Mất mùi - Triệu chứng chỉ điểm COVID-19

Chủ Nhật, 04/10/2020, 09:43
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, hầu hết các bác sĩ đều dựa vào triệu chứng sốt, ho, khó thở… để chẩn đoán phân biệt trước khi cho người bệnh làm xét nghiệm. Tuy nhiên gần đây, hiện tượng mũi không phân biệt đúng mùi vị được giới khoa học đánh giá là dấu hiệu chỉ điểm của việc nhiễm virus SARS-COV-2…


1. Tối 16/8/2020, Carol Pitz, nhà tư vấn nghề nghiệp ở thành phố Chanhassen, bang Minnesota, Mỹ, cùng chồng và 2 con ngồi vào bàn ăn trong bữa tiệc kỷ niệm 25 năm ngày cưới sau hơn 6 tháng phải ở yên tại nhà vì đại dịch COVID-19.

Trước đó, Carol đã điện thoại đặt bàn tại một quán ăn yêu thích. Chiếc bàn cô chọn nhìn ra một hồ nước. Do lệnh giãn cách nên toàn bộ bàn trong quán được kê cách nhau 3m. Gọi người phục vụ, Carol bảo anh ta dọn cho gia đình cô món cá vược hấp cùng rau mầm Brussel, tôm hùm nướng, súp cà chua và lườn ngỗng xông khói. Tuy nhiên, khi vừa đưa miếng cá vược lên miệng, Carol đã phải bỏ xuống vì theo cô: "Nó có cái mùi rất kỳ lạ. Thậm chí tôi còn không biết nó là gì. Nó giống như sự kết hợp giữa bánh mì nướng khét và bắp cải thối. Nó khiến tôi buồn nôn”.

Sáng hôm sau, Carol cảm thấy hơi mệt lúc thức dậy. Cũng như tối qua, cô không thể nào nuốt nổi một thìa ngũ cốc trộn sữa tươi trong bữa điểm tâm vì: "Mùi của nó không phải là mùi sữa". Đến chiều, cô húng hắng ho, sốt nhẹ. Do không có đủ các triệu chứng để xét nghiệm nên James Stiwell, bác sĩ khu vực viết đơn cho Carol mua thuốc hạ sốt cùng mấy loại vitamin. Bác sĩ Stiwell giải thích: "Có thể Carol chỉ bị cúm thông thường. Virus cúm đôi khi vẫn hay gây ra chứng rối loạn chức năng khứu giác. Nó sẽ hết khi người bệnh khỏi bệnh".

Thêm 3 ngày nữa, các triệu chứng sốt. ho tăng lên kèm theo khó thở. Lần này, kết quả xét nghiệm cho thấy Carol đã dương tính với SARS-CoV-2. Không những thế, cả chồng và đứa con gái lớn của cô cũng dương tính còn con trai út thì chưa.

Với Carol, mùi quả cam khi ấy biến thành mùi cao su cháy.

Những gì xảy ra với Carol không phải là duy nhất. Một công bố hồi tháng 8 trên tạp chí Chemical Senses, Mỹ, cho thấy hơn 4.000 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được khảo sát thì có 3.792 người mất mùi - hay chính xác hơn là mũi ngửi không đúng mùi thật của thứ được ngửi. Phần lớn đều cho rằng cà phê có mùi tanh, bánh mì có mùi cao su cháy, súp hành tây có mùi nước thải. Hoặc ghê rợn hơn: Spaghetti có mùi… phân người! Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Annals of Internal Medicine cũng cho thấy 86% bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 bị mất khứu giác.

Không chỉ mất mùi, COVID-19 còn liên quan đến vị. George Kenedy, 34 tuổi, người ở bang Arkansas, một sáng thức dậy bỗng dưng không nhận ra vị đắng ca cao - là thức uống quen thuộc của anh. George nói: "Thời điểm ấy, tôi không hề có bệnh tật gì, chỉ hơi sổ mũi. Tôi cho rằng đó là hậu quả của việc chiều hôm trước tôi bơi quá lâu". Tuy nhiên sự mất vị kéo dài suốt 5 ngày cho đến khi các triệu chứng sốt, ho, khó thở xuất hiện. Kết quả xét nghiệm cho thấy Gerge dương tính với SARS-CoV-2.

Cũng như George Kenedy, David Kane, 50 tuổi, tài xế xe tải xuyên bang cho biết, 1 tuần trước khi dương tính với SARS-CoV-2, ông không phân biệt được cả mùi lẫn vị của các loại đồ ăn, thức uống. Ông nói: "Bánh Taco không hề cay mặc dù người bán đã xịt một lượng tương ớt đủ để cho vào 3 ổ bánh khác. Nước Coca chẳng khác gì nước cống còn nhai quả táo y như nhai bã kẹo cao su!".

