Ký ức con người có thể bị đánh cắp
Bây giờ hãy tưởng tượng một phiên bản đen tối của cùng một tương lai, trong đó tin tặc chiếm đoạt những ký ức này và đe dọa sẽ xóa chúng nếu bạn không trả tiền chuộc. Nghe có vẻ xa vời, nhưng kịch bản này có thể xảy ra trong tương lai gần hơn là bạn nghĩ.
Những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thần kinh đã đưa chúng ta đến gần hơn đến giai đoạn mà con người có thể khởi động và tăng cường mọi ký ức của chúng ta; và có lẽ chỉ trong một vài thập niên nữa chúng ta cũng có thể điều khiển, giải mã và "biên soạn" lại ký ức. Các công nghệ có khả năng làm cơ sở để dẫn đến những phát triển này là cấy ghép não - thủ thuật đang nhanh chóng trở thành công cụ phổ biến cho các bác sĩ phẫu thuật thần kinh.
Các bác sĩ và nhà sản xuất công nghệ thông tin sẽ cần phải hợp tác để cập nhật các vấn đề an ninh mạng. |
Thủ thuật kích thích não sâu (DBS) được ứng dụng để điều trị một loạt bệnh như là như run, Parkinson và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) tác động đến khoảng 150.000 người trên toàn thế giới. Thậm chí, các công nghệ còn cho thấy tiềm năng để kiểm soát bệnh tiểu đường và giải quyết bệnh béo phì.
Thủ thuật DBS cũng đang ngày càng được nghiên cứu sâu rộng hơn nữa để điều trị chứng trầm cảm, mất trí nhớ, hội chứng Tourette và các bệnh tâm thần khác. Và, mặc dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu đang khám phá cách điều trị các rối loạn trí nhớ như những nguyên nhân gây ra bởi các sự kiện chấn thương.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Mỹ (DARPA) có chương trình phát triển và thử nghiệm "giao diện thần kinh không dây, có thể cấy ghép hoàn toàn" để giúp phục hồi mất trí nhớ ở những binh sĩ bị ảnh hưởng bởi chấn thương sọ não. Laurie Pycroft, nhà nghiên cứu thuộc Khoa học phẫu thuật Nuffield Đại học Oxford, cho biết: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có chương trình cấy ghép bộ nhớ được thương mại hóa trong vòng 10 năm tới hoặc lâu hơn - chúng tôi đang nói về loại khung thời gian này".
Trong thời gian 20 năm, công nghệ có thể phát triển đủ để cho phép chúng ta nắm bắt các tín hiệu xây dựng ký ức, tăng cường và rồi đưa chúng quay trở lại não bộ. Đến giữa thế kỷ 21, chúng ta có thể có quyền kiểm soát sâu rộng hơn, với khả năng điều khiển ký ức. Tuy nhiên, Laurie Pycroft cho rằng hậu quả của việc kiểm soát rơi vào tay kẻ xấu có thể là "rất nghiêm trọng".
Hãy tưởng tượng một hacker đột nhập vào chất kích thích thần kinh của một bệnh nhân mắc bệnh Parkinson và gây xáo trộn các thiết lập. Hacker cũng có thể tác động đến suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân hoặc thậm chí gây tê liệt tạm thời. Hacker tội phạm cũng có thể đe dọa xóa bỏ hoặc ghi đè lên ký ức của một ai đó nếu tiền chuộc không được trả cho hắn ta - hành động có thể sẽ thông qua trang web "đen". Nếu các nhà khoa học giải mã thành công các tín hiệu thần kinh trong ký ức của chúng ta, thì các kịch bản là vô hạn.
Ví dụ, hãy nghĩ đến các hacker nước ngoài thông minh có thể thu thập mọi thông tin bằng cách đột nhập vào máy chủ của Bệnh viện cựu chiến binh Washington DC. Trong một thí nghiệm năm 2012, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và Đại học California Berkeley (UCB) đã tìm ra những thông tin cực kỳ nhạy cảm như thẻ ngân hàng và mã PIN chỉ bằng cách quan sát sóng não của những người đeo tai nghe chơi game phổ biến.
Dmitry Galov, nhà nghiên cứu tại công ty bảo mật mạng Kaspersky Lab, cho biết: "Xâm nhập não bộ để thu thập thông tin và thay đổi bộ nhớ một cách có ác tâm sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh bảo mật. Đó là một số thách thức khá mới lạ hoặc có thể nói là độc đáo". Các nhà nghiên cứu của Kaspersky và Đại học Oxford đã hợp tác trong một dự án để lập bản đồ về các mối đe dọa và phương tiện tấn công tiềm năng của bọn tội phạm hacker liên quan đến các công nghệ mới nổi này.
"Ngay cả ở cấp độ phát triển vũ bão như ngày nay - tiến bộ nhanh đến mức nhiều người chưa kịp nhận ra - có một sự căng thẳng rõ ràng giữa an toàn bệnh nhân và an ninh bệnh nhân" - theo báo cáo tựa đề: "Thị trường Ký ức: Chuẩn bị cho một tương lai, nơi các mối đe dọa trực tuyến nhắm vào quá khứ của bạn". Ông Dmitry Galov lập luận: "Nếu chúng ta chấp nhận rằng công nghệ này sẽ tồn tại, chúng ta có thể thay đổi hành vi của mọi người. Nếu người ta hành xử theo cách mà chúng ta không muốn, chúng ta có thể ngăn chặn họ bằng cách kích thích phần não bộ phát ra những cảm xúc xấu".
Tấn công vào các thiết bị y tế được kết nối không phải là một mối đe dọa mới. Năm 2017, chính quyền Mỹ đã thu hồi 465.000 máy tạo nhịp tim sau khi xem xét chúng dễ bị tấn công bởi hacker tội phạm. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết những người có ý định xấu có thể can thiệp vào các thiết bị y tế, thay đổi nhịp tim của ai đó hoặc làm cạn kiệt pin, với nguy cơ tử vong trong cả hai trường hợp.
FDA nhận định: "Khi các thiết bị y tế ngày càng được kết nối với nhau qua internet, mạng bệnh viện, các thiết bị y tế và điện thoại thông minh khác, có nguy cơ khai thác lỗ hổng bảo mật mạng, một số trong đó có thể ảnh hưởng đến cách thức một thiết bị y tế hoạt động". Đây là một vấn đề đối với nhiều lĩnh vực y tế và Kaspersky tin rằng, trong tương lai, nhiều thiết bị sẽ được kết nối và giám sát từ xa bằng máy tính.
Các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân cần được giáo dục về cách phòng ngừa và Galov cho rằng thiết lập mật khẩu mạnh sẽ là chìa khóa. Con người đại diện cho "một trong những lỗ hổng lớn nhất" bởi vì chúng ta không thể yêu cầu các bác sĩ trở thành chuyên gia an ninh mạng.