Máy phát hiện nói dối bị… qua mặt

Thứ Hai, 08/06/2015, 16:45
Douglas Williams, 69 tuổi, ở thành phố Norman, bang Oklahoma (Mỹ), một cựu cảnh sát và là chủ trang web Polygraph.com, vừa nhận tội dạy người khác cách qua mặt máy phát hiện nói dối. Lời thú tội của Williams khiến giới chuyên gia một lần nữa dấy lên cuộc tranh cãi về tính chính xác của máy phát hiện nói dối.

Sau khi nhận tội, Williams đối mặt với 20 năm tù giam và 250.000 USD tiền phạt vì bán tài liệu dạy qua mặt máy phát hiện nói dối cho hai người thực ra là hai đặc vụ mật đang điều tra ông ta. Một đặc vụ đóng vai là nhân viên của Bộ An ninh Nội địa và nói với Williams rằng, anh ta muốn che giấu sự thật là mình dính líu đến hoạt động buôn ma túy qua sân bay. Đặc vụ còn lại cho hay anh ta định xin việc trong lực lượng tuần tra biên giới và muốn giấu quá khứ tội phạm của mình.

Douglas Williams.

Williams từng là cảnh sát ở bang Oklahoma, từng lên các chương trình truyền hình như "60 Minutes" của kênh CBS để phản đối việc sử dụng máy phát hiện nói dối, coi thứ máy này là một loại khoa học rác. Ông ta tiến xa hơn khi tự lập trang web bán kỹ thuật cho những ai muốn vượt qua cuộc kiểm tra với máy phát hiện nói dối và còn đích thân dạy khách hàng các kỹ thuật này.

Vụ xét xử Williams làm sống dậy một cuộc tranh luận cũ nhưng không bao giờ hết nóng: Máy phát hiện nói dối có chính xác và liệu có biện pháp nào tốt hơn?

Năm 2002, Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ thực hiện một nghiên cứu toàn diện về máy phát hiện nói dối và kết luận rằng tỷ lệ phát hiện nói dối của máy này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tình cờ phát hiện ai đó đang nói dối. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối cho ra quá nhiều kết quả sai.

Ông Stephen Fienberg, nhà thống kê học và là Chủ tịch của Ủy ban Nghiên cứu - Học viện Khoa học Quốc gia nhận xét: "Những tín hiệu mà máy phát hiện nói dối ghi nhận, dù là toát mồ hôi trên đầu ngón tay hay nhịp thở bất thường, đều gắn với hành vi nói dối hay lừa gạt. Nhưng không may, những dấu hiệu này lại gắn với nhiều điều khác nữa". Ông Fienberg thẳng thắn nói: "Kết luận cá nhân của tôi là cái máy này không có vai trò trong quá trình rà soát công dân của chính phủ…

Do có quá nhiều người trung thực bị gắn mác nói dối sau khi bị máy kiểm tra nên các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng máy phát hiện nói dối không đủ tin cậy để dùng vì mục đích kiểm tra an ninh quốc gia hoặc rà soát ứng viên xin việc làm để xem họ có phải là gián điệp không.

Đa số trong Quốc hội Mỹ cũng cho rằng máy này đủ tốt để ít nhất là cho chính phủ sử dụng. Tuy Quốc hội Mỹ đã cấm các doanh nghiệp, công ty tư nhân dùng máy phát hiện nói dối trong tuyển nhân viên từ năm 1988 nhưng chiếc máy này vẫn có khả năng phủ bóng sợ hãi lên cả nghìn công chức liên bang và cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

Phần lớn bằng chứng dùng để đánh giá hiệu quả của máy phát hiện nói dối là dựa trên công dụng của chúng trong các vụ điều tra những sự kiện cụ thể đã biết như các vụ án hình sự. Trong các trường hợp này, máy có thể phân biệt nói dối và nói thật ở tỷ lệ cao hơn nhưng vẫn không đủ để coi là hoàn hảo.

Nhà phát minh máy phát hiện nói dối John Larson (bên phải)

Các bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối hiện nay dựa trên các cơ sở khoa học yếu ớt cho dù đã trải qua cả thế kỷ nghiên cứu. Người kiểm tra thường hỏi những câu hỏi chung chung vì họ không biết người trả lời có thể che giấu hành vi vi phạm nào. Khác với câu hỏi cụ thể, các cá nhân có thể phản ứng khác nhau với câu hỏi chung chung. Do đó cả người hỏi và người trả lời có thể không rõ liệu các câu trả lời đó là trung thực hay chưa trừ khi phải có tiêu chuẩn rõ ràng, quy định nhất quán thế nào là câu trả lời chấp nhận được.

Hành vi lừa gạt có thể được xác định dựa vào đo đếm các phản ứng sinh lý học. Một loạt yếu tố thể chất và tinh thần như tâm trạng hồi hộp vì bị kiểm tra cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả mà máy phát hiện nói dối đưa ra. Người ta còn có thể học cách bắt chước một số phản ứng sinh lý học để qua mặt máy nối dối. Đây là một điều đặc biệt đáng lo ngại khi một số người cố tình áp dụng các biện pháp tinh vi để đối phó với máy phát hiện nói dối.

Ví dụ như trường hợp của Douglas Williams nói trên, ông ta đã lập hẳn một trang web để dạy người ta vượt qua các bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Trong một video quảng cáo dịch vụ của mình, Williams cho biết máy phát hiện nói dối giả định rằng bạn hồi hộp khi bị hỏi một câu nào đó có nghĩa là bạn phạm phải tội bạn đang bị hỏi. Và ông ta tuyên bố: "Thậm chí ngay cả khi bạn nói hoàn toàn sự thật, bạn vẫn có rủi ro trượt 50%. Tại sao lại trượt? Bạn hồi hộp nhưng không có nghĩa là bạn đang nói dối. Tôi có thể dạy bạn cách vượt qua bài kiểm tra, dù bạn hồi hộp hay không".

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Williams đã vượt giới hạn khi ông ta dạy cả những người có tiền án tiền sự. Không chỉ mình Williams, một số người cũng từng lọt vào tầm ngắm của các đặc vụ khi với lý do tương tự. Năm 2012, một người tên là Chad Dixon ở bang Indiana phải ngồi tù 8 tháng. George Maschke, người điều hành trang web chống máy phát hiện nói dối antipolygraph.org, ngờ rằng trong những khách hàng gọi cho mình có cả đặc vụ Mỹ giả danh.

Máy phát hiện nói dối do John Larson, một cảnh sát ở Sở Cảnh sát Berkeley, bang California phát minh năm 1921. Các chỉ số sinh lý học như huyết áp, mạch đập, hiện tượng toát mồ hôi, phản ứng da của một người được đo và ghi lại khi người này được kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Cơ sở khoa học của máy là nếu nói dối, cơ thể người sẽ có phản ứng sinh lý học khác với người nói thật.
Dương Thùy (tổng hợp)
.
.