Coi chừng nhầm lẫn chết người với nấm tự nhiên

Thứ Sáu, 25/11/2016, 14:15
Hàng năm cả nước có hàng chục vụ ngộ độc do ăn nấm tự nhiên và cũng hàng chục người tử vong. Các phương tiện truyền thông đã nói đi nói lại về món ăn nguy hiểm này nhưng hình như không có chuyển biến.

Nhiều vụ tử vong do ngộ độc nấm

Khoảng 18 giờ ngày 14-11-2016, cả nhà ông Ma A Kính, vợ là Hảng Thị Dế, dân tộc Mông, cùng 5 người con ở thôn 2, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái ăn nấm hái trên rừng... Sau khi ăn khoảng 10 phút, lần lượt 7 người đều đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng; hoa mắt, chóng mặt; mệt mỏi rã rời...

Tất cả được đưa đến Trạm Y tế xã cấp cứu và chuyển lên bệnh viện (BV) đa khoa huyện Văn Yên, với các triệu chứng mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt... Rất may tất cả đều qua khỏi do đến viện sớm. Cơ quan y tế đã thu mẫu nấm và bước đầu xác định nguyên nhân ngộ độc là ăn phải nấm độc.

Chiều 7-6-2016, Y Hùng Niê, 21 tuổi cùng Y Vinh Niê, 13 tuổi, ở buôn Kuốp, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk vào khu vực thác Đray Nur chơi. Thấy nhiều nấm màu trắng đã hái về xào mỳ tôm cả nhà ăn. Khoảng một giờ, tất cả 7 người, thêm Y Bé Niê, 25 tuổi, Y Quang Niê, 16 tuổi, Y H'Gua Niê, 12 tuổi, Y Kang Niê, 10 tuổi và Y Nhương Niê, 7 tuổi, đều buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng dữ dội..., được đưa đi BV tỉnh Đắk Lắk cấp cứu kịp thời.

Đến sáng 8-6, sức khỏe của 7 người đã qua cơn nguy kịch...

Nhiều trường hợp không may mắn như thế, như 5 người ngộ độc nấm ở xóm Vang, xã Liên Minh, Võ Nhai, Thái Nguyên thì bốn người tử vong tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, là bà Vũ Thị Hồi, 60 tuổi, chị Lý Thị Thơm, 35 tuổi và con trai Lý Minh Khôi, 13 tuổi, em Lý Thị Thùy, 14 tuổi. Còn ông Triệu Nho Phú, 56 tuổi, chồng bà Hồi, thì tiên lượng vẫn rất xấu do nhiễm độc gan nặng...

Nấm độc, màu trắng nhưng có phình gốc.

Trong khoảng hai tuần lễ, ngoài 4 ca tử vong nói trên, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai còn phải tiếp nhận 5 người khác ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, cùng huyện Võ Nhai, 3 ca tử vong; rồi đến 4 người ở Tuyên Quang, 2 ca nặng, hôn mê sâu, gia đình xin về, 2 người nhất quyết đòi về đưa tang con, cháu dù tình trạng bệnh xấu, khó tiên lượng. Còn có cả một sản phụ ngộ độc nấm, nhập Trung tâm trong tình trạng rất nguy kịch, phải thở máy, thai 4 tháng chết lưu, rối loạn đông máu nặng...

Bốn người ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, phải chuyển về BV Nghệ An (xa hơn 200km) cấp cứu là ông Vừ Bá Kỷ, hai anh Vừ Bá Sở và Vừ Tống Bì tử vong tại nhà sau khi gia đình xin về vì không có tiền chạy chữa, còn anh Vừ Bá Trung thì nguy kịch do suy gan, thận... Ba ông cháu ở bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu là ông Tẩn Phủ Vàng, 63 tuổi thì suy gan, thận  nặng; cháu ruột Tẩn Láo Tả, 8 tuổi và cháu Tẩn Láo Tả, 11 tuổi (trùng tên họ, đi qua ghé lán rừng chơi và cùng ăn nấm) tử vong...

