Nga đẩy mạnh chiến lược khai thác tài nguyên Bắc Cực

Thứ Tư, 20/12/2017, 10:07
Lãnh đạo Liên bang Nga có thể đã định hình được tương lai của nền kinh tế đất nước khi chọn tiêu điểm vào kế hoạch phát triển nguồn năng lượng dồi dào chưa được khai thác ở vùng cực Bắc trái đất.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng An ninh tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin tuyên bố: “Trong thập kỷ qua, Nga đã từng bước xây dựng và củng cố vị thế của mình tại Bắc Cực. Mục tiêu chính của chúng ta giờ không chỉ là trở lại khu vực đó mà còn là tăng cường các hoạt động cho thấy sự hiện diện của Nga trên vùng đất mới”.

Dự án quy mô phát triển lãnh thổ Bắc Cực

Tháng 10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra bản báo cáo cho thấy, nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu ổn định sau thời gian chịu nhiều tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước đầu tàu châu Âu cùng chuỗi sụt giảm của giá dầu. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo: tác động của những biện pháp trừng phạt đến việc tiếp cận các thị trường tài chính và công nghệ đầu tư mới sẽ còn ảnh hưởng về lâu dài đối với Nga.

IMF ước tính, tác động trực tiếp của các biện pháp trừng phạt và trả đũa trừng phạt trước mắt sẽ khiến Moscow thiệt hại 1%-1,5% GDP nhưng con số này sẽ tăng lên tới mức 8%-9% trong vài năm tới. Báo cáo cũng dự báo kinh tế Nga sẽ “tăng trưởng chậm” ở mức 1,5% hằng năm trong trung hạn.

Tàu phá băng nguyên tử mang tên “50 năm chiến thắng”.

Trong khi các ngân hàng và tổ chức tài chính phương Tây vẫn đang đánh giá tác động tiềm ẩn của đợt trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga trong mùa hè vừa qua, chính quyền Moscow vẫn bình tĩnh chọn cho mình những lối thoát và một trong các lối thoát đó là cam kết hỗ trợ phát triển Bắc Cực.

Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố rằng, chính quyền Liên bang sẽ tài trợ cho việc phát triển vùng lãnh thổ Bắc Cực và nền kinh tế của các khu vực địa phương với số tiền ít nhất lên đến 160 tỷ rúp vào năm 2025. Ông cho biết, chương trình phát triển Bắc Cực sẽ dựa trên ba cơ sở: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng biển và phát triển thềm lục địa bằng công nghệ, trang thiết bị hiện đại.

Là một phần của chương trình này, trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Nga sẽ tài trợ 23,8 tỷ rúp (414,5 triệu đôla) cho một chương trình xây dựng thiết bị và công nghệ dầu khí, máy móc công nghiệp cho công tác thăm dò và phát triển ở Bắc Cực.

Vào tháng 4 năm nay, Rosneft - tập đoàn dầu mỏ khổng lồ thuộc quyền kiểm soát của nhà nước Nga - đã bắt đầu khoan giếng dầu đầu tiên ở khu vực phía Bắc nước Nga giáp Bắc Cực. Đến đầu tháng 10, Rosnef cho biết, trữ lượng dầu mỏ ở các mỏ trong khu vực này có thể vượt trên 80 triệu tấn dầu, tương đương 586,4 triệu thùng.

Theo dữ liệu địa lý, trữ lượng ước tính tại đây là 298 triệu tấn, tương đương 2.184 tỷ thùng và tất cả đều là dầu có chất lượng cao - ít lưu huỳnh và nhẹ. Rosneft và tập đoàn dầu Gazprom Neft của Gazprom là hai công ty của Nga được phép khoan, khai thác dầu khí ở ngoài khơi Bắc Cực. Trong đó, Gazprom Neft hiện là công ty duy nhất của Nga được phép sản xuất dầu ngay tại khu vực Bắc Cực. Vùng Prirazlomnoye ở biển Pechora bắt đầu bơm dầu hồi cuối năm 2014.

Trữ lượng khu vực này ước tính khoảng 70 triệu tấn dầu, tương ứng 513 triệu thùng, với sản lượng trung bình hằng năm là 5,5 triệu tấn (40,3 triệu thùng). Rosneft cũng dự định tiếp tục khoan thăm dò khu vực biển Barents trong năm tới và biển Kara trong năm tiếp theo.

Căn cứ quân sự của Nga ở vùng đất hoang vu Franz Josef.

Chính quyền của Tổng thống Putin cũng dự định làm sống lại một số tuyến đường huyết mạch từ thời Liên Xô để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt. Bộ trưởng Thiên nhiên và Môi trường Nga Sergey Donskoy từng khẳng định: Việc khai thác thềm lục địa Bắc cực có thể trở thành một bước đột phá khoa học và công nghệ ngang tầm với các cuộc chinh phục của ngành công nghiệp vũ trụ Liên Xô trong những năm 1960-1970.

