Béo phì có ích trong ngăn ngừa chứng mất trí nhớ?
Các nhà nghiên cứu Đại học Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) phân tích dữ liệu y khoa của gần 2 triệu người trong vòng 10 năm và phát hiện những người thừa cân (với BMI từ 25 đến 29) giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ (dementia) đến 18% so với những đối tượng có BMI chuẩn.
Thậm chí, tỷ lệ mắc bệnh nơi những người béo phì (BMI hơn 30) giảm đến 24%. Trong khi, những người nhẹ cân có nguy cơ bị mất trí nhớ đến 39%. Bác sĩ Nawab Qizilbash, chuyên gia dịch tễ học lâm sàng và người lãnh đạo cuộc nghiên cứu, mô tả kết quả là "đáng ngạc nhiên", và "đây là một công trình nghiên cứu quy mô và đáng tin cậy mở đường cho công cuộc tìm kiếm những yếu tố bảo vệ chống lại chứng bệnh Alzheimer". Nhưng, kết quả này còn chưa khác thường lắm!
Tiến sĩ Katherine Flegal (trái). |
Cách đây 3 năm, một kết quả một nghiên cứu, dựa trên phân tích 100 cuộc thử nghiệm y khoa đối với 3 triệu người, thậm chí còn quy mô hơn nữa được công bố trên Tạp chí Journal of the American Medical Association tiết lộ, những người thừa cân thường sống lâu hơn những người có trọng lượng bình thường! Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy người thừa cân (với BMI nằm giữa 25 và 29) giảm nguy cơ chết sớm đến 6% so với số người có BMI bình thường. Tuy nhiên, béo phì bắt đầu làm giảm tuổi thọ chỉ khi nào chỉ số BMI vượt quá 35 từ đó dẫn đến nguy cơ chết sớm hơn những người có BMI bình thường đến 29% - theo nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của nữ tiến sĩ Katherine Flegal ở Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Giáo sư David Haslam, bác sĩ đa khoa là Chủ tịch Diễn đàn Béo phì Quốc gia (NOF), cho biết hiện tượng gọi là "obesity paradox" (tạm dịch: béo phì nghịch lý hay mâu thuẫn) đang diễn ra hiện nay: "Béo phì làm tăng nguy cơ phát sinh một số bệnh nguy hiểm như bệnh tim và đái tháo đường type 2, song một khi ngã bệnh thì yếu tố thừa cân lại có hiệu quả bảo vệ cơ thể. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu về nó".
Bìa cuốn sách "Doctoring Data". |
Bác sĩ đa khoa Malcolm Kendrick cũng tuyên bố trong cuốn sách mới xuất bản của ông "Doctoring Data" rằng béo phì là có lợi. Nhưng theo ông, cách tính toán chỉ số BMI bình thường hay "khỏe mạnh" là không đúng.
Chỉ số BMI có thể tiết lộ một người bị béo phì nhưng các chỉ số khác (đường huyết, mức độ mỡ trong máu và huyết áp) đều không vượt quá giới hạn. Có thể mỡ không tích tụ bên dưới da, mà nằm ở bụng, bọc quanh các các cơ quan trong khi đó chỉ số BMI lại tốt! Do đó, lời khuyên cho một ai đó là nên giảm cân chỉ vì yêu cầu tuân theo chỉ số BMI chưa hẳn đã đúng.
Béo phì có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ. |
Tuy nhiên, nghiên cứu của nữ tiến sĩ Katherine Flegal cũng còn gây tranh cãi. Một trong những người chỉ trích gay gắt nhất nghiên cứu của Flegal là giáo sư Walter Willett, Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường Y, Đại học Harvard. Walter Willett lo ngại rằng chỉ số BMI không cung cấp bức tranh toàn diện về tình trạng sức khỏe của một người, đồng thời không đồng ý với nghiên cứu của Flegal.
Walter Willett cũng đặc biệt lo ngại tuyên bố của nữ tiến sĩ Flegal có thể "phá hoại ngầm các chính sách kiềm chế tỷ lệ béo phì". Ngoài ra, giáo sư Willett cũng cho rằng nghiên cứu của Flegal có thể bị "các nhóm lợi ích đặc biệt như các nhà sản xuất nước ngọt và thực phẩm" lợi dụng để quảng cáo sản phẩm. Giáo sư Willett kết luận bất chấp nghiên cứu của Flegal, béo phì vẫn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tim, ung thư, tiểu đường và các rối loạn mạn tính khác.