Máu người trong lịch sử y học

Thứ Sáu, 25/01/2019, 12:39
Có một câu thơ của Leviticus: "Cuộc sống của nhục thể nằm trong máu". Sự thật không chối cãi: các tế bào hồng cầu mang oxy giúp tim chúng ta đập và bộ não hoạt động toàn diện; các tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của những mầm bệnh gây chết người; các tiểu cầu và chất đạm ở dạng cục máu đông giúp ngăn ngừa hiện tượng xuất huyết gây tử vong.

Máu liên tục được thay mới bằng các tế bào gốc có trong tủy xương: hồng cầu được thay mới chỉ sau vài tháng; tiểu cầu và bạch cầu thì thay mới chỉ sau vài ngày. Vì các tế bào gốc tủy có trong mọi tế bào máu nên khi cần cấy cho ai đó, chúng có thể giúp cải tử hoàn sinh.

Tín ngưỡng kỳ lạ về máu

Nhà báo người Anh Rose George viết: "Chất sắt trong máu cũng giống như chất sắt có trên hành tinh chúng ta. Trung bình mỗi ngày, cơ thể nhận lượng máu từ 9 đến 11 Panh. Máu lưu thông qua tĩnh mạch, động mạch, mao mạch hay tương đương với 60.000 dặm đường - gấp đôi chu vi trái đất và hơn thế nữa".

Các dân tộc cổ đại đã tỏ ra mê mẩn với sự huyền bí của máu. Với họ, máu là thứ bí ẩn và chỉ nhìn thấy khi nó chảy ra ngoài vết thương, hay lúc sinh con, sẩy thai, hay đến kỳ, vì thế mà nó là biểu tượng của sinh và tử. Trong một số nền văn hóa, mất máu bị cho là nguy hiểm không chỉ cho cá nhân mà là cả cộng đồng.

Chuyến công tác của nhà báo Rose George đến một ngôi làng Ấn Độ giáo hẻo lánh ở miền Tây Nepal, nơi đó phụ nữ đang đến tháng là "bất khả xâm phạm" theo truyền thống địa phương. Trong thời gian này, cô Radha không thể về nhà mình hay đi lễ ở đền, không được phép chạm vào người những phụ nữ khác. Radha chỉ được cho ăn cơm, và người em gái ném đĩa thức ăn cho chị khi đứng ở phía xa.

Thầy thuốc Karl Landsteiner của Đại học Vienna (Áo) là người đã tìm ra các nhóm máu A, B, AB và O.

Cách 300 dặm về hướng Tây Bắc nơi cô gái Radha sống, một nơi nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan, phụ nữ người Kalasha trong ngày đến tháng sẽ sống ở nơi uy tín gọi là Bashali, họ tha hồ đi chơi, vui đùa. "Ở đó, phụ nữ như thế được đánh giá cao, bởi vì dân gian tin rằng đó là biểu tượng của sinh sản và sức mạnh", nhà báo Rose George viết. Trong nền văn hóa Hồi giáo, nữ giới những ngày đến tháng sẽ bị cấm đọc một số lời cầu nguyện và tránh giao hợp bằng âm đạo. Theo nhà Thần học Shai Held: "Sự sinh con đã làm xáo trộn ranh giới giữa sinh và tử: một cuộc sống mới bước ra thế giới, nhưng máu được xem là chỗ dựa của sự sống, đã bị mất trong lúc sinh sản".

Cả người Do Thái và người Hồi giáo đều tuân theo luật ăn chay, cấm tiêu thụ máu. Cả 2 loại thịt Kosher và Halal đều rút hết máu, thịt kosher được ướp muối để loại bỏ sạch máu. Nhưng bất chấp các luật lệ cấm ăn máu thì có một nhánh tôn giáo Do Thái hồi đầu thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên, lại cho rằng máu là trung tâm của các nghi lễ. Chúa Jesus xứ Nazareth từng nói với các môn đồ rằng bánh mì và rượu trong Bữa ăn tối cuối cùng là thể xác và máu của ngài, và nên ăn chúng để tưởng nhớ đến ngài.

