Nghiên cứu loài gián phục vụ y khoa

Thứ Hai, 23/11/2015, 10:00
Loài gián thường được mọi người coi là giống bẩn thỉu, có mặt trong nhà bếp bừa bộn mất vệ sinh hay nhà tắm ẩm ướt. Khi bật đèn sáng trong nhà tắm, người ta dễ bắt gặp cảnh lũ gián bỏ chạy tán loạn. Đó là lý do khiến mọi người muốn tận diệt lũ gián. Tuy nhiên, loài côn trùng gớm ghiếc này được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu để tìm ra thuốc kháng sinh mới, chế tạo robot và các chi cơ học.

Trong số 4.500 loài được biết đến thật ra chỉ có 4 loài được đánh giá là nguồn lây bệnh. Phần lớn không sống gần nhà ở của con người mà chúng đảm trách vai trò bảo vệ môi trường – như là ăn xác chết và những thứ thối rữa. Một số loài gián cực kỳ đẹp đẽ, được tự nhiên ban cho những màu sắc dịu mát và hoa văn tinh tế. Một số khác có lối sống xã hội, biết chuyển giao thông tin với nhau về nguồn thức ăn và nơi trú ẩn. Số khác nữa chỉ sống đơn độc. Một số loài gián sống thành đôi và cùng nuôi con nhỏ. Chúng biết tạo ra những âm thanh như tiếng gáy để thu hút bạn tình và có khả năng sống sót trong điều kiện đói kém trong suốt nhiều tháng.

Một loài gián gọi là Eublaberus posticus sống sót được 1 năm dưới nước. Ở Australia có loài gián tê giác sống dưới mặt đất, cân nặng đến 35gr và dài 8cm. Loài gián Đức nằm trong số những loài nhỏ nhất với chiều dài chỉ 1cm. Loài gián có màu xanh nhạt tự nhiên ở thủ đô Havana của Cuba thường được chọn làm vật nuôi kiểng và thậm chí nó còn xuất hiện trong những truyện dân gian.

Năm 1999, cách di chuyển của loài gián gợi ý cho giáo sư Robert Full Đại học California ở Berkley (Mỹ) phát minh con robot 6 chân chạy nhanh và dễ dàng hơn. Tại Hội nghị Diễn thuyết quốc tế TED (Technology Entertainment Design) Talks năm 2014, giáo sư Robert Full đã giải thích robot gián sở hữu những cái chân co giãn, thân mình tròn trịa và bộ khung xương mềm dẻo giúp cho chúng dễ dàng vượt qua được địa hình phức tạp. Những cái chân của loài gián cũng cung cấp ý tưởng cho các nhà khoa học thiết kế chân giả thế hệ tiếp theo cho con người.

Tính đàn hồi cơ học của gián cũng là cơ sở để chế tạo bàn tay cơ học mới cho con người. Ngoài ra, còn có loại gián robot là sự kết hợp giữa con gián sống thật mang máy tính mini trên lưng. Khi thông điệp được truyền đến máy tính, gián robot này sẽ chạy thẳng đến những nơi mà con người khó tiếp cận - như là tòa nhà đổ sập – để thu thập dữ liệu.

Tháng 6/2015, một nhóm sinh viên Đại học Jiao Tong ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) chứng minh họ có khả năng dùng ý nghĩ để kiểm soát loài gián. Sau khi biến đổi sóng não người thành xung điện, nhóm sinh viên ra lệnh cho một con gián được kết nối với bộ thu chạy xuống những đường hầm có những hình dáng khác nhau – đơn giản là họ chỉ suy nghĩ về điều đó.

Wang Fuming.

Trong y khoa cũng có một công trình nghiên cứu liên quan đến loài gián. Từ lâu, các nhà khoa học đã suy nghĩ về vấn đề làm sao loài gián có thể sống được trong những môi trường bẩn thỉu mà không hề bị nhiễm bệnh để từ đó có thể tạo ra thuốc kháng sinh mạnh chữa bệnh cho con người. Có lẽ, loài gián gìn giữ chiếc chìa khóa quan trọng giúp cộng đồng khoa học phát triển những loại thuốc hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn tinh ranh nhất – như là E.coli, MRSA...

Cách chữa bệnh bằng gián không có gì là mới. Vào thế kỷ XIX, Lafcadio Hearn là nhà báo và nhà văn du hành khắp các bang miền Nam nước Mỹ - ghi nhận: “Thức uống gọi là nước trà gián chữa được bệnh uốn ván. Tôi không biết có bao nhiêu con gián trong tách trà nhưng tôi thấy được niềm tin mạnh mẽ vào phương thuốc chữa bệnh này nơi nhiều người ở New Orleans”.

Hiện nay, các bệnh viện tại nhiều vùng ở Trung Quốc sử dụng loại kem chế tạo từ con gián tán thành bột để chữa bỏng cũng như loại sirô gián được giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu nơi bệnh nhân viêm dạ dày-ruột. Khi nhận thức được nhu cầu tăng cao về loài gián, Wang Fuming thành lập cả một trại nuôi gián ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Wang nuôi 22 triệu con gián dưới hầm ngầm kiên cố và cho biết từ năm 2010 giá con gián sấy khô đã tăng gấp 10 lần.

An An (tổng hợp)
.
.