Nghiên cứu mới về cấu trúc não bất thường của tội phạm

Thứ Sáu, 28/02/2020, 21:53
Một nghiên cứu mới đây cho thấy tội phạm có cấu trúc não bất thường và thể hiện hành vi hung hăng từ nhỏ.

Các nhà nghiên cứu đã quét não của gần 7.000 người 45 tuổi và phân tích, trong đó  1/3 có lịch sử hành vi phản xã hội từ đánh nhau cho tới trốn học. Những người bị kết án có não nhỏ hơn, mỏng hơn về cấu trúc, đôi phần não nhỏ và mỏng này chính là một số khu vực có chức năng kiểm soát cảm xúc và hành vi.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét lý lịch tư pháp và phỏng vấn giáo viên cũng như người chăm sóc họ ở trường mầm non, từ đó xác định một nhóm 80 người có lịch sử liên tục có hành vi phản xã hội và bạo lực thể xác như đánh bạn bè ở mẫu giáo hay bạo lực gia đình khi đã trưởng thành. Tuy nhiên, những người chỉ gây rắc rối thời thanh thiếu niên lại không có sự khác biệt đáng kể về não so với những người khác.

Não của tội phạm thường nhỏ hơn, mỏng hơn.

Các chuyên gia cho rằng kết quả nghiên cứu trên là thông tin sâu có giá trị để tìm hiểu xem điều gì đã khiến con người phạm tội và làm thế nào để ngăn chặn.

Nghiên cứu do trường Đại học London (ULC) dẫn đầu và đăng trên tạp chí The Lancet đã sử dụng dữ liệu từ 672 người ở New Zealand. Mức độ hành vi phản xã hội của người tham gia được ghi lại cứ hai năm một lần từ 7 tuổi đến 26 dựa trên bản tự báo cáo và báo cáo từ cha mẹ, người chăm sóc và giáo viên.

Người tham gia được theo sát cho tới khi trưởng thành. Trong số đó, các nhà nghiên cứu xác định 80 người liên tục có hành vi phản xã hội trong quá trình dài. Họ bị kết án 5 lần từ 26 đến 28 tuổi. Tổng cộng 151 người có hành vi phản xã hội chỉ ở giai đoạn thanh thiếu niên và 441 người không có hành vi phản xã hội liên tục.

Các nhà nghiên cứu đã chụp cộng hưởng từ não người tham gia khi họ 45 tuổi và so sánh khu vực bề mặt vỏ não và độ dày vỏ não của 360 khu vực trên vỏ não. Tính trung bình khi xét trên toàn bộ não, những ai có hành vi phản xã hội từ bé tới lớn có diện tích bề mặt não nhỏ hơn ở 282 trong tổng số 360 khu vực so với người không có lịch sử hành vi phản xã hội.

Họ cũng có vỏ não mỏng hơn ở 11/360 khu vực. Các khu vực não này có liên quan tới hành vi phản xã hội vì các khu vực đó tham gia kiểm soát cảm xúc, động cơ và hành vi thực hiện mục tiêu.

Tiến sĩ Terrie Moffitt, đồng tác giả nghiên cứu, nói: "Tôi cho rằng điều chúng tôi nhìn thấy trong những dữ liệu này là chúng thực sự đúng với trường hợp có khuyết tật ở não".

Các tác giả cho biết nghiên cứu cung cấp bằng chứng mạnh mẽ đầu tiên cho thấy sự khác biệt trong não có liên quan tới hành vi phản xã hội. Nghiên cứu cho thấy hành vi chệch hướng ở tuổi thanh thiếu niên là khá bình thường và bố mẹ không nên quá lo lắng vì não con họ không khác so với não người bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ cần quan tâm hơn khi con họ có hành vi phản xã hội ngay từ bé vì chúng có thể có nguy cơ duy trì hành vi này suốt cuộc đời do cách hình thành não.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này cho thấy hệ thống tư pháp hình sự cần có biện pháp xử lý người phạm tội vị thành niên phù hợp. Đa số người phạm tội tuổi thanh thiếu niên chỉ có giai đoạn phạm tội ngắn, không tái diễn khi trưởng thành. Đây là những người thực sự có cơ hội tốt để cải tạo và thay đổi.

Tiến sĩ Christina Carlisi, tác giả dẫn đầu nghiên cứu, đa số người có hành vi phản xã hội chủ yếu hành động như vậy ở giai đoạn thanh thiếu niên, có thể là do kết quả của những khó khăn trong định hướng xã hội, và những cá nhân này không có khác biệt về cấu trúc não. Họ thường có thể cải tạo và tiếp tục trở thành thành viên có ích cho xã hội.

Còn theo Tiến sĩ Moffit, cách tiếp cận chính trị với người vị thành niên phạm pháp thường quanh quẩn giữa biện pháp trừng phạt và trao cơ hội cho người vi phạm pháp luật trẻ tuổi cải tạo. Nghiên cứu này cho thấy cần có cách tiếp cận khác nhau với những người phạm tội khác nhau.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Moffitt thận trọng với phương pháp quét não để làm công cụ sàng lọc nhằm xác định những người có thể trở thành tội phạm suốt đời. Nguyên nhân là vì kiến thức của chúng ta về khác biệt trong cấu trúc não không đủ nhiều để áp dụng với từng người cụ thể.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng do họ chụp cộng hưởng từ não khi người tham gia 45 tuổi nên không rõ sự khác biệt trong cấu trúc não có phải là nguyên nhân của hành vi phản xã hội hay là do cuộc sống khó khăn gắn liền với tội phạm.

Hơn nữa, những người phạm tội liên tục trong cuộc đời có thể có não nhỏ hơn vì họ thường dùng ma túy, hút thuốc, sức khỏe tâm thần kém hoặc có trí thông minh thấp hơn. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu những điều trên.

Phát biểu tại một hội nghị về khoa học, các học giả hoan nghênh kết quả nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay liên quan tới việc so sánh não của những người có xu hướng phạm tội khác nhau. Kết quả cho thấy cần phải giúp trẻ em và người trẻ gặp khó khăn trong tự điều chỉnh hành vi, giúp họ có cơ hội sớm nhất để giảm rủi ro gia tăng hành vi phản xã hội.

Trước đó, các nhà khoa học liên tục chứng minh rằng chấn thương ở đầu có liên quan tới phạm tội. Chấn thương sọ não có thể gây vết rách và thâm tím não. Nghiên cứu của Anh năm 2018 cho thấy có tới 60% những người bị giam giữ từng bị đập mạnh vào đầu do ngã, bị đánh hay gặp tai nạn. Tù nhân bị chấn thương sọ não có thể hành xử tệ khi bị giam giữ, tái phạm tội và không hợp tác khi được điều trị.

Đức Huy
.
.