Vụ "voi đoàn xiếc quật chết người": Mùa voi động dục

Thứ Ba, 13/01/2015, 08:10
Chiều tối 23/12 vừa qua, tại trụ sở UBND xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã xảy ra tai nạn thương tâm. Lúc chơi đùa và cho voi ăn, cháu Nguyễn Anh Luật (SN 2002, ngụ thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh) bất ngờ bị con voi tên Buk (40 tuổi) dùng vòi quật vào thành xe tải, dẫn đến chết thảm. Con voi gây án được xác định là voi của Đoàn xiếc Bình Minh do bà Nguyễn Thị B. thường trú tại tỉnh Thái Bình, đến biểu diễn tại xã Đức Mạnh.

Sau cái chết của cháu Luật, có nhiều dư luận gắn với chuyện con voi gây án nọ. Có người cho rằng voi Buk được thuần hóa chưa tốt, người phán lỗi do đơn vị chủ quản không cắt cử người trông coi khu vực để thú. Và có người thì lại đổ lỗi cho nạn nhân vì... nghịch thú đã rước họa vào thân. Căn nguyên đích thực của vụ này ra sao, Cơ quan Công an đang điều tra làm rõ. Điều dễ nhận thấy nhất là thời điểm chú voi nặng 3 tấn kia gây án đang vào mùa voi động dục. Nhiều già làng khẳng định vào mùa "yêu" mà không được "yêu", voi ức chế, dễ lên cơn cuồng loạn không chỉ giết chết bất kỳ người lạ nào đến gần mà ngay cả chủ, quản tượng cũng không ngoại lệ!

1. Qua sự việc cháu Nguyễn Anh Luật chết thảm vì bị voi đoàn xiếc quật, nhân thể điểm lại một số vụ án tương tự. Vào tháng 10/2010, tại khu vực nhốt thú của Đoàn xiếc Sao Mai (tỉnh Hải Dương), lúc chuẩn bị biểu diễn xiếc thú tại phường Bình Đa (Biên Hòa, Đồng Nai), một con voi đã quật chết cháu Phạm Xuân Tín - học sinh lớp 6, Trường THCS Bình Đa. Một năm sau đó, tại khuôn viên Hội trường UBND tỉnh Lào Cai, khi cho voi ăn mía, cháu Nguyễn Thảo Oanh (11 tuổi) bị voi của Đoàn xiếc Trung ương quật chết…

Còn bị cấm “yêu” thì còn xảy ra những tai nạn voi quật chết người?!

Số nạn nhân bị voi qua thuần dưỡng hoặc nuôi nhốt thường ngày hiền lành bỗng bất ngờ trở nên hung dữ quật chết người chưa dừng lại ở đó. Ngày 23/12/2013, con voi đực 9 tuổi tên Ka ở Khu du lịch Đại Nam, Bình Dương, bất ngờ dùng vòi quật chết anh Đoàn Hữu Tài (28 tuổi, quê Vĩnh Long). Mới đây, qua trao đổi với một cán bộ địa phương ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), tôi được biết vào năm 2007, tại buôn Tul (xã Ea We), con voi Khăm Thăn, ngoài 40 tuổi, lúc được chủ là ông Ama Nưa đưa vào rừng cho tự do ăn nghỉ thì nổi cơn "phản" chủ, dùng vòi quật chết ông Nưa.

Cuối tháng 1/2007, lúc đang cầm máy ảnh chụp voi thì một nam du khách người tỉnh Lâm Đồng đã bị một con voi bất thình lình dùng vòi quật xuống rồi dùng chân giẫm đến chết!...

Không riêng gì Việt Nam, tại Thái Lan, voi đã được thuần dưỡng cũng lồng lộn quật giẫm chết người. Chuyện xảy ra vào giữa tháng 11 vừa qua, với nạn nhân là người quản tượng. Vụ việc xảy ra tại Phuket, lúc chở 2 mẹ con nữ du khách người Nga trên lưng, con voi 18 tuổi được đánh giá hiền lành, thân thiện bất ngờ "nổi điên" giẫm chết người quản tượng rồi phi thẳng vào rừng với 2 người du khách trên lưng. Lúc bị lực lượng cứu hộ truy đuổi và hạ gục bằng thuốc mê, con voi nổi loạn kia chạy sâu vào rừng đến 3km... May cho 2 du khách nọ, tuy không bị thương nhưng báo chí địa phương ghi nhận họ bị... sốc nặng.

