Kinh hoàng vụ Pate Minh Chay nhiễm độc tố thần kinh cực nặng

Thứ Bảy, 05/09/2020, 14:06
Hơn 10 người được ghi nhận ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi sử dụng thực phẩm Minh Chay, trong đó phần lớn phải thở máy, liệt cơ, tiên lượng rất nặng. Đây là ngộ độc rất hiếm gặp, ít xảy ra nên các công ty dược trên thế giới không mặn mà sản xuất thuốc giải.

Chính vì vậy, thuốc giải độc đặc hiệu cho vi khuẩn Clostridium botulinum cực kỳ hiếm, còn được gọi là thuốc "mồ côi", giá thành lên tới 8.000 USD/lọ nhưng việc tìm mua cũng giống như "mò kim đáy bể".

Ngộ độc hiếm gặp, gây liệt cơ, 50% bệnh nhân đồng tử giãn

Từ 9 bệnh nhân điều trị (tại Bệnh viện Chợ Rẫy 5 trường hợp), Bệnh viện Bạch Mai 2 trường hợp), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh 2 trường hợp) do ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay của Công ty TNHH 2 thành viên Lối sống mới ở Đông Anh, Hà Nội sản xuất và rao bán trên mạng, đến nay cả nước đã tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh mới.

Chiều 31-8, Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận thêm 1 nam bệnh nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đến trong tình trạng nguy kịch. Nam bệnh nhân vừa nhập viện 54 tuổi, ngày 25-8 ăn nhiều thực phẩm pate Minh Chay. Đến khoảng 23 giờ ngày 26-8, ông có biểu hiện nôn, nói khó, nuốt khó, sụp mi nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bà Rịa điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhược cơ.

Sau đó, tình trạng bệnh tiếp tục nặng thêm, bệnh nhân bị yếu tứ chi, sụp mi hoàn toàn, khó thở và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 27-8. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn và phát hiện bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum giống như 5 bệnh nhân nhập viện trước đó.

Một bệnh nhân vẫn phải thở máy tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai sau khi sử dụng thuốc giải độc.

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh nhưng tình trạng liệt hoàn toàn vẫn chưa cải thiện, phải thở máy. Ngày 31-8, bệnh nhân được lọc máu và duy trì để không xảy ra những biến chứng do độc tố gây ra. 5 ca bệnh bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay đã điều trị trước đó 1 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy có dấu hiệu hồi phục, chưa có biến chứng đáng tiếc nào xảy ra.

Trong cuộc họp trực tuyến chiều 31-8, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND 24 quận, huyện nhanh chóng kiểm tra, giám sát trên thị trường, chủ động thu hồi các sản phẩm của Công ty TNHH 2 thành viên Lối sống mới và thông báo số lượng về Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố.

Đối với sản phẩm Pate Minh Chay, người tiêu dùng ngưng ngay sử dụng, niêm phong sản phẩm và phần còn lại của sản phẩm nếu có và bảo quản ở khu vực riêng biệt. Người sử dụng cần theo dõi sức khỏe, nếu có bất thường cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và xử lý kịp thời.

Nguyễn Cảnh

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, đến ngày 31-8, Trung tâm ghi nhận thêm 4 ca bệnh ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, nâng tổng số lên 6 ca bệnh. Tuy nhiên, 4 ca ngộ độc mới này nhẹ hơn 2 ca trước đó. Chứng kiến các bác sĩ đang điều trị cấp cứu hồi sức cho 2 bệnh nhân cao tuổi nhập viện từ ngày 18-8,  chúng tôi mới thấy hết sự "tàn phá" khủng khiếp của loại độc tố này. Họ là hai vợ chồng ở Hà Nội, độ tuổi 68-70, được chuyển sang từ Bệnh viện Lão khoa vào ngày 18-8.

Ngay khi tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân, kiểm tra xét nghiệm cho thấy đây là điển hình ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum. Khai thác bệnh sử, cả hai bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm ăn chay của Minh Chay, mua trên mạng. Lọ thứ nhất họ ăn vào đầu tháng 7 không thấy triệu chứng gì. Bữa cuối của lọ thứ hai là vào cuối tháng 7, thì sang đầu tháng 8 cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện đau họng, khó nuốt, sụp mi, yếu chân, tay, khó thở.