Theo các nhà nghiên cứu về SARS-CoV-2 tại Đại học Y khoa Harvard, Mỹ, phải mất nhiều tháng thảo luận trước khi các chuyên gia y tế bổ sung hiện tượng mất mùi vào danh sách chính thức các triệu chứng của COVID-19. Sự thiếu sót kéo dài đã gây ra vô số những quan điểm sai lệch về khả năng phân biệt mùi vị của thần kinh khứu giác, cũng như đã làm chậm tiến độ chẩn đoán SARS-CoV-2. 

Nick Roosa, cư dân thành phố Cincinnati, bang Ohio, Mỹ, chia sẻ trên Facebook: "Đầu tháng 3, mũi tôi bị mất mùi. Tất cả những loại thực phẩm chiên bằng dầu ăn như khoai tây, cánh gà, xúc xích… đều có mùi xà phòng. Rau xà lách có mùi giấm đậm đặc. Tôi lần lượt đến khám với 4 bác sĩ nhưng mỗi người nói một phách. Người thì bảo tôi bị rối loạn tế bào thần kinh trong biểu mô khứu giác, người thì bảo các mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi tôi tăng sinh bất thường, thậm chí có bác sĩ còn khẳng định rằng não của tôi nhận được thông tin về mùi không đầy đủ… Chỉ đến khi tôi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tôi mới biết mất mùi là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh này".

2.Thật ra, hiện tượng mất mùi không hẳn hoàn toàn là do virus SARS-CoV-2. Theo các bác sĩ chuyên khoa về hương vị và mùi ở Bệnh viện UConn Health, Mỹ, có khoảng 2 triệu người Mỹ trưởng thành gặp phải các rối loạn về mùi và hương vị. Chúng bao gồm anosmia (mất mùi hoàn toàn), hyposmia (mất mùi một phần), ageusia (mất vị hoàn toàn), hypogeusia (mất vị một phần), parosmia (biến dạng mùi), dysgeusia (mùi bất thường dai dẳng).

Kiểm tra bằng cách cho ngửi mùi trước khi quyết định có làm xét nghiệm hay không.

Ngửi, nếm thấy mùi, vị, biết nó là gì, hình thành từ 3 yếu tố. Một là phát hiện và xác định mùi (thơm, hôi, tanh, chua, cay), hai là xác định hương vị (ngọt, chua, cay, mặn, chát, béo, đắng) và ba là khả năng phát hiện các đặc tính kích thích của các chất trong miệng và trong mũi (nguội, nóng, lạnh, bỏng rát, ngứa...). 

Thông tin về vị được hấp thu bởi thần kinh vị giác phân bố khắp khoang miệng. Thông tin mùi được xử lý bởi mô thần kinh ở phía trên cùng của khoang mũi. Tất cả được truyền qua nhiều nhánh thần kinh nhỏ trong niêm mạc mũi và miệng rồi theo một số đường riêng biệt đến não. Việc mất mùi, mất vị có thể xảy ra khi người ta mắc bệnh cúm, hoặc chấn thương sọ não, có khối u trong não, hoặc mắc các bệnh về mũi, xoang, họng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Rodiguez, Bệnh viện UConn Health: "Khảo sát 900 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng tôi nhận thấy có 762 người trong số này không liên quan gì đến các tật bệnh vừa kể. Điều đó tạm thời xác định rằng hiện tượng mất mùi có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho việc nhiễm SARS-CoV-2".

Khi việc mất mùi ở những người nhiễm SARS-CoV-2 dần sáng tỏ, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới lập tức vào cuộc đua giải mã những bí ẩn về virus SARS-CoV-2. 

Trong giai đoạn đầu, họ phát hiện virus SARS-CoV-2 cần bám vào hai loại protein ACE2 và TMPRSS2, được tìm thấy trong nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm cả mũi. Điều này cho thấy virus có thể làm hỏng tế bào thần kinh khứu giác, nơi chuyển tiếp thông tin các mùi từ mũi đến não. 

Thông qua nghiên cứu hàng loạt tế bào khứu giác của chuột, khỉ và con người, họ xác định nguồn cung cấp các protein ACE2 và TMPRSS2 từ tế bào duy trì, hỗ trợ tế bào thần kinh thụ cảm khứu giác, giúp vận chuyển thông tin mùi qua chất nhầy ở mũi. Tiến sĩ Anderson, thành viên của nhóm nghiên cứu nói: "SARS-CoV-2 liên kết với các thụ thể ACE có trong tế bào đáy, làm hư hỏng tế bào thần kinh trong biểu mô khứu giác. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi loại virus này gây ra hiện tượng mất mùi".

Tuy nhiên, vẫn theo Tiến sĩ Anderson, tin tốt là các tế bào trong biểu mô khứu giác có thể tái sinh sau khi chúng bị tổn thương. Nhưng quá trình tái tạo có thể mất thời gian, từ 6 tháng đến 2 năm hoặc hơn. Ông nói: "Nếu nó ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trưởng thành thì các tế bào thần kinh chưa trưởng thành sẽ phải trưởng thành hoàn toàn để kết nối với khứu giác. Sau đó, làn sóng tế bào thần kinh tiếp theo lại được tạo ra để tiếp tục quá trình này. Như vậy, có khả năng là sự hồi phục diễn ra theo từng mảng, hoặc hồi phục từng phần ở các vùng khác nhau trước khi việc mũi nhận biết đúng mùi ở cái mà nó đã ngửi".

