Lỗ hổng trong quản lý cơ sở làm đẹp

Thứ Năm, 31/10/2019, 10:53
Thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh đã liên lục xảy ra các sự cố khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ. Chỉ trong vòng nửa tháng (từ 15-10 đến nay) xảy ra ít nhất 4 ca tai biến nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong và hai bệnh nhân nguy kịch.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến nay Sở đã cấp phép cho gần 150 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, bà Mai cũng thừa nhận khó khăn nhất hiện nay là khâu kiểm soát các thông tin quảng cáo trên mạng vượt quá tầm của ngành y tế.

Sau khi Sở Y tế cấp phép thì chỉ có thanh tra Sở đi kiểm tra. Có vẻ như chính quyền địa phương có những cơ sở này không có chức năng kiểm tra hoặc chí ít là nắm thông tin những cơ sở trên địa bàn để phối hợp với thanh tra Sở Y tế. Chỉ khi hậu quả xảy ra mới nhốn nháo là những việc như lập hội đồng chuyên môn để phân tích, kết luận có hay không việc sai sót chuyên môn đối với ê-kíp phẫu thuật. Và nhằm đảm bảo cho người bệnh, các bệnh viện được yêu cầu củng cố khắc phục ngay các nội dung chưa đảm bảo yêu cầu phẫu thuật, đồng thời tạm ngưng thực hiện các kỹ thuật liên quan đến sử dụng phương pháp vô cảm (tức gây mê, gây tê).

Bệnh viện EMCAS - nơi xảy ra sự cố chết người.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, PGS. TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (PTTHTM) Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết tất cả những ca làm đẹp liên quan tới gây mê đều được coi là những ca đại phẫu. Quy định của ngành với kỹ thuật căng da mặt trong PTTHTM thì BS phải có ít nhất 5 năm hành nghề trong lĩnh vực này, được Sở hoặc Bộ Y tế cấp giấy phép.

Giấy phép hoạt động phải ghi rõ là cơ sở được phép làm tới kỹ thuật này, cụ thể là căng da mặt hay phẫu thuật nâng ngực, như một chứng nhận kèm theo chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động của người bác sĩ đứng chính cho cơ sở thẩm mỹ viện tư. Nội dung giấy phép hành nghề còn phải kèm theo bảng danh mục được phép làm của cơ sở, đã được thẩm định tay nghề, chuyên môn, cơ sở vật chất đáp ứng để thực hiện những kỹ thuật đó.

Ngoài ra, một quy định nghiêm ngặt đối với phòng khám thẩm mỹ tư là chỉ được phép gây tê, không được gây mê, kể cả tiền mê tại những nơi này. Việc gây mê phải buộc làm trong bệnh viện chuyên khoa có khoa PTTHTM.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ viện tư do áp lực của doanh số nên không mấy khi tuân thủ đúng quy định. Họ thường hợp tác với những bác sĩ có chuyên môn PTTHTM “chạy sô”, đã có giấy xác nhận đúng kỹ thuật trong danh mục. Công tác quản lý đào tạo học viên trong lĩnh vực này hiện nay có thể ví như đi “mua bằng”.

Học viên học lớp Chuyên khoa I thẩm mỹ đều tốt nghiệp 100%. Trường giao cho đào tạo, không có học viên thì không có kinh phí hoạt động. Học viên vào học 8-10 tháng, học phí 33 triệu đồng/người. Muốn hoạt động thì nhà trường phải thu tiền và cho ra trường nên đào tạo... thành công hết!

Khi xảy ra sự cố, trước tiên chủ cơ sở thẩm mỹ phải chịu trách nhiệm với cơ quan y tế về BS hợp tác. Quy trình của một ca PTTHTM phải được thực hiện nghiêm ngặt: tư vấn toàn bộ các vấn đề với bệnh nhân, xét nghiệm chức năng gan, phổi, tuyến giáp, kiểm tra tim, phổi, tiểu đường hay không, bệnh nội tiết và quan trọng nhất là siêu âm tĩnh mạch chi dưới để xem có huyết khối tĩnh mạch hay không...

