Ly kỳ nguồn gốc chai nước cam Fanta

Chủ Nhật, 03/03/2019, 07:40
Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng trên toàn thế giới đều biết đến loại nước cam Fanta, một thương hiệu con của hãng Coca-Cola, Mỹ, với doanh số 120 triệu lon, chai/ ngày. Nhưng ít ai biết rằng Fanta được ra đời từ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, là một sản phẩm ra đời dưới thời của… Đức Quốc xã.


1. Xuất hiện năm 1886 bởi một nhà hóa học người Mỹ là John Stith Pemberton, thành phần chính của Coca-Cola lúc bấy giờ gồm lá coca, hạt kola, chất cafein, nước soda và đường - công thức ấy đến nay vẫn không thay đổi mà chỉ tăng giảm hàm lượng - được Pemberton bán với giá 5 xu (cent) một ly tại một hiệu thuốc ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ.

Rất nhanh chóng, nó trở thành loại đồ uống phổ biến nên cũng dễ hiểu vì sao chỉ sau 9 năm (1895), Coca-Cola đã có mặt trên toàn nước Mỹ. Tiếp theo, năm 1920, nhà máy đầu tiên ở châu Âu của Công ty Coca-Cola bắt đầu đi vào hoạt động tại Paris, Pháp, và đến năm 1929, Coca-Cola được đóng chai ở Đức.

Chai Fanta lúc mới ra đời và Fanta hiện nay.

Tháng 12-1941, Không quân Nhật bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng, nước Mỹ chính thức tham chiến nhưng trước đó - năm 1939, khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cho tất cả các công ty Mỹ phải ngừng ngay lập tức mọi hoạt động kinh doanh với nước Đức. Vì vậy, Công ty Coca-Cola "mẹ" ở thành phố Atlanta, bang Georgia cũng cắt đứt liên lạc với chi nhánh Coca-Cola "con" ở thành phố Essen, Đức, đồng thời chấm dứt xuất khẩu sang Đức các hoạt chất - là thành phần chính để chế tạo nước ngọt Coca-Cola.

Bắt đầu từ tháng 2-1940, sự thiếu vắng thương hiệu Coca-Cola trên thị trường đã tạo ra một lỗ hổng cho nền kinh tế Đức bởi lẽ trước khi Thế chiến II bùng nổ, Coca-Cola là loại nước giải khát phổ biến nhất ở quốc gia này. Nếu như năm 1933, tổng số Coca-Cola mà nước Đức tiêu thụ là 100.000 thùng (mỗi thùng 24 chai) thì năm 1939, con số ấy là 4,5 triệu thùng. Thậm chí Coca-Cola còn đứng ra tài trợ cho Thế vận hội 1936, tổ chức tại Berlin.

Sau khi Chính phủ Mỹ cấm vận nguồn nguyên liệu cho chi nhánh Coca-Cola, Đức, Adolf Hitler, quốc trưởng Nhà nước Đức Quốc xã và Herman Goering, tư lệnh không quân Đức đã yêu cầu các nhà hóa học trước đây làm việc tại chi nhánh Công ty Coca-Cola ở Đức, nhanh chóng chế tạo một loại nước giải khát cho binh lính ngoài mặt trận, nhất là cho các phi công lái máy bay chiến đấu cũng như cho người dân. Theo yêu cầu của Hitler, nó phải hội đủ các điều kiện như hương vị thơm ngon, cung cấp một số vitamine và năng lượng cần thiết giúp người uống thêm tỉnh táo; dễ vận chuyển, dễ bảo quản và rẻ!

Nhận lệnh trên, Max Keith, giám đốc điều hành chi nhánh Coca-Cola tại Essen, Đức, liền giao nhiệm vụ cho một nhà hóa học người Đức là Tiến sĩ Schetelig tìm kiếm giải pháp với điều kiện thành phần nguyên liệu phải là thứ có sẵn ở Đức bởi lẽ khi nền kinh tế chuyển từ thời bình sang thời chiến, Đức Quốc xã chỉ có thể nhập khẩu nguyên liệu thô từ các đồng minh như Italy, Nhật Bản, hoặc từ một số quốc gia có thiện cảm với chủ nghĩa phát xít lúc bấy giờ như Argentina, hoặc cướp được từ những nước bị phát xít Đức chiếm đóng nhưng trong số những nguồn nguyên liệu thô ấy - bao gồm dầu mỏ, sắt thép, than đá, cao su thiên nhiên, lúa mì…, thì nguyên liệu để sản xuất đồ uống không nằm trong danh mục được nhập.

