Nấm ma thuật tạo bước đột phá trong điều trị chứng trầm uất

Thứ Sáu, 27/05/2016, 20:30
Hiện nay, các nhà khoa học đang hướng đến phương pháp mới điều trị hiệu quả chứng trầm uất - sử dụng loại nấm gây ảo giác có tên gọi là psilocybe, còn gọi là nấm ma thuật hay nấm thần kỳ.

Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học Robin Carhart-Harris ở Trung tâm Dược lý học - Tâm lý thần kinh thuộc Đại học hoàng gia London (Anh) báo cáo kết quả đáng kể từ một nhóm bệnh nhân trầm uất được điều trị bằng psilocybin - hoạt chất gây ảo giác và giảm bớt ức chế trong nấm psilocybe.

Nấm ma thuật psilocybe.

Điều trị trầm uất là thách thức không nhỏ cho giới khoa học khi có đến hàng triệu người trên thế giới mắc phải chứng này, trong khi đó chỉ có 1 trong 5 bệnh nhân đáp ứng tốt với loại thuốc chống trầm uất. Tuy nhiên, sử dụng mọi loại thuốc hiện có dù là tốt nhất vẫn không trị dứt được chứng trầm uất và căn bệnh đôi khi trở nên trầm trọng hơn. Điều đó thôi thúc nhóm của Carhart-Harris tập trung nghiên cứu tác động của hoạt chất psilocybin lên não bệnh nhân trầm uất như thế nào.

Trong một nghiên cứu nhỏ của nhóm được công bố trên Tạp chí Lancet Psychiatry, họ báo cáo chỉ nghiên cứu một chục người không đáp ứng với ít nhất 2 lần điều trị trầm uất trước đó. Nhóm người tình nguyện được nhận 2 liều psilocybine trước khi não bộ họ được quét kiểm tra bằng kỹ thuật fMRI. Họ cũng phải trả lời bộ câu hỏi về những triệu chứng trầm uất khi tiến hành cuộc nghiên cứu.

Sau 1 tuần đầu tiên, mọi người đều thể hiện tình trạng cải thiện thấy rõ và hai phần ba trong số đó không còn triệu chứng trầm uất nữa. Vào mỗi 3 tháng kiểm tra, khoảng 58% người tình nguyện vẫn giữ được tình trạng cải thiện bệnh.

Carhart-Harris nhận định: "Dữ liệu nghiên cứu chứng tỏ psilocybin có tác dụng. Tính hiệu quả trong điều trị phải nói là rất ấn tượng". Song Carhart-Harris cũng phải thừa nhận rằng, nghiên cứu này chỉ thực hiện đối với một nhóm nhỏ bệnh nhân và họ không thể đại diện cho số bệnh nhân đông đảo hơn.

Trong một bình luận về nghiên cứu, Philip Cowen - Giáo sư khoa Dược học thần kinh thuộc Đại học Oxford (Anh) - công nhận kết quả trên tuy rất đáng quan tâm nhưng ông cảnh báo là cần phải có thêm nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hoạt chất psilocybin thực sự tác động đến não bộ bệnh nhân như thế nào. Tuy nhiên, Carhart-Harris vẫn tin tưởng psilocybin là chất duy nhất có hiệu quả điều trị trầm uất.

Giáo sư David Nutt.

Giáo sư David Nutt, chuyên gia dược lý học thần kinh - Đại học Hoàng gia London, cũng mạnh dạn tuyên bố hoạt chất gây ảo giác trong "nấm ma thuật" có thể chữa trị chứng trầm uất nặng. Theo Giáo sư David Nutt, khoảng một nửa trong số 12 bệnh nhân trầm uất có dấu hiệu thuyên giảm rõ ràng sau 3 tháng được chỉ định sử dụng psilocybin. Trong khi đó, Giáo sư Jonathan Flint Đại học Oxford chỉ trích: kết quả đơn giản trên chỉ là do hiệu ứng placebo (giả dược tác động đến tâm lý để chống lại bệnh) gây ra mà thôi.

Giáo sư David Nutt, thành viên trong nhóm của Carhart-Harris, phát biểu với tờ Independent: "Tôi cho rằng kết quả là bước đột phá ngoạn mục. Khoảng một nửa số bệnh nhân thuyên giảm trong vòng 1 tuần và họ vẫn như vậy cho đến 3 tháng. Không có phương pháp nào khác - ngoại trừ liệu pháp sốc điện - có tác động sâu sắc đến chứng trầm uất dai dẳng".

Nói về sự chỉ trích của Flint, Giáo sư David Nutt thừa nhận nghiên cứu hiện nay chưa chứng minh được nguyên nhân dẫn đến hiệu quả: "Có lẽ đây là kỷ nguyên mới trong điều trị chứng trầm uất . Có thể tất cả là do hiệu ứng placebo mạnh… song cũng đừng quá bi quan. Chúng tôi chưa chứng minh được bất cứ điều gì. Chúng tôi chỉ mới mở ra một phương pháp điều trị mới rất quan trọng".

Giáo sư Nutt cho biết cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm chủ yếu do sự kiểm soát chặt chẽ psilocybin từ chính quyền Anh. Cũng theo Butt, chi phí điều trị thử nghiệm cho mỗi bệnh nhân là 1.500 bảng Anh. Carhart-Harrsi cũng cảnh báo: "Tôi muốn mọi người đừng nghĩ rằng mình có thể tự chữa trầm uất với nấm ma thuật. Bởi vì điều đó vô cùng nguy hiểm".

Kirk Rutter - bệnh nhân 45 tuổi ở London tham gia thí nghiệm của nhóm Carhart Harris - cho biết ông bị trầm uất nặng sau cái chết của người mẹ năm 2011 và bệnh tình ngày một nặng hơn bất chấp mọi loại thuốc tốt nhất được sử dụng. Nhưng sau 2 liều psilocybin, Rutter trải nghiệm cơn ảo giác và cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn. Sau nhiều tháng điều trị nghiên cứu thử nghiệm của nhóm Carhart-Harris, Rutter tuyên bố ông cảm thấy "nhẹ nhàng hơn và lạc quan hơn" trước kia.

Tiến sĩ Louise Jones, lãnh đạo nghiên cứu tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh (MRC), bình luận: "Hiện nay, chúng ta chưa có những phương pháp điều trị trầm uất hiệu quả nên chúng ta cần phải biết thêm nhiều loại hoạt chất như là psilocybin có thể được sử dụng có lợi cho bệnh nhân. Nghiên cứu của nhóm Carhart-Harris cho thấy psilocybin an toàn đối với một số bệnh nhân bị trầm uất kháng thuốc. Điều quan trọng hiện nay là nghiên cứu có triển vọng mang đến phương pháp điều trị tiềm tàng". Giáo sư David Nutt cũng thông báo nhóm của ông đang tìm kiếm nguồn tài trợ để tiếp tục nghiên cứu. 

D.A. (tổng hợp)
.
.