Trớ trêu nhất là ông Nguyễn Tiến Vang, 63 tuổi, ở thôn Nà Lại, xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, là người đi rừng hái nấm từ nhỏ, đã từng "truyền nghề" hái nấm rừng cho nhiều người trong thôn. Nhưng một lần ông vào rừng hái nấm..., sau khi ăn, ông chóng mặt, đau đầu, nôn ra máu, tiêu chảy dữ dội và chết vì ngộ độc nấm...

Có rất nhiều vụ ngộ độc nấm số đông như ở xã biên giới Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, tất cả 19 người đều ói ra máu hay 14 người từ 7 - 84 tuổi ở bản Phan Xi Hoa, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, cùng tỉnh ngộ độc nấm ma (Omphalotus nidiformis - độc tố là illudin); cả 13 thành viên gia đình ông Lê Quốc Nam, ở ấp Trường Ân, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, Tây Ninh đều phải nhập viện cấp cứu; 11 người của hai gia đình ông Nguyễn Văn Đại và Nguyễn Văn Thức ở thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang đều cùng nhập viện.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang cho biết từ ngày 5 đến  ngày 7-2015, riêng huyện Bắc Quang của tỉnh này có đến 14 người ngộ độc do ăn nấm; ông Nông Văn Hướng, ở bản Eng, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, khi chăn trâu thấy khóm nấm trông giống nấm hương, đã hái về ăn và cho cả hai nhà hàng xóm, làm 10 người ngộ độc.

Hiếm có tỉnh, thành phố không có người ngộ độc nấm và tử vong, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, xa. Ở Kon Tum từ 20-5 đến 15-6-2015 có 7 vụ ngộ độc nấm, 33 người trúng độc, 3 người trong số này tử vong. Vụ nhiều nhất là 5 người trúng độc ở thôn Nú Vai, xã Kroong, huyện Đắk Glây...

Hàng  năm cả nước có hàng chục vụ ngộ độc do ăn nấm tự nhiên và cũng hàng chục người tử vong. Các phương tiện truyền thông đã nói đi nói lại về món ăn nguy hiểm này nhưng hình như không có chuyển biến.

Độc tố nấm rất khác nhau nên biểu hiện ngộ độc cũng rất khác nhau

Nấm độc có nhiều loại và trong chúng các loại độc tố (bao gồm Amatoxin, Monomethylhydrazine, Allenic noceucine, Orellanine, Muscarine, Coprine, Ibotenic acid, Psilocybin...) không giống nhau về mức độ độc, thời gian xuất hiện triệu chứng và biểu hiện triệu chứng ngộ độc.

Nấm không độc, màu trắng nhưng không có phình gốc.

Cần phải biết thời gian xuất hiện triệu chứng (sớm hay muộn, thường đi kèm với một số triệu chứng nhất định), để tiên lượng mức độ nặng, nhẹ. Nếu xuất hiện triệu chứng sớm, trong khoảng 3 giờ sau khi ăn thì ít nguy hiểm hơn. Biểu hiện: tăng tiết nước bọt, đờm dãi ở phế quản, tiêu chảy, co đồng tử, chảy nước mắt... (độc tố là Muscarine). Triệu chứng ngộ độc xuất hiện trong vòng 30 phút: mặt đỏ, nóng bừng, nôn, toát mồ hôi, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch... (chất độc Coprine)... 

Nếu gây ảo giác và kích thích dạ dày ruột, mệt lả, đau bụng, sốt, giãn đồng tử, co giật... (chất độc Psilocybin). Nếu các triệu chứng xuất hiện sau 6 giờ ăn thì nguy hiểm hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn. Chẳng hạn, xuất hiện triệu chứng trong khoảng  6 - 12 giờ sau ăn: nôn, đau thắt bụng, tiêu chảy, co giật, suy gan, gan to, vàng da, tiểu ra máu, nước tiểu có protein (độc tố Amatoxin).

Nếu các triệu chứng trên có kèm theo nhược cơ (cơ mềm, yếu) là nấm có chất độc Monomethylhydrazine. Triệu chứng xuất hiện khoảng 1 - 12 ngày sau ăn: biểu hiện tiểu ít, không có nước tiểu, ure và creatinin máu tăng..., là hậu quả của suy gan, thận cấp (độc tố Allenic noceucine, Orellanine) - nguy hiểm tính mạng vì gây viêm gan nhiễm độc, dẫn đến hôn mê gan, ít có khả năng cứu chữa.

Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, nơi tiếp nhận nhiều nhất bệnh nhân ngộ độc nấm phía Bắc cho biết: Tử vong cao nhất do trúng độc nấm đến 50%, cho dù đã áp dụng các biện pháp tiên tiến, đắt tiền nhất như lọc máu hấp phụ, chạy thận nhân tạo ngắt quãng hoặc liên tục, lọc gan (gọi là albumin hấp phụ - MARS), thay huyết tương, dẫn lưu đường mật qua da (phải mổ) và các biện pháp hồi sức tích cực khác...

Người dân cần biết là có ăn nấm, đau bụng, nôn, tiêu chảy và bất kỳ ít nhiều các triệu chứng nói trên thì phải lập tức gây nôn bằng mọi cách, cho uống than hoạt tính liều 1g/kg thể trọng và sorbitol liều 2g/kg (nếu có); phát hiện độc tố nấm bằng tess thử amatoxin của Trung tâm phòng chống nhiễm độc, Học Viện Quân y (nếu có); xác định thời gian xuất hiện triệu chứng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến BV (Trung tâm hồi sức cấp cứu hay chống độc).

Khi thấy thời gian xuất hiện triệu chứng sớm cũng không được chủ quan vì những ca dạng này không phải không tử vong, chỉ ít hơn dạng triệu chứng xuất hiện chậm và muộn mà thôi. Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, Hà Nội đã gặp trường hợp một người ăn cùng một lần hai loại nấm xuất hiện triệu chứng sớm và muộn, khi triệu chứng sớm tạm lắng dịu thì triệu chứng muộn mới bùng phát...

Nấm là món ăn bổ dưỡng và là vị thuốc quý. Theo các nghiên cứu thì có tác dụng tăng cường miễn dịch cơ thể; kháng tế bào ung thư và virus; dự phòng và trị liệu các bệnh tim mạch; giải độc và bảo vệ tế bào gan; kiện tỳ dưỡng vị; hạ đường máu và chống phóng xạ; thanh trừ các gốc tự do nên chống lão hóa.

Ở Trung Quốc, nấm hương được dùng từ thời Xuân thu - Chiến quốc, được các y thư cổ đánh giá là thứ "ăn được, bồi bổ, dùng làm thuốc, toàn thân đều quý giá". Có khoảng 10.000 loài nấm, nhưng chỉ có hơn 100 loài ăn và làm thuốc được. Hiện đã trồng công nghiệp được hơn 60 loài năng suất cao, tương lai nấm sẽ là thực phẩm rất quan trọng và thông dụng.

Đầu mùa mưa và mùa mưa hoặc cứ có mưa là nấm tự nhiên sinh sôi mạnh và số người ngộ độc cũng nhiều lên! Sẽ không bị ngộ độc nếu không ăn nấm tự nhiên!? Nếu muốn ăn thì phải biết cách nhận biết nấm độc, có các đặc điểm sau: Thường có màu. Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. Bên trong thân nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vảy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm. Độc nấm có trong tất cả các bộ phận mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm.

Có 4 loại nấm cực độc ở Việt Nam, nếu ăn phải có thể chết đến 95% số người ăn, là nấm độc tán trắng (Amanita verna), nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa), nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa), nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites). Cần nhớ 3 điều sau: nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển có hình dạng, màu sắc giống nấm ăn được.

Trong đám nấm lành có thể lẫn nấm độc. Nấm màu trắng (được cho là lành) có loài độc, ví dụ 2 loài nấm độc nhất (Amanita) nói trên, màu trắng muốt, nấu ăn rất ngọt như bỏ bột ngọt, nhưng là loài nấm gây độc nhiều nhất ở nước ta. Vì màu sắc, hình dạng như vậy, trên thực tế, ngay cả chuyên gia về nấm cũng vẫn nhầm.

Bs. Văn Bình
.
.