Kích hoạt não để trẻ thành thiên tài?

Thứ Sáu, 09/12/2016, 15:30
Trung tâm trí tuệ Việt giới thiệu: "Công trình nghiên cứu này của chúng em được nhận giải Nobel năm 1981"? Thực hư ra sao, xin quý vị bớt thời gian đọc bài viết này.


Thành thiên tài rất dễ?

Được biết Trung tâm trí tuệ Việt từ mấy năm nay đã mở cơ sở giảng dạy, huấn luyện kích thích não giữa (còn gọi là não trung gian - Midbrain Activation) ở TP HCM như 449, Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1; 269A, Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận... và năm 2015 ở Hà Nội như tầng 5, số 14/121, Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa; P502, CT2, Ngô thì Nhậm, quận Hà Đông; tầng 4 số 15, Ngõ 30 Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Bịt mắt đánh bóng bàn theo phương pháp V.Bronnikov.

Những cơ sở này quảng bá, thu nhận học viên để mở lớp kích hoạt não, dạy trẻ trở thành thiên tài sau một khóa học như quảng cáo trên website của họ. Được hỏi chương trình giảng dạy mà trung tâm đang áp dụng dựa trên cơ sở khoa học nào, có an toàn cho trẻ không và đã được cơ quan nào cấp phép?

Người  quản lý một cơ sở ở Hà Nội cho biết: "Công trình nghiên cứu này của chúng em được nhận giải Nobel năm 1981. Nói về độ an toàn thì các phụ huynh cứ yên tâm". Trên tờ rơi của Trung tâm ghi rằng chương trình kích hoạt não do một tiến sĩ người nước ngoài phát triển và nhận giải Nobel năm 1981. Trung tâm trí tuệ Việt đã dựa trên nghiên cứu này, áp dụng cho chương trình huấn luyện của mình. Xem trên website thì Trung tâm có các lớp cấp độ 1 và 2.

Kết quả thu được ở lớp cấp độ 1 như sau: "Khả năng sáng tạo, diễn đạt ngôn ngữ, sống theo nguyên tắc của tình yêu thương phổ quát và hòa hợp. Cải thiện trực giác. Cải thiện khả năng ứng biến, nhạy bén trí thông minh của các con thay đổi từng ngày. Trạng thái tinh thần học tập tư duy, tăng cường sự tự tin, mạnh mẽ. Khả năng ghi nhớ hình ảnh rất tốt. Tăng khả năng quan sát nhanh. Khả năng giải quyết vấn đề tốt. Phát triển tốt toàn bộ kỹ năng vận động. Giàu trí tưởng tượng và rất sáng tạo, thông minh. Nổi bật cá tính riêng. Phát triển toàn diện các giác quan thị giác, thính giác và các chi vận động. Tăng khả năng vận động học của não bộ. Tăng khả năng cảm thụ âm nhạc. Tăng khả năng nhận thức về khoa học".

Ngoài một số điểm mơ hồ, không đầy đủ, trùng lắp thì kết quả này (nếu đạt được) quả là tuyệt vời. Đặc biệt, lớp cấp độ 2 rất phi thường: "thần giao cách cảm, dùng sóng não di chuyển đồ vật". Trung tâm nói tuổi kích hoạt não từ 5 - 15 và tuổi vàng cho đào tạo này là 7 - 11. Học viên được huấn luyện bằng phương pháp bịt mắt nhận biết màu sắc của vật. Trung tâm đã thực hiện 55 lớp cấp độ 1, 6 lớp cấp độ 2 và đã có lịch giảng dạy đến hết năm 2016 ở Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh với lớp cấp độ 1 thứ 67 và lớp cấp độ 2 thứ 7 ở Hà Nội.

Một khóa học chỉ hai ngày và số tiền phải trả là 8,7 triệu đồng, ba người đăng ký đầu tiên được ưu đãi đặc biệt chỉ phải trả 2,6 triệu đồng, sau đó, tiếp tục luyện tập trong vòng 3 tháng với giá 800.000/tháng; lớp cấp độ 2 cũng hai ngày với số tiền 8,7 triệu đồng, cũng ưu tiên ba người đăng ký đầu tiên chỉ phải trả 4,3 triệu đồng, nhưng đều không áp dụng cho ba người đăng ký đầu tiên ở Thanh Hóa?

