Lịch sử các ký hiệu giao thông

Thứ Sáu, 13/12/2019, 10:54
Ký hiệu giao thông (KHGT) xuất hiện ngay từ buổi bình minh của nền kỹ nghệ xe hơi. Lần đầu tiên người ta đặt các biển báo ghi các KHGT trên đường phố Paris (Pháp) là vào năm 1903, với hình tròn được quét bằng sơn trắng trên nền đen.

Tới thập niên 20 thế kỷ trước ở Liên Xô cũ bắt đầu xuất hiện hàng loạt các KHGT. Từ năm 1927 với 6 loại biển báo đầu tiên, tới năm 1933 đã tăng lên 22 loại biển báo, qua năm 1953 là 39 loại và đến năm 1979 là 78 loại biển báo khác nhau.

Vào năm 1968 tại Vienne (Áo) đã thông qua một thỏa thuận quốc tế, quy định chi tiết về các biển báo và tín hiệu đèn giao thông, được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tiêu chuẩn bảng hiệu mới nhằm thỏa mãn các quy ước trong giao thông đường bộ toàn cầu. Thỏa thuận này đặt ưu tiên các "ký hiệu" lên trước các "chữ hiệu", bởi một điều rõ ràng trong thực tế là các bác tài nhận biết biển báo ký hiệu nhanh hơn; còn với dạng biển báo chữ hiệu phải mất thời gian đọc nhiều hơn và thường gây trở ngại - nhất là vào ban đêm.

Biển cấm tựa vào cột đèn tín hiệu đề phòng… điện giật.

Nhưng tại nhiều quốc gia khác, thứ biển báo dạng chữ hiệu vẫn chiếm ngôi bá chủ. Ví như ở Hoa Kỳ chẳng hạn (cho đến nay người Mỹ vẫn chưa ký thỏa thuận Vienne) và theo các chuyên gia thì tình trạng giao thông ở đây thật hỗn loạn. Những biển báo ghi "Đường lộ này không! Hãy quay lại ngay!", hoặc "Cây cầu này đã 40 năm nay chưa sửa, đi qua rất nguy hiểm!"… rất phổ biến ở Mỹ.

Tại nhiều nước, ngoài những biển báo giao thông tiêu chuẩn quốc tế ra, còn thấy những biển hiệu độc đáo khác lạ. Như trên đảo Cyprus, tấm chữ hiệu bất thần dễ gây sửng sốt: "Chú ý! Nguy hiểm! Đường trơn trượt vì nước quả nho”.  Điều này thường xảy ra vào đầu mùa thu là thời kỳ thu hoạch nho. Xe cộ chà nát số nho rơi vãi trên đường và biến nhiều đoạn lộ thành "vừa ngọt lại vừa trơn".

Còn ở Thụy Điển, Pháp và nhiều nước châu Âu khác, trên những con đường xuyên qua làng mạc, thường thấy biển báo vẽ hình gia súc gia cầm cùng lời đề nghị: "Hãy giảm tốc độ! Xin cám ơn!". Hàng năm, trên các con đường dạng này, hàng chục nghìn đầu vật nuôi đã bị bánh xe nghiến phải.

Với biển báo giao thông của tương lai, nhiều nơi đã áp dụng thử nghiệm biển báo điện tử như tại các nhà ga. Từ bộ phận điều độ, tùy tình hình giao thông thực tế, người ta cho phát những biển báo phù hợp chỉ qua một nút nhấn từ trung tâm.

Các nhà chế tạo người Đức còn muốn đưa biển báo điện tử vào ngay trên bảng điều khiển tại ca -bin buồng lái, qua một màn hình tiếp nhận các KHGT từ trung tâm điều độ tương ứng với từng quãng đường sắp đi, cũng như sơ đồ tổng thể tình trạng đường sá (để tránh được thời gian chờ đợi đường sửa gây ùn tắc không đáng có).

Tại Anh gần đây có dạng biển báo chớp lóe như trong quảng cáo, nhằm duy trì khoảng cách cần thiết giữa các phương tiện trong dòng xe cộ đang lưu thông. Nếu có vi phạm, biển báo tức thì sẽ lập lòe dòng chữ: "Bạn đi quá sát rồi!".

Cảnh sát giao thông Anh hy vọng là loại biển báo mới này sẽ giúp tránh được những vụ tai nạn lớn với hàng loạt xe đâm chồng lên nhau, nhất là trên các đoạn xa lộ cao tốc khi thời tiết quá xấu.

Còn có cả các biển báo thú vị nữa. Như trên một tấm biển hình tam giác với nền màu trắng, bên trong là hình minh họa màu đen: kẻ ăn trộm với bao đồ trên vai và chiếc chìa khóa trong tay. Hình này thường thấy ở Đan Mạch nhằm mục đích khuyến cáo mọi người, nhất là các du khách ngoại quốc rằng tại các bãi đậu xe thường có bọn đạo chích chôm chỉa!

Còn dọc các con phố ở thủ đô Copenhagen thường thấy các biển báo chữ hiệu với dòng chữ "Bạn chọn gì? Bạn đi với vận tốc 40 km/h và sống tới 80 tuổi, hay ngược lại?"; hoặc tại thành phố Kassel miền trung nước Đức, các bác tài thường bỡ ngỡ trước tấm biển báo vẽ đôi bàn chân trần.

Điều này có nghĩa là "Khu vực cấm các phương tiện gắn động cơ, chỉ dành riêng cho người đi bộ"; hay một kiểu biển báo nữa: ven một ngôi làng ở Thụy Sĩ, chiếc biển hình tam giác vẽ chiếc giày cũ cùng mũi tên bên dưới. Đơn giản có nghĩa là "Tiệm sửa giày". Chỉ có vậy, nhưng cũng khiến không ít tài xế phân vân và việc đầu tiên là họ phải giảm tốc độ cái đã…

Thu Hường (theo L'Historie)
.
.