Mối lo ngại về quyền riêng tư từ ứng dụng mới của Facebook

Thứ Hai, 15/10/2018, 14:38
Facebook vừa giới thiệu 2 thiết bị video call sử dụng trong gia đình ngay giữa vụ bê bối mới nhất: xâm phạm dữ liệu người dùng. Thiết bị video call tự động "zoom in" người dùng đồng thời "theo sát" họ khi chuyển động nhằm mục đích mang lại trải nghiệm tốt nhất cho các ứng dụng trên smartphone và máy tính bảng.

Thiết bị dựa trên nền tảng ứng dụng Facebook Messenger để thực hiện và nhận các cuộc gọi cũng như hỗ trợ nhân vật trợ lý ảo thông minh Alexa của Amazon.

Sản phẩm mới video call của Facebook càng khiến cho người dùng không khỏi lo ngại về tính bảo mật dữ liệu riêng tư. Jeremy White, biên tập về sản phẩm công nghệ cho tạp chí Anh Wired UK nhận xét: "Facebook giới thiệu sản phẩm mới không đúng thời điểm. Bởi vì tin tức về các tài khoản bị đánh cắp gây náo động dư luận vào một ngày trước khi diễn ra cuộc họp báo giới thiệu sản phẩm. Và, câu hỏi đặt ra là liệu người dùng có thể quên đi mối lo ngại về bảo mật chỉ vì thiết bị này thực sự tiện lợi hay không".

Andrew Bosworth, giám đốc điều hành và người chịu trách nhiệm giới thiệu sản phẩm mới, công khai thừa nhận vấn đề: "Chúng tôi hiểu rằng đưa camera và micro vào nhà người dùng sẽ là một vấn đề khiến cho bạn phải dè dặt. Và chính vì vậy, không phải 1 tuần trước hay 6 tháng trước mà từ 2 năm trước, chúng tôi mới bắt đầu triển khai kế hoạch gọi là đặt quyền riêng tư của người dùng lên hàng đầu cho sản phẩm này".

Được biết, sản phẩm video call sẽ được chào bán ở Mỹ vào tháng 11-2018. Facebook còn có ý định bán thiết bị này ở những nơi khác nhưng chưa nói rõ là ở đâu. Cả 2 mẫu của thiết bị (gọi là Portal) được thiết kế để sử dụng tối ưu trong khoảng cách từ 1,5 mét đến 3 mét - tức xa hơn khoảng cách thông thường mà các cuộc video call trên máy tính hoặc smartphone cho phép trước đây.

Hai thiết bị video call mới của Facebook.

Chúng sử dụng camera 12 megapixel góc rộng đến 140 độ cho phép phần mềm có thể "zoom in" và bám theo chuyển động của người dùng. Với tính năng gọi là SmartCamera (camera thông minh), hệ thống tự động "đóng khung lại" hình ảnh trong khuôn hình khi bất ngờ có thêm người khác bước vào phòng lúc cuộc trò chuyện video đang diễn ra.

Nhưng nếu người dùng chạm tay vào vị trí gương mặt một người trong cuộc trò chuyện, thì người ở đầu kia của cuộc đàm thoại sẽ tự động được đưa vào tính năng Spotlight - tiện ích cho phép người dùng tập trung vào một đối tượng mà họ lựa chọn trong cuộc đàm thoại video, ví dụ như bà nội (ngoại) tập trung nhìn vào đứa cháu trai, mặc dù đang nói chuyện với bố mẹ của cháu. Chức năng đồ họa thực tế cũng được sử dụng đối với hình ảnh.

Trong đó, một số để phục vụ hiệu ứng hài hước - ví dụ đội mũ mặt mèo lên đầu người đang đàm thoại. Nhưng công nghệ này cũng cho phép chọn lọc các câu chuyện như là bậc cha mẹ có thể đọc từ xa một nội dung nếu có hiệu ứng hình ảnh liên quan xuất hiện. Người dùng cũng có thể nghe các bài hát từ Spotify hoặc Pandora, kể cả trên cổng riêng của họ hoặc từ cổng người nhận cuộc gọi mà không gây hiệu ứng âm vang (echo).

Một cái "mũ camera" bằng nhựa được thiết kế gắn trên thiết bị có thể che camera.

Ngoài cuộc gọi giữa 2 người với nhau, có thể có tới bảy cổng cùng thực hiện các cuộc gọi. Người dùng có thể ấn vào phần trên của thiết bị để tắt microphone và camera. Ngoài ra, một cái "mũ camera" bằng nhựa được thiết kế gắn trên thiết bị có thể che camera nhằm đảm bảo không hình ảnh nào được ghi lại khi người dùng chỉ muốn sử dụng giọng nói.

Giới chức Facebook tuyên bố thiết bị không lắng nghe, ghi âm, xem hay phân tích nội dung các cuộc gọi trên hệ thống máy chủ và dữ liệu liên quan đều được mã hóa chặt chẽ. Tuy nhiên, Facebook lại ghi nhật ký siêu dữ liệu liên quan - bao gồm ai đã gọi ai, thời lượng cuộc gọi và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chất lượng cuộc gọi. Và trong khi dữ liệu cuộc gọi được mã hóa để làm cho nó trở nên khó bị hack, phương pháp mã hóa được sử dụng không phải là "giải pháp đầu cuối".

Điều này có nghĩa, theo lý thuyết, Facebook có thể cho phép giới chức chính quyền khai thác một cuộc gọi nếu được yêu cầu. Jeremy White của tạp chí Wired bình luận: "Sẽ tốt hơn nếu nó được mã hóa đầu cuối, và bạn phải tự hỏi tại sao Facebook không làm vậy trong khi WhatsApp - một sản phẩm khác của đế chế Facebook - lại đang làm như thế".

Về phần mình, Facebook tiết lộ rằng công ty đang xem xét liệu có nên đưa WhatsApp thay thế cho Messenger hay không. Bởi vì, vào tháng 9-2018, có thông tin rằng giới chức ngành luật chính quyền Mỹ cố gắng ép buộc (không thành công) Facebook cho phép họ thu thập dữ liệu cuộc gọi video của một băng nhóm tội phạm.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.