Mơ là để nhớ hay để quên?

Thứ Năm, 03/05/2018, 09:42
Khoa học nghiên cứu về giấc mơ liên quan đến rất nhiều ngành khác từ sinh học thần kinh, tâm lý học cho đến cả văn học. Tuy nhiên, một câu hỏi đơn giản rằng tại sao chúng ta nằm mơ vẫn còn là một bí ẩn.

Một trong số những nỗ lực đầu tiên nhằm nghiên cứu về giấc mơ một cách khoa học được thực hiện bởi Sigmund Freud, nhà phân tâm học đầu thế kỷ 20. Sau khi phân tích giấc mơ của hàng trăm bệnh nhân, ông đưa ra học thuyết: Giấc mơ là sự đáp ứng cho những mong ước.

Bất kỳ giấc mơ nào, không cần biết kinh khủng ra sao, đều có thể được xem là một cách để đạt được những gì ta mong muốn, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ví dụ như bạn có một giấc mơ đáng sợ rằng mẹ của bạn đang hấp hối. Như vậy thì làm sao có thể nói đó là sự thỏa mãn cho ước mong được?

Có thể là như vậy, lúc này Freud sẽ giải thích rằng, khi bạn có xung đột với mẹ thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi mẹ của bạn không còn nữa. Nói như vậy không có nghĩa là bạn muốn mẹ mình chết đi, bạn không hề muốn như thế, nhưng bạn lại mong muốn giải quyết xung đột đang xảy ra.

Với giả thuyết này, Freud đã giúp nhiều bệnh nhân của mình tìm lại được những xúc cảm bị chôn giấu bấy lâu của bản thân mà họ chưa từng đối mặt để giải quyết. Theo Freud, chủ đề của những giấc mơ mang những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Giấc mơ có thể tiết lộ về những mơ ước hay cảm xúc của chính mình mà ngay bản thân bạn cũng không nhận ra rằng mình có.

Nhưng một trường phái khác lại cho rằng giấc mơ chẳng qua chỉ là một hoạt động bất thường của não bộ, một trục trặc ngẫu nhiên của mạch thần kinh cuống não và sự kích thích của hệ thống đường biên não - hệ thống mạng các nhân hạch não chi phối việc biểu lộ cảm xúc, cảm giác và trí nhớ. 

Nhà tâm thần học Jie Zhang lại đưa ra "học thuyết kích hoạt liên tục". Học thuyết này cho rằng não bộ của chúng ta luôn lưu trữ thông tin bất kể khi ta còn thức hay đang ngủ. Nhưng giấc mơ là vùng lưu giữ ký ức tạm thời, nơi chúng ta lưu giữ ký ức trước khi chuyển chúng từ vùng ký ức ngắn hạn sang vùng ký ức dài hạn. Những ký ức này chợt lóe lên trong đầu dưới dạng những giấc mơ trước khi chúng ta cất giấu vào sâu trong trí nhớ.

Quan điểm này cho rằng chúng ta mơ để não bộ có thể loại bỏ những liên kết không mong muốn được hình thành trong ngày. Nói một cách đơn giản, nằm mơ là một cơ chế "thu gom rác", làm nhẹ đầu óc khỏi những ý nghĩ không cần thiết, giúp chúng ta minh mẫn hơn. Về bản chất, chúng ta mơ để quên. Những giấc mơ giúp chúng ta xóa bỏ những thông tin quá tải thường ngày và chỉ lưu giữ lại những gì quan trọng nhất.

Ý kiến này đi ngược lại với quan điểm cho rằng chúng ta mơ để ghi nhớ hơn là để quên. Sở dĩ có kết luận này là do nhiều nghiên cứu cho thấy con người có khả năng nhớ những gì đã học nhanh hơn nếu họ mơ thấy nó sau khi học.