Nghi thức của Bí tích thánh thể đã trở thành nền tảng sơ khai của đạo Công giáo. Ông David Biale, giáo sư về lịch sử Do Thái của Đại học California, Davis (UCD) đã trích dẫn một lá thư có từ năm 1376 của nữ tu Christian thành Siena, bà này nói rằng Bí tích thánh thể là một biểu tượng của sự hợp nhất, và các Ki Tô hữu đã chuộc tội và rửa tội bằng máu của Chúa Jesu.

Tác dụng của trích huyết chữa bệnh

Trong suốt một thiên niên kỷ, cơ thể con người được hiểu là một mạch bộ tứ chất lỏng: mật vàng, mật đen, đờm trắng và huyết đỏ. Mỗi thứ này tượng trưng cho 1 trong 4 yếu tố: lửa, đất, nước và không khí vốn có trong vũ trụ. Theo bác sĩ Galen sống vào thế kỷ thứ 2 thì: "Máu được sản sinh trong gan thông qua ăn uống từ tuyến tiêu hóa".

Thứ máu thiên nhiên này đi vào các tĩnh mạch và được vận chuyển đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Các cơ liên tục "ăn" máu và sau đó máu lại được bổ sung trong các bữa ăn. Chức năng chủ yếu của quả tim là tạo ra nhiệt lượng. Máu trong các động mạch là "sức sống" nhằm mang linh hồn vào xương thịt.

Bên trong một ngân hàng truyền máu.

Cơ thể được chăm sóc theo một cách rất hài hước: mật đen, mật vàng, đờm trắng theo phân, mồ hôi, nước mắt và nước mũi bị tống ra ngoài. Từ thời thượng cổ sang thời kỳ hiện đại, người ta dùng phương pháp trích huyết để chữa bệnh (dùng đá có cạnh mài sắc, răng cá để cứa da, lấy máu). 

Triết gia kiêm khoa học gia người Ba Tư là Avicenna nói về liệu pháp trích huyết như sau: "Mỗi mạch máu khác nhau sẽ dùng cho một mục đích riêng. Làm chảy máu giữa các tĩnh mạch giữa 2 lông mày là rất tốt để trị chứng đau đầu kinh niên; cắt các tĩnh mạch dưới lưỡi tuy rằng khó làm nhưng mà rất hiệu dụng trong việc trị các cơn đau thắt ngực và áp xe amidan; mở các tĩnh mạch thần kinh giúp giảm đau gút chân và bệnh chân voi; việc cắt các tĩnh mạch hiển cũng giúp trị các chứng rối loạn kinh nguyệt".

Còn Rose George tỏ ra mê mệt với thứ mà bà gọi là "Công cụ hữu dụng trong trích huyết": con đỉa. Rose George viết: "Có hơn 600 loài đỉa. Không phải tất cả đỉa đều hút máu, và ngay cả những con đỉa chuyên hút máu cũng không có ý chén máu người. Có loại đỉa sa mạc chuyên sống trong mũi lạc đà, hay có loại đỉa là thức ăn của loài dơi, hoặc có loại đỉa là đồ ngon của các loài ếch". Trong nền văn hóa Ai Cập từ cách đây 3.000 năm có khắc họa hình ảnh vị thần Ấn Độ giáo là Dhanvantari, người thường cầm một con đỉa để trị bệnh.

Hay công ty Biopharm ở xứ Wales (Anh) nuôi đỉa dùng cho các hoạt động phẫu thuật. Một nhà nuôi đỉa ở Biopharm kể với nhà báo George rằng: "Khi được ăn no, một con đỉa có thể tăng trọng lượng cơ thể gấp 5 lần và nguyên cả năm không cần ăn gì. Vết cắt của đỉa rất thần hiệu, nó ít gây chấn thương cho da hơn là dùng dao mổ, và từ vết cắn đó, con đỉa sẽ tiêm chất gây mê vào vật chủ tạo ra cảm giác không đau cho vật chủ".