Cuối cùng, sau gần 2 tháng nghiên cứu, thí nghiệm, Tiến sĩ Schetelig cho ra đời một loại nước uống mà thành phần chính gồm bột sữa gầy (whey) và bột táo. Nó có vị ngọt, béo, dễ uống, tạo ra sự sảng khoái. Việc sản xuất không đòi hỏi phải nhập khẩu bất kỳ một nguyên liệu nào bởi lẽ táo được trồng rất nhiều ở Đức, và bột táo (đã ép lấy nước làm rượu) chỉ dùng để nuôi heo, bò, còn bột sữa gầy là phụ phẩm thừa sau khi các nhà máy tách hết chất béo ra khỏi sữa để chế tạo bơ, phô mai.

Tháng 9-1940, đã có 55 triệu chai nước loại này được nhà máy, Essen chuẩn bị để đưa vào phục vụ cho hơn 20 triệu lính Đức cũng như tung ra thị trường. Tuy nhiên, nó vẫn cần có một cái tên. Sau cuộc thi do giám đốc Max Keith tổ chức trong nội bộ nhà máy. Joe Knipp - một nhân viên bán hàng đã gọi nó là "Huyền Thoại", tiếng Đức là Fantastisch, viết gọn là Fanta.

Ngay lập tức, nó được tất cả các kỹ sư, nhân viên nhà máy ủng hộ và thương hiệu Fanta được đăng ký chính thức ở Đức. Để bảo quản lâu dài, các kỹ sư còn trộn màu vào thủy tinh, giúp cho chai Fanta có màu nâu, tránh được tác động của ánh sáng. Bên cạnh đó, nhãn hiệu Fanta cũng được thiết kế khá đơn giản với một mảnh giấy hình chữ nhật dán gần cổ chai, cạnh trên có hình vòng cung, chữ Fanta màu trắng nằm trên nền màu xanh hoặc cam tùy theo thành phần nguyên liệu chứa bên trong nó.

2. Thoạt đầu, lính Đức ngoài chiến trường khá thích thú với nước ngọt Fanta nhưng nhiều người dân Đức sống ở các thành phố lớn - nơi Fanta đặt nhà máy đóng chai nhận ra rằng nó được chế tạo bởi những phụ phẩm thừa nên họ thường cân nhắc trước khi quyết định mua nó. Lo ngại doanh số sụt giảm, Max Keith đề nghị Tiến sĩ Schetelig phát triển thêm những loại đồ uống khác và kết quả là sự ra đời của Fanta soda chanh, Fanta nho nhưng nổi tiếng nhất và vẫn còn bán chạy nhất đến tận bây giờ là nước cam Fanta.

Áp phích quảng cáo nước soda chanh Fanta ở Đức năm 1944.

Tương truyền rằng khi những chai Fanta cam đầu tiên chuẩn bị đưa ra thị trường thì trong một bữa ăn tối, Hitler đã được giám đốc Max Keith mời uống thử. Thoạt đầu, người phục vụ chỉ rót 1/3 nước cam Fanta vào ly của ông trùm phát xít nhưng lúc uống xong, Hitler đã dùng ngón tay trỏ chỉ vào ly, ra dấu rót đầy. 

Và cũng như loại nước ngọt Coca-Cola thời kỳ trước Thế chiến II, nước cam Fanta nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Đức. Từ năm 1941 đến đầu năm 1945, trung bình mỗi ngày người Đức - kể cả binh lính - tiêu thụ khoảng 1,2 triệu chai Fanta cam mặc dù do thiếu đường, Fanta đã phải sử dụng củ cải đường để tạo độ ngọt. Tuy nhiên rất ít người nhận ra sự khác biệt ấy bởi lẽ chất soda trong nước cộng với hương vị của lá coca, hạt kola đã khiến vị giác của họ bị đánh lừa.

Mùa hè năm 1945, Đức Quốc xã đầu hàng, chiến tranh chấm dứt và trong nhà máy ở thành phố Essen đã bị bom tàn phá một nửa, Max Keith vẫn theo dõi việc đóng chai nước cam Fanta. Việc sản xuất chỉ ngừng lại vào cuối năm khi Keith không tìm được nguồn cung cấp vỏ chai. Mãi đến năm 1949, Fanta cam mới bắt đầu tái xuất hiện - nhưng là ở nước Mỹ sau khi đã đăng ký nhãn hiệu và bản quyền của nó thuộc về Công ty "mẹ" Coca-Cola. Khi ấy, hầu hết người tiêu dùng Mỹ đều cho rằng nước cam Fanta là sản phẩm thuần Mỹ nhưng ít ai để ý rằng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ, chỉ có 2 bang trồng được nhiều cam là California và Florida.

