bà đã từng trị vì với tư cách của một Pharaoh sau khi chồng mình qua đời, với cái tên Neferneferuaten. Nếu thật là vậy, triều đại của bà chứng kiến sự sụp đổ của Amarna và sự kiện Ai Cập dời đô đến Thebes. Sau đó, bà nhượng vị cho con rể và cũng là con chồng, Tutankhamun. Bà nổi tiếng trong lịch sử Ai Cập vì bức tượng đất nung chỉ có một con mắt, trở thành 1 trong 4 vị Nữ chúa nổi tiếng nhất khi người ta biết đến Ai Cập cổ đại, bên cạnh Cleopatra, Hatshepsut và Nefertari.

Vua Tutankhamun là vị Pharaoh trẻ tuổi nhất và nổi tiếng nhất thuộc Vương triều thứ 18 thời Tân vương quốc. Ông lên ngôi năm 9 tuổi, cai trị trong 10 năm (1332 TCN - 1323 TCN) và qua đời khi mới 19 tuổi. Sự kiện nhà khảo cổ người Anh Howard Carter cùng George Herbert, huân tước thứ năm của Carnarvon phát hiện ra lăng mộ gần như còn nguyên vẹn của Tutankhamun vào năm 1922 tại Thung lũng các vị Vua đã tạo nên một cơn chấn động trên toàn thế giới.

Nó đã khơi dậy lại sự quan tâm của công chúng đối với Ai Cập cổ đại, và mặt nạ mai táng của Vua Tutankhamun, ngày nay nằm tại bảo tàng Cairo, đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng. Bên cạnh xác ướp, các nhà khảo cổ còn tìm thấy gần 5.000 hiện vật, trong đó có nhiều món đồ bằng vàng ròng giúp giới chuyên môn tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử Ai Cập thời cổ đại.

Triển lãm các hiện vật từ ngôi mộ của ông đã diễn ra khắp nơi trên thế giới. Vào tháng 2-2010, kết quả xét nghiệm ADN khẳng định rằng ông là con trai của Akhenaten (xác ướp KV55) với một người em gái và cũng là vợ của Akhenaten (xác ướp KV35YL), hiện vẫn chưa xác định được danh tính và được biết với tên gọi "Quý Bà trẻ", xác ướp của bà được tìm thấy trong ngôi mộ KV35.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.