Mối quan hệ gắn kết giữa khứu giác và cuộc sống

Thứ Ba, 10/02/2015, 08:55
Duncan Boak, 31 tuổi, nhận định: "Khứu giác tác động đến đời sống chúng ta theo nhiều cách. Cảm xúc, ký ức, tâm trạng - tất cả đều có mối quan hệ gắn kết với khứu giác". Thật không may cho Duncan Boak, người Anh sống ở London, khả năng ngửi mùi của anh chỉ còn là ký ức sau một tai nạn gây tổn thương nặng vùng đầu cách đây gần 10 năm.

Nhưng, trải nghiệm cá nhân đã giúp anh thành lập một tổ chức từ thiện đầu tiên ở Anh - gọi là Giác quan Thứ Năm (Fifth Sense) cung cấp sự hỗ trợ và tư vấn cho những người mắc phải các rối loạn liên quan đến khứu giác và vị giác. Tai nạn vùng đầu cướp mất khứu giác của Duncan Boak có nghĩa là mọi thứ từ ăn uống, thả bộ ở miền quê cho đến các mối quan hệ cá nhân đều không còn vui thú nữa.

Hiện có khoảng 5% dân số Anh - 3,25 triệu người - bị mất khứu giác hay một số dạng hư hỏng khứu giác. Anosmia (chứng mất khứu giác hoàn toàn) có thể là bẩm sinh nhưng thường do nhiễm virus, khối u trong mũi và các bệnh về xoang.

Anosmia cũng xảy ra khi vùng thùy trán của não bộ bị tổn thương như là sau chấn thương nặng vùng đầu tương tự như trường hợp của Duncan Boak. Vùng thùy trán là nơi có thần kinh khứu giác và các hành khứu giác. Khứu giác bị mất thường cũng làm mất đi một phần vị giác.

Cuộc điều tra của tổ chức từ thiện "Giác quan Thứ Năm" đối với hơn 400 người bị rối loạn khứu giác và vị giác cho thấy họ thường có cảm giác cô độc, trầm uất và giận dữ. Phần lớn những người này thừa nhận niềm vui thú khi ăn uống đã giảm sút đáng kể và họ thấy luôn sợ bị rơi vào những tình huống nguy hiểm như khí gas hay thực phẩm bị hư hỏng. Hơn nửa trong số họ cũng bày tỏ mối quan hệ với đối tác, gia đình và bạn bè trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi khứu giác không còn nữa. Bởi vì, như Duncan Boak giải thích: "Khứu giác là yếu tố căn bản để chúng ta kết nối với nhau".

Khứu giác rất quan trọng để tạo mối quan hệ khắng khít giữa cha mẹ và con.

Do đó, một trong những mục đích chính của "Giác quan Thứ Năm" là giáo dục mọi người về vai trò cốt yếu của khứu giác trong cuộc sống. Carl Philpott, chuyên gia phẫu thuật tai-mũi-họng Bệnh viện James Paget ở tỉnh Norfolk, Anh, đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân bị rối loạn khứu giác và vị giác. Philpott cho biết thuốc và phẫu thuật có thể giải quyết một số rối loạn nhưng sự cải thiện đòi hỏi rất nhiều thời gian. Ngoài ra, triệu chứng mất khứu giác khi cao tuổi cũng là vấn đề liên quan đến cái chết. Cụ thể là, khi đánh giá sức mạnh khứu giác của người lớn tuổi các bác sĩ có thể dự đoán được việc kéo dài tuổi thọ của họ.

Duncan Boak

Một cuộc điều tra 3.000 người lớn tuổi, 39% trong số đó có khứu giác rất yếu sẽ chết trong vòng 5 năm - so với chỉ 10% được xác định có khứu giác khỏe mạnh và xác định đúng các mùi kiểm tra. Các nhà khoa học giải thích chứng mất khứu giác không trực tiếp dẫn đến cái chết nhưng có lẽ đó là dấu hiệu cảnh báo sớm về một sự tổn hại nào đó. Do đó, các bác sĩ khuyên bất cứ ai gặp phải vấn đề về khứu giác kéo dài nên nhanh chóng gặp bác sĩ để có lời khuyên đúng lúc.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Chicago (Mỹ) yêu cầu những người tuổi từ 57 đến 85 tham gia thử nghiệm test mùi nhanh. Sự đánh giá bao gồm xác định các mùi khác nhau được giữ trên đầu cây bút nỉ. Các mùi test bao gồm: bạc hà, cá, quả cam, hoa hồng và da thuộc.

Năm năm sau, khoảng 39% số người tham gia thử nghiệm có số điểm thấp nhất (phạm 4 đến 5 lỗi) đã qua đời, trong khi 19% số người bị mất khứu giác trung bình và chỉ 10% có khứu giác khỏe mạnh (phạm 0 đến 1 lỗi) vẫn còn sống. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng - bất chấp vấn đề tuổi tác, chế độ dinh dưỡng, thói quen hút thuốc, sự nghèo khổ và các vấn đề sức khỏe khác - những người có khứu giác yếu kém sẽ gặp nguy cơ cao nhất.

Giáo sư Jayant Pinto ở Đại học Chicago giải thích: "Khám phá của chúng tôi có thể cung cấp một test lâm sàng hữu ích, một phương pháp nhanh chóng và rẻ tiền để xác định các bệnh nhân có nguy cơ cao nhất". Thật ra, chứng mất khứu giác tác động đến tuổi thọ như thế nào thì hiện vẫn chưa biết một cách chính xác như thế nào, nhưng các nhà nghiên cứu có thể đưa ra nhiều lý do để giải thích mối liên kết này. Theo họ, tình trạng giảm sút khả năng đánh hơi các mùi có thể là dấu hiệu của sự phục hồi hay sửa chữa của các tế bào trong cơ thể, do sức khỏe của khứu giác phụ thuộc một phần vào hoạt động thay mới liên tục các tế bào nơi mũi. Và, khứu giác tệ hại có thể phản ánh tình trạng tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và vi trùng trong cuộc sống.

Giáo sư Jayant Pinto ở Đại học Chicago với phương pháp test mùi trên đầu cây bút nỉ.

Sắp tới, các nhà khoa học Đại  học Chicago sẽ tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu rõ mối liên kết giữa khứu giác bị mất và cái chết. Giáo sư Pinto nói rằng: "Khứu giác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng, chúng tôi không muốn mọi người hoảng loạn. Không khí lạnh, dị ứng và các vấn đề về xoang đều có thể ảnh hưởng đến khứu giác. Và, có lẽ nghiên cứu này cho thấy chúng ta nên bắt đầu chú ý nhiều hơn đến sức khỏe của mọi giác quan".

Còn theo giáo sư Tim Jacob, Đại học Cardiff (Anh): "Khứu giác là mối liên kết giữa sinh lý và tâm lý. Ví dụ, mất khứu giác có thể dẫn đến trầm uất và trầm uất có thể dẫn đến những thay đổi tiêu cực của khứu giác".

Di An (tổng hợp)
.
.