Kỳ tích ca ghép cánh tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới

Thứ Bảy, 29/02/2020, 15:45
Chuẩn bị tới 4 năm, khi có nguồn tạng là bàn tay trái của một nam bệnh nhân bị tai nạn phải cắt bỏ hiến tặng, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Bệnh viện 108) đã “chớp thời cơ” để thực hiện ca ghép chi thể lịch sử.

Hơn 1 tháng sau ghép cẳng - bàn tay, bệnh nhân Phạm Văn Vương (29 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) đã có thể cầm nắm được một số đồ vật thô. Để có được thành công này, các thầy thuốc của bệnh viện đã trải qua nhiều lần “cân não”, bởi đây là một ca ghép tạng khó nhất trong các kỹ thuật ghép mô, tạng hiện nay.

Các bác sĩ của Bệnh viện 108 đã làm được điều kỳ diệu này, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ghép chi thể thành công, đồng thời là ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.

Anh Vương vui mừng khi “tay mới” đã cầm nắm được một số đồ vật thô.

Những quyết định “cân não”

Cho đến nay trên thế giới chưa quốc gia nào ghi nhận ca ghép chi thể từ người cho sống mà chỉ ghi nhận từ người cho chết não. Từ năm 1998 đến nay (2020), mới chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Trong đó, ghép cẳng tay được thực hiện nhiều nhất tại Mỹ là 24 trường hợp, Trung Quốc là 13 trường hợp, Pháp 11 trường hợp.

Tất cả trường hợp được ghép đều lấy từ nguồn từ người cho chết não. Những thành công trên lâm sàng ghép bàn tay cũng như sự hài lòng của người bệnh là động lực để các trung tâm y khoa trên khắp thế giới khởi động chương trình ghép tay và ghép chi thể.

Tại các nước Đông Nam Á, cho đến nay, chưa có một ca ghép chi thể đồng loại nào được thông báo trong y văn thế giới và đây là ca đầu tiên trên thế giới được tiến hành ngay tại Bệnh viện 108.

GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết, để đi đến quyết định ghép chi thể cho bệnh nhân cũng không hề dễ dàng, các thầy thuốc phải trải qua nhiều cuộc “cân não”, tổ chức rất nhiều cuộc hội chẩn.

“Chúng tôi có đầy đủ từ cơ sở lý luận đến thực tiễn để đưa ra ca ghép, có thời gian 4 năm chuẩn bị, có đề án, có đào tạo trong và ngoài nước, trực tiếp ghép là GS.TS Nguyễn Thế Hoàng - người đã tham gia thực hiện ca ghép 2 tay từ người cho sống ở Đức vào năm 2008. Trước đó, bệnh viện đã thực hiện hàng chục nghìn ca trồng nối chi thể và việc trồng nối chi thể đã trở thành thường quy ở bệnh viện nên đã có rất nhiều kinh nghiệm. Điều kiện cơ sở hạ tầng, gây mê, hồi sức, nhân lực của bệnh viện đã chuẩn bị rất tốt nên chúng tôi rất tự tin khi đưa ra quyết định này” - GS Mai Hồng Bàng nói.

Với GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện 108 - người cùng các bác sĩ của Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật thực hiện ca mổ lấy và ghép cẳng bàn tay cho anh Phạm Văn Vương thì đây là một quyết định mà bệnh viện chờ đợi đã rất lâu. Năm 2006 anh Hoàng sang CHLB Đức nghiên cứu sinh tại Bệnh viện Ngoại khoa “Rechts der Isar” thuộc trường Đại học Tổng hợp Munich. May mắn là trong thời gian theo học, anh được làm việc với thầy giáo - người mà sau này là tổng chỉ huy của ca ghép 2 cánh tay đầu tiên ở Đức - được mời làm phẫu thuật viên chính thực hiện ca ghép 2 chi thể lịch sử đó.

Bệnh nhân trước...
...và sau ghép tay.

“Ở Đức thời điểm đó, ghép tạng đã trở thành thường quy nhưng ghép chi thể từ người cho chết não thì đây là lần đầu tiên và đến hiện tại cũng chưa ghi nhận thêm ca mới. Trong 2 ca ghép cánh tay này, tôi là phẫu thuật viên chính “nối những mạch máu quan trọng”. Đây là một quá trình thực tiễn hết sức quý báu cho mình kinh nghiệm để sau này thực hiện ca ghép ở trong nước” - GS Hoàng chia sẻ.

Sau sự kiện đó, GS.TKHS Nguyễn Thế Hoàng nhận Huân chương khoa học Karl Max von Bauerfeind 2008 của CHLB Đức vì đã có thành tích là phẫu thuật viên chính trong ca mổ ghép 2 cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới được hiện tại Munich.