Nhu cầu dùng đỉa phổ biến nhất trong y học hiện đại là áp dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ, con đỉa sẽ rút các mô sưng sau phẫu thuật. Các nhà huyết học áp dụng trích huyết trong liệu pháp mở tĩnh mạch khi điều trị bệnh đa hồng cầu (một dạng bệnh hiếm gặp khi tủy xương ở người sản xuất quá nhiều các tế bào hồng cầu) và giảm sự tích tụ sắt trong cơ thể vốn gây nên một chứng rối loạn gọi là bệnh thừa sắt.

Khởi đầu của y học truyền máu

Sang thời hiện đại, máu không chỉ là mục tiêu chữa bệnh mà còn là nguồn cung thuốc. Vào thời trị vì của Constantine, Hoàng đế Ki Tô đầu tiên, máu người đã được tiêu thụ từ các tử tội bị đem đi hành quyết.

"Bệnh sẽ tiêu trừ khi được uống thứ máu tươi, nóng chỉ vài giây sau khi đầu bị lìa khỏi cổ" vốn được ghi lại trong các tài liệu thời Trung Cổ ở Đức, Đan Mạch và Thụy Điển. Năm 1483, Hoàng đế Pháp-Louis XI có thói quen kinh dị là uống máu tươi lấy từ những đứa trẻ khỏe mạnh với hy vọng là sẽ giúp ngài khỏi chết bởi căn bệnh phong, nhưng vô ích. Các thuật sĩ cho rằng máu khi được chưng cất sẽ có thể chữa được chứng động kinh và đau nửa đầu; là "thủy dược" cho các chứng rối loạn tim mạch và thần kinh. Máu cũng được cho là có khả năng kích thích tình dục. Những niềm tin kiểu này đã tồn tại trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp.

Năm 1628, thầy thuốc người Anh tên là William Harvey đã có một tuyên bố mang tính cách mạng: "máu tuần hoàn từ bên trái của quả tim xuyên qua các động mạch và quay trở về bên phải của quả tim thông qua các tĩnh mạch". Harvey đã rút máu từ cừu và lợn và khám phá ra rằng thể tích máu mà chúng có lớn hơn so với thể tích thức ăn mà chúng tiêu hóa, và ông kết luận rằng máu không được ăn và thẩm thấu mà nó phải liên tục tuần hoàn.

Từ kết luận của thầy thuốc Harvey, các thầy thuốc khác bắt đầu xem xét đến khả năng truyền máu. Năm 1666, tại London, thầy thuốc Richard Lower đã trình bày báo cáo khoa học đầu tiên về truyền máu; ông truyền máu giữa 2 con chó bằng cách sử dụng một cái lông ngỗng để gắn vào động mạch ở cổ 2 con chó.

Một năm sau đó các thầy thuốc Pháp lại truyền máu từ con bê sang tĩnh mạch của một thanh niên trẻ. Người thanh niên trải qua một cơn đau lưng dữ dội và được cho rằng cơ thể anh ta đã hình thành các kháng thể chống máu bê khi nó được tiêm vào lần đầu tiên. Lần truyền máu thứ 3, bệnh nhân đã chết ngay sau đó.

Và trở thành một vị thuốc

Những thất bại ở trên đã khiến cho Quốc hội Pháp và Giáo hội công giáo cấm truyền máu cho người. Suốt 150 năm sau đó, truyền máu đã bị cấm trong y học chính thống. Đến năm 1900, thầy thuốc Karl Landsteiner từ Đại học Vienna (Áo) đã thực hiện bước đi đầu tiên trong việc khám phá ra các nhóm máu. Landsteiner đã xét nghiệm huyết thanh (một chất máu lỏng) từ 6 quý ông khỏe mạnh (5 nhân viên và chính ông Landsteiner) và khám phá ra rằng huyết thanh từ những người hiến tặng khiến cho các tế bào hồng cầu ở những người khác tụ lại với nhau.