2. Theo cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, loài voi có mặt trên trái đất gồm 2 loài, voi châu Á và voi châu Phi. Về mặt phân loài thì hai loài trên khác nhau nhưng đều thuộc họ voi, và cùng là những con vật to lớn sống ở vùng nhiệt đới. Điểm khác ở chỗ voi châu Á thì có tai nhỏ hơn, lưng cong vòng lên. Còn voi châu Phi có tai to phủ lên hai bên bả vai, lưng cong võng xuống. Sách Đỏ Việt Nam ghi nhận voi trong nước có chiều dài thân từ 4.000 đến 6.000mm, sống ở nơi rừng thưa, rừng thứ sinh pha tre nứa xen nhiều trảng cỏ trong thung lũng hay vùng đồi núi thấp với độ cao phân bố lên tới 1.600m so với mặt nước biển.

Vào mùa động dục, voi thuần dưỡng cũng trở nên đặc biệt nguy hiểm.

Chiếu theo nhận dạng ấy, có thể nói con voi quật chết cháu Nguyễn Anh Luật ở Đắk Nông vừa rồi nói riêng, và loài voi có mặt trên lãnh thổ Việt Nam nói chung là voi châu Á. Loài này theo các nhà động vật học còn gặp ở lãnh thổ các nước Ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Sri Lanka và Campuchia. Tại Việt Nam, loài voi phân bố kéo dài từ Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, đổ dài đến các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên và tại Tây Ninh, từng ghi nhận sự xuất hiện của loài voi tại Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. 

Chẳng riêng gì với con người, với muôn loài, và loài voi cũng không ngoại lệ, ái ân là chuyện tế nhị thầm kín, nên chúng chẳng bao giờ làm cái việc bản năng gắn với thiên chức ấy ở chốn lộ thiên. Khi còn sống, “Vua voi” Amakông từng cho biết về "tập quán" yêu của loài voi. Cụ Amakông cho biết voi yêu như người, khi yêu voi đi vào rừng sâu, ở nơi tách biệt với muôn loài để duy trì nòi giống. Một số gru (dũng sĩ săn voi) khác còn bật mí thêm rằng lúc ái ân, nếu phát hiện chuyện thầm kín của mình bị quấy rối, voi sẽ truy sát kẻ bạo gan hay vô tình mạo phạm ấy đến cùng… Nên dân đi rừng, kể cả các gru thiện chiến vẫn rất thận trọng khi đi săn thú, săn voi, bởi vào mùa ái ân, voi theo bản năng duy trì - bảo vệ giống nòi, vô cùng hung dữ.

"Bình thường thì voi hiền lắm, voi cũng như nhiều thú dữ khác… rất sợ người. Ngửi thấy mùi người là voi chủ động bỏ đi ngay. Khi voi động dục, voi hung bạo lắm, nhưng chẳng bao giờ có chuyện voi hại người trong mùa yêu. Ngày trước rừng mênh mông, người thưa ít nên lúc giao phối, voi đực cùng voi cái đi thật xa, đi thật sâu vào rừng già nên chẳng ai bắt gặp hay thấy được" - già làng Tơ Tơ (hay Năm Nổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), thủ lĩnh tinh thần của người Chơro ở vùng "sơn cước anh hùng tận" Mã Đà, trò chuyện.

Các già làng người M'nông và Chơro cho biết, cứ 4-5 năm một lần là voi trưởng thành (từ 15 tuổi) đến chu kỳ sinh sản. Mỗi lần voi mang thai kéo dài từ 21-22 tháng mới sinh con, mỗi lứa voi đẻ một con. Già làng Năm Nổi cho biết, tuổi thọ của voi như người, có thể sống đến 100 năm và trong cuộc đời của mình, voi cái đẻ đến 10 lứa. 

3. Trở lại với căn nguyên voi quật chết người trong những năm vừa qua. Điểm lại các vụ nạn nhân bị voi quật chết, một điều dễ nhận thấy là các vụ  "trọng án" trên diễn ra từ tháng 10 đổ dài đến tháng 3 năm sau. Điều đó cho thấy dù đã được thuần dưỡng, gần người nhiều năm nhưng vào khoảng thời gian này, voi trở nên hung dữ khác thường.

Hình ảnh chú voi “gây án” tràn ngập trên nhiều phương tiện truyền thông.

Mùa voi yêu hay mùa voi động dục theo các già làng cùng các chuyên gia về sinh học là vào cuối đông đầu xuân. Cần nói rõ rằng không chỉ loài voi, mùa xuân cũng là mùa mà nhiều loài động thực vật khác bừng lên sức sống mới, vào mùa "ái ân" để duy trì nòi giống. Thật ấn tượng khi được các cư dân rừng già tiết lộ rằng khi yêu hay lúc vào mùa động dục thì voi hung dữ khác thường. Người Chơro ở Mã Đà (tỉnh Đồng Nai) và người M'nông ở rừng già Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) ai cũng rõ điều đó.

