Liên tiếp xảy ra động đất ở Quảng Nam, người dân sống trong sợ hãi
Theo số liệu thống kê thì ngày 24-1-2016, trên địa bàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) xảy ra trận động đất có cường độ 3,3 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km; ngày 31-1-2016, xảy ra trận động đất có cường độ 3,7 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 6,7km; ngày 9-4-2016, xảy ra trận động đất 3,2 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 7km và ngày 14-4-2016, thêm một trận động đất 3 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 5km.
Nhà dân bị nứt sau động đất. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Hiện tượng rung chấn địa chất gây nên những tiếng nổ lớn trong lòng đất bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam từ năm 2010. Đó là thời điểm mà đập dâng của công trình thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước để chuẩn bị cho các tổ máy đi vào hoạt động.
Trao đổi với báo giới, một vị lãnh đạo của huyện Bắc Trà My cho biết một cách cụ thể rằng: Những địa bàn thường xảy ra dư chấn và trong lòng đất phát ra tiếng nổ lớn là xã Trà Tân, Trà Bui, Trà Giác, Trà Giang, Trà Đốc, Trà Dương, Trà Sơn, Thị trấn Trà My (thuộc huyện Bắc Trà My) và các xã Trà Leng, Trà Dơn (thuộc huyện Nam Trà My). Những địa bàn này đều nằm trong vòng bán kính chừng 30km xung quanh vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Người dân địa phương nơi xảy ra dư chấn cũng đã kể lại rằng: Vào ban đêm thường nghe thấy những tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất, ngay sau đó mọi người cảm nhận rất rõ hiện tượng rung lắc ngay dưới chân mình, quá trình rung lắc kéo dài có khi đến gần 1 phút. Những gia đình ở gần nơi phát ra tiếng nổ dưới lòng đất, có nhà bị nứt tường, có nhà vỡ kính, cốc chén rơi loảng xoảng, tivi đang xem bỗng nhiên tắt ngúm…
Tuy là chưa gây ra thiệt hại gì lớn về người và của, thế nhưng hiện tượng lòng đất phát nổ gây nên dư chấn mà người ta gọi là động đất xảy ra kéo dài với những diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn đã làm cho chính quyền và nhân dân ở vùng đất này hết sức hoang mang, lo lắng…
Những hộ dân đang sinh sống trên địa bàn các xã thường xảy ra động đất của huyện Bắc Trà My (tức là khu vực ở ngay dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2) đã kể lại rằng: 2 trận động đất đầu tháng 4-2016 này đã xảy ra kèm theo một tiếng nổ rất lớn. Nhiều người khẳng định họ cảm nhận được rằng tiếng nổ dường như đã làm cho mặt đất bị dội ngược lên.
Các chuyên gia đang nghiên cứu về hiện tượng động đất. |
Dẫu rằng, suốt thời gian 5 năm qua, những hộ dân sinh sống ở đây đã quá quen với hiện tượng động đất, thế nhưng, vì trận động đất này quá mạnh nên đã có hàng trăm người dân ở đây hoảng loạn, gọi nhau tháo chạy về phía những khu đất trống để đề phòng thảm họa.
Trước rất nhiều phóng viên, người dân ở huyện Bắc Trà My kể rằng: Thường trước những trận động đất xảy ra, họ thấy bị ù tai và ngay sau đó là họ nghe thấy những tiếng nổ lớn từ trong lòng đất. Một lãnh đạo của UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My nói thêm: Trên địa bàn do ông phụ trách có rất nhiều những căn nhà bị hư hỏng do động đất và hiện tượng này cứ ngày một trầm trọng thêm.
Với trách nhiệm của những người lãnh đạo ở địa phương, chúng tôi chỉ biết từng ngày động viên người dân hãy yên tâm để ổn định sản xuất duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng biết rất rõ rằng, người dân ở đây đã và đang rất hoang mang khi nghĩ về số phận của mình.
Vị lãnh đạo xã này cho biết thêm: Thường sau khi trên địa bàn có xảy ra động đất, chúng tôi cũng đều thành lập các đoàn đến kiểm tra thân đập thủy điện và các hộ dân đang sinh sống trên địa bàn. Từ đó, chúng tôi đã hoàn tất các báo cáo cụ thể để đệ trình lên UBND tỉnh Quảng Nam với mong muốn tỉnh sẽ kiến nghị với Trung ương nhằm có kế hoạch khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân gây ra động đất để có phương án phòng tránh, bảo đảm đời sống và tài sản cho người dân…
Tuy nhiên, về mặt chuyên môn thì Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay: “Hai trận động đấy vừa qua tại địa bàn Bắc Trà My, đều nằm trong quy luật hoạt động động đất kích thích. Những trận động đất này vẫn nhỏ hơn trận động đất lớn nhất có dự báo là khoảng 5,5 độ Richter”.
Tiến sĩ Anh cho biết thêm: Hiện tượng xảy ra động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Vì vậy, rất cần phải tiếp tục theo dõi sát sao mọi diễn biến của hoạt động động đất ở đây. Trong đó chú ý nghiên cứu mối quan hệ giữa động đất với lượng nước của hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Thời gian quan trắc càng dài thì sẽ giúp cho việc dự báo xu thế hoạt động của động đất càng chính xác hơn.