Ấp ủ dự định từ năm 2008, năm 2017 “Đề án KHCN tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện 108” được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, bệnh viện đã không ngừng nghiên cứu, chuẩn bị về tư liệu, thuốc, danh sách bệnh nhân và chờ đợi “thời cơ” để thực hiện ca ghép lịch sử. “Chúng tôi chờ đợi ca ghép này rất lâu rồi. Cơ hội chỉ chớp mắt, nếu không chớp lấy thì không bao giờ ghép được” - GS Hoàng chia sẻ.

Bệnh nhân được chọn ghép cẳng - bàn tay là anh Phạm Văn Vương. Năm 2016, trong quá trình lao động, anh Vương bị tai nạn do máy đột dập khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái giập nát, biến dạng hoàn toàn. Anh Vương được đưa đến Bệnh viện 108 cấp cứu.

Do vết thương giập nát quá nặng nề và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn, các bác sĩ buộc phải đưa ra chỉ định cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái. Dù vết thương mỏm cụt liền sẹo kỳ đầu và anh được xuất viện sau 2 tuần điều trị, tuy nhiên nỗi đau tinh thần vì sự mất mát tay ngay từ khi vẫn còn trẻ tuổi khiến anh luôn ám ảnh. Cuộc sống của anh Vương kể từ đó gặp nhiều khó khăn.

4 năm sau, ngày 3-1-2020, Bệnh viện 108 tiếp nhận một ca bệnh nặng và phức tạp do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Theo chia sẻ của GS.TS Mai Hồng Bàng, bệnh viện đã nỗ lực mọi cách để cứu cánh tay cho bệnh nhân. Trong 18 ngày với 3 lần mổ, bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật cố gắng hết mức có thể nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Bệnh nhân đã được hội chẩn nhiều lần qua các cấp trong bệnh viện và thống nhất chỉ định phải cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Khi thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ cũng nhận thấy rằng: phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt (đoạn từ 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) dù còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Các bác sĩ đã gặp, động viên bệnh nhân và gia đình, họ đã đồng ý và tự nguyện “hiến” một phần chi thể của mình cho anh Vương như một nghĩa cử nhân văn vô cùng cao đẹp.

 Khi dự định này được đưa ra, các bác sĩ đã cân nhắc đến khả năng, tuy phần thừa này không nhiễm trùng nhưng đã nề, thiếu máu, thiếu dưỡng và biến đổi về màu sắc, có thể bên trong đã nhiễm trùng. Nếu ghép không thành công (không sống) có thể cắt bỏ bàn tay đó đi và tạo mỏm cụt cho bệnh nhân. Nếu nối mạch máu không thành công, vi trùng ào vào mạch máu dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Bệnh nhân sau ghép phải dùng thuốc thải ghép phức tạp hơn ghép mô, tạng khác rất nhiều. Trong 10 ngày đầu tiên phải dùng thuốc chống thải ghép rất nặng, nguy cơ nhiễm trùng còn cao hơn nữa...

Bệnh viện tính đến khả năng, khi mổ cắt bàn tay của người hiến, rửa sạch và đánh giá kỹ xem có ghép được không, trong trường hợp nếu cắt bàn tay ra mà thấy nhiễm trùng thì phải hủy ca ghép. Sau ghép tiến hành theo dõi sát xem có xảy ra tình trạng nhiễm trùng hay không, nếu nhiễm trùng xuất hiện và tiến triển nhanh thì phải cắt bỏ cánh tay đã ghép của bệnh nhân. Đồng thời, theo dõi chống thải ghép, nếu thải ghép có vấn đề, phải có phương án ngay.

“Đó là vấn đề cân não trăn trở của các bác sĩ. Sau, chúng tôi thấy rằng, nếu mình không ghép thì không bao giờ làm được. Sau khi cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng mọi nguy cơ có thể xảy ra, cũng như các điều kiện cần và đủ, khả năng đáp ứng của bệnh viện, chúng tôi đưa ra quyết định thực hiện ca mổ “ghép bàn tay mới” cho anh Vương. Đây là quyết định rất bản lĩnh, quyết tâm cao, trách nhiệm rất lớn với người bệnh. Đến hôm nay, chúng tôi có thể khẳng định đây là quyết định rất đúng” - GS Mai Hồng Bàng chia sẻ.

Kỳ tích của cánh tay mới

Hơn 30 ngày sau ghép chi thể, bệnh nhân Phạm Văn Vương đã khỏe mạnh. Gặp bệnh nhân vào sáng 24-2, anh Vương giơ cánh tay được ghép lên cho chúng tôi xem, bàn tay sống, được tưới máu tốt và các vết thương đều đã liền. Các ngón tay đã có thể vận động được và có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật thô. Đây là điều kỳ diệu mà đến tận bây giờ, bản thân anh cùng những người thân trong gia đình vẫn ngỡ như một giấc mơ.