Nếu ca bệnh phải gây mê trên 2 tiếng còn phải giám sát, phòng ngừa nguy cơ “thuyên tắc phổi” vì nếu rơi vào tình trạng này, tới 95% ca bệnh sẽ tử vong. Do tắc tĩnh mạch chi dưới khi gây mê, cục huyết khối sẽ trôi lên phổi và gây tắc, thuyên tắc phổi mà tử vong.

Điều quan trọng nữa là khâu khám tiền mê trước khi tiến hành phẫu thuật được coi là vô cùng quan trọng, như một “hàng rào” bảo vệ bệnh nhân trước khi đưa lên bàn mổ. Nếu bệnh nhân có chỉ số đường huyết cao, tim mạch chưa ổn định... thì BS chuyên khoa này có ý kiến đề nghị chỉ định thuốc cho bệnh nhân ổn định hoàn toàn mới đồng ý ký vào biên bản hội chẩn mổ.

Trong quy trình mổ, quan trọng của một ca PTTHTM chính là khâu gây mê nội khí quản. Để bệnh nhân được đặt ống nội khí quản trong đường thở, thuốc mê đi qua đường hô hấp, ống nội khí quản được để sẵn phòng ngừa và duy trì đường hô hấp cho bệnh nhân. Nếu không may có sự cố, xử lý được ngay. Không để tình huống khi đang mổ xảy ra sự cố mới mở nội khí quản, xử lý xong thì có khi bệnh nhân đã bị chết não chỉ sau vài phút vì không có oxy.

Nếu bệnh nhân phải mổ lâu trên 2 giờ thì còn phải sử dụng kỹ thuật “áp lực tĩnh mạch chân”, ngừa thuyên tắc mạch sâu, thuyên tắc phổi. Hậu phẫu được theo dõi thường xuyên 15-30 phút/lần với những BS chuyên khoa hồi sức, điều dưỡng. Các thẩm mỹ viện tư khó có thể đáp ứng được đội ngũ chuyên sâu này, thường phải “mượn” nhân lực - thuê BS “chạy sô” (mổ, hồi sức, gây mê, theo dõi hậu phẫu...). Đây chính là nguyên nhân gây “trục trặc”, không kịp xử lý khi sự cố xảy ra, gây tai biến cho khách hàng. Khám tiền mê trước mổ giống như một cái cửa rào cuối cùng trước khi lên bàn mổ và cuối cùng đích đến mới là phòng mổ.

Về chích filer, BS Phạm Văn Đảm, Trưởng khoa khám bệnh của Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chích filer ở người bác sĩ có chuyên môn khác hoàn toàn với chích filer của các cô chủ spa dạo. Thông thường, người làm chuyên môn ngoài kiến thức am hiểu kỹ càng về cấu tạo da, lớp biểu bì, hệ thống mạch máu dưới da mặt, đặc biệt là trên khuôn mặt con người có cấu tạo những hốc xoang, có thông giữa các mạch máu... Các quy định rất nghiêm ngặt nhưng có nhiều nơi họ làm chui nên mới xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc vì chọn nhầm nơi làm đẹp”.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em phụ nữ nhưng nhiều người không tìm hiểu kỹ đã bất chấp giao thân thể mình cho những “tay ngang” bơm, tiêm, chích... vào cơ thể nên vô cùng nguy hiểm. Ngoài việc những người có chu cầu làm đẹp tìm hiểu kỹ cơ sở thẩm mỹ thì cơ quan chức năng cần có trách nhiệm trong công tác quản lý những thẩm mỹ viện để người dân yên tâm, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc rồi mới rút kinh nghiệm.

Huyền Nga - Nguyễn Cảnh
.
.