Hầu hết người bản xứ mà người viết tiếp cận đều khẳng định từ hàng bao đời qua, dù đặc biệt hung dữ nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện người làng phải bỏ mạng vào mùa voi yêu. Lý giải chuyện những năm qua voi liên tục gây án, các già làng giải thích do khi yêu, khi bản năng sinh tồn trỗi dậy nhưng không được giải quyết, bị ức chế nên voi càng thêm cáu gắt, lồng lộn, nổi điên… Một khi voi như thế, ngay cả quản tượng voi cũng quật chết, nói gì người khác.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Du lịch Buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) - hợp tác xã do bà con người M'nông bản địa góp vốn bằng voi cũng có cùng nhận định ấy. Còn nhớ cách đây không lâu, khi chúng tôi có ý định chụp ảnh chú voi có ngà dài bên hồ Lắk - hồ nước xinh như mộng từng lưu dấu bước chân cưỡi voi đi săn hổ của Vua Bảo Đại cùng mỹ nhân Mộng Điệp, ông Đức đã có lời dặn chúng tôi nên giữ khoảng cách an toàn với chú voi này. Lý do là vào mùa động dục, tính khí voi thất thường, khó lường lắm!

Hôm ấy, ông Đức nói về chuyện vào mùa yêu voi bị cấm yêu, với nhiều nỗi trăn trở. Ông cho biết, nhiều thập niên trước, khi không gian núi rừng còn thâm u, hoang vắng chứ không bị "rừng" cà phê, hồ tiêu, cao su… cùng nhà dân choán chỗ như bây giờ, lúc voi cần "yêu", chủ voi thả voi vào rừng, cho voi tự do bắt cặp, tự do yêu. Khi bản năng được thỏa mãn, voi lại bình thường. Còn bây giờ, trước nạn săn trộm bắn giết voi bừa bãi để lấy đuôi, lấy ngà, lấy xương nấu cao, chủ voi dù muốn cho voi được "yêu" cũng không dám thả voi vào rừng. Bị cấm yêu như thế, voi ức chế và khi cơn tức giận, sự ức chế ấy lên đến đỉnh điểm thì voi quật người là chuyện không có gì lạ.

Lời ông Đức chia sẻ là rất có lý, tương đồng với trả lời gần đây của ông Vũ Ngoạn Hợp - Chủ tịch Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Theo đó, những lúc mệt, thay đổi thời tiết, đến giờ ăn và đặc biệt là vào mùa động dục mà bắt voi hay các loài thú khác làm việc, diễn nhiều động tác thì chúng sẽ bực mình. Đây là lúc mà ngay cả người huấn luyện hoặc quản tượng cũng có thể gặp nguy hiểm! Cũng cần nói rõ rằng sau khi sự việc giẫm chết quản tượng xảy ra tại Phuket (Thái Lan), các chuyên gia sau đó đúc kết nguyên nhân khiến chú voi nọ trở nên hung hãn bởi cơ thể nó bùng phát testosterone vào mùa giao phối.

Từ con số hàng ngàn, nay đàn voi nhà (voi đã qua thuần dưỡng) trong cả nước chỉ còn chưa đến 50 con và voi rừng còn chưa đầy 100 con. Lẽ dĩ nhiên, phía sau bi kịch về quân số sụt giảm thê thảm kia là những câu chuyện dài buồn về chuyện voi bị bắn giết bừa bãi, bị bóc lột sức lao động thậm tệ và hẳn nhiên, còn vì voi bị... cấm yêu đến tuyệt giống tuyệt nòi.

Những câu chuyện buồn ấy, chúng tôi sẽ trở lại, sẽ phân tích sâu vào dịp khác. Chỉ biết rằng cái chết thương tâm của cháu  Luật chính là lời cảnh báo, là thông điệp nhắc nhở tất cả mọi người rằng không được chủ quan với thú dữ, kể cả đó là thú đã được thuần dưỡng và gần gũi nhiều năm với con người. Không riêng gì loài voi, thực tế cho thấy nhiều năm qua, đã có nhiều tai nạn, nhiều cái chết thảm thương đến với những người chủ quan, thiếu hiểu biết, khinh suất khi đứng gần, giỡn đùa với gấu nuôi, hổ nhốt…

N.Thành Dũng
.
.