Lý giải về các vụ tử vong do thuyên tắc ối

Thứ Tư, 08/10/2014, 05:30

Thời gian gần đây, dư luận không ngớt xôn xao vì những trường hợp chết do thuyên tắc ối xảy ra liên tục, dẫn đến ý kiến cho rằng hễ sản phụ, thai nhi tử vong thì cán bộ chuyên môn cứ kết luận do "thuyên tắc ối" là xong!
Vậy thuyên tắc ối là gì, nguyên nhân vì đâu, tính chất nguy hiểm như thế nào, có thể điều trị hoặc dự phòng được hay không?

Thuyên tắc ối là gì?

Theo định nghĩa của ngành Sản khoa, thuyên tắc ối là sự rối loạn chức năng cơ thể một cách trầm trọng. Nó khởi phát đột ngột đến nỗi không ít bác sĩ chuyên khoa sản bất ngờ, lúng túng trong xử trí mà lắm khi hệ quả là chết cả mẹ lẫn con. Các biểu hiện lâm sàng như tụt huyết áp vì suy tuần hoàn dẫn đến thiếu oxy khiến sản phụ lú lẫn, kích động, buồn ngủ, khó thở, nhịp tim nhanh, thở nhanh, tím tái và toan chuyển hóa máu, đông máu nội mạch rải rác, chảy máu ồ ạt, hôn mê, co giật rồi tử vong.

Những khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy cứ 20.000 đến 30.000 ca sinh nở thì có 1 ca bị thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong của  mẹ  từ 70 đến 90%. Nếu qua khỏi, hơn 85% bà mẹ bị chấn thương thần kinh do tình trạng thiếu oxy não. Riêng thai nhi, con số tử vong dao động từ 20 đến 60% và nếu may mắn sống sót, 50% trẻ bị những di chứng thần kinh nặng nề.

Bệnh lý thuyên tắc ối được mô tả đầu tiên vào năm 1941 bởi hai bác sĩ người Đức là Steiner và  Luschbaugh. Họ tìm thấy những thành phần tế bào thai nhi, nước ối, phân su, lông, tóc trong tuần hoàn phổi của những bà mẹ chết đột ngột khi chuyển dạ. Và mặc dù dịch ối được coi là vô hại - kể cả khi có một lượng đáng kể hòa trong máu người mẹ nhưng một số trường hợp, thai phụ lại có phản ứng sinh lý trầm trọng mà cụ thể là sốc phản vệ rồi tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện  quận 3 TP HCM cho biết: "Dịch ối đi vào tuần hoàn mẹ khi có kẽ hở giữa lớp màng ối và màng đệm mà nguyên nhân do vỡ ối, do chọc dò ối hoặc do rách cổ tử cung, rách đoạn dưới tử cung, bong nhau phía rìa bánh nhau, hoặc sai biệt áp lực khiến dịch ối bị đẩy vào tuần hoàn tĩnh mạch của người mẹ trong trường hợp đa ối vỡ đột ngột, hoặc cơn co tử cung nhanh và dồn dập…".

Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng khiến thuyên tắc ối nặng thêm, như dịch ối đặc, có nhiều thành phần, thai to, tử cung căng quá mức, sản phụ đã lớn tuổi, sinh nhiều lần… Điều nguy hiểm nhất của thuyên tắc ối là không thể dự  đoán trước và rất khó phòng tránh, việc điều trị chỉ nhằm làm giảm tình trạng thiếu oxy máu, tụt huyết áp để ngăn chặn hậu quả thiếu máu cục bộ ở người mẹ, chẳng hạn như thương tổn thần kinh do thiếu oxy não, tổn thương thận cấp tính, tổn thương cơ tim, đồng thời bảo đảm việc cung cấp oxy đầy đủ cho thai nhi. Các bác sĩ sản khoa cho biết việc xử trí phải thực hiện thật nhanh trong 5 phút, gọi là "5 phút vàng".

