“Lời khai” của vật chứng

Thứ Hai, 23/01/2017, 09:30
Kết quả nghiên cứu của tội phạm học cho thấy, hầu hết hung thủ phạm tội khi nghĩ rằng, cây, cỏ, bầu trời, bóng đêm... có "chứng kiến" cũng không thể tố cáo được hành vi tội ác.

                                                

Chúng không nghĩ rằng, vật chứng và hiện trường vụ án đều có "lời khai" mô tả chi tiết nhất hành vi tội ác. Bản mô tả ấy được thể hiện bằng những ký hiệu bí mật. Lực lượng phá án chỉ cần giải mã những "lời khai" ấy là "nắm" được vụ án..

Và cũng vì lý do đó, việc bảo vệ hiện trường luôn là việc làm cần thiết của lực lượng Cảnh sát Hình sự.

Phá án nhờ khám nghiệm “tử thi con ngan”

Dù đã 3 năm trôi qua nhưng người dân thôn 7C, xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn chưa nguôi nỗi xót xa khi nhắc lại vụ án 2 cháu bé bị giết chết dã man vào ngày 21-10-2013.

Cảnh sát Khoa học Hình sự thu thập dấu vân tay.

Hôm đó, góa phụ Triệu (người viết đã thay đổi tên tất cả các nạn nhân trong bài) để 2 đứa con trai trông nhà và đi làm nương từ lúc 5 giờ sáng. Đứa lớn tên Phú, 13 tuổi. Đứa bé tên Cao, 10 tuổi. Đến chiều, khi trở về nhà, chị bàng hoàng đau xót khi thấy cả hai đứa bé đều tử vong bởi những vết thương tàn bạo trên người.

Nhận tin báo, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng tổ chức lực lượng điều tra, bảo vệ và khám nghiệm hiện trường.

Qua công tác khám nghiệm tử thi, lực lượng điều tra nhận thấy nạn nhân chết do những vết thương được tạo bởi một loại hung khí.

Hiện trường không có dấu hiệu xáo trộn nhiều, thi thể 2 nạn nhân nằm ở 2 vị trí khác nhau. Tài sản trong nhà không bị mất. Hàng xóm của nạn nhân đều cho biết chị Triệu không có mâu thuẫn với ai. Cao và Phú đều là những đứa trẻ ngoan hiền, biết nghe lời cha mẹ, được mọi người yêu mến. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, hai anh em chỉ quanh quẩn ở nhà. Yếu tố cướp của giết người và trả thù cá nhân được loại bỏ khỏi hướng điều tra.

Mở rộng phạm vi hiện trường, lực lượng khám nghiệm phát hiện thêm, ở một rẫy mỳ cách nhà nạn nhân vài chục mét có một cây cuốc chim dính máu của chính nạn nhân. Ngoài ra, lực lượng khám nghiệm còn phát hiện trong chuồng gia súc có một con ngan chết bất thường với cái cổ lặc lìa. Không bỏ sót chi tiết lạ, tổ Khoa học hình sự đành phải mổ xác con ngan và sau đó xác định nó đã bị ai đó vặn cổ chết.

Từ 2 chỉ dấu đó, cùng với 1 vài yếu tố nghiệp vụ khác, lực lượng điều tra nhận định chính xác một gã trộm có "thương hiệu" ở địa phương là kẻ đã vặn cổ con ngan. Ngay trong đêm, lực lượng điều tra "ghé thăm" nhà đối tượng Vy Bế Ngoạt. Lúc đó, Ngoạt không có mặt ở nhà mà đến tá túc ở nhà người quen cách vài chục cây số.

Không để nghi phạm hay biết động tĩnh, lực lượng hình sự âm thầm theo dõi từng chi tiết di biến động, chờ cơ hội. 3 ngày sau, khi nghi phạm Ngoạt đang ung dung nghĩ rằng tội ác của hắn đã thoát khỏi phạm vi điều tra của cơ quan chức năng thì lực lượng trinh sát hình sự xuất hiện, bập còng vào tay.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi của lực lượng điều tra đưa ra,  Ngoạt cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Tại phiên xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk diễn ra vào ngày 11-6-2014, Ngoạt thú nhận rằng, hôm đó, hắn chỉ có ý định bắt trộm con ngan. Khi bị hai cháu bé phát hiện tri hô, hắn đã hoảng loạn vơ lấy chiếc cuốc chim tấn công với ý đồ "giết người diệt khẩu". Do nghĩ rằng hành vi phạm tội không ai chứng kiến, hắn sẽ thoát được sự trừng trị của pháp luật. Xét thấy bản chất giết người của hắn không thể cải tạo, tòa tuyên loại hắn ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.