Theo bác sĩ Nguyên, bệnh nhân nam (người chồng) tình trạng bệnh lý nặng hơn, liệt hoàn toàn các cơ, phụ thuộc máy thở, đồng tử giãn; còn người vợ liệt các cơ nhẹ hơn nhưng cũng không thể ngồi dậy được, không tự ăn, tự nuốt được. Theo bác sĩ Nguyên, cả hai bệnh nhân đến viện khá muộn sau khi ăn thực phẩm dẫn đến ngộ độc...

Chị Nguyễn Thị L. tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và hộp Pate Minh Chay chị sử dụng.

Hàng chục nghìn sản phẩm đã được bán ra

Ngày 30-8, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã phát đi thông báo thu hồi 13 sản phẩm của Công ty TNHH 2 thành viên Lối sống mới ở Đông Anh, Hà Nội. Trước đó, Cục này đã ra thông báo yêu cầu công ty ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng Pate Minh Chay do nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum. Tại Website minhchay.com phát đi thông báo thu hồi sản phẩm loại sản xuất từ ngày 1-7 đến 28-8.

Theo một nguồn tin, công ty đã bán ra khoảng 20.000 hộp pate cho khoảng 10.000 khách hàng và thông qua nhà mạng gửi tin nhắn đến tất cả khách hàng từng mua sản phẩm trong thời gian đã thông báo. Như vậy, với lượng khách hàng rất đông trên cả nước mua sản phẩm Minh Chay, theo TS. bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trong vài ngày tới tiếp tục còn xuất hiện thêm bệnh nhân.

Trưa 31-8, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị L, 40 tuổi, ở Thái Nguyên và chị cho biết: "Tôi thường xuyên ăn đồ chay và vừa mới ăn pate Minh Chay 2 lần. Cách đây hơn 2 tuần, tôi thấy mệt mỏi, buồn nôn nhưng không nghĩ đến Pate Minh Chay. Ngày 15-8, tôi đi khám ở Thái Nguyên nhưng không ra bệnh. Sau đó thấy đau đầu, khó nuốt, tôi xuống Hà Nội khám tại Bệnh viện Đại học Y nhưng cũng không ra bệnh, bệnh viện cho về theo dõi. Vì thấy người rất mệt nên tôi không về quê, thuê nhà trọ ở gần bệnh viện. Tới ngày 18-8 tôi phải vào Bệnh viện Đại học Y cấp cứu vì sụp mí mắt, khó thở, không nuốt được.

Cách đây 2 ngày, qua đài báo chị mới biết đến vụ ngộ độc Pate Minh Chay. Sáng 31-8, chị tới Bệnh viện Bạch Mai khám và được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Chị L. mang lọ pate Minh Chay mình sử dụng đến Trung tâm để bác sĩ nghiên cứu.

TS. bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hơn 30 năm công tác trong nghề y, ông chưa gặp phải trường hợp nào ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum. Theo ông, vào khoảng năm 1975 đến 1980 của thế kỷ trước có lác đác vài ca ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum. Tuy nhiên, từ đó đến nay không phát hiện trường hợp nào ngộ độc do vi khuẩn này. Do đó, khi gặp trường hợp ngộ độc này, các bác sĩ thường chẩn đoán nhầm, nhất là các bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhân bị nhược cơ cũng là điều dễ hiểu.

Thuốc giải độc đựng trong hộp kín như chiếc tủ lạnh mini vận chuyển từ Thái Lan về, 1 lọ thuốc giải có giá 8.000USD.

Săn lùng thuốc giải độc đặc hiệu

Để điều trị loại ngộ độc này hiện rất khó khăn vì không có thuốc giải độc. Ngay khi tiếp nhận và chẩn đoán 2 bệnh nhân ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum, Bệnh viện Bạch Mai có công văn báo cáo Bộ Y tế và cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra và hỗ trợ công tác điều trị. Trên thực tế, rất ít gặp ca ngộ độc như vậy, trong y văn đây cũng là ngộ độc quá cổ điển, rất hiếm gặp nên các công ty dược sản xuất thuốc giải độc không thường xuyên, vì vậy rất hiếm, còn được gọi là thuốc "mồ côi", không có ở Việt Nam.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai phải tìm hiểu qua Hội Các Trung tâm chống độc trong khu vực châu Á. Bác sĩ Nguyên cho biết, ở Thái Lan đang dự trữ thuốc này và liên hệ ngay với Trung tâm Chống độc của một bệnh viện ở Thái Lan để tìm mua. Suốt những ngày qua, được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam, ngày 29-8, WHO mới chuyển 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium botulinum do Canada sản xuất về Việt Nam. Giá 1 lọ thuốc giải độc là 8.000 USD và ngay lập tức cho 2 bệnh nhân sử dụng (mỗi người 1 lọ).

