Mỹ: Đề xuất thi hành án tử hình bằng ngạt khí nitơ

Thứ Ba, 07/10/2014, 15:10

Mike Christian, một nhà lập pháp trong Hạ viện bang Oklahoma thuộc đảng Cộng hòa vừa đưa ra đề xuất thi hành án tử hình bằng ngạt khí nitơ thay vì tiêm thuốc độc như hiện nay vì cho rằng thực hiện phương pháp này nhân đạo hơn.

Việc hành quyết bằng khí nitơ sẽ được tiến hành bằng các bước: Người tử tù sẽ được đưa vào một căn phòng kín hoặc trong một bao nhựa lớn, cho khí nitơ vào, khí ôxy mất đi dẫn tới sự mất ý thức nhanh chóng và cuối cùng là… chết. Phương pháp này chưa từng được thực hiện trong các hình phạt tử hình ở Mỹ.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây ra một vài tranh cãi khi có các báo cáo cho rằng nó có gây ra những đau đớn trước khi chết.

Liệu phương pháp tử hình mới có nhân đạo hơn tiêm thuốc độc? Ảnh: Reuter.

Ở Mỹ có 38 bang áp dụng án tử hình và 37 bang dùng phương pháp tiêm thuốc độc. Đây là phương pháp một bác sĩ pháp y ở bang Oklahoma đưa ra từ năm 1977, và từ lâu nó được xem như là một phương pháp hiệu quả hơn và ít gây đau đớn hơn các phương pháp trước đây như treo cổ, ghế điện, phòng hơi ngạt.

Christian nói: "Lúc đó Oklahoma đã đi đầu trong sự đổi mới và hôm nay chúng ta cần phải đi đầu một lần nữa trong việc đưa ra phương pháp mới".

Tiến sĩ Michael Copeland, người được Christian giao nhiệm vụ cung cấp ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này, cho biết: "Làm ngạt bằng khí nitơ là nhân đạo nhất, rẻ nhất và dễ dàng nhất để tử hình".

So sánh với các loại khí được sử dụng thi hành án tử hình trước đây, Copeland nói rằng thực hiện án tử hình bằng khí trơ như khí nitơ sẽ khiến tử tù không còn cảm giác nghẹn thở nữa. Và khí nitơ bây giờ rất dễ kiếm vì "nó phổ biến", ông nói thêm "không có vấn đề về thiếu thuốc như chúng ta biết gần đây" và "bạn không cần một bác sĩ hay nhân viên y tế để tìm tĩnh mạch". Phương pháp này cũng rất rẻ, Christian cho biết thêm, "chỉ cần một chai khí nitơ và một chiếc lều nhựa nhỏ".

Kể từ khi châu Âu kiểm soát việc xuất khẩu một số chất dùng trong hình phạt tử hình 3 năm trước, các bang của Mỹ đã nhanh chóng thử nghiệm các loại thuốc để thay thế

Lương Lan (tổng hợp)
.
.