Lật tẩy mánh khóe tội phạm trốn truy nã

Thứ Ba, 26/02/2019, 13:26
Cảnh sát Tây Ban Nha trong năm 2018 vừa qua đã bắt giữ thành công Sito Minanco, tên trùm buôn lậu ma túy nổi tiếng xứ Galicia đã lẩn tránh sự truy nã của cảnh sát trong gần 15 năm qua. Điều tra cho thấy, Minanco cũng như nhiều những tên tội phạm khác đã sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau để che giấu nhân dạng của mình, trốn tránh sự truy nã của cơ quan hành pháp.

Tên trùm buôn lậu ma túy Sito Minanco bị sa lưới tại Getafe, thành phố nằm gần thủ đô Madrid. Tại Tây Ban Nha, hắn tự nhận là một công dân Croatia, còn khi ra nước ngoài hắn dùng hộ chiếu giả của Peru. Những thủ đoạn hóa trang của Minanco được đánh giá là hết sức hoàn hảo. Hắn thường xuyên nhập cảnh vào Maroc mà không hề gây ra nghi ngờ từ các nhân viên biên phòng tại đây.

Sito Minanco.

Phải đến sau khi bị bắt, người ta mới biết rõ nguyên nhân đã giúp cho tên trùm tội phạm có thể lẩn trốn sự truy nã trong suốt nhiều năm như vậy. Hóa ra, dấu vân tay của hắn đã thay đổi hoàn toàn tới mức không thể nhận ra. Những đầu ngón tay sau khi được lột da và đốt cháy một cách tinh vi đã được cấy một lớp màng vân tay mới.

"Lớp da mới được cấy đã giúp thay đổi vân tay và che những vết sẹo - cảnh sát Tây Ban Nha đã giải thích như vậy với phóng viên tờ The Guardian - Đây là một quá trình hết sức chuyên nghiệp và tinh vi, đòi hỏi phải dày công thực hiện trong suốt vài năm".

Thay hình đổi dạng để trốn nã

Việc thay đổi vân tay hoàn toàn không phải là một ý tưởng mới. Hồi đầu những năm 1930, băng đảng nổi tiếng của Ma Barker (từng tung hoành tại các bang Missouri, Oklahoma và Kansas) đã từng bày ra trò này. Cụ thể là hai tên cướp Alvin Karpis và Freddy Barker đã thuê bác sĩ cắt gọt các đầu ngón tay của chúng. Dù phải trải qua quá trình chịu đựng rất đau đớn, nhưng những tên cướp đã uổng công. Các vân tay lại được khôi phục hoàn toàn sau khi các vết thương lành lại.

John Dillinger.

Còn tên trùm băng đảng nổi tiếng tại Chicago là John Dillinger lại thử dùng axit để xóa các dấu vân tay. Nỗ lực này cũng không có nhiều tác dụng: những dấu vân trên đầu ngón tay khó phân biệt hơn nhưng cũng không biến mất đi hoàn toàn. Âm mưu phẫu thuật thẩm mỹ vào thời kỳ đó cũng khiến cho Dillinger phải thất vọng. Hắn không thay đổi được nhiều sau khi tháo băng. Bất kỳ ai gặp hắn đều có thể nhận ra.

Dù gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng nhiều tên tội phạm vẫn tìm mọi cách để có thể thay đổi nhân dạng của mình, thậm chí với bất kỳ giá nào. Vào năm 2007, thanh niên Nhật 28 tuổi Tatsuya Ichibashi đã tìm mọi cách trốn chạy, sau khi bị truy nã vì tội sát hại một nữ giáo viên  người Anh. Nhìn thấy bức ảnh truy nã của mình phía bên ngoài một đồn cảnh sát ở Tokyo, hắn để ý ngay tới dấu hiệu nhận biết chính là hai nốt ruồi trên má trái. Quay trở về nhà, hắn lấy con dao dọc giấy, cắt phăng ngay hai cái nốt ruồi.

Vài tháng sau, Ichibashi khi đang ẩn náu tại phía bắc đảo Honshu, lại cả gan dùng dao cắt bớt phần môi dưới để làm cho nó mỏng hơn so với ảnh truy nã. Hắn đã phải làm điều này tới hai lần. Trong lần đầu tiên, Ichibashi đã buộc phải dừng lại vì không chịu nổi đau đớn. Sau vài ngày tạm hồi phục, hắn chui vào một nhà vệ sinh công cộng để làm nốt công việc còn đang dang dở. Để che giấu những vết sẹo đáng ngờ, hắn luôn đeo một chiếc khẩu trang y tế. Cảm thấy vẫn còn chưa an toàn, Ichibashi dành dụm tiền trong suốt hai năm để tới thẩm mỹ viện chỉnh sửa mũi. Nỗ lực lần này đã gây hại cho chính hắn. Các chuyên gia thẩm mỹ sau khi nhận thấy những dấu vết nốt ruồi bị cắt đáng ngờ đã báo cho cảnh sát. Ichibashi bị bắt giữ vào năm 2009 và phải nhận bản án chung thân.

