Nga: Nuôi đỉa phục vụ y học

Thứ Hai, 24/11/2014, 23:35

Trong khi nhiều nước phương Tây (trừ Mỹ) xem đỉa là loài có nguy cơ truyền bệnh qua đường máu, thì ở Nga, việc dùng loài nhuyễn thể này trong y học đã có từ lâu đời. Hiện nay, hàng chục ngàn bệnh nhân đang được chữa bệnh bằng khả năng hút máu và nước dãi chống đông máu của đỉa.

Mặc dù có thân hình ghê sợ và khả năng hút máu ghê gớm nhưng đỉa lại được xem như một loại dược liệu truyền thống. Với các bác sĩ phẫu thuật, chỉnh hình, họ dùng chúng vào việc lưu thông máu cho các vết thương sau khi nối ở ngón tay, chân hay thậm chí là da đầu.

Tiến sĩ L. Scott Levin, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Viện Y Perelman Trường đại học Pennsylvania, Mỹ nói: "Khi gặp phải rắc rối và bạn không thể tái tạo các cấu trúc mạch máu cho nạn nhân, chúng tôi sẽ gọi những người bạn của mình - đỉa - đến xử lý".

Đỉa dùng giác hút để cắn con mồi và bám chặt vào hút máu, bám chắc tới nỗi rất khó dùng tay để rút nó ra khỏi vật chủ. Vết cắn của đỉa rất ngọt, có hình chạc chữ Y. Người phương Tây ví đỉa là "ma cà rồng" bởi nó chỉ buông tha con mồi khi đã no máu. Khi cắn, đỉa tiết nước bọt chứa analgetics và enzyme hirudin. Analgetics gây tê cục bộ, sinh vật bị cắn không cảm nhận được vết thương. Còn hirudin chống đông máu, giúp đỉa hút máu khỏe hơn, nhanh hơn.

Giám đốc kiểm tra chất lượng tại Trung tâm Đỉa y tế Moskva, cô Yelena Titova, tiết lộ, phòng thí nghiệm nuôi đỉa này từng là nơi cung cấp nguồn đỉa để chữa bệnh đau đầu cho lãnh tụ Joseph Stalin. Yelena nói rằng: "Các bạn có thể tưởng tượng được sự bối rối của các bác sĩ thời đó khi dùng đỉa điều trị cho Stalin, một phương pháp khó coi và có thể sẽ phải chịu sự chỉ trích. May mắn thay, ông thấy hiệu quả sau mỗi lần điều trị và vì thế, cơ sở chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ để phát triển tốt hơn".

Tại Trung tâm Đỉa y tế Moskva, những sinh vật thân mềm này được chăm sóc chu đáo. Yelena Titova lắc nhẹ chiếc bình chứa hàng chục con đỉa, chúng uốn éo trong một làn nước hơi đục. Khi có một trong số chúng chìm xuống đáy bình và nằm bất động, Yelena không ngần ngại vục tay vào bình và vớt nó ra. Lúc đó cô không hề sợ hãi những con đỉa khác bám vào tay mình, tranh thủ hút máu mà trái lại Yelena còn thấy thích thú với điều đó. Yelena đã làm việc  này trong suốt 28 năm qua.

Chia sẻ về công việc của mình, cô nói: "Tất cả những người làm việc ở đây đều là phụ nữ bởi vì chúng tôi có bản năng làm mẹ và đem đến sự yêu thương cho chúng. Những người đàn ông làm việc này không tốt chút nào".

Phòng thí nghiệm đỉa nằm tại một thị trấn hoang vắng, ngoại ô Moskva. Ở đây mỗi năm sản sinh ra khoảng 3 triệu con đỉa để cung cấp cho các cơ sở y tế của Nga và một số nước lân cận. Cách thủ đô khoảng 32km về phía đông nam, là khu công nghiệp đỉa lớn và lâu đời nhất thế giới.

Ngoài Yelena còn có 30 nhân viên nữa, hằng ngày họ thay nhau kiểm tra các lọ nuôi. Đây là những bình thủy tinh đã từng được dùng chứa các loại thức ăn hay rau củ, còn bây giờ thì chỉ để nước sạch cho đỉa sống và phải thay nước ít nhất 2 tuần 1 lần. Thức ăn của đỉa phải là loại hảo hạng, mua tại các cơ sở giết mổ có uy tín. Đỉa nuôi ở đây thì chỉ có máu sạch của động vật khỏe mạnh mới dùng làm thức ăn cho chúng được. Vào giai đoạn lớn, đỉa ăn nhiều hơn, chúng ngốn lượng máu nặng gấp 5 lần cơ thể và no suốt trong vòng 3-4 tháng.

Chúng có khoảng 400 loài, đủ các màu sắc: xanh lục, đen, nâu. Con dài nhất từng được ghi nhận là 35cm.