3.Sau những phát hiện về sự mất mùi có thể là dấu hiệu chỉ điểm của việc nhiễm SARS-CoV-2, một liên minh gồm hơn 500 nhà khoa học ở nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập "Hiệp hội nghiên cứu chứng mất mùi vị toàn cầu" nhằm mục đích tìm hiểu và chia sẻ dữ liệu để điều tra mối liên hệ giữa các giác quan và COVID-19, trong đó một nhóm thuộc Đại học bang Georgia, Mỹ, đã biên soạn bộ dữ liệu gồm hơn 602 triệu nhận xét riêng lẻ về các triệu chứng của COVID-19 kể từ ngày 10/3/2020 và đã được công bố rộng rãi. 

Những người bị mất mùi chờ làm xét nghiệm SARS-CoV-2.

Mount Sinai, trung tâm chăm sóc sau COVID-19 ở New York dựa vào những nghiên cứu kể trên, đã bắt đầu tiến hành giải quyết chứng rối loạn khứu giác trong nhiều thử nghiệm lâm sàng. Tại nước Anh, Jane Parker, Phó giáo sư chuyên ngành hương vị tại Đại học Reading cũng đang tìm hiểu thành phần hóa học của các yếu tố gây ra chứng mất mùi ở những người nhiễm SARS-CoV-2 trong một dự án phối hợp với AbScent, một tổ chức từ thiện điều trị cho những người mắc phải chứng mất mùi.

Trong một tuyên bố đưa ra đầu tuần này, Học viện Tai Mũi Họng, Mỹ, cho biết sẽ công bố bản báo cáo: "Bằng chứng từ các nơi trên thế giới cho thấy chứng mất mùi có liên quan đến đại dịch COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 mà không kèm theo bệnh lý nào". 

Tiến sĩ DJ Verret cho biết vị giác và khứu giác có quan hệ mật thiết với nhau: "Trước đây chúng tôi đã biết nhiễm một số loại virua có thể dẫn đến mất mùi nhưng với SARS-CoV-2, người bệnh mất mùi trước khi trở thành COVID-19. Hơn nữa, khoảng 40% bệnh nhân sau khi chữa lành COVID-19, vẫn còn bị mất mùi. Điều này phù hợp với việc một phụ nữ ở Đài Loan nhiễm SARS - loại virus có họ hàng gần gũi với SARS-CoV-2 bị mất mùi hơn 2 năm".

Theo Tiến sĩ Wendy Smith, chuyên khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Permanente Medical Group, Mỹ: "Tin tốt là các triệu chứng mất mùi vị do nhiễm SARS-CoV-2 dường như tự giới hạn và cải thiện theo thời gian". Các bác sĩ ở Anh, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy… cũng cho biết một số lượng đáng kể bệnh nhân COVID-10 ở quốc gia họ bị mất khứu giác từ lúc vẫn còn âm tính với SARS-CoV-2. Theo họ, đây là dấu hiệu chỉ điểm đáng tin cậy.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến phản đối rằng việc sử dụng sự mất mùi làm dấu hiệu lâm sàng chỉ mang tính tham khảo, nghĩa là chưa đủ các nghiên cứu có hệ thống để xác định mối liên hệ chặt chẽ giữa mất mùi và COVID-19 nhưng ý kiến ấy nhanh chóng bị bác bỏ. Theo tờ  The Lancet - là tạp chí Y học uy tín nhất thế giới thì ít nhất một nửa bệnh nhân trên toàn cầu nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận đã mắc phải chứng mất mùi. Riêng nước Đức, giới y khoa ở đây cho biết cứ 3 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thì có 2 bị mất mùi. Đáng chú ý hơn nữa là 98% bệnh nhân COVID-19 đều có biểu hiện rối loạn chức năng khứu giác.

Hiện tại, Viện Tai Mũi Họng, Mỹ, đã bắt đầu đưa hiện tượng mất mùi vào danh sách các triệu chứng cần được xem xét để nhanh chóng đưa ra quyết định xét nghiệm SARS-CoV-2 bởi lẽ điều nguy hiểm nhất với những người mất mùi nhưng chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng là họ hoàn toàn có khả năng lây lan virus cho những người khác. Tiến sĩ DJ Verret nói: "Lời khuyên của tôi là nên tự cách ly nếu bạn bắt đầu xuất hiện sự mất mùi. Tiếp theo, bạn cần báo cho cơ sở y tế về triệu chứng ấy để có thể có được những xét nghiệm cần thiết".

Vũ Cao (Theo Health and Live)
.
.