Những tên trùm tội phạm hàng đầu về cơ bản lại không có nhiều tham vọng thay đổi nhân dạng, dù chúng hoàn toàn có khả năng. Nguyên nhân chủ yếu là rất khó thay đổi hoàn toàn bề ngoài, trong khi mức độ mạo hiểm lại không hề nhỏ.

Vào năm 1997, tên trùm ma túy Amado Carrillo Fuentes của Mexico đã thiệt mạng trong thời gian phẫu thuật thẩm mỹ vì sai sót của bác sĩ. Sau khi không thể cứu được ông chủ, những tay chân của Fuentes đã sát hại toàn bộ nhóm bác sĩ, chôn xác họ trong các thùng bê tông. Trường hợp này đã khiến giới tội phạm Nam Mỹ có một thời gian dài từ bỏ mọi âm mưu phẫu thuật thẩm mỹ.

Chiêu “ve sầu thoát xác”

Một thủ đoạn khá cổ điển và tinh vi của những tên tội phạm là… giả chết. Mới đầu tháng 2 vừa rồi, các chuyên gia nghiên cứu thời trung cổ của Anh mới đây đã kể về một nữ tu thời kỳ đó có tên Joan từ Leeds, người đã biết giở trò này từ 7 thế kỷ trước. Vì dính vào chuyện yêu đương muốn trốn khỏi tu viện, Joan đã giả chết. Cô ta được một số đồng phạm làm giả cái xác từ một con búp bê. Trong khi các nữ tu khác đang khóc lóc, chôn cất con búp bê, thì Joan đã chạy trốn tới một thành phố khác cùng tình nhân của mình.

Philip Sessarego.

Vào thời đại ngày nay, chẳng cần dùng đến búp bê mà vẫn có thể giả chết dễ dàng nhờ những giấy chứng nhận giả mạo. Một tay nát rượu tại Mỹ có tên Peter Gentry đã từng là kỷ lục gia về trò này: hắn đã giả chết đi sống lại tới 3 lần.

Vào tháng 2-1992, Gentry lần đầu tiên đã giả chết vì một chuyện khá vặt vãnh: muốn trốn tránh những cáo buộc về việc lái xe trong tình trạng say rượu. Trong tờ giấy chứng tử giả của Gentry có xác nhận, anh ta trong một chuyến đi tới Los Angeles đã gặp phải một tai nạn xe hơi và thiệt mạng. Mọi chuyện đều trót lọt và Gentry tiếp tục thường xuyên lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo thêm một thời gian nữa.

Chỉ một năm sau, rắc rối tương tự lại lặp lại. Lần này, một người đàn ông tới Viện kiểm sát với những giấy tờ chứng thực rằng, Gentry đã tới Zimbabwe, bị lây bệnh sốt Denzor tại đây và qua đời. Thi thể anh ta được hỏa táng và chôn tại châu Phi. Kẻ lừa đảo lại qua mặt các nhà chức trách một lần nữa. Tuy nhiên, may mắn đã không kéo dài được lâu. Gentry tình cờ bị một viên cảnh sát quen biết với hắn chặn xe và phát hiện ra trò lừa đảo. Kết quả là Gentry phải nhận bản án 3 năm tù.

Một công dân Anh có tên Philip Sessarego cũng nổi tiếng với hai lần giả chết. Năm 1991, anh ta tới chiến đấu tại Nam Tư và biến mất sau một vụ đánh bom xe. Suốt 10 năm sau đó, tất cả đều tưởng Sessarego đã chết, trước khi anh ta xuất hiện với cái tên mới là Tom Carew.

Nhưng khác với Sessarego, nhân vật Carew này tự giới thiệu là một cựu chiến binh của lực lượng lính dù đặc nhiệm SAS của Anh, từng có mặt tại rất nhiều điểm nóng trên khắp thế giới. Anh ta thậm chí còn khẳng định, từng huấn luyện cho các tay súng Mujahideen tại Afghanistan vào năm 1980, sau đó bí mật hỗ trợ tài chính cho các nhóm hồi giáo tại Bosnia đang chiến đấu chống lại Serbia.

