Lầu Năm Góc loay hoay với trí thông minh nhân tạo

Thứ Tư, 30/08/2017, 06:44
Lầu Năm Góc coi trí thông minh nhân tạo và các công nghệ liên quan là chìa khóa của các hoạt động quân sự trong tương lai. Tuy nhiên, cơ quan này đang gặp nhiều thách thức khi tìm cách mua các công nghệ đó.


Thần kinh nhân tạo

Giới chức quân đội Mỹ từ lâu đã ấp ủ một loạt ứng dụng tiềm năng của trí thông minh nhân tạo, như phân tích, khai thác thông tin tình báo, tìm mục tiêu, chiến tranh mạng, phòng thủ tên lửa…

Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Paul Selva, phát biểu trong một phiên điều trần gần đây tại Ủy ban Quân lực của Thượng viện: "Tất cả các đơn vị thực ra đều khá quan tâm tới việc có thể đưa trí thông minh nhân tạo tiên tiến và công nghệ tự động để hỗ trợ đánh bại kẻ thù trên mọi cuộc xung đột mà chúng ta có thể liên quan".

Lầu Năm Góc gặp khó khi muốn mua công nghệ trí thông minh nhân tạo.

Theo ông, ý tưởng này rất hấp dẫn, nhất là khi chứng kiến năng lực mà trí thông minh nhân tạo có thể mang lại, góp phần thúc đẩy độ chính xác và tốc độ kiểm soát, ra mệnh lệnh; cũng như những năng lực mà công nghệ tự động tân tiến có thể thể hiện trong bối cảnh không gian cuộc chiến ngày càng phức tạp.

Hồi tháng 4, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Robert Work đã thành lập một nhóm liên chức năng tác chiến thuật toán tại Lầu Năm Góc để thúc đẩy các nỗ lực nói trên.

Trong biên bản trình bày về sáng kiến thành lập nhóm trên, ông Robert Work nói rõ: "Mặc dù chúng ta đã thực hiện các bước để khám phá tiềm năng của trí thông minh nhân tạo, tập hợp dữ liệu lớn và deep learning (mạng lưới thần kinh nhân tạo), tôi vẫn cho rằng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, hành động nhanh hơn nữa khắp Bộ Quốc phòng để tận dụng lợi thế của các tiến bộ gần đây và trong tương lai trong các lĩnh vực quan trọng này".

Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang tìm biện pháp tốt nhất để mua các công cụ trí thông minh nhân tạo. Đại tá Hải quân Drew Cukor, trưởng nhóm tác chiến thuật toán nói: "Tôi ước chúng ta có thể mua trí thông minh nhân tạo như mua rau diếp tại Safeway, nơi chúng ta có thể bước vào, quẹt thẻ tín dụng và bước ra với mớ rau diếp. Chuyện này không dễ dàng như vậy".

Chính phủ Mỹ đã ra một thông báo rộng rãi để tìm kiếm các hợp đồng phát triển thuật toán. Người bán sẽ được lựa chọn thông qua một quy trình tuyển chọn cạnh tranh.

Công nghệ trí thông minh nhân tạo phải được tích hợp và đưa vào sử dụng. Một khi một thuật toán được đưa ra, nó phải được tối ưu hóa trong vòng đời của mình. Theo ông Cukor, chúng ta không mua trí thông minh nhân tạo như mua đạn vì đó là một quy trình chuỗi công việc.

Tuy nhiên, nhóm của ông Cukor đã được trao thẩm quyền được phép tìm cách khác để mua công nghệ trí thông minh nhân tạo. Họ có 36 tháng để tìm hiểu xem có cách nào hiệu quả nhất để mua công nghệ sao cho vừa có lợi cho người đóng thuế vừa có lợi cho các binh sĩ liên quan.

Cạnh tranh trong nước khốc liệt

Trong khi các đối thủ tiềm tàng của Mỹ là Nga và Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, Lầu Năm Góc đang bị cạnh tranh khốc liệt ngay trong nước khi tìm kiếm tài năng khoa học máy tính. Nước Mỹ đang trong cuộc chạy đua vũ khí trí thông minh nhân tạo. 5 công ty internet lớn nhất Mỹ đang theo đuổi lĩnh vực này một cách khốc liệt. Eric Schmidt, chủ tịch công ty mẹ Alphabet của Google, giờ coi Google là một công ty trí thông minh nhân tạo, chứ không phải là một công ty dữ liệu.

Ai cũng lao vào lĩnh vực này và có hàng tấn tiền đang được đầu tư vào đây. Theo một báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey có tên "Trí thông minh nhân tạo: Mặt trận kỹ thuật số tiếp theo?", các công ty công nghệ thương mại lớn đã chi 20 tỷ đến 30 tỷ USD năm 2016 vào các công nghệ này.

Các công ty ở Thung lũng Silicon và trung tâm công nghệ khác đang trả lương cao ngất để thu hút người lao động có năng lực. Ông Cukor cho biết: "Những gì mà tôi thấy từ góc độ chính phủ là những kỹ sư phần mềm trẻ tuổi đang kiếm được mức lương ngang với cầu thủ bóng bầu dục. Các khoa khoa học máy tính tại các trường đại học lớn đều bị quét sạch vì họ đều nghỉ hết để đầu quân cho công ty công nghệ thương mại".