Cũng như ở Đức, nước cam Fanta nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Mỹ, đánh bại đối thủ Pepsi-Cola. Năm 1955. chi nhánh Coca-Cola ở thành phố Napoli, Italy đã thử nghiệm một công thức, cho ra một loại nước màu cam mới và đó cũng chính là loại Fanta đang được bán trên khắp thế giới hiện nay. Cũng trong năm này, Fanta cam ra mắt tại Australia. Tiếp theo, trong những năm thập niên 1960, Fanta phủ bóng lên 39 quốc gia trên thế giới. Nó xuất hiện ở thị trường Liên Xô năm 1979 và ở Trung Quốc năm 1984. Lúc này, Fanta mang hình dạng mới bằng những lon nhôm và những chai nhựa. Logo của nó cũng được thiết kế lại bởi Raymond Loewy, nhà thiết kế công nghiệp người Pháp.

3. Năm 2015, tại nước Mỹ, Fanta kỷ niệm 75 năm ngày ra đời. Đến lúc ấy, nguồn gốc thương hiệu Fanta mới được nhiều nhà nghiên cứu lật lại. Đa số đều cho rằng không thể đánh đồng sự thành công của Fanta với những tội ác mà Hitler đã gây ra trong suốt 7 năm Thế chiến II, rằng Fanta là "đứa con tinh thần" của Hitler, rằng cam nguyên liệu không có nguồn gốc từ Florida, mà là từ các quốc gia đồng minh với phát xít Đức. Người tiêu dùng lúc ấy không phải là lính Mỹ hay người dân Mỹ mà là lính đặc nhiệm SS (Sturmstaffel) và các phi công Luftwaffle của Thống chế Hermann Goering.

Một số tù nhân Do Thái Ba Lan, Do Thái Đức, Do Thái Pháp…, bị bắt buộc phải làm việc trong các nhà máy của Fanta ở Đức cũng lên tiếng về sự bóc lột lao động tàn tệ. Theo họ, sự nổi tiếng của Fanta hình thành từ mồ hôi, máu và nước mắt của họ. Rất nhiều người trong số họ bị đưa vào trại tập trung rồi vào phòng hơi ngạt chỉ vì một nhận xét của quản đốc nhà máy, thậm chí của trưởng ca, rằng "năng suất kém, không đủ sức khỏe, chây lười…". Bên cạnh đó, còn có những cáo buộc rằng Max Keith đã theo chân quân đội Đức đến quốc gia đồng minh với Đức là Italy, các quốc gia bị Đức chiếm đóng như Pháp, Hà Lan để tiếp quản các chi nhánh Coca-Cola tại những nơi này nhằm gia tăng sản lượng.

Đáp lại những cáo buộc ấy, người phát ngôn của Fanta cho rằng không nhất thiết phải quay lại những năm chiến tranh để phê phán một sản phẩm đã trở nên phổ biến vì Fanta ngày nay không còn liên quan gì đến quá khứ chỉ vì những chai Fanta đầu tiên được làm từ bột táo và sữa gầy. Hơn nữa, giám đốc Max Keith dù phạm sai lầm khi tung hô Hitler nhưng ông đã giữ cho chi nhánh Coca-Cola tồn tại ở nước Đức trong những điều kiện rất khó khăn và điều này đã chứng minh bằng việc sau chiến tranh, trở về Mỹ, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Coca-Cola châu Âu.

Max Keith nói: "Tôi trung thành với Công ty Coca-Cola chứ không  trung thành với nước Đức Quốc xã. Fanta là sản phẩm của Coca-Cola chứ không phải của nước Đức, lại càng không phải của Hitler. Vì thế, tôi không muốn tranh cãi khi mà nhiệm vụ chính của tôi là thúc đẩy doanh số bán hàng, đưa Fanta vào mọi khía cạnh của cuộc sống Đức…".

Theo nhà sử học Pendergrast, Max Keith là người của Coca-Cola hơn là người của Đức Quốc xã. Ông nói: "Không thể phủ nhận rằng bạn không thể kinh doanh bên trong nước Đức trừ khi bạn hợp tác với họ. Thế nhưng Keith chưa bao giờ gia nhập đảng Quốc xã. Những việc Keith làm là vì Coca-Cola chứ không phải vì Hitler".

Tom Morrison, chuyên gia tiếp thị hàng đầu của thị trường bán lẻ các sản phẩm nước giải khát Mỹ thì cụ thể hơn: "Hiện có hơn 20 triệu người Mỹ lái xe Bettle đi làm hàng ngày trong lúc chiếc xe này do chính Hitler chỉ đạo hãng Volksswagen phải sản xuất với giá thành rẻ để bất kỳ người dân Đức nào cũng mua được nó. Vì thế, nếu cho rằng Fanta là con đẻ của Đức Quốc xã rồi kêu gọi tẩy chay nó thì nước Mỹ cũng nên tẩy chay chiếc Bettle đi là vừa…".

Vũ Cao (Theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.