Năm 2000, Sessarego xuất bản cuốn hồi ký về những năm tháng tại Afghanistan. Sau vụ khủng bố tại New York vào ngày 11-9-2001, cuốn sách được xếp vào loại best-seller, và tác giả được mời tham gia một chương trình truyền hình với tư cách là chuyên gia. Những người quen cũ, trước đó đều nghĩ anh ta đã chết, rất nhanh chóng nhận ra tay cựu binh Tom Carew trên thực tế là ai. Khi thông tin trên được tiết lộ, các phóng viên ngay lập tức điều tra cụ thể về tiểu sử của anh ta. Họ nhanh chóng hiểu ra, kẻ gian lận Sessarego chẳng có chút dính líu gì tới thực tế được kể trong sách - SAS, Mujahideen và phe hồi giáo tại Bosnia tất cả đều là chuyện tưởng tượng.

Quá bẽ bàng trước chuyện này, Sessarego lặn một hơi tới Antwerpen (Bỉ). Anh ta một lần nữa lại đổi tên thành Philip Stevenson. Vì tin rằng giới báo chí sẽ tiếp tục truy lùng mình, Sessarego gần như không dám ló mặt ra ngoài. Suốt vài tháng liền, anh ta ẩn náu trong một garage xe với một chiếc bếp ga nhỏ và thiết bị sưởi để sống qua ngày, chỉ dám bước chân ra đường vào dịp đêm tối.

Cũng tại đây, thần chết đã ghé thăm Sessarego lần thứ hai, và lần này là chuyện thực hoàn toàn. Tháng giêng năm 2009, người ta phát hiện một thi thể đã phân hủy gần một nửa trong garage xe hơi. Các chuyên gia pháp y cho biết, người đàn ông này đã chết vì ngạt khí gas từ 6 tháng trước. Phía cảnh sát khẳng định đây là phần thi thể của Sessarego, trong khi họ hàng vẫn không loại trừ khả năng đây lại là kế "ve sầu thoát xác" nữa của anh ta.

Thượng nghị sĩ  David Friedland từ bang New Jersey từ trước đó vẫn được coi là một chính trị gia đầy triển vọng trước khi bị bắt giữ vào năm 1980 vì tội nhận hối lộ 300 ngàn đôla. Dù phải nhận phán quyết 7 năm tù, nhưng ông ta vẫn tránh được cảnh giam cầm nhờ lời hứa sẽ giúp chính quyền lần ra những kẻ tham nhũng khác.

Nhưng Friedland dù sao vẫn tiếp tục trò lừa đảo khi moi từ quỹ lương hưu Teamsters Union hơn 1 triệu đôla. Đến năm 1985, sau khi hiểu không thể thoát được cáo buộc trên, ông ta chạy tới Bahama, dàn dựng cái chết của bản thân mình trong một chuyến lặn biển. Friedland trốn tránh được lệnh truy nã cho tới năm 1987, trước khi bị sa lưới tại Maldives. 

Trục lợi bảo hiểm

Bảo hiểm cũng là một lĩnh vực mà những tên tội phạm tìm mọi cách trục lợi. Điển hình là trường hợp của một công dân Anh đã nghỉ hưu là Anthony McErlean. Năm 2009, sau khi mua bảo hiểm nhân thọ với trị giá tới 520 ngàn bảng, ông ta tới Honduras và … mất tích.

Anthony McErlean.

Một năm sau, công ty bảo hiểm nhận được một lá thư của vợ McErlean, kèm theo đó là giấy chứng tử cùng lời khai của một nhân chứng đã tận mắt chứng kiến cái chết của ông này. Theo đó, McErlean đã bị một chiếc xe tải chở bắp cải đâm chết sau khi vừa bước ra khỏi chiếc xe của mình để thay bánh. Những người nông dân địa phương đã mang thi thể tới một ngôi làng gần đó, hỏa táng trước khi chôn cất. Giờ đây, bà vợ của McErlean muốn nhận được toàn bộ số tiền bảo hiểm trị giá 520 ngàn bảng.

Nghi ngờ về khả năng gian lận, công ty bảo hiểm đã liên hệ với cảnh sát. Các chuyên gia sau khi nghiên cứu kỹ các giấy tờ đã phát hiện ra rằng, trên tờ giấy chứng tử có dấu tay của chính McErlean. Chưa kể chữ ký của bà vợ ông ta là giả, còn nhân chứng trên thực tế không hề có. Hậu quả là McErlean phải nhận án tù 6 năm vì tội lừa đảo. Sau khi ra tù, ông ta tiếp tục lừa đảo một cụ già 94 tuổi nhằm lấy toàn bộ tài sản. Sau phiên tòa xét xử mới đầu tháng 2 vừa rồi, McErlean được hứa hẹn sẽ tiếp tục xộ khám một vài năm nữa.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.