Mỹ ấp ủ giảm bạo lực bằng súng thông minh
Trải thảm đỏ cho nhà sản xuất
Trong bài phát biểu về công nghệ súng thông minh hồi tháng 1, ông Obama nói: “Nếu chúng ta có thể thiết lập sao cho không thể mở được điện thoại di động trừ khi sử dụng đúng dấu vân tay thì tại sao chúng ta không thể làm điều tương tự với súng? Nếu có một ứng dụng có thể giúp chúng ta tìm một viên thuốc thất lạc thì không có lý do gì chúng ta lại không thể làm với một khẩu súng bị đánh cắp. Nếu một đứa trẻ không thể mở lọ thuốc tùy ý thì chúng ta cần đảm bảo chúng cũng không thể bóp cò một khẩu súng”.
Chính quyền Mỹ quyết tâm giảm bạo lực súng đạn với công nghệ súng thông minh. |
Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền Mỹ ban hành hướng dẫn cho cơ quan thực thi pháp luật cấp cơ sở, bang và liên bang về định nghĩa súng thông minh, một thuật ngữ dùng để chỉ công nghệ cho phép chỉ có chủ sở hữu mới có thể nổ súng. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bắt đầu thử nghiệm công nghệ này và treo thưởng bằng tiền cho các nhà sản xuất. Ngoài ra, chính phủ liên bang và Bộ Tư pháp nước này sẽ hỗ trợ quá trình sản xuất súng sử dụng công nghệ an toàn này.
Với mong muốn súng thông minh sớm thành hiện thực, giới chức Mỹ dường như tạo mọi điều kiện cho việc phát triển công nghệ này. Bộ Quốc phòng đã thiết lập một cơ sở ở tại khu vực thí nghiệm Aberdeen của Lục quân tại Maryland để các nhà sản xuất súng thông minh thử nghiệm sản phẩm trong điều kiện thế giới thực. Chính phủ Mỹ còn có phần thưởng bằng tiền mặt cho một số nhà sản xuất. Hiện đã có hai nhà sản xuất súng thông minh được phép bắt đầu thử nghiệm tại Aberdeen.
Ông John Feinblatt, Chủ tịch một nhóm ủng hộ kiểm soát súng đạn tên là Everytown for Gun Safety, đã hoan nghênh tiến triển của các bộ ngành trong thực hiện lời kêu gọi phát triển súng thông minh của ông Obama: “Từ quá lâu rồi, giới vận động hành lang đã ngăn chặn những nghiên cứu có thể giúp cứu mạng con người. Sáng kiến luôn được chào đón, đặc biệt là khi liên quan tới vấn đề an toàn. Đó là lý do tại sao chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Obama vì đã thực hiện bước đầu tiên quan trọng này”.
Trong khi đó, Hiệp hội Súng Quốc gia Mỹ không mặn mà với ý tưởng súng thông minh. Phát ngôn viên hiệp hội này cho biết nên để thị trường và người mua quyết định lựa chọn loại súng nào.
Công nghệ súng thông minh đã được một số nhà đầu tư nổi tiếng ở thung lũng Silicon ủng hộ, trong đó có nhà đầu tư Ron Conway – sáng lập viên Tổ chức Thử thách Công nghệ Thông minh. Tổ chức này đã tài trợ cho Công ty Sentinel của ông Omer Kiyani phát triển công nghệ Identilock suốt ba năm qua. Công ty Sentinel tình cờ là công ty khởi nghiệp đầu tiên trình làng khẩu súng có công nghệ thông minh ngay sau khi Tổng thống Mỹ giao nhiệm vụ cho các bộ liên quan phát triển công nghệ súng thông minh.
Identilock về mặt kỹ thuật không phải là súng thông minh và cũng không thay đổi cơ chế hoạt động của súng. Nó chỉ là một thiết bị gắn vào khu vực bóp cò súng để ngăn người không phải là chủ sử dụng. Súng có một nút có thể quét dấu vân tay như một chiếc iPhone đời mới.
Công nghệ cứu mạng người
Vậy súng thông minh là gì? Ý tưởng chung của giới chức Mỹ là trang bị các loại vũ khí một khóa kích hoạt công nghệ cao chỉ cho phép súng được bóp cò bởi một người có quyền sử dụng. Khóa này có thể sử dụng cách nhận dạng sinh trắc học thông qua máy quét vân tay hoặc dùng công nghệ không dây.