Tổng thống Putin đã thông báo một hệ thống căn cứ hải quân cùng tàu ngầm sẽ được Nga triển khai ở Bắc Cực nhằm bảo vệ lợi ích của mình cùng với việc thành lập cơ quan chuyên trách để giải quyết các vấn đề về Bắc Cực. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: Cần tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực này với sự tham gia thường xuyên của Cơ quan An ninh liên bang (FSB), Bộ Quốc phòng, Bộ Tình huống khẩn cấp cùng các cơ quan khác.

Các cơ sở sản xuất dầu khí, thiết bị đầu cuối, đường ống dẫn của Nga tại Bắc Cực cần được bảo vệ an toàn khỏi những kẻ khủng bố và các mối đe dọa khác. Thời gian qua, Nga đang đẩy nhanh các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, dịch vụ kỹ thuật dọc theo tuyến đường Biển Bắc - từ vùng Viễn Đông của Nga đến khu vực Murmansk trên biển Barents nhằm cạnh tranh với 4 quốc gia khác có lãnh thổ gần Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Na Uy và Mỹ.

Đại công trường mới

Khi lên kế hoạch đẩy mạnh khai thác trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trong khu vực, một trong hai căn cứ quân sự đồ sộ của Nga đã được xây dựng ở vùng đất hoang vu Franz Josef, nơi nhiệt độ mùa đông xuống thấp ở mức -40 độ C. Căn cứ này bố trí thành 5 tầng trên diện tích rộng đến 14.000 m2. Đây là căn cứ thứ hai được Nga xây dựng ở Bắc Cực.

Chuyên gia quân sự Nga Igor Sutyagin cho biết, căn cứ này sẽ là nơi quan trọng cho các nhiệm vụ giám sát, bao gồm cả các hoạt động chống hạm và phòng không. Ông cho biết: “Khả năng phòng vệ của Nga có vấn đề là gần đây quân đội Nga phát hiện vùng phủ sóng radar của họ ở bờ biển Bắc Cực có một khoảng trống rất lớn. Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người đều có thể đột nhập vào khu vực này mà không cần thông báo và không bị phát hiện. Nga giờ đây cần radar để nắm rõ mọi hoạt động diễn ra”.

Nói về tương quan lực lượng Nga - Mỹ tại Bắc Cực, Tướng Lori Robertson, Tư lệnh Lực lượng phía Bắc của Mỹ, thẳng thắn thừa nhận Nga đã bỏ xa Mỹ. Đánh giá về căn cứ mới của Nga, Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự về Nga từ Trung tâm Nghiên cứu hải quân của Mỹ cho biết: Ở Bắc Cực, Nga có nhiều căn cứ hơn Mỹ, số tàu phá băng lớn gấp hàng chục lần. Còn căn cứ quân sự được đề cập “được xây dựng với mục đích phô trương vị thế của Nga”.

Theo chuyên gia này, để khẳng định sự hiện diện tại Bắc Cực, Tổng thống Nga mới đây đã đến thăm căn cứ mới. Trong chuyến thăm này, ông rất tự tin khẳng định chủ quyền của Nga ở khu vực. Thậm chí, ông còn ra lệnh cắm cờ Nga dưới đáy Bắc Băng Dương.

Ông Zukunft cho biết thêm, rõ ràng hiện nay Mỹ không thể “đấu tay đôi” được với Nga, thậm chí còn không còn dự phần được vào trò chơi ở Bắc Cực. Điểm quan trọng đầu tiên là Mỹ thiếu tàu phá băng. Để nghiên cứu và khám phá vùng cực Bắc thì người Mỹ chỉ có 2 tàu phá băng lớn nhưng chỉ chạy bằng động cơ diezel, mà trong đó chỉ có chiếc Polar Star là còn có khả năng hoạt động.

Trong khi đó, Nga có tới 6 tàu phá băng nguyên tử. Đó là những con tàu khổng lồ đủ sức hoạt động độc lập nhờ có trạm năng lượng hạt nhân và cho phép tổ chức điều hướng gần như ở bất cứ nơi nào và ở bất cứ thời điểm nào.

Các cơ sở tại nhà máy sản xuất khí hóa lỏng Yamal. Ảnh: Reuters.

Từ nhiều năm trước, tàu phá băng dân sự luôn mở đường cho các tàu chiến Nga ở Bắc Cực, gây khó khăn cho hoạt động của số tàu chiến ở khu vực này vì hải quân phải liên lạc với chính quyền dân sự nhưng không bảo đảm có tàu phá băng đến đúng lúc. Đó là lý do Bộ Quốc phòng Nga quyết định đóng thêm 4 tàu phá băng chiến đấu chạy bằng diesel, vì nhu cầu của quân đội trú đóng ở Bắc Cực.