Website còn đăng cả những cảm nhận, cảm ơn Trung tâm của các bậc phụ huynh đã giúp con họ trở lên khác thường.

Sáng ngày 28-11-2016, bà Lê Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, sau khi biết Trung tâm trí tuệ Việt có trụ sở hoạt động tại địa bàn đã cử tổ công tác đi kiểm tra. Khi kiểm tra, Trung tâm này không xuất trình được giấy phép kinh doanh và không có bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến hoạt động đang thực hiện. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu Trung tâm này dỡ toàn bộ biển, bảng quảng cáo, đồng thời, yêu cầu ngày 7-12-2016, đại diện Trung tâm trí tuệ Việt đến trụ sở UBND quận để trình đủ giấy tờ liên quan.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện chưa có bất kỳ một công bố khoa học thế giới và trong nước nào khẳng định tính an toàn và tác dụng của phương pháp này.

Bộ GD&ĐT không cấp phép cho bất kỳ trung tâm nào hoạt động dạng này. Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên - Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, sau khi rà soát thông tin, khẳng định Sở chưa cấp giấy phép, cũng như chưa hề thẩm định cho những chương trình huấn luyện dạng này.

Các nhà giáo và bác sĩ nói gì?

Không làm nghề y nhưng TS. Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn phương pháp dạy toán, Khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng biết, hiện thời các nghiên cứu vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc, chức năng và hoạt động của não. Vì thế, không có căn cứ khoa học để khẳng định kích hoạt não sẽ trở thành thần đồng...

TS. Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, chưa có một công bố khoa học nào về tác dụng và tính an toàn của phương pháp này. Để thành công, con người không phải chỉ cần thông minh, người thông minh nhưng lười biếng, ham chơi, chủ quan, làm việc thiếu kế hoạch…, liệu có thành công?

Các bậc phụ huynh không nên ảo tưởng vì sẽ không thể nhìn nhận đúng đắn con mình. Nếu như sau đó, các em không trở thành thần đồng như mong ước, chắc họ sẽ vô cùng thất vọng; còn đứa trẻ sẽ suy sụp, thiếu tự tin và nghĩ là bản thân mình vô dụng.

Kích hoạt não thực chất không có nhiều giá trị cho thành công của trẻ, trong khi có những phương pháp đã kiểm chứng được tác dụng tốt như tác động hai bàn tay. Do hai bàn tay kết nối chéo bên mật thiết với hai bán cầu não, vì thế, cho con làm việc nhà, học khâu vá, xâu chuỗi hạt, làm những động tác tinh tế..., trẻ sẽ vừa có tay chân khéo léo, thành thục các công việc chăm sóc bản thân hay người khác, có kĩ năng sống và làm cho não phát triển tự nhiên tốt. Cách này, mọi cha mẹ đều có thể hướng dẫn con mà không gây tác hại cho trẻ.

Tốt hơn cả là làm cho trẻ phát triển toàn diện các cơ quan, bộ phận cơ thể, học hỏi đầy đủ để thích nghi, hòa nhập và sống tốt trong mọi môi trường; sống mạnh mẽ, kiên trì, khiêm tốn, ham học...

Bà Nguyễn Hoàng Trúc Mai, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP. HCM cho rằng việc tiếp cận với phương pháp kích hoạt não dễ khiến trẻ bị ảo tưởng, tự tin quá mức về bản thân, cho mình giỏi hơn người khác dễ làm trẻ tách rời bạn bè, sống cô lập. Đây là một trong những trạng thái tâm lý rất đáng lo ngại ở trẻ dưới 13 tuổi.

Cách thúc đẩy phát triển não bộ tốt nhất là tăng cường những kích thích phù hợp vào những giai đoạn phát triển, khuyến khích trẻ trải nghiệm tự nhiên. Tùy vào năng lực và thiên hướng của trẻ, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con tiếp cận với nhiều hoạt động trải nghiệm, các môn nghệ thuật, ngoại ngữ..., không nên đưa con vào hoạt động kích hoạt não để trở lên thông minh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển...

