Hé lộ câu chuyện về nhóm tin tặc khét tiếng

Thứ Sáu, 10/03/2017, 12:20
Sau nhiều năm ẩn thân trong bóng tối, Alexander, thành viên duy nhất tách khỏi nhóm tin tặc khét tiếng Shaltai-Boltai để ở lại Latvia vừa có cuộc trò chuyện với báo chí tại thủ đô Riga và kể những chuyện chưa từng tiết lộ về nhóm tin tặc này.

Tin tặc Alexander cho biết, nhóm tin tặc Shaltai-Boltai đã từng khiến cho giới chức Nga ăn không ngon ngủ không yên trong suốt ba năm. Hành động tấn công của nhóm này bao gồm đột nhập, lấy trộm thông tin, làm rò rỉ thông tin và tống tiền. Nhóm thường đăng trên mạng những mẫu e-mail lấy trộm từ các quan chức Nga và rao bán kho hàng e-mail còn lại. Người mua có thể là chính những người bị lấy trộm e-mail hoặc kẻ thù của họ muốn lợi dụng chúng cho mục đích chính trị.

Nhóm tin tặc Shaltai-Boltai được cho là có liên quan đến việc các quan chức FSB tuồn thông tin mật cho CIA.

Những câu chuyện của Alexander không có chứng cứ để xác minh, nhưng những thông tin y cung cấp rất đáng để nhiều người quan tâm lĩnh vực an ninh mạng nghiên cứu. Alexander cho biết, vào năm 2015 nhóm tin tặc đã có những cuộc trao đổi qua e-mail với tờ báo The Guardian của Anh. Nhiều chi tiết quan trọng về hoạt động của nhóm tin tặc đã được The Guardian thu thập qua cuộc trao đổi e-mail này.

Alexander cho biết, y quen biết Anikeyev từ hơn một thập niên trước và mô tả Anikeyev là linh hồn, là động lực thúc đẩy hoạt động của nhóm. Chính Anikeyev là người đã nảy ra ý tưởng thành lập nhóm. Vào khoảng cuối năm 2013, Anikeyev làm việc cho một công ty chuyên làm "PR đen" ở thành phố St Petersburg. Anh ta nảy ra ý tưởng và rủ Alexander cùng tạo nên một Website dạng diễn đàn mới trên mạng Internet nhằm thực hiện việc đột nhập lấy trộm thông tin của các quan chức Nga.

Sẵn đang chán công việc tiếp thị viễn thông nhàm chán, Alexander nhận lời tham gia. Alexander mô tả công việc của mình làm là phân tích nội dung các e-mail và viết các nội dung đăng trên Website. Hàng tháng, anh ta được Anikeyev trả một khoản tiền thù lao tùy theo tình hình hoạt động của Website. Hai người thỉnh thoảng gặp nhau trực tiếp, thường là ở Thái Lan, còn không thì liên lạc bằng tin nhắn bảo mật.

Từ ý tưởng ban đầu là chỉ muốn đột nhập lấy trộm e-mail như một trò phá phách "cho vui", Anikeyev đi xa hơn, nghĩ đến việc trục lợi, kiếm tiền từ những thông tin chứa đựng trong các e-mail đó. Alexander cho biết, một số thông tin đầu tiên được nhóm Shaltai-Boltai đăng lên diễn đàn quả thực có tác động về mặt chính trị, nhất là những e-mail chứa các thông tin liên quan đến hoạt động của Nga ở Đông Ukraine. Alexander đánh giá trang Web của nhóm kiếm được khoảng 2 triệu USD trong ba năm hoạt động.

Alexander cho biết, Anikeyev không giỏi về công nghệ, thậm chí anh ta còn chưa sử dụng thành thạo một số trang thiết bị hiện đại, nhưng anh ta có khả năng lôi kéo những tin tặc vô danh trên mạng Internet phục vụ cho mình, để giúp mình lấy trộm mật khẩu tài khoản e-mail của các quan chức Nga.

Từ việc đăng những lời rao bán để những nạn nhân bị lấy trộm e-mail bỏ tiền ra chuộc, Shaltai-Bolrai dần chuyển sang tống tiền trực tiếp các quan chức Nga. Nhóm sử dụng một cơ chế "trao đổi thông tin" do một bên thứ ba dàn dựng để thực hiện giao dịch bằng đồng tiền ảo bitcoin.

Tin tặc đầu sỏ Anikeyev.

Tuy nhiên, với cách giao dịch này, nhóm không nắm được người mua thông tin là ai, có phải là chính nạn nhân bị lấy trộm thông tin hay không. Alexander so sánh nhóm của mình với WikiLeaks, nhưng rõ ràng là không thể sánh bằng, vì hoạt động của WikiLeaks không mang tính chất trục lợi như Shaltai-Boltai.