Tháng 11/2013, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã cứu sống cả mẹ lẫn con trong một ca thuyên tắc ối. Thai phụ tên Đỗ Thị Diệu Huyền, nhập viện lúc 19 giờ 30 phút với những triệu chứng chuyển dạ. Các xét nghiệm cận lâm sàng và siêu âm đều cho thấy tình trạng sức khỏe người mẹ và thai nhi ổn định, dự kiến sản phụ có thể sinh thường.

Tuy nhiên, lúc 22 giờ 30 phút tại phòng sinh, sau khi bấm ối khoảng 30 giây, chị H. đột ngột khó thở, tím tái toàn thân, co giật rồi chuyển sang hôn mê, đồng tử giãn to, tim rời rạc, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, bụng gồng cứng nên không đánh giá được cơn co tử cung

Chẩn đoán nghi ngờ đây là một ca thuyên tắc ối, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực bằng cách cho sản phụ thở oxy, xoa bóp tim và chuyển ngay vào phòng mổ. Một bác sĩ tham gia ca mổ cho biết: "Ê kíp phẫu thuật vừa mổ bắt con, đồng thời cắt bán phần tử cung cho chị Huyền và đã cứu được cả mẹ lẫn con vì trong lúc mổ bắt con, chị Huyền xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu".

Phẫu thuật xong, chị Huyền rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy. Được điều trị tích cực, 12 ngày sau chị Huyền xuất viện trong tình trạng tự thở, tay chân vận động được, ăn uống bình thường. Riêng với cháu bé được chuyển lên chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, cháu cũng bú và cử động bình thường như những đứa bé khác.

Bác sĩ Hồng nói: "Trong những ca thuyên tắc ối, chỉ có 5 phút vàng để cứu con và ê kíp phẫu thuật phải rất nhanh mới có thể cứu được mẹ. Từ khi mẹ ngưng tim, thời gian cho phép cứu con chỉ khoảng 5 - 15 phút nhưng nếu muốn thai nhi sau này ít bị di chứng nhất thì chỉ có 4 phút để lấy bé ra. Việc cứu mẹ cũng phải tiến hành ngay lập tức. Sau khi mổ bắt con, bác sĩ sẽ hút nước ối, cắt bỏ tử cung vì đây là chỉ định bắt buộc nếu muốn cứu mẹ...".

Xử trí thuyên tắc ối như thế nào?

Như đã nói ở trên, thuyên tắc ối không thể dự báo, không có biện pháp dự phòng và là một cấp cứu sản khoa không điều trị được. Chính vì vậy, lắm khi nó trở thành cách giải thích của bệnh viện trong trường hợp sản phụ tử vong không rõ nguyên nhân, dẫn đến những bức xúc của gia đình nạn nhân và của dư luận xã hội.

Khi mẹ bị thuyên tắc ối, bác sĩ chỉ có "5 phút vàng" để cứu sống đứa con.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, thuyên tắc ối được ngành Y gọi là "thảm họa của các bà mẹ", và họ có các biện pháp để xử trí thảm họa này: Ngay trong phòng sinh, luôn có một tủ đựng các thiết bị để giải quyết hiện tượng băng huyết, ngưng tim, ngừng thở, bộ phẫu thuật mổ bắt con, cắt tử cung, máu dự trữ - kể cả những nhóm máu hiếm, máy gây mê hồi sức.

Bên cạnh đó, lại có một ê kíp bác sĩ chuyên khoa ngoại sản, huyết học, gây mê hồi sức… luôn sẵn sàng can thiệp ngay trong phòng sinh nếu xảy ra sự cố, trong lúc tại Việt Nam - ngoại trừ những bệnh viện  chuyên ngành, thì rất ít khoa sản của các bệnh viện có chuẩn bị sẵn những khâu này. Ngay cả khi cần phải phẫu thuật thì thay vì mổ tại chỗ, bệnh nhân lại được chuyển sang phòng mổ - lắm lúc nằm ở cách đó khá xa - vô hình trung đã làm mất đi "5 phút vàng"!