Yuri Kuranov là doanh nhân 55 tuổi đến từ Moskva, đã 7 năm qua ông sử dụng đỉa như phương pháp định kỳ duy nhất để chữa một bệnh liên quan đến tiết niệu của mình. Nằm thoải mái trên một chiếc ghế hơi dốc ở phòng khám tư nhân ở Moskva, Yuri lim dim mắt và nở một nụ cười thoải mái trong khi đang được điều trị bằng đỉa. Người đàn ông này không hề cảm thấy sự đau đớn hay khó chịu, mặc dù phía dưới rốn của ông đang có rất nhiều đỉa bám chặt và hút máu.

Chia sẻ về quá trình điều trị bằng đỉa Kuranov cho biết: "Nó giống như vết muỗi cắn. Tôi biết mọi người sợ đỉa vì ảnh hưởng tâm lý. Khi được điều trị bằng phương pháp này suốt 7 năm qua tôi đã gần như ngay lập tức cảm nhận được một luồng sinh khí mới đang chảy trong các mạch máu của mình".

Mỗi con đỉa thường được bán với giá 1,5USD và mỗi bệnh nhân cần từ 1 - 10 con, tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Những con đỉa được dùng trong y tế chỉ dài 2,5 - 5cm, trong khi những con để lai giống thì to hơn rất nhiều.

Những con đỉa mà bác sĩ dùng cho bệnh nhân Kuranov được nuôi tại trang trại của Yelena. Đỉa mẹ được nuôi trong các hộp đặc biệt, có lớp bùn mỏng bên dưới, mô phỏng giống môi trường tự nhiên chúng ưa sống. Từ đó, chúng đẻ trứng và được người nuôi tách ra trước khi các con con nở. Trong quá trình phát triển, đỉa được tách dần nhau ra tùy theo kích thước, khoảng sau 1 năm kể từ khi ra đời  đỉa có thể xuất đi các cơ sở y tế.

Đỉa nuôi trong phòng thí nghiệm ở Moska, Nga.

Hiện nay, không ít các quốc gia phát triển cho phép việc mua bán, sử dụng đỉa với mục đích y học. Năm 2004, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ đã cho phép trao đổi thương mại mặt hàng "gớm ghiếc" này. Công ty Ricarimpex SAS của Pháp thậm chí còn được nhận từ Chính phủ Mỹ công nghệ sản xuất "đỉa thuốc" quy mô lớn.

Trước thế kỷ XVI, người Ai Cập đã sử dụng đỉa làm liệu pháp phóng huyết. Thầy thuốc Nicander ở Colophon, Hy Lạp cổ đại là người đầu tiên được ghi nhận dùng đỉa trị bệnh vào năm 200 trước công nguyên. Ngày nay, phương pháp dùng đỉa trong y học được gọi là Hirudotherapy. Đến đầu thế kỷ XX, người châu Âu dùng đỉa hút huyết của người mang bệnh, nhhất là bệnh đau đầu, đau não đều dùng cách hút máu để điều trị.

Có một thời gian cách điều trị này được coi là có yếu tố mê tín nên đã bị loại bỏ. Nhưng sau đó việc dùng đỉa trong y học hiện đại lại được quan tâm nhiều. Do trong đỉa có chất chống đông máu là Hirudin nên các bác sĩ ngoại khoa sử dụng đỉa để làm tan máu đông gây nên tắc huyết quản sau khi mổ, nhờ đó giảm bớt được việc phát sinh hoại tử, giúp nâng cao hiệu suất thành công của các ca mổ về cấy ghép tạng. Trong tác nghiệp tái sinh cấy ghép ngón tay, ngón chân, tai, mũi... dùng đỉa hút máu có thể khai thông tĩnh mạch.

Nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh chất Hirudin là chất thiên nhiên đặc hiệu mạnh nhất trên thế giới về kiềm chế men đông máu, có công hiệu ngăn chặn ngưng kết Fibrinogen, kiềm chế sự kết hợp giữa men đông máu với tiểu cầu, cùng với công năng cực mạnh làm tan huyết khối. Ngoài ra, Hirudin còn có tác dụng giảm đường huyết, gia tăng lưu lượng máu dinh dưỡng của cơ tim...

Ở Trung Quốc đỉa là nguyên liệu chủ yếu của hàng chục loại thuốc đông y. Đỉa là một loại nguyên liệu quý để bào chế nhiều loại dược liệu, tính bình, có độc nhẹ. Thành phần chủ yếu của đỉa gồm 17 loại axit amin, trong đó các axit amin có hàm lượng cao gồm 7 loại: Glutamic, Aspartic, Leucine, Lysine và Valine.

Ngoài ra, đỉa còn có các thành phần Heparin và men kháng đông huyết. Đỉa cũng có nhiều chất khoáng thiết yếu cho cơ thể người như Na, K, Ca, Mg... với hàm lượng cao. Ngoài nguyên tố đa lượng trong cơ thể đỉa còn có 28 loại nguyên tố vi lượng như: Fe, Mn, Zn, Si, Al...

Văn Nguyễn - T.Phương (tổng hợp)
.
.