Sự thật của phân nửa bản “hợp đồng tình ái”

Một ngày giữa tháng 6-2016, Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam Bộ Công an nhận được yêu cầu của Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trưng cầu giám định một văn bản hợp đồng giữa bà Nam và ông Xuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị một đơn vị kinh tế du lịch. Cả hai đều cư ngụ tại Bạc Liêu.

Cả hai đưa nhau ra tòa vì tranh chấp nội dung thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê mặt bằng. 

Tại tòa, ông Xuân cho rằng ông và bà Nam đã từng yêu nhau ngoài hôn thú. Trong thời gian mặn nồng đó, bà Nam thuê 33 kiốt và mặt bằng nhà gỗ lưu niệm trong khu du lịch của công ty ông Xuân. Giá thuê mặt bằng là 20 triệu đồng/tháng trong 5 năm đầu tiên, 15 năm tiếp theo nếu tiếp tục thuê sẽ tăng giá 15%, hợp đồng 20 năm từ năm 2014 đến 2034.

Vì đang yêu nên cả hai đều thực hiện ký kết hợp đồng kinh tế để hợp thức hóa thủ tục kế toán nhưng không có nội dung ràng buộc về pháp lý. Hợp đồng được thực hiện 2 bản, mỗi bản 4 tờ, mỗi bên giữ 1 bản. Tuy nhiên, ông Xuân đã giao hết 2 bản cho bà Nam cất giữ.

Sau một thời gian chung sống, lửa mặn nồng nguội dần và tắt hẳn, cả hai quyết định chia tay và chấm dứt hợp đồng kinh tế. Bà Nam yêu cầu ông Xuân bồi thường 10 tỉ đồng vì hủy hợp đồng. Ngoài ra, bà Nam còn căn cứ vào 1 chi tiết thỏa thuận trong hợp đồng, buộc ông Xuân phải trả cho bà mỗi năm 200 triệu đồng trong suốt 20 năm. Tại tòa, ông Xuân kiên quyết cho rằng, những chi tiết đó không có trong thỏa thuận khi ký kết hợp đồng mà do bà Nam tự thêm vào.

Bà Nam thì cho rằng đó là bản hợp đồng gốc, có chữ ký của ông Xuân, con dấu của công ty. Căn cứ vào hợp đồng, ông Xuân có nguy cơ thua cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, ông Xuân luôn kêu oan và khẳng định văn bản hợp đồng này đã bị ai đó thêm vào nhiều điều khoản gây bất lợi cho ông.

Để có cơ sở xét xử đúng tính chất vụ việc, Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã trưng cầu giám định văn bản hợp đồng.

Sau khi nhận được yêu cầu, lực lượng Phân viện Khoa học Hình sự Bộ Công an khu vực phía Nam thực hiện các thủ thuật giám định. Đến tháng 8-2016, cơ quan này đã xác định bản hợp đồng mà bà Nam lưu giữ chỉ có một nửa là thật.

Bản hợp đồng đó có 4 tờ giấy khổ A4 được ghi nội dung thỏa thuận trên một mặt. Ở mặt sau của 3 tờ đầu tiên, có ai đó đã đánh máy thêm nội dung mới, hoàn toàn có lợi cho bà Nam.

Điều đáng lưu ý là phông chữ ở 3 mặt sau đều khác phông chữ, khác loại mực in với 4 mặt trước của văn bản hợp đồng. Thậm chí, các giám định viên còn phát hiện loại máy in chữ mặt sau cũng khác với loại máy in ở mặt trước của văn bản hợp đồng. Ngoài ra, tờ A4 cuối cùng trong văn bản hợp đồng có con dấu giáp lai bị lệch.

Sau khi có kết quả giám định này, bà Nam mới thừa nhận trước tòa rằng chính bà đã in thêm nội dung ở các mặt sau trong văn bản hợp đồng để được lợi về phía mình.

Camera “mù” vẫn mô tả được chân dung hung thủ

Ông Ngọc cư ngụ ở phường 1, quận Gò Vấp trình báo công an bị kẻ trộm cạy tủ lấy mất 160 triệu đồng một cách bí ẩn. Cảnh sát Hình sự quận Gò Vấp đến hiện trường thu thập dấu vết phục vụ công tác điều tra.

Kẻ trộm ranh ma đã không để lại bất kỳ dấu vết nào để lực lượng phá án dò tìm manh mối. Camera an ninh của gia đình bị kẻ trộm bẻ cụp trước khi ghi được hình ảnh. Thời điểm xảy ra mất trộm, các cánh cửa đều đóng kín, khóa kỹ. Các cánh cửa đều không có dấu hiệu cạy, phá.

Ông Ngọc cho biết, đây không phải là lần đầu bị mất trộm mà liên tục xảy ra suốt cả năm trời. Mỗi lần ra tay, kẻ trộm không lấy hết số tiền có trong tủ mà chỉ lấy một phần.