BS. Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội, cho biết những việc như cảm xạ, kích não… đều dựa vào tâm lý và cho đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định là có cơ sở khoa học.

Việc phụ huynh cho con mình theo học những lớp như vậy thật đáng lo ngại. Nếu kích hoạt não lâu dài kiểu này, trẻ sẽ bị ám thị, nghĩa là trẻ cho rằng mình làm được những việc mà người khác không làm được (bịt mắt phân biệt màu, đọc siêu nhanh, ngồi ở lớp biết bố mẹ đang làm gì ở nhà...),  nhưng nếu một lúc nào đó trẻ không làm được, trẻ sẽ khó chịu, thu mình lại, bị dồn nén, rối loạn cảm xúc và phản ứng lại bằng hành vi xung động, tức là rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần, ảnh hưởng rất xấu đến phát triển tâm lý và nhân cách...

Theo nhật báo The Hindu, Ấn Độ, "kích hoạt não giữa", chương trình đào tạo trẻ em cảm nhận được vật chất mà không cần nhìn, bị các nhà khoa học Ấn Độ khẳng định là trò lừa bịp.

Ông Madhava Rao, nhà tâm lý thần kinh khẳng định, não giữa không liên quan đến trí thông minh, mà chỉ có mối liên hệ với các phần não khác. Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức duy lý Ấn Độ, ông Narendra Nayak, nói rằng nhiều phụ huynh trả số tiền rất lớn cho những tổ chức lừa đảo với ảo vọng biến con mình thành thiên tài.

Tờ Times of India đưa tin năm 2015, ông Narendra Nayak hứa trả một khoản tiền lớn cho tổ chức nào chứng minh trẻ em có khả năng bịt mắt đọc sách sau khi được đào tạo bằng "kích thích não giữa". Vinoj Surendran, Giám đốc một trung tâm đào tạo theo phương pháp này chấp nhận, không đòi hỏi một khoản tiền nào. Tuy nhiên, hai ngày trước buổi thử nghiệm khả năng siêu việt của những học viên trung tâm mình đào tạo, ông Surendran tuyên bố rút lui!?

Các tổ chức bài trừ mê tín dị đoan và Hiệp hội các tổ chức duy lý Ấn Độ đã phát động chiến dịch chống những lớp học "kích hoạt não giữa" tại nhiều thành phố nước này. Chương trình "kích hoạt não giữa" xuất hiện ở một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam, không tìm thấy trên các trang web, báo chí, cổng thông tin của các tổ chức y khoa, giáo dục uy tín ở các quốc gia phương Tây.

Sự thật về giải Nobel của kích hoạt não giữa

Từ giữa những năm 1990, ở Liên bang Nga, TS Vyacheslav. M. Bronnikov - người đi theo hướng tâm linh và tiềm năng con người đã thành lập Viện quốc tế phát triển con người. Học sinh và thanh niên tập luyện bịt kín hai mắt chơi bóng bàn, bóng rổ, cờ vua và túlơkhơ; trượt patten, tập luyện võ thuật.

Trẻ khiếm thị tập luyện để khai mở màn hình tivi và khả năng thấu thị. Tập luyện thấu thị các cơ quan, phủ tạng, huyệt-kinh mạch, đọc chữ số trong các ô vuông và phân biệt màu sắc đồ vật. Năm 1998, các học sinh lớp 4 Trường Tarta 15, ở TP Kazan vui mừng: "Hoan hô, máy vi tính sinh học đang ở trong đầu chúng ta rồi !".

V. Bronnikov không hề đoạt giải Nobel năm 1981, mà là TS Roger Wolcott Sperry (1913-1994), người  California, Mỹ với công trình Split Brain - chứng minh não chia làm nhiều vùng với những chức năng khác nhau. Ba tháng và tốn khoảng 12 triệu VNĐ, con trở thành thiên tài thì chỉ có ở... trong mơ! Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29.11.2016, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết Bộ không cấp phép cho loại hình đào tạo này.

Bs. Nguyễn Kiên
.
.