Liệu pháp tế bào gốc chữa chứng mù ở người cao tuổi

Thứ Sáu, 09/10/2015, 20:25
Lần đầu tiên, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Mắt Moorfields ở London (Anh) đã tiến hành cuộc phẫu thuật kéo dài 45 phút để ghép tế bào gốc từ phôi thai chữa chứng mù mắt do thoái hóa điểm vàng (hoàng điểm) cho một phụ nữ cao tuổi. Các chuyên gia cho rằng, đây là "bước đột phá vĩ đại" trong điều trị chứng suy thoái hoàng điểm liên quan đến tuổi già (AMD).

AMD có hai dạng là "ướt" và "khô". AMD dạng khô là phổ biến nhất và dạng ướt thường ít gặp song được coi là hoàng điểm bị thoái hóa nặng. Bệnh nhân nữ 60 tuổi, được phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt Moorfields do bị thoái hóa điểm vàng dạng "ướt" với đặc điểm là các mạch máu bất thường phát triển trong mắt gây rỉ máu, nhưng các bác sĩ tin rằng phương pháp phẫu thuật cho trường hợp này cũng áp dụng được cho dạng "khô" (các tế bào nhạy cảm với ánh sáng trong hoàng điểm bị vỡ từ từ). Bệnh nhân được phẫu thuật hồi tháng 8 vừa qua là người đầu tiên trong số 10 người tham gia cuộc thử nghiệm. Cuộc phẫu thuật thành công nhưng còn phải chờ vài tháng nữa mới biết rõ được tình trạng thị giác cải thiện đến mức nào.

AMD là nguyên nhân phổ biến gây mù mắt, tác động đến hơn 600.000 người cao tuổi ở Anh và hiện thời chưa có cách chữa trị hiệu quả. Giáo sư Khoa Phẫu thuật Lyndon Da Cruz ở Bệnh viện Mắt Moorfields - người tiến hành cuộc phẫu thuật thử nghiệm - đánh giá phương pháp ghép tế bào gốc từ phôi thai rất hứa hẹn và hy vọng sẽ sớm được sử dụng rộng rãi như phẫu thuật chữa chứng đục thủy tinh thể ở người cao tuổi.

Thoái hóa hoàng điểm gây mù mắt nơi người cao tuổi.

AMD xảy ra khi một nhóm tế bào ở phía sau mắt - gọi là các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) - bị tổn hại. Trong kỹ thuật mới, một tế bào gốc từ phôi thai được nuôi trong phòng thí nghiệm để tạo ra một lớp tế bào thay thế nơi vùng tổn thương. Các tế bào lấy từ phôi thai hiến tặng tạo ra trong quá trình điều trị IVF (thụ tinh nhân tạo) nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia phẫu thuật Anh sử dụng kỹ thuật "vá đắp" tế bào phôi thai giúp trả lại thị giác cho bệnh nhân AMD.

"Miếng vá" bao gồm 100.000 tế bào RPE được tiêm thẳng vào mắt qua một đường rạch nhỏ và sau đó được "trải rộng ra" đặt đằng sau võng mạc để thay thế các tế bào bị tổn hại. Kỹ thuật này khá an toàn và nó đang được thử nghiệm tính hiệu quả nơi nhóm bệnh nhân tình nguyện. Giáo sư Da Cruz bắt đầu thử nghiệm với các bệnh nhân AMD dạng ướt bởi vì khả năng phục hồi thị giác cho những đối tượng này nhanh hơn sau khi thị giác bị mất bất ngờ, với kết quả thấy được sau khoảng 3 tháng.

Giáo sư Chris Mason Khoa Y học Tái tạo Đại học London (UCL) mô tả cuộc thử nghiệm ở Bệnh viện Mắt Moorfields là "bước tiến vĩ đại để chữa trị căn nguyên chính của chứng mù lòa" nơi người cao tuổi. Chris Mason nói rằng: "Nếu như các cuộc thử nghiệm điều trị AMD thành công, các tế bào gốc phôi thai sẽ được sử dụng làm chất liệu khởi đầu và lúc đó liệu pháp có thể được sử dụng trên quy mô rộng".
Giáo sư Lyndon Da Cruz.

Giáo sư Anthony Hollander, Khoa Sinh học Tế bào gốc Đại học Liverpool (Anh) đánh giá cuộc nghiên cứu giúp các nhà khoa học có thêm nhận thức mới về việc sử dụng tế bào gốc phôi thai. Hiện nay, phương pháp chữa trị AMD dạng ướt là tiêm kháng thể nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Trong khi đó, AMD dạng khô không có cách điều trị hiệu quả mặc dù đây là dạng phổ biến nhất của bệnh. Theo các chuyên gia, những cuộc thử nghiệm lâm sàng rộng lớn hơn là cần thiết trước khi liệu pháp trở thành xu thế chủ đạo.

Cuộc phẫu thuật thử nghiệm nằm trong "Dự án chữa bệnh mù lòa ở London" được thành lập cách đây 10 năm dành cho các bệnh nhân AMD bởi nhiều đơn vị phối hợp, bao gồm: Bệnh viện Mắt Moorfields, Viện Nhãn khoa Đại học London, Viện Quốc gia Nghiên cứu Y tế (NIHR) và Tập đoàn Dược phẩm Pfizer có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ).

Minh họa "miếng vá" tế bào gốc chữa AMD.

Clara Eaglen, chuyên gia Viện Hoàng gia Quốc gia về người mù (RNIB) - tổ chức từ thiện Anh cung cấp thông tin, sự hỗ trợ và tư vấn cho 2 triệu người mù nước này, chia sẻ: "Chúng ta hy vọng rằng công nghệ tế bào gốc sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể cách chữa trị chứng bệnh mù mắt trong thập niên kế tiếp. Cuộc thử nghiệm mới chỉ được tiến hành, song kết quả cho thấy các tế bào gốc có thể được cấy ghép thành công vào mắt. Chúng tôi đang theo dõi cuộc nghiên cứu với sự quan tâm rất lớn".

Nếu như cuộc thử nghiệm nơi bệnh nhân AMD dạng khô cũng có được thành công tương tự thì liệu pháp tế bào gốc phôi thai sẽ trở nên đầy hứa hẹn trong tương lai không xa.

An An (tổng hợp)
.
.