“Điều kỳ diệu mà tôi chưa từng nghĩ tới trong suốt 4 năm qua là mình được ghép tay và có bàn tay lành lặn như hôm nay. Khi nhận được điện thoại từ GS Nguyễn Thế Hoàng thông báo mình có cơ hội ghép bàn tay, tôi vô cùng bất ngờ nhưng rất đỗi vui mừng. Tôi đặt niềm tin hoàn toàn vào GS Hoàng và các bác sĩ” - anh Vương xúc động chia sẻ.

Nhìn thành quả của mình và toàn bộ ê-kíp phẫu thuật, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng nói rằng, trước đó, có rất nhiều khó khăn đặt ra cho các thầy thuốc: Khó khăn về sự tương đồng giữa người cho, người nhận, chống thải ghép, chống nhiễm khuẩn, phục hồi chức năng.

“Chúng tôi đã kiểm tra tương đồng về sinh học và đặc điểm miễn dịch giữa người cho và người nhận. Các xét nghiệm về miễn dịch độ tương đồng lên đến 3.6, các xét nghiệm kháng thể gần như tối ưu, hòa hợp giữa người cho và người ghép hoàn toàn có thể tích hợp. Có xét nghiệm chúng tôi rất cẩn thận làm 2 lần để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả hai bệnh nhân” - Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ.

Ông cho biết, về mặt kỹ thuật cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, khi tạo hình các khối cơ chằng chịt của bệnh nhân đã không hoạt động 4 năm, các mạch máu thần kinh đều yếu. “Khi tôi thực hiện ca ghép 2 cánh tay ở Đức là ca ghép từ người cho chết não, ca ghép chỉ có 4 cơ, mạch máu thần kinh 3 dây to, rõ ràng, duy nhất 1 xương nên về nguyên tắc đơn giản hơn nhiều. Còn ca ghép cho anh Vương cấu trúc cẳng và bàn tay có tới 43 cơ và rất nhiều mạch máu, các cơ có chức năng riêng rẽ, phải phục hồi tất cả nên so với ca ghép 2 tay ở Đức khó khăn và thách thức hơn rất nhiều. Hơn nữa, ca ghép này còn phải cắt xương, kết xương, đặc biệt là mạch máu, thông thường chỉ nối 2 động mạch, 3 tĩnh mạch là được nhưng trường hợp này nối tới 8 mạch máu” - GS Hoàng so sánh.

Theo ông, so với ghép mô, tạng như ghép thận, ghép gan... thì ghép chi thể khó hơn nhiều, đặc biệt là ghép cẳng - bàn tay vì có da, mỡ dưới da, cân cơ, cốt mạc, xương khớp, dịch khớp, mạch máu thần kinh, có nhiều kháng nguyên khác nhau. Xử lý chi thể người cho phải đánh giá đâu là tổ chức lành, đâu là tổ chức sử dụng được và không sử dụng được, đòi hỏi kỹ thuật viên phải rất giỏi. Người ghép phải bóc tách tỉ mỉ, rất khó khăn. So với ghép chi dưới thì ghép chi trên cũng khó khăn hơn nhiều vì đòi hỏi chức năng vận động của bàn tay rất tinh tế. 

Sau 8 tiếng, ca mổ “ghép cẳng tay và bàn tay mới” từ người hiến sống cho anh Vương do trực tiếp GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng cùng các bác sĩ của Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật của bệnh viện thực hiện thành công. Kíp trực theo dõi sát bàn tay của bệnh nhân 24/24h, không có ngày nghỉ. Khó khăn đặt ra lúc này là công tác chống nhiễm khuẩn, chống thải ghép sau phẫu thuật.

Nhưng, điều kỳ diệu đã đến, tất cả cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành. Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Hơn 30 ngày, không có ngày nào bệnh nhân sốt, bàn tay bắt đầu hồi phục, không có nhiễm trùng xảy ra. Đây là điều mà các bác sĩ vui mừng nhất.

Tới đây, bệnh nhân sẽ bước vào thời gian phục hồi chức năng, sẽ mất khoảng 6-10 tháng để bàn tay hoạt động như bình thường. Theo đánh giá của các bác sĩ, với chức năng của bệnh nhân hơn 1 tháng thấy tốt hơn ghép tự thân. Nếu sau này bệnh nhân phục hồi tốt, tuân thủ các chỉ định thì đạt được chức năng gần như tay thật.

Thành công của ca ghép chi thể từ người cho sống đã mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh bị mất tay, mất chân do tai nạn. Theo GS Hoàng, danh sách người mong muốn được ghép chi thể rất nhiều, có nhiều cô gái trẻ đẹp mất tay, chân do tai nạn giao thông, có trường hợp mất cả 2 tay do pháo nổ... nhưng người hiến vô cùng ít. Theo Giám đốc Bệnh viện 108, trường hợp người bệnh hiến tay cho anh Vương đã được bệnh viện đưa vào danh sách đợi ghép tạng, nếu sau này có chi thể phù hợp hiến tặng, hy vọng anh sẽ được ghép.

Trần Hằng
.
.