Bác sĩ Hồng nói rằng: "Nhiều bà mẹ vẫn tin rằng sinh mổ thì có thể tránh được thuyên tắc ối nên mặc dù có thể sinh thường, họ vẫn nằng nặc yêu cầu được sinh mổ nhưng đây là niềm tin sai lầm" bởi lẽ những thành phần bong tróc của thai nhi trong dịch ối có thể vào hệ tĩnh mạch người mẹ thông qua tĩnh mạch ở cổ tử cung vì trong quá trình chuyển dạ hoặc làm thủ thuật, cổ tử cung mở gây vỡ các tĩnh mạch nhỏ, vị trí nhau bám lúc bong nhau, vị trí vết cắt qua cơ tử cung khi mổ bắt con hoặc phản ứng dị ứng xảy ra lúc chuyển dạ sinh thường, sinh mổ hoặc sinh thủ thuật. Bác sĩ Hồng kết luận: "Vì vậy, sinh mổ cũng không tránh được thuyên tắc ối".

Cho đến nay, câu hỏi: "Tại sao thuyên tắc ối lại xảy ra trên một số ít thai phụ và phần lớn những thai phụ khác lại không bị?", vẫn chưa được y học giải thích rõ ràng.  Theo các chuyên gia sản khoa, thuyên tắc ối xảy ra khi có 3 điều kiện là vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch tử cung, cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch của người mẹ. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác như tử cung quá căng, thai chết lưu, chấn thương, dùng thuốc oxytocin trong chuyển dạ, đa sản, mẹ lớn tuổi, vỡ ối. Tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp thuyên tắc ối xảy ra mà không có những yếu tố kể trên.

Bác sĩ Hồng cho biết: "Thuyên tắc ối không phân biệt chủng tộc, màu da, độ tuổi - nghĩa là bất cứ sản phụ nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới - đều cũng có thể bị. Nó có thể xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh".

Các khảo sát qua việc mổ tử thi cho thấy dịch nước ối và những tế bào thai nhi khi vào tuần hoàn phổi của máu mẹ đã thúc đẩy phản ứng phản vệ trong cơ thể người mẹ mà thoạt đầu là những cơn co thắt động mạch phổi, tăng áp lực phổi, tăng áp lực thất phải khiến người mẹ khó thở cấp kèm theo tụt huyết áp. Tiếp theo, hiện tượng giảm oxy huyết dẫn đến tổn thương hệ mạch máu nuôi cơ tim và mạch máu phổi khiến máu không đến được tim, phổi, gây ra suy tim trái và suy hô hấp cấp, sản phụ nhanh chóng rơi vào hôn mê. 50 đến 60% sản phụ không qua được giai đoạn này.

Còn nếu qua được giai đoạn này, sản phụ chảy máu và có thể rét run nặng, ho, nôn ói. Do chảy máu quá nhiều nên sản phụ bị rối loạn đông máu, đờ tử cung, đông máu nội mạch lan tỏa, suy tuần hoàn nên khả năng tử vong rất cao, chưa kể suy tuần hoàn ở người mẹ còn gây ra suy thai và  nếu không được mổ lấy thai kịp thời, thai nhi cũng sẽ chết.

Theo bác sĩ Hồng, không có một biện pháp dự phòng nào để ngăn ngừa bệnh lý thuyên tắc ối ngoại trừ người ấy… không đẻ nữa nên chỉ có thể hạn chế phần nào bằng việc không nạo phá thai, không sinh dày, nếu đã lớn tuổi (trên 40) thì nên cân nhắc việc mang thai, giảm thiểu tối đa những va chạm mạnh vào vùng bụng lúc thai đã lớn.

Bác sĩ Hồng nói: "Trước một trường hợp thuyên tắc ối, "quả bóng" nằm trong chân các bác sĩ. Việc phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng giữa bác sĩ sản, bác sĩ ngoại, huyết học, gây mê hồi sức cùng những dụng cụ, phương tiện đã được chuẩn bị sẵn sẽ mang lại cơ may sống sót cho người mẹ và thai nhi…"

Vũ Cao
.
.