Có rất nhiều lợi ích về mặt an toàn mà súng thông minh có thể mang lại. Một nghi phạm cướp súng từ lực lượng chức năng sẽ không thể sử dụng khẩu súng. Súng bị đánh cắp cũng sẽ ngay lập tức trở nên vô dụng với kẻ cắp khi không thể bán trên chợ đen. Theo Cục Thống kê Tư pháp Mỹ, 1,4 triệu vũ khí bị đánh cắp trong giai đoạn 2005 và 2010.
Trẻ em tình cờ nhìn thấy súng ở nhà cũng không thể nào vô ý bắn vào mình hoặc một người nào đó. Năm 2015, Mỹ có ít nhất 267 sự cố trong đó trẻ em tiếp cận vũ khí làm bị thương hoặc chết người. Ngoài ra, súng thông minh còn ngăn chặn ai đó muốn tự tử bằng súng. Theo một nghiên cứu, có tới 85% số vụ tự tử bằng súng, cao hơn rất nhiều so với các hình thức tự tử khác như dùng thuốc độc, nhảy lầu…
Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa đang phát triển một bộ tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất tuân thủ nếu họ muốn nghiên cứu công nghệ này và muốn sản phẩm được các cơ quan thực thi pháp luật mua. Bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh dự kiến được công bố vào tháng 10 tới. Lúc đó, hai Bộ trên cũng sẽ xác định các cơ quan muốn tham gia vào chương trình thí điểm sử dụng súng thông minh làm một loại vũ khí.
Trở ngại
Theo một khảo sát gần đây, 40% chủ sở hữu súng cho biết sẽ cân nhắc đổi súng bình thường lấy súng thông minh nếu công nghệ này xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, ngành sản xuất vũ khí Mỹ phần lớn tỏ ra ghét bỏ ý tưởng súng thông minh. Họ cho rằng một khi súng thông minh ra mắt thị trường, giới chức Mỹ sẽ cấm bán các loại súng không thông minh, và đó sẽ là một “thiệt thòi” đối với họ.
Trước đây, một số chủ các cửa hàng súng tỏ ý muốn bán súng thông minh đã bị những kẻ nặc danh dọa giết và họ buộc phải thoái lui. Trường hợp này đã xảy ra với hai chủ một cửa hàng bán vũ khí ở Mỹ năm 2014 khi họ định bán súng thông minh iP1 của nhà sản xuất Armatix ở Đức.
Họ nhận được 2.000 cú điện thoại chửi rủa và cũng chừng ấy lời lăng mạ qua thư điện tử chỉ trong một ngày. Khi không thể tiếp cận thị trường vũ khí lớn nhất thế giới là Mỹ, Armatix – nhà sản xuất súng thông minh hàng đầu thế giới – đã phá sản năm 2015. Với nước Mỹ, chưa có nhà sản xuất vũ khí lớn nào định sản xuất súng thông minh kể từ thời công ty Smith & Wesson trong những năm 1990. Giới vận động hành lang đã hợp lực tẩy chay công ty này khiến công ty sớm phải từ bỏ dự án.
Do đó, đối với các nhà sản xuất vũ khí lớn, họ không có động lực, lợi nhuận để phát triển và tiếp thị súng thông minh. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ chính là khách hàng lớn trên thị trường vũ khí khi mua tới hàng chục nghìn khẩu súng mới mỗi năm. Nếu có nhiều cơ quan thực thi pháp luật mua sản phẩm mới, các công ty sản xuất vũ khí sẽ có lý do để phát triển công nghệ và thậm chí còn bán cho người tiêu dùng bình thường.
Ngoài ra, súng thông minh còn vấp phải một số trở ngại kỹ thuật. Ví dụ như thiết bị quét vân tay có thể hoạt động không hiệu quả trong những tình huống không bình thường, ví dụ như tay người sử dụng có mồ hôi, dính máu, run rẩy hoặc súng bị ướt nước mưa. Nếu không vượt qua được điều này, công nghệ súng thông minh khó hấp dẫn người sử dụng.
Ngoài ra, một trở ngại nữa là: Giống như mọi thiết bị điện tử khác, súng thông minh cần điện để hoạt động. Nếu chủ súng để súng hết pin trong ngăn kéo hàng tháng, hàng năm trời, vũ khí này sẽ vô dụng khi họ bất ngờ bị tấn công tại nhà. Trục trặc kỹ thuật với thiết bị nhận dạng cũng khó khắc phục, đặc biệt khi rơi vào tình huống bất ngờ, căng thẳng.
Tuy vậy, trong bối cảnh người sử dụng sẵn sàng chuyển sang súng thông minh, đặc biệt là giới trẻ, ý tưởng giảm bạo lực súng đạn của ông Obama vẫn còn hi vọng.