Đội tàu này được kỳ vọng từ năm 2019 sẽ giúp hải quân Nga có thể tiếp cận các khu vực Bắc Cực thuộc Nga, nơi đã có sự phục hồi các cơ sở hạ tầng quân sự thời Liên Xô.

Dự án 23550

Ngày 30-11, Hạm đội Biển Bắc của hải quân Nga đã tiếp nhận chiếc tàu phá băng chiến đấu Ilya Muromets. Chiếc Ilya Muromets dài 85m, rộng gần 20m có độ choán nước 6.000 tấn, có thể hoạt động 60 ngày trên biển. Đặc trưng của tàu này là có thể linh hoạt di chuyển quanh các khối băng, nhờ hệ thống bánh lái Azipod.

Hệ thống này cho phép tàu xoay 360 độ, và có thể đâm thủng lớp băng dày 1m, cho phép nó hoạt động tuần tra bảo vệ vùng duyên hải dài nhất thuộc Tuyến đường biển bắc (NSR), bảo đảm tàu có thể di chuyển từ Murmansk ở Nga thuộc châu Âu đến cảng Petropavlovsk-Kamchatsky ở Viễn Đông Nga. Tuy nhiên, chiếc Ilya Muromets không được trang bị bất kỳ vũ khí nào và là chiếc đầu tiên trong Dự án 23550 liên quan nhóm tàu tuần tra Bắc Cực gồm 4 tàu phá băng chiến đấu chạy bằng diesel và các tàu chiến sẽ được giao cho hải quân Nga từ nay cho đến năm 2019.

Được biết, chiếc tàu phá băng chiến đấu thứ hai Ivan Papanin (cũng trong Dự án 23550) sẽ được giao cho hải quân Nga từ năm 2019 sẽ có nhiều vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên biển và trên bộ, gồm tên lửa hành trình Kalibr-NK (còn gọi là Club), tên lửa chống hạm X-35 cùng thiết bị dò mìn. Chiếc này sẽ có độ choán nước 7.000 tấn, dài 110m và rộng 20m, có thể phá lớp băng dày 1,5m, trong khi các tàu phá băng truyền thống có khả năng phá lớp băng dày 2,8m.

Và trong năm 2018, Nga sẽ đóng chiếc thứ ba mang tên Nikolay Zubov, dự kiến nó kết hợp các khả năng của tàu phá băng, vận tải hàng hóa và cứu hộ, cùng khả năng của một tàu chiến. Chiếc Nikolay Zubov cũng sẽ tham gia tuần tra - kiểm soát tài nguyên biển Bắc Cực thuộc Nga, hộ tống - áp giải tàu bị bắt. Các tàu phá băng chiến đấu này được sản xuất nhằm mục đích đề phòng bất kỳ kế hoạch xâm lược lãnh hải Nga của “những thế lực thù địch nước ngoài”.

Song song với việc kiện toàn cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự hỗ trợ cho hoạt động thăm dò và khai thác đầu khí ở Bắc Cực, chính quyền Nga đang linh hoạt hóa hoạt động xuất khẩu năng lượng, nhất là khi căng thẳng với phương Tây còn tiếp diễn. Trong bối cảnh Moscow mở rộng năng lực sản xuất khí hóa lỏng, 2 tập đoàn năng lượng nhà nước Rosneft và Gazprom đang tìm cách phát triển hơn nữa các dự án khí tự nhiên của mình. Việc phát triển nguồn năng lượng trên bán đảo Yamal ở vùng Bắc Cực Siberia phù hợp với một chiến lược như thế. 

Được cho là nơi có trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới, Yamal có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới trong vòng một thập kỷ. Vị trí của Yamal nằm cách bất kỳ thị trường tiềm năng nào hàng ngàn km. Trước khi nhà máy khí hóa lỏng tự nhiên Yamal đi vào hoạt động, dự án sản xuất nguồn năng lượng này nằm trên đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương.

Bất chấp vị trí địa lý có phần bất lợi, các mỏ khí tự nhiên ở Yamal lại là sự lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn nhiều so với Sakhalin bởi sự tiện lợi trong việc vận chuyển nguồn khí hóa lỏng tự nhiên đến thị trường tiêu thụ phương Đông lẫn phương Tây. Vào cuối tuần trước, đích thân Tổng thống Vladimir Putin đã dự lễ khánh thành một nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng tại Yamal.

Tại đây đã có sự hiện diện của nhà sản xuất khí đốt tư nhân Novatek, công ty tham gia liên doanh sản xuất khí hóa lỏng. Năm 2018, doanh nghiệp này dự định thương thảo với Nhật Bản, Saudi Arabia, Pháp... về kế hoạch mở rộng dự án trên bán đảo Yamal.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.