Từ những yếu tố đó, không khí trong gia đình luôn ảm đạm, người này nghi kỵ người kia là kẻ trộm.

Để giải mã vụ án, chiếc camera an ninh của gia đình được gởi đến Phân viện Khoa hình sự Bộ Công an giám định dấu vết. Căn cứ vị trí đính camera an ninh vào tường và hướng gãy, các giám định viên hình sự phán đoán kẻ trộm từ trên lầu đi xuống. Trở lại hiện trường vụ án, lực lượng điều tra khám phá trên trần nhà có dấu vết lạ. Dấu vết đó được tạo bởi 1 sợi dây dù.

Lực lượng phá án phán đoán kẻ trộm là người hàng xóm, có quen biết với gia đình nên biết rõ vị trí "điểm mù" của camera an ninh. Chi tiết này đã giải tỏa trạng thái bất hòa trong gia đình ông Ngọc và cũng là chỉ dấu để lực lượng phá án tập trung hướng điều tra.

Lần theo dấu vết của sợi dây dù, bằng một vài biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phá án tìm được nghi phạm là Phạm Tuấn Anh - hàng xóm thân thiết của gia đình ông Ngọc.

Ngay sau khi được mời về trụ sở công an, Tuấn Anh nhanh chóng nhận tội.

Tuấn Anh khai, là hàng xóm thân thiết nên mỗi khi  gia đình ông Ngọc rời nhà vào ban đêm y đều biết. Chờ gia đình ông Ngọc đi khỏi, Tuấn Anh chỉ việc leo lên mái nhà của mình rồi lần sang mái nhà ông Ngọc tháo mở các ốc vít tấm tôn. Y dỡ tấm tôn chui xuống la phông rồi đu dây dù xuống sàn nhà lục soát trộm tài sản. Để đánh hướng điều tra của Công an "lạc" sang phía những người thân trong gia đình ông Ngọc, Tuấn Anh luôn chừa lại một số tiền.

Sau khi lấy tài sản xong, y đều sắp xếp đồ đạc trong tủ gọn gàng, trở ra bằng lối cũ rồi vặn ốc vít mái tôn như ban đầu.

Giám định xương tìm tuổi thật

Ngoài việc "giải mã" vật chứng, giải mã hiện trường, lực lượng Cảnh sát Khoa học Hình sự có những "tuyệt chiêu" giúp các cơ quan tố tụng xét xử đúng người đúng tội, tránh oan sai. Một trong những "tuyệt chiêu" ấy phải kể đến kỹ thuật giám định độ tuổi qua xương.

Có thể nói môn khoa học về giám định độ phát triển của xương là một ưu thế của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Với kỹ thuật hiện đại, các giám định viên có thể xác định tuổi thật của một người chính xác đến tháng, năm. Xác định độ tuổi là một yếu tố quan trọng trong những vụ án liên quan đến tuổi vị thành niên giúp các cơ quan tố tụng không truy xét oan sai.

Mặc dù còn nhỏ nhưng hình dáng Nguyễn Thị phát triển như một thiếu nữ. Nguyễn Thị có cảm tình với Nguyễn Thanh, 20 tuổi, sống gần nhà. Một ngày đầu năm 2006, khi cha mẹ Thị vắng nhà, Thanh đến chơi. Cả hai quan hệ tình dục với nhau và sau đó bị mẹ của Thị phát hiện, tố cáo với công an địa phương.

Thị chưa từng đăng ký làm giấy khai sinh nên khi thụ lý vụ án, Công an địa phương không thể xác định được tuổi của Thị. Chính mẹ của Thị cũng chỉ nhớ mang máng Thị sinh năm 1994. Vụ án gần như không còn lối ra. Công an địa phương đành gởi trưng cầu giám định độ tuổi đến Cảnh sát Khoa học Hình sự.

Bằng phương pháp hiện đại nhất, các giám định viên xác định Thị 11 tuổi, 6 tháng. Thanh bị truy tố tội giao cấu với trẻ em.

Một trường hợp khác cũng cho thấy việc giám định tuổi rất quan trọng.

Trương Minh V. và Châu Văn H. đánh nhau gây thương tích. V. nhất trí bồi thường 200.000 đồng nhưng chỉ đưa có 100.000 đồng. Sau nhiều lần đòi tiền không được, H. rủ thêm Nguyễn Hoàng L. đến quán cà phê tìm V. để "xử tội".

Khi đến nơi, H. cầm dao đâm chết V. rồi bỏ trốn. Lần tìm suốt 14 ngày sau, lực lượng trinh sát Hình sự mới tóm được H..

Khi lấy lời khai, các điều tra viên mới biết H. chưa từng khai sinh. H. tự đoán mình sinh năm 1990. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Hình sự thì H. 18 tuổi, 3 tháng. Căn cứ vào đó, Công an quyết định truy tố H..

Nông Huyền Sơn
.
.