Số lượng người có đúng kỹ năng cần thiết để làm việc trong các dự án trí thông minh nhân tạo không nhiều, thậm chí là hạn chế. Điều đó có nghĩa là Bộ Quốc phòng Mỹ buộc phải cạnh tranh với khu vực tư nhân trả lương cao ngất trong tuyển dụng nhân tài. Vấn đề là làm sao để khuyến khích những kỹ sư trẻ có tài này làm việc cho chính phủ.

Trong bối cảnh đó, ông Cukor cho rằng thay vì tham gia vào cuộc chiến giành giật không thể thắng nổi, Lầu Năm Góc nên kêu gọi lòng yêu nước của các chuyên gia trí thông minh nhân tạo và "đánh" vào tâm lý khao khát làm việc trong các dự án thách thức chỉ quân đội mới có.

Không hấp dẫn

Nhóm của ông Cukor đang tìm cách mua công nghệ tân tiến từ khu vực thương mại nhưng điều này có thể rất khó khăn vì nhiều công ty không quen làm ăn với Bộ Quốc phòng và có những công ty thực sự không muốn dính dáng tới nơi này.

Với nhiều công ty, lý do là vì quá trình mua công nghệ của Lầu Năm Góc rất chậm chạp, lợi nhuận quá thấp. Những công ty đã bắt tay với Lầu Năm Góc đôi khi cảm thấy tức giận khi làm việc với Bộ Quốc phòng. Để thành công, giới chức Lầu Năm Góc đang tìm mua công nghệ trí thông minh nhân tạo sẽ phải đi đường khác so với quy trình truyền thống.

Các tổ chức như Defense Innovation Unit Experimental (DIUx  - một sáng kiến của Bộ Quốc phòng do Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thành lập năm 2015) có thể đóng vai trò cầu nối giữa Lầu Năm Góc và Thung lũng Silicon, đẩy nhanh quá trình mua công nghệ mới. Các văn phòng tương tự thuộc sáng kiến này từ đó đã được thành lập ở các trung tâm công nghệ khác như Boston và Austin, Texas.

Google và các công ty khác ở Thung lũng Silicon không phải là các công ty duy nhất theo đuổi công nghệ trí thông minh nhân tạo. Bộ Quốc phòng có thể tìm mua công nghệ trí thông minh nhân tạo từ các công ty như Northrop Grumman, Lockheed Martin và Raytheon vốn cũng đang có các dự án trí thông minh nhân tạo và đang tìm cách tích hợp công nghệ này vào nền tảng quân sự. Điều này rất thuận lợi cho Lầu Năm Góc khi muốn tìm kiếm các đối tác truyền thống hơn trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.

Tuy nhiên, bản thân các đối tác truyền thống này cũng đang đối mặt với các thách thức tương tự như Lầu Năm Góc trong vấn đề cạnh tranh với các công ty thương mại. Theo ông Tom Jones, Phó Chủ tịch Northrop Grumman, người phụ trách công nghệ tân tiến của tập đoàn, các công ty thương mại đang cử hàng nghìn kỹ sư tìm cách tích hợp machine learning (phương pháp phân tích dữ liệu) và trí thông minh nhân tạo vào các dây chuyền sản phẩm hoặc đầu tư lớn vào các cơ sở nghiên cứu ô tô tự hành. Lượng tiền lớn như vậy là điều khiến các tập đoàn ngành quốc phòng như Northrop Grumman không thể theo kịp. Các nhà thầu quân sự truyền thống bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực áp dụng công nghệ.

Đây là một vấn đề khó giải quyết vì những bộ óc tài năng nhất đang chuyển vào các công ty thương mại lớn. Thậm chí giờ còn khó có thể tìm thấy họ trong các trường đại học. Họ đã bị "tước đoạt" khỏi các trường để làm việc và phát triển thuật toán trong những nơi như Thung lũng Silicon.

Trong bối cảnh đó, ông Cukor cho rằng cả công ty truyền thống và phi truyền thống đều có vai trò khi Lầu Năm Góc tìm cách mua trí thông minh nhân tạo. Ông cho rằng họ không cần phải lo ngại Bộ Quốc phòng sẽ "thổi tung" toàn bộ ngành này vì sản phẩm của ngành chính là những gì mà Bộ Quốc phòng cần. Ông cho biết thuật toán giờ sẽ là một yếu tố quan trọng trong hệ thống vũ khí của Lầu Năm Góc và Lầu Năm Góc tiếp tục tìm kiếm những công ty có thể đưa các thuật toán này vào nền tảng quân sự.

Dù có lời trấn an như vậy nhưng nếu không sớm hành động hiệu quả, Lầu Năm Góc khó có thể tìm mua được công nghệ trí thông minh nhân tạo phù hợp với nền tảng quân sự.

Nhật Minh
.
.