Lần đầu xác định được "tuổi" của dấu vân tay

Thứ Ba, 25/02/2020, 11:14
Các nhà khoa học vừa tìm ra cách xác định "tuổi" của dấu vân tay để lại trên các bề mặt như ở hiện trường vụ án. Đây là đột phá có thể biến đổi cả ngành pháp y. Kết quả nghiên cứu nói trên được đăng trên tạp chí Hóa học Phân tích (Mỹ).

Xác định dấu vân tay là một công cụ chủ yếu của các nhà điều tra và được dùng phổ biến hơn thế kỷ qua dựa trên thực tế là các mẫu vòng lặp, vòng tròn và hình vòm trong vân tay không ai giống ai.

Gần đây, các chuyên gia đã rất quan tâm tới khai thác vết lắng đọng dấu vân tay để tìm ra hóa chất có thể giúp xác định chủ nhân dấu vân tay. Tuy nhiên, xác định chính xác thời gian ai đó để lại dấu vân tay là điều khó khăn.

Với thông tin có cách xác định "tuổi" dấu vân tay nói trên, các điều tra viên có thể dựa vào dấu vân tay để thu hẹp các đối tượng có mặt tại một địa điểm vào thời gian xảy ra tội ác.

Các nhà nghiên cứu tìm ra cách xác định thời gian ai đó để lại dấu vân tay.

Cụ thể, các nhà hóa học đã phát hiện thấy các hóa chất gọi là triacylglycerol trong dầu tiết ra trên da của con người sẽ thoái hóa một cách có thể dự báo, và do đó có thể dùng cách này để xác định thời gian dấu vân tay được để lại.

Tuy nhiên, tốc độ thay đổi của các chất này lại khác nhau ở từng người. Cần phải tính đến quá trình thay đổi này trước khi sử dụng biện pháp xác định tuổi của dấu vân tay.

Nhà hóa học Young Jin Lee thuộc Đại học Bang Iowa và đồng nghiệp viết trong nghiên cứu: "Các đặc điểm riêng biệt hoặc đặc điểm nhỏ của dấu vân tay khiến đây là một nguồn đáng tin cậy trong xác định danh tính cá nhân. Các thuật toán chuyên sâu, như những thuật toán được sử dụng trong hệ thống xác định dấu vân tay tự động (AFIS), được sử dụng để so sánh những đặc điểm duy nhất của dấu vân tay chưa rõ thuộc về ai với dấu vân tay của những người đã có trong cơ sở dữ liệu".

Tuy nhiên, các nhân viên pháp y tại hiện trường tội ác hiện nay không có cách nào chính xác để biết dấu vân tay được để lại trong thời gian xảy ra tội ác hay tại thời điểm trước hoặc sau tội ác.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu phản ứng diễn ra trong vết lắng dấu vân tay khi chúng thoái hóa theo thời gian. Quá trình này xảy ra khi ozone trong không khí phản ứng với triacylglycerol không bão hòa  - một loại phân tử sinh học lipid - mà đầu ngón tay để lại trên bề mặt khi ta chạm vào.

Sử dụng dấu vân tay của ba người tham gia nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã dùng kỹ thuật phân tích hóa học gọi là hình ảnh khối phổ để theo dõi mức độ thay đổi chất triacylglycerol trong thời gian một tuần. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra họ có thể xác định tốc độ triacylglycerol thoái hóa một cách đáng tin cậy trong giai đoạn 7 ngày.

Họ cũng phát hiện ra tốc độ thoái hóa dấu vân tay dường như khác nhau giữa ba người tham gia nghiên cứu. Trong đó, triacylglycerol trong dấu vân tay một người thoái hóa chậm hơn hai người kia.

Nhóm cho rằng sự khác nhau này là do lượng lipid trong dấu vân tay hai người cao hơn lượng lipid trong dấu vân tay người còn lại - và nó đã làm giảm tốc độ mất triacylglycerol.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra phương pháp xác định thời gian này thậm chí còn có thể thực hiện với các dấu vân tay bị rắc bột pháp y lên. Nghiên cứu trước đây cho thấy phương pháp sắc ký khí - khối phổ có thể xác định xem dấu vân tay có được để lại dưới 8 ngày hay không. Tuy nhiên, thí nghiệm mới phát triển nói trên có thể giúp các điều tra viên biết chính xác hơn thời gian ai đó để lại dấu vân tay.

Khi nghiên cứu sơ bộ đã hoàn tất, các thành viên nhóm giờ sẽ chuyển sang điều tra xem các yếu tố môi trường khác nhau, như lượng ozone hay độ ẩm không khí, có ảnh hưởng tới tốc độ thoái hóa dấu vân tay không. Nhóm cũng sẽ thực hiện các thí nghiệm với nhiều người tham gia hơn để giúp xác định chính xác xem lượng lipid trong dấu vân tay một người có ảnh hưởng thế nào tới tốc độ thoái hóa triacylglycerol.

Phương pháp xác định tuổi của dấu vân tay nói trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều tiến triển trong công nghệ xác định dấu vân tay. Ví dụ như một kỹ thuật mới có thể tạo ra hình ảnh độ phân giải cao từ các bề mặt kim loại khó lấy dấu vân tay nhất như dao và vũ khí. Phương pháp này đang thu hút sự chú ý của các thám tử phụ trách những vụ án treo.

Các chuyên gia Đại học Nottingham hợp tác với Đại học Derby đang sử dụng ToF-SIMS - "phương pháp khối phổ ion thứ cấp thời gian bay" có độ nhạy cao và không làm hỏng dấu vết. Mục đích là để xây dựng hình ảnh dấu vân tay độ phân giải cao từ các bề mặt mà cách lấy hình ảnh vân tay truyền thống không thể làm được trọn vẹn.

Khi dùng kỹ thuật ToF-SIMS để lấy dấu vân tay ẩn trên các bề mặt khó như kim loại, có thể thấy kỹ thuật này có khả năng thu dấu vân tay rất chi tiết. Kỹ thuật có thể tái tạo dấu vân tay để lại cách đó 26 ngày.

Phương pháp truyền thống khó lấy dấu vân tay lâu như vậy vì thông thường chất lượng sẽ giảm sau 8 ngày. Một số dấu vân tay còn không thể nhận ra chỉ trong 3 ngày và sau 14 ngày thì vô vọng.

Kỹ thuật lấy dấu vân tay được cho là có từ rất lâu đời. Từ thời nhà Tần (năm 221-206 trước Công nguyên), người Trung Quốc đã lấy dấu vân tay và dấu chân làm bằng chứng tại hiện trường tội ác.

Khoảng năm 1300, nhà vật lý Ba Tư Rashid-al-Din đã nói rằng dấu vân tay của hai người thì không giống nhau.

Tới năm 1686, nhà giải phẫu tại Đại học Bologna, ông Marcello Malpighi đã xác định các đường trên dấu vân tay.

Từ năm 1900 trở đi, cảnh sát các nước bắt đầu dùng dấu vân tay để xác định tội phạm.

Đức Huy
.
.