Kỷ nguyên robot

Thứ Sáu, 04/05/2018, 13:03
Nổi tiếng với những tiến bộ công nghệ vượt bậc so với nhiều quốc gia khác, người Hàn Quốc đang tập trung phát triển trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế tự động hóa.

Tại sân bay quốc tế Incheon (ICN) nằm bên ngoài thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một nhóm nhân viên có tính tình dễ chịu sẵn sàng giúp đỡ mọi người đi đến cửa máy bay hay dẫn dắt đến phòng chờ gần nhất. Họ được huấn luyện cẩn thận, biết cách cư xử đúng đắn và nhất là nói trôi chảy 4 thứ tiếng.

Robot của LG Electronics có khả năng nhận biết giọng nói, đồng thời nhanh chóng xử lý ngôn ngữ để phản hồi. LG còn chế tạo loại robot làm vệ sinh trong sân bay, sử dụng công nghệ bản đồ và dự đoán chướng ngại vật để chọn đường di chuyển hợp lý nhất.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn có những robot độc đáo đầu tiên trên thế giới: Method-2 - loại robot cao lớn, di chuyển bằng 2 chân và có người điều khiển trực tiếp từ bên trong - được phát triển bởi tập đoàn công nghệ Hankook Mirae Technology. Kế đến là sản phẩm DRC-HUBO - loại robot dạng người có khả năng biến hình là thành quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc cùng với quốc gia láng giềng Nhật Bản nổi tiếng thế giới với những thiết kế tự động hóa thông minh mang tính tiên phong. Cả 2 quốc gia đưa ra thị trường những mẫu giáo viên-robot, công nhân-robot và robot cung cấp dịch vụ trong nhà hàng và khách sạn. Trong tương lai, hàng loạt robot này sẽ trở thành lực lượng lao động thay thế hiệu quả vai trò của con người.

Jae-myoung Hong, kỹ sư trưởng Ban Giải pháp Thông minh của LG, chia sẻ: "Theo quan điểm chúng tôi, trí tuệ nhân tạo kết hợp với robot và những giải pháp liên quan không chỉ là những thiết bị công nghệ mới mà còn là công cụ hỗ trợ con người. Trong một số trường hợp, robot có thể hoàn thành những công việc được coi là quá đỗi nguy hiểm hay quá phức tạp đối với công nhân bình thường".

Năm 2016, Hàn Quốc bán ra thị trường hơn 41.000 robot và đứng thứ 2 trên thế giới về sản phẩm tự động hóa được tiêu thụ rộng rãi - theo số liệu từ Liên minh Quốc tế Robot học (IFR) đặt trụ sở tại thành phố Frankfurt am Main (Đức). Để so sánh, Trung Quốc - quốc gia đông dân hơn Hàn Quốc đến 25 lần và lãnh thổ rộng lớn gấp 95 lần - cũng chỉ bán được gấp đôi con số đó.

Robot hướng dẫn ở Sân bay Quốc tế Incheon (ICN).

Thực tế cho thấy, robot được sử dụng trong công nghiệp ở Hàn Quốc với mật độ dày đặt hơn thế giới rất nhiều. Trong ngành công nghiệp chế tạo, cứ 10.000 công nhân có đến 631 là robot. Mật độ dày đặc nhất có thể nhìn thấy trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô - cứ 10.000 công nhân có đến 2.145 robot.

Tuy nhiên, sự xuất hiện quá nhiều robot trong môi trường lao động đã thực sự gây lo ngại cho người dân xứ sở kim chi. Một số người cảm thấy lo ngại họ sẽ có ít việc làm hơn khi robot xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng, mối lo ngại của người Hàn Quốc cũng chỉ dừng lại ở đó. Dong-kyu Kim bình luận: "Truyền thông dự đoán trong tương lai người dân Hàn Quốc sẽ thất nghiệp vì robot, song tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó và không có nhiều bàn tán về robot nữa".

Trong khi đó, nước Mỹ làm trầm trọng hóa vấn đề với robot với một loạt kịch bản về "Ngày tận thế" trong điện ảnh - ví dụ như các bộ phim Hollywood từ "The Terminator" (Kẻ hủy diệt), "The Matrix" (Ma trận) cho đến "I, Robot" (Tôi là robot). Thậm chí, một số lãnh đạo công nghệ hàng đầu của Mỹ như là Elon Musk cũng tham gia bàn luận về tận thế.

Theo điều tra nghiên cứu mới đây Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington (Mỹ), 72% người Mỹ rất (hay một phần nào đó) lo ngại về tương lai tự động hóa với robot dạng người. Một số người lo sợ robot dạng người không chỉ cướp mất công ăn việc làm mà còn được trang bị trí tuệ nhân tạo đến mức "thông minh hơn cả con người" có thể dẫn đến hành động đảo chính hay thậm chí giết chết chính những người đã sáng tạo ra chúng - như trong câu chuyện kinh dị về bác sĩ Frankenstein!

Nhưng, người Hàn Quốc lại không hề rơi vào tâm trạng hoảng loạn kinh khiếp đến như thế. Sau khi Bán đảo Triều Tiên đình chiến vào năm 1953, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu triển khai cấp tốc những chương trình phát triển kinh tế giúp đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo và từ đó ngành công nghiệp chế tạo trở thành nền móng của quốc gia này. Chính phủ Hàn Quốc đề xướng phát triển lĩnh vực công nghệ cao đồng thời đào tạo cả một thế hệ công nhân có trình độ kỹ thuật cao - 2 yếu tố được cho là quan trọng đưa Hàn Quốc đến vị trí quốc gia có câu chuyện thành công về kinh tế.

Theo Chỉ số Sáng tạo của Bloomberg, Hàn Quốc đứng vào hàng những quốc gia sáng tạo nhất thế giới trong 4 năm qua. Đồng thời Hàn Quốc cũng là quốc gia chi tiêu tiền không tiếc (tính theo tỷ lệ GDP) vào lĩnh vực Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trong năm 2014 - theo đánh giá từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Hàn Quốc - quốc gia tinh thông công nghệ, có tính liên kết cộng đồng cao và cực kỳ thực dụng - coi nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo là một phần giải pháp cho nền kinh tế quốc gia chứ không phải vấn đề gây lo ngại. Do đó, thay vì cứ mãi lo sợ về ngày tận thế do sự xâm lấn của trí tuệ nhân tạo, người Hàn Quốc miệt mài suy nghĩ cách chế tạo và sử dụng robot như thế nào để giúp cải thiện cuộc sống con người tốt hơn, đồng thời giúp xứ lý hiệu quả hàng loạt vấn đề xã hội từ nhỏ đến lớn.

Vi dụ, tập đoàn công nghệ LG Electronics đang cố gắng nghiên cứu phát triển ngày càng nhiều hơn nữa các mẫu robot giúp tối ưu hóa công việc trong gia đình (từ máy cắt cỏ tự động cho đến một loạt thiết bị gia dụng thông minh) cũng như phục vụ ở các môi trường công cộng khác như là: khách sạn, nhà hàng, trung tâm du lịch, những địa điểm giải trí công cộng...

Jae-myoung Hong tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là xác định những lĩnh vực cho phép công nghệ tự động hóa đóng góp nhiều giá trị nhất". Hong tiết lộ trong vòng 1 đến 2 năm tới LG Electronics sẽ đưa ra thị trường một số mẫu robot mới.

Những ứng dụng robot trong tương lai hứa hẹn giúp cho Hàn Quốc không chỉ thay thế lực lượng lao động đang già đi và về hưu nhanh mà còn chăm sóc cả cho những người này.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.