Vì các trận động đất ở đây thuộc loại yếu cho nên trên thực tế không có khả năng gây ra những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, những trận động đất xảy ra ở khu vực này có chung một đặc điểm là chúng phát sinh ở độ sâu chừng 6-7km, rất gần với mặt đất, nên dù năng lượng phát ra không lớn, nhưng chúng vẫn gây ra hiện tượng rung động mạnh trên bề mặt và kèm theo tiếng nổ, vì vậy mà làm cho người dân sinh sống trong khu vực này hoang mang, lo lắng…
Đi qua những vùng từng xảy ra động đất ở huyện miền núi này, chúng tôi đã nghe được rất nhiều tâm tư của người dân, họ kể rằng: Đã nhiều năm trôi qua, người dân ở vùng miền núi này phải thường xuyên sinh sống, làm ăn, sản xuất trong nơm nớp lo sợ vì động đất. Ngày trước, hiện tượng động đất chỉ xảy ra mỗi khi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, thời tiết ở địa phương đang rất nắng hạn, mỗi lúc chuyển trời thì hiện tượng động đất lại xảy ra. Người dân lại càng lo lắng, hoang mang hơn khi mà hiện tượng động đất ở vùng này những ngày qua đã diễn ra liên tục. Cứ mỗi lần như thế, người dân lại gọi nhau bỏ nhà tháo chạy, vì vậy mà đời sống thường nhật của họ bị ảnh hưởng rất nhiều. Có nhiều gia đình đã bỏ nhà xây kiên cố để làm nên những ngôi nhà tranh tre tạm bợ sinh sống nhằm đề phòng thảm họa khi có động đất lớn xảy ra.
Nói chung, ở bất cứ nơi đâu thuộc huyện vùng cao này chúng tôi cũng nghe thấy những lời thở than của người dân trước hiện tượng động đất và tất cả trong số họ đều mong mỏi được các nhà khoa học giải thích rõ ràng về hiện tượng nan giải này.
Trao đổi với lãnh đạo huyện cũng như các xã thường xảy ra hiện tượng động đất ở khu vực vùng núi Quảng Nam, chúng tôi được biết: Đối với địa bàn các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, hiện tượng động đất thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua, nên công tác chuẩn bị để đối phó với tình trạng này luôn được địa phương quan tâm đặc biệt.
Lãnh đạo các cấp thường xuyên duy trì đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ để tiếp cận với hiện trường nơi xảy ra động đất một cách nhanh nhất, an toàn nhất. Đối với đồng bào sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng động đất, ngoài việc tuyên truyền kết hợp với tập huấn phòng ngừa thảm họa thiên tai, chính quyền còn hướng dẫn bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu để sẵn sàng di chuyển đến chỗ ở an toàn khi cần thiết. Về lâu dài, huyện Bắc Trà My đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Trung ương và các bộ, ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, khảo sát về tình hình động đất diễn ra liên tiếp trong thời gian qua và thông báo kết luận về tình trạng này để chính quyền địa phương có cơ sở tuyên truyền cho hơn 2 vạn đồng bào đang sinh sống ở đây.
Không riêng gì địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam, cách đây chưa lâu, trên địa bàn huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) cũng đã liên tiếp xảy ra hiện tượng động đất. Các chuyên gia về động đất đã giải thích hiện tượng này rằng: Tại khu vực chạy qua tỉnh Thừa Thiên Huế có một đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy này theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, trải dài từ khu vực đất của nước bạn Lào, qua Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Việc động đất liên tiếp xảy ra ở huyện A Lưới và Hương Trà có thể là do đới đứt gãy này tăng cường hoạt động.
Các hồ thủy điện thường xuyên tích nước với trữ lượng khổng lồ. |
Thời gian trước đây, hiện tượng động đất trên đới đứt gãy này cũng xảy ra nhiều nhưng ở trên lãnh thổ của Lào. Có thể, động đất này xảy ra khi có tác động của hồ chứa trên nền đứt gãy hoạt động khiến cho năng lượng tích lũy được giải phóng sớm, gây ra động đất. Động đất kích thích dễ xảy ra nếu các đập chứa có sự thay đổi mức nước cao thấp quá nhanh. Huyện A Lưới hiện có hồ thủy điện A Lưới tích nước hai năm nay với dung tích hồ chứa 60,2 triệu m3 và hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 ở Bắc Trà My cũng có lượng nước khổng lồ.
Các chuyên gia chuyên nghiên cứu về động đất cũng đưa ra khuyến cáo: Chính quyền các địa phương từng xảy ra hiện tượng động đất nên di dân ra khỏi khu vực có các công trình thuỷ điện, tái định cư ở vùng có bán kính đủ an toàn. Khi động đất xảy ra, dù có tiếng rung hoặc nổ lớn, người dân không được hoảng sợ, phải bình tĩnh thoát ra khỏi nhà, tìm đến các khoảng trống. Khi xây nhà, người dân cũng phải tuân thủ các quy chuẩn về kháng chấn mà Nhà nước đã ban hành từ năm 2006.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế, là 2 địa phương thường xuyên xảy ra động đất ở các huyện miền núi thì khẳng định rằng: Việc nghiên cứu về động đất hoàn toàn nằm ngoài khả năng của tỉnh. Họ rất mong muốn các nhà khoa học sớm làm sáng tỏ tình trạng động đất ở huyện Bắc Trà My và A Lưới để giải thích cho người dân, trấn an dư luận và có phương án đối phó...