Cũng giống như học thuyết của Jie Zhang về lưu trữ ký ức dài hạn, ý kiến này cũng cho rằng những giấc mơ giúp chúng ta lưu giữ lại những gì đã được học. Ý kiến này được ủng hộ bởi các nghiên cứu gần đây về sang chấn tâm lý, cho rằng khi con người đi ngủ ngay sau khi trải qua một tổn thương về mặt tinh thần thì họ dường như có khuynh hướng nhớ lại và bị ám ảnh bởi cú sốc đó.

Chính vì vậy, một cách thường dùng cho những ai vừa mới trải qua sang chấn tâm lý là giữ họ luôn tỉnh táo và trò chuyện với họ trong vài giờ, ngay cả khi họ cảm thấy kiệt sức, để ngăn chặn những ký ức đau buồn được củng cố và ghi nhớ lại. 

Nhà thần kinh học người Phần Lan Antti Revonusuo lại đưa ra giả thuyết rằng nằm mơ là một chức năng sinh học mô phỏng những mối đe dọa có thể xảy ra nhằm diễn tập khả năng nhận biết và phòng tránh nguy hiểm. Những người có loại giấc mơ này thường có khả năng đối phó với những mối đe dọa tốt hơn trong cuộc sống thực, bởi vì họ đã từng được trải nghiệm qua những lần diễn tập trong mơ.

Một nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng những giấc mơ xuất hiện khi chúng ta gặp phải một hoàn cảnh khó khăn nào đó và giúp ta tìm ra phản ứng tâm lý tốt nhất đối với chúng. Nhà tâm lý học Richart Coutts cho biết đây chính là cách để chúng ta điều chỉnh tâm trạng sau khi trải qua những tình huống gây xúc động. Điều này cũng giải thích vì sao khi có chuyện đau buồn, chúng ta thường cảm thấy khá hơn vào sáng hôm sau, sau khi đã trải qua một đêm nằm mơ.

Nằm mơ có tác dụng như một liệu pháp chữa bệnh hơn là quá trình của sự tiến hóa. Chúng ta không chọn lọc những ý tưởng hay xúc cảm có khả năng thích nghi cao mà chúng ta chỉ xem xét rồi đặt chúng vào một bối cảnh tâm lý rộng hơn. Dần dần não bộ thực hiện việc này bằng cách liên kết các loại xúc cảm với biểu tượng. Chuyên gia tâm thần học và rối loạn giấc ngủ Ernest Hartmann cho rằng, đối với những cảm xúc rõ ràng, dễ nhận biết, giấc mơ thường rất đơn giản.

Theo đó, những người đã từng trải qua sang chấn tâm lý, chẳng hạn như chạy thoát ra khỏi một tòa nhà đang cháy, bị tấn công hoặc bị cưỡng hiếp, thường có những giấc mơ đại loại như: "Tôi đang ở bãi biển và bị sóng thần cuốn đi."

Rõ ràng là những người này không hề mơ thấy sự kiện đau buồn đã xảy ra mà thay vào đó, họ chỉ tái hiện lại cảm xúc lúc đó. Thống kê cho thấy những giấc mơ cực đoan có tần suất xuất hiện thường xuyên hơn sau những lần chấn động mạnh về tâm lý. Có thể cách liên kết xúc cảm với biểu tượng này đã được thêm vào trong quá trình tiến hóa nhằm giúp những tổ tiên của chúng ta có thể đương đầu với những chấn động tâm lý trong một thế giới mà hằng ngày họ phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa.

Cuối cùng thì giả thuyết này đưa chúng ta quay trở lại chức năng tạo nên những câu chuyện kể của giấc mơ. Chúng ta có khuynh hướng sử dụng những hình ảnh hay sự tưởng tượng kỳ quái để giải thích những gì đã xảy ra, biến những xung thần kinh ngẫu nhiên thành cái gì đó mạch lạc và thậm chí còn có thể dự đoán được phản ứng của bản thân trong những tình huống nhất định.

Rõ ràng rằng giấc mơ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tư duy của chúng ta; song, vẫn còn một câu hỏi để lại: "Giấc mơ là sự thích nghi trong quá trình tiến hóa hay chỉ là một sự tình cờ đầy huyền bí?".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.