Đến nay Bệnh viện Bạch Mai mới chỉ mua được 2 lọ thuốc giải và đã dùng hết cho 2 bệnh nhân, 4 bệnh nhân mới tiếp nhận không có thuốc. "Chính vì thế nhà nước nên có cơ chế đưa thuốc giải độc này vào danh mục thuốc hiếm, đồng thời phải có kho dự trữ và điều phối thuốc hiếm quốc gia, khi có bệnh nhân thì điều phối cho cả nước", bác sĩ Nguyên kiến nghị.

Vi khuẩn có trong... đất!

Nhưng vấn đề là tại sao đất lại có trong pate? Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, không chỉ riêng sản phẩm Pate Minh Chay mà nhiễm độc Clostridium botulinum có ở rất nhiều sản phẩm, thuộc loại nhiễm độc vi sinh vật gọi là độc thịt, nếu hàm lượng cao còn gây tử vong. Loại vi sinh vật này tồn tại chủ yếu trong đất, nếu sản xuất trong điều kiện thấp, kém thì dễ dàng nhiễm vào.

PGS Thịnh cũng nhấn mạnh, việc vi sinh vật nhiễm vào thực phẩm trong quá trình sản xuất là bình thường, tuy nhiên trong quá trình chế biến phải thanh trùng, tức là phải giết chết vi sinh vật nhưng ở đây lại giết không hết, khi sản phẩm bảo quản lâu, vi sinh vật phát triển và gây ra độc tố.

Ở sản phẩm Pate Minh Chay, PGS Thịnh nhận định, có 2 vấn đề: Thứ nhất là điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Nền nhà bẩn, nhiễm từ đất vào, cũng có thể nhiễm từ người vào (do đi đại tiện hoặc đi đường đất về không rửa tay đã chế biến thực phẩm) hoặc do nguyên liệu từ ban đầu đã nhiễm vi khuẩn; Thứ hai là sau khi sản xuất, để đảm bảo an toàn thì phải diệt khuẩn, pate phải hấp chín. Trường hợp này không được hấp chín hoặc hấp chín không tới, sau khi sản phẩm để lâu, vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển sinh ra chất độc gây ngộ độc cấp tính.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, trên thực tế các loại thức ăn gây ra độc tố Clostridium botulin không chỉ có ở pate mà có mặt ở các loại thực phẩm đóng gói kín, đóng lọ dạng handmade sản xuất như: Rau củ, đậu lên men, cà muối, dưa muối, măng, thịt, hải sản... bán trên mạng và trên thị trường. Nếu đồ hộp sản xuất công nghiệp, việc nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum rất ít xảy ra vì họ có công nghệ diệt bào tử gây ra vi khuẩn. Nhưng sản xuất ở các hộ gia đình thủ công lại khó có cách làm này, nếu không đảm bảo an toàn, vi khuẩn sẽ phát triển, sinh ra độc tố.

Có 2 chỉ tiêu cơ bản để ngăn vi khuẩn không phát triển, đó là chỉ tiêu độ PH trong thực phẩm phải đủ độ chua, dưới 4,6 và độ muối phải trên 5% đủ mặn. Theo ông, đây là lời cảnh báo cho các hộ gia đình hiện đang sản xuất các loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói thủ công bán trên thị trường.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, nó được vi khuẩn C. botulinum (vi khuẩn gây uốn ván) sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử). Vi khuẩn C. botulinum là một loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí). Có khả năng tự tạo ra bào tử (hiểu nôm na là vi khuẩn tự đóng kén để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát.

Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, thì các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum. Trung bình từ 12-36 giờ (có thể vài ngày) sau khi khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum.

Nguyễn Cảnh

Trần Hằng
.
.