Landsteiner lóe lên ý tưởng rằng phải có các loại máu khác nhau và chúng có thể được phân loại dựa trên sự dính kết. Vài năm sau đó, Landsteiner và các đồng nghiệp đã khám phá ra các nhóm máu chính mà ngày nay chúng ta đã biết như A, B, AB và O và các tương tác giữa chúng đã được thẩm định xem truyền máu có an toàn hay không. Người mang nhóm máu AB có thể nhận máu từ người hiến tặng mang các nhóm A và B; người mang nhóm máu O lại có thể hiến máu cho bất kỳ ai. Chính từ đây, máu đã được xem là một vị thuốc.

Năm 1914, người ta khám phá ra rằng Natri Citrate có thể ngăn ngừa máu đông cục nhằm cho phép lấy máu từ người hiến và lưu trữ cho tới khi có ai cần. Trong thời Chiến tranh thế giới thứ I (ĐCTGI), phát hiện này đã cứu mạng vô số thương binh. Năm 1937, 2 thầy thuốc Landsteiner và Alexander Wiener đã xác định được nhân tố Rh trong máu, từ đây đã giải thích những bất thường giữa mẹ và bào thai là căn nguyên gây ra thai chết lưu.

Một vấn đề khác không kém phần nóng hổi, đó chính là huyết thống. Tại Nhật Bản, các nhóm máu giờ đây đang được củng cố một triết lý giả tưởng về các kiểu tính cách, nôm na như một kiểu chiêm tinh.

Theo nhà văn Rose George thì nhóm máu A được cho là "người cầu toàn, tốt bụng, điềm tĩnh ngay trong tình huống khẩn cấp, và lái xe an toàn"; nhóm máu B là người vui vẻ, nhưng lập dị và ích kỷ; nhóm máu O là người mạnh mẽ và thận trọng; trong khi nhóm máu AB là người khá rắc rối. Dựa trên nhóm máu, các nhà tuyển dụng Nhật sẽ quyết định tuyển chọn ứng viên nào, còn người trẻ cũng dùng nhóm máu để quyết định buổi hẹn hò.

Hứa hẹn điều trị bằng máu

Các loại thuốc mới đã được phát triển nhắm vào những đột biến và đạt được sự thuyên giảm của những bệnh nhân ung thư máu vốn đã kháng với hóa trị liệu chuyên sâu nhất. Trong vòng vài năm qua, các kỹ thuật thay thế gene đã phát triển đến mức mà chúng có thể điều trị thành công những rối loạn máu bẩm sinh như bệnh máu khó đông và bệnh thiếu máu tán huyết di truyền (Thalassemia).

Bản thân các tế bào máu đã được chỉnh di truyền để trở thành vũ khí chống lại ung thư: một tiến trình gọi là liệu pháp tế bào T, các tế bào lympho T có thể nhận biết và diệt trừ bệnh bạch cầu, ung thư phổi và bệnh u lympho Hodgkin. Các chất đạm giúp tế bào gốc trưởng thành sẽ được cho vào các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu, và giờ đây đang được tăng tốc sản xuất máu ở những bệnh nhân mắc chứng máu thấp và cải thiện các tác động độc hại của hóa trị và ghép tủy xương, ngăn ngừa nhiễm trùng gây tử vong và xuất huyết.

Năm 1985, tức chỉ 2 năm sau khi phát hiện ra virus H.I.V, các xét nghiệm đã được phát triển nhằm sàng lọc những người hiến tặng máu và tiêu trừ máu nhiễm HIV từ các ngân hàng truyền máu. Những xét nghiệm cứu mạng này và tương tự như các bệnh viêm gan B và C giờ đây đã diễn ra thường xuyên hơn khiến chúng ta cho rằng nó là điều hiển nhiên.

Văn Chương
.
.