Nam nhân viên y tế tự tháo lìa chân trái

Thứ Tư, 16/11/2016, 15:45
Công an TP Cần Thơ đã thông báo về nguyên nhân anh P.D.K. (27 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long), kỹ thuật viên thuộc Khoa Đông y - Bệnh viện đa khoa Cái Răng đã tự tháo lìa chân trái của mình.

Qua điều tra, anh K. đã thực hiện một mình và không có ai trợ giúp hoặc tham gia cùng. Cơ quan điều tra xác định, trường hợp của người này là mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể, một loại bệnh lý chứ không phải xảy ra án nên đã không điều tra thêm.

Chấn động

Khoảng 19 giờ 50 phút ngày 10-11, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cái Răng nhận được tin báo từ nữ hộ lý Phạm Thị Chung (50 tuổi), công tác tại Bệnh viện đa khoa Cái Răng (TP Cần Thơ) về việc K. bị tháo khớp chân trái từ đầu gối trở xuống nhưng không rõ nguyên nhân.

Ngay sau đó, K. được các đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương TP Cần Thơ cấp cứu. Phần chi chân trái của K. được tìm thấy trong ngăn tủ của giường ngủ tại bệnh viện. Khi nhập viện, K. đã được sơ cứu, nhập việc trong tình trạng tỉnh, chân trái đứt lìa ngang gối.

Tại bệnh viện, các bác sĩ trực và êkíp ghi nhận tình trạng của anh K. có khả năng nối lại được. Điều bất ngờ, anh K. không đồng ý nối lại phần chi đã bị tháo rời. Người nhà cũng ký cam kết nên các bác sĩ đã nối lại mỏm cụt và không nối chi.

Thông tin K. bị đứt lìa chi chân trái gây chấn động. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Cái Răng đã trao đổi với lãnh đạo Công an TP Cần Thơ tiến hành các bước điều tra. Qua làm việc ban đầu, các nhân chứng cho biết, tối 10-11, K. bấm điện thoại bàn gọi cho căngtin của Bệnh viện đa khoa Cái Răng rằng, mình đang ngủ say trong phòng tại bệnh viện thì bị người lạ vào tháo khớp gối mà không hề hay biết.

Phần chi chân trái (từ khớp gối xuống bàn chân) mà anh K. nói bị tháo trộm được tìm thấy trong ngăn tủ của giường ngủ. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thắng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cái Răng, công tác khám nghiệm hiện trường được lực lượng Công an tiến hành đến 0 giờ ngày 11-11 mới hoàn tất. Qua đánh giá sơ bộ, chi chân trái của anh K. không phải bị trộm tháo khớp  như trình báo ban đầu mà là do chính bệnh nhân tự huỷ hoại cơ thể.

Bệnh viện đa khoa Cái Răng, nơi anh P.D.K. công tác và ý định tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông sau khi đã cắt chân.

Sau khi được các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị, anh K. đã tỉnh táo tạm ổn định sức khoẻ trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra. Lời khai của K. đã khiến nhiều người bàng hoàng. Làm việc với cán bộ điều tra, K. thừa nhận từ nhỏ đã phát hiện bản thân mắc căn bệnh rất lạ.

Lớn lên, K. bắt đầu tìm hiểu và tự xác định mình mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể. Vì căn bệnh này, K. khai luôn muốn tự cắt lìa chân của mình. K. thi đậu vào Trường Cao đẳng Y tế. Thời gian theo học, K. dành nhiều thời gian để nghiên cứu loại bệnh này và tìm cách chữa trị trên mạng cũng như qua các loại sách vở về y học. Kể từ khi phát hiện mình mắc căn bệnh lạ, K. luôn giấu kín và cũng không thổ lộ với ai.

Thời gian sau, K. cưới vợ và sinh con bình thường. Từ năm 2012 đến nay, K. xin vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Cái Răng, với nhiệm vụ là kỹ thuật viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của khoa Đông y.

Theo lời K., quá trình nghiên cứu về căn bệnh trên, K không thể tìm ra được cách chữa trị. K. đinh ninh, cách duy nhất là phải loại bỏ phần nhận dạng não bộ xem là phần dư thừa (K.nghĩ phần dư thừa của mình là phần chân trái từ khớp gối trở xuống). Vì vậy, trong thời gian làm việc tại bệnh viện, K. dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cách tháo khớp như thế nào để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Kế hoạch rùng rợn

Sau thời gian nghiên cứu, K. quyết định tự tháo khớp gối của mình như phần nhận dạng của não bộ xem là dư thừa. Khoảng 17 giờ chiều 10-11, K. chờ đồng nghiệp trong bệnh viện về hết rồi chốt cửa phòng 091. K. tắm rửa sạch sẽ, rồi lấy các sợi dây thu và dao doctor 100 (dao chuyên dùng trong y tế) để thực hiện việc tự tháo rời chi chân trái của mình.

Bên trong nhà vệ sinh, K. ngồi lên bồn cầu dùng sợi thun buộc phần chân trái phía trên khớp gối của mình, rồi tháo rời phần chân trái từ đầu gối trở xuống. Khi phần chân trái được tháo rồi, K. dùng các băng gạc bó phần chân phía trên lại và rửa sạch phần chân trái phía dưới đã tháo rời ra ngoài.