Tháng 5-2016, Anikeyev đến Moskva với lời bảo đảm an toàn để gặp gỡ một quan chức FSB. Theo Alexander, quan chức FSB gợi ý rằng Shaltai-Boltai có thể tiếp tục hoạt động, nhưng cơ quan tình báo này có quyền kiểm duyệt thông tin nào được tiết lộ, thông tin nào không được, và muốn thông qua Shaltai-Boltai để cố ý làm rò rỉ thông tin mật.

Vị quan chức này nói, FSB biết rõ nhóm tin tặc và sẽ để cho hoạt động nếu Shaltai-Boltai hợp tác. Tháng 11-2016, Anikeyev quay trở lại Moskva, nhưng lần này y không gặp may. Có lẽ do giao dịch đã không thuận buồm xuôi gió, hoặc có lẽ y bị các điệp viên từ một cơ quan tình báo khác bắt giữ.

Vài ngày sau khi bỗng dưng bặt tăm, Anikeyev liên lạc với Alexander, bảo rằng y đã được cơ quan chức năng trả tự do, và rằng Shaltai-Boltai sẽ tiếp tục hoạt động. "Nhưng thỏa thuận là nhóm sẽ phải dời nơi đóng quân sang Moskva" - Anikeyev nói. Alexander thấy điều này nghe có vẻ lạ, nhưng y đã được Anikeyev trấn an.

Để bảo đảm rằng Anikeyev thật sự đã được trả tự do, Alexander yêu cầu Anikeyev đến hội quán Jean-Jacques (quán cà phê Pháp ở Moskva), chụp một ảnh selfie và chụp ảnh hóa đơn làm chứng. Hai giờ sau, Anikeyev gửi ảnh cho Alexander. Sau đó, Alexander gọi điện cho hội quán Jean-Jacques và hỏi có bao nhiêu người ngồi ở bàn số 5 (ghi trong hóa đơn), và được trả lời là chỉ có 1 người.

Sau vụ đó, Anikeyev xuất hiện trên mạng Internet 2 giờ mỗi ngày. Hai thành viên khác của nhóm cũng đến Moskva, nhưng Alexander thì không chấp nhận cách thức hoạt động theo mệnh lệnh của FSB nên tiếp tục ở lại Latvia. Thời điểm đó, Alexander đang ở châu Á, nhưng sau đó di chuyển đến Estonia, tra cứu thông tin Interpol và an tâm vì nước Nga không phát lệnh truy nã quốc tế.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 12-2016, trang mạng xã hội Twitter của nhóm bỗng dưng im bặt. Cuối tháng 1-2017, báo chí Nga loan tin Vladimir Anikeyev, kẻ sáng lập nhóm tin tặc Shaltai-Boltai đã bị cơ quan chức năng Nga bắt giữ. Vụ việc không dừng lại ở nhóm tin tặc. Báo chí còn thông tin thêm về vụ việc hai điệp viên an ninh mạng hàng đầu của Cơ quan tình báo FSB cũng bị bắt, cùng với một chuyên gia từ Công ty an ninh mạng Kaspersky Lab. Nguồn tin an ninh cho báo chí Nga biết, các sĩ quan an ninh FSB bị buộc tội làm gián điệp cho CIA và có mối liên hệ với nhóm tin tặc Shaltai-Boltai.

Vụ việc bắt giữ tin tặc sáng lập nhóm Shaltai-Boltai và các sĩ quan  tình báo Nga xảy ra không lâu sau vụ ầm ĩ chính quyền Mỹ cáo buộc tình báo Nga nhúng tay can thiệp vào bầu cử Mỹ, đã gây nên những băn khoăn nhất định.

Những câu hỏi được đặt ra: Phải chăng Shaltai-Boltai là đường dây cung cấp thông tin bí mật lấy trộm của các quan chức Nga cho CIA? Theo phóng viên báo The Guardian, cuộc hẹn trò chuyện ở Riga và những câu chuyện của Alexander cho thấy một mảng khác trong câu chuyện về nhóm tin tặc Nga, nhưng trong câu chuyện này cũng còn nhiều chỗ chưa rõ ràng.

Phải chăng Anikeyev đã cố dụ dỗ bạn bè và đồng bọn mình đến Moskva để cơ quan chức năng bắt giữ? Anh ta có mối liên hệ gì với những sĩ quan FSB bị bắt kia? Và phải chăng là sự trùng hợp khi vụ bắt giữ hai quan chức FSB với cáo buộc tuồn thông tin bí mật cho CIA xảy ra ngay sau khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga đột nhập lấy trộm thư điện tử?

Ruslan Koblev, luật sư riêng của Anikeyev cho biết, có lẽ Anikeyev đã bị tống giam kể khi bị bắt vào tháng 11-2016. Điều này có nghĩa là mọi sự tiếp xúc với Anikeyev đều có sự giám sát của FSB. Koblev khẳng định anh ta biết Anileyev đã khai nhận việc đột nhập lấy trộm e-mail, nhưng từ chối có liên quan đến việc cung cấp thông tin tình báo cho CIA.

Nguyên Khang (theo The Guardian)
.
.