Sau đó, K. tiến hành buộc phần chi chân trái để tháo rời lại như ban đầu để đi ra ngoài nhưng phần chi đã tháo rời bị rớt. Sau đó, K. nhảy lò cò sang phòng đối diện lấy dây đai để tiếp tục buộc lại phần chi đã tháo rời vào chân trái nhưng không được vì bị rớt lại lần nữa. Việc làm này, theo lời khai của K. là để bước ra ngoài nhằm mục đích ngụỵ tạo hiện trường một vụ tai nạn giao thông làm đứt rời chi chân trái và che giấu việc tự mình thực hiện việc tự tháo lìa chân trái.

Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung Ương TP Cần Thơ nơi K điều trị.

Hai lần không thực hiện được hành vi, K. đành bỏ cuộc. Sau đó, K. đã lấy phần chi chân trái đã tháo rời ra cất giấu vào ngăn tủ đầu giường. Xong xuôi, K. nhảy cò sang phòng 092 cặp bên, dùng điện thoại bàn nội bộ gọi cho căngtin báo tin giả là đang ngủ say thì bị người lạ tháo khớp gối và không hề hay biết và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo cơ quan Công an, lời khai của K. phù hợp với diễn biến vụ việc và kết quả khám nghiệm tại hiện trường. Việc làm của K. là tự thực hiện một mình, không có ai trợ giúp hoặc tham gia cùng. K. cũng thừa nhận, trước khi thực hiện đã nghiên cứu kỹ về cách tháo khớp để không ảnh hưởng đến sức khoẻ nên đã chuẩn bị dao chuyên dùng trong y tế và các sợi dây thun để buộc phần chân không bị chảy máu nhiều.

Ngáo đá hay không ngáo đá?

Theo Công an TP Cần Thơ, K.  thừa nhận mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể (có biểu hiện giống như ngáo đá, chứ không phải nghi vấn sử dụng ma tuý dẫn đến ngáo đá). Người mắc bệnh luôn muốn cắt tay chân của họ. Xác định đây là vụ bệnh lý chứ không xảy án nên cơ quan Công an không điều tra thêm. 

Nhận định về trường hợp của K, một bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) trả lời khá chi tiết về chứng bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể (RLNDCT) trên báo chí.

Theo bác sĩ, bệnh này không phải hiếm gặp mà ngày càng phổ biến trong xã hội, nhất là với người 15 tuổi. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp mắc dạng bệnh này, mỗi ca trực của Khoa Cấp cứu thường tiếp nhận khoảng 2 trường hợp. Người bệnh vào đây thường giả liệt, giả co giật hay giả những bệnh khác. Căn bệnh này, thường gặp ở lứa tuổi từ 15 đến 40 tuổi. Nhất là ở lứa tuổi 14 đến 15, giai đoạn này các em có những biến chuyển lớn về thể chất và tâm lý.

Rối loạn nhận dạng cơ thể là bệnh liên quan đến thần kinh chức năng, chứ không phải thần kinh thực thể. Bệnh xuất hiện khi một người chịu nhiều yếu tố tác động như: áp lực đám đông, áp lực công việc, trạng thái thần kinh không vững… ảnh hưởng đến tâm lý. Ngoài việc người bệnh muốn cắt chi của mình, người bệnh cũng muốn tự vẫn. Thậm chí, họ cũng bị ám ảnh muốn cắt chi người bên cạnh. Nhưng đa số các bệnh nhân bị bệnh này thường chỉ dừng lại ở việc ảo tưởng, ảo giác là chi của họ thừa thãi mà thôi chứ rất hiếm người tự cắt chi.

"Đối với trường hợp của K. tại Cần Thơ cần phải làm các xét nghiệm xem bệnh nhân có sử dụng chất kích thích dẫn đến kích động, ảo tưởng nặng hay không vì thực ra bệnh này chỉ gây nên ám ảnh cơ thể dư thừa, chứ không đến nỗi tự cắt tay chân mình", vị bác sĩ này cho hay.

Dạng bệnh này, nguy hiểm ở chỗ bệnh ít có biểu hiện lâm sàng, trong khi người bệnh liên tục bị những ám ảnh thừa thãi, chán ghét các bộ phận trên cơ thể và ngày càng stress nặng. Thế nên, khi những ám ảnh về các bộ phận cơ thể xuất hiện, người bệnh cần phải tự cứu mình bằng cách đến gặp bác sĩ tâm lý, chuyên gia y tế… để được tư vấn, điều trị, giải tỏa tâm lý sớm. Tránh tình trạng tâm lý bị đè nén dẫn đến những ám ảnh nặng nề gây tổn hại đến bản thân và người xung quanh.

Qua tìm hiểu, theo y văn thế giới đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tự cho rằng có nhiều bộ phận trên cơ thể mình là vô dụng và cắt bỏ (nhiều nhất là các chi). Họ luôn có cảm giác những bộ phận trên cơ thể như tay hay chân là bộ phận thừa. Họ bị ám ảnh và luôn có ý nghĩ phải cắt chính một phần cơ thể của mình, nhưng rất hiếm khi xảy ra tình huống này (trừ khi bệnh nhân sử dụng chất kích thích gây ảo giác mạnh).

Hiện tại dạng bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể không có phương pháp điều trị. Trường hợp phát hiện bệnh nhân đã tự ý cắt bộ phận trên cơ thể mình cần phải đưa ngay bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Văn Vĩnh
.
.