“Ngôi đền của các vị thần” là đồng hồ mặt trời lớn nhất thế giới?
Những bản vẽ và thư tịch cổ lưu lại thật hiếm hoi, quãng thời gian nghiên cứu kết cấu mái vòm của đền Pantheon chỉ giúp Michelangelo đúc kết được rằng, “người xưa tạo được mái vòm này chính nhờ sự trợ lực của các vị thần”! Quả vậy, với kỹ thuật thiết kế đạt đến trình độ phi thực, đền Pantheon xứng đáng là đỉnh cao của tư duy kỹ thuật thời La Mã cổ đại.
![]() |
Ngôi đền Pantheon nhìn từ bên ngoài. |
Công trình đồ sộ bậc nhất của thành La Mã thời cổ đại
Được xây dựng từ năm 118 - 126 dưới triều Hoàng đế Hadrianus, đền Pantheon là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thời cổ đại với chiều cao 43m, dài 84m và rộng 58m. Mô-típ kiến trúc và quy mô ngôi đền vượt lên tất cả các đền đài có trước đó ở thành La Mã. Kiến trúc sư Marcus Vipsanius Agrippa đã thiết kế ngôi đền đầu tiên từ năm 27 đến năm 25 trước Công nguyên để thờ các vị thần La Mã. Sau trận hỏa hoạn xảy ra vào năm 80 sau Công nguyên, đền Patheon bị hư hại một phần nên phải tu sửa, nhưng sau lần bị cháy thứ hai dưới thời Hoàng đế Traian thì đền Pantheon được xây lại hoàn toàn và tồn tại cho đến ngày nay. Nó hoàn toàn khác với ngôi đền đầu tiên - mặt tiền quay về hướng bắc chứ không phải hướng nam như ngôi đền cũ.
Dòng chữ khắc trên mặt tiền của ngôi đền “M AGRIPPA L F COS TERTIVM FECIT” viết đầy đủ là “M(ARCUS) AGRIPPA L(UCII) F(ILIUS) CO(N)S(UL) TERTIUM FECIT”, có nghĩa: “Marcus Agrippa con trai của Lucius đã xây ngôi đền này khi lần thứ ba ông trở thành Consul” được lấy từ ngôi đền đầu tiên. Đến nay, ngôi đền Pantheon vẫn còn giữ được những cánh cửa bằng đồng và các cột đá hoa cương nguyên bản. Một số cột đá này trước đây được khai thác ở vùng sa mạc của Ai Cập và được vận chuyển bằng thuyền dọc theo sông Nile, băng qua Địa Trung Hải để đến Roma, một công việc đòi hỏi sự tốn kém về sức lực và tiền của.
Tương truyền, Pantheon được giữ gìn nguyên trạng cho đến ngày nay phần lớn nhờ vào sự hào phóng của Hoàng đế (Byzantine) Foca khi ông hiến tặng Giáo hoàng Bonifaz VIII vào năm 608, để sau đó Pantheon trở thành nhà thờ Santa Maria ad Martyres.
Đền Pantheon thuở đầu thờ các thần La Mã, kể từ năm 609, Pantheon trở thành đền thờ và từ sau thời kỳ Phục Hưng đến nay cũng là nơi để lưu giữ mộ phần của các vị vua Italy (Umberto I, Vittorio Emanuel II, vị vua đầu tiên của Vương quốc Italy thống nhất) cũng như các họa sĩ hàng đầu thế giới thời kỳ Phục Hưng như Raphael, Annibale Carracci, Arcangelo Corelli hay kiến trúc sư tài ba Baldassare Peruzzi. Hai dốc tròn hai bên tiền sảnh đặt tượng Hoàng đế và tượng Marcus Agrippa - nhà kiến trúc, kỹ sư công binh đại tài - bạn của Hoàng đế.
Mặt tiền của Pantheon tương tự những ngôi đền mang phong cách Hy Lạp với 8 cột trụ bằng đá hoa cương xám, đỉnh cột kiểu Corinthian, trụ cột làm bằng đá cẩm thạch trắng. Tiếp đến là 3 hàng cột trụ đá hoa cương hồng chia tiền sảnh đền làm 3 phần, trong đó phần giữa dẫn vào phía trong đền. Trung tâm đền là tòa nhà hình trụ tròn, bên trên có mái vòm hình bán cầu với đường kính 43,44m. Đây là mái vòm giữ kỷ lục “mái vòm lớn nhất” trong suốt 13 thế kỷ, cho đến khi phải nhường ngôi vị quán quân này cho mái vòm nhà thờ Santa Maria del Fiore ở Florence của kiến trúc sư Brunelles.
Mái vòm của ngôi đền hình bán cầu được làm bằng “bê-tông La Mã” nhưng thuở ấy chưa có cốt thép. Để giảm trọng lượng cho mái vòm, người xưa đã trộn bê-tông với nham thạch. Trên đỉnh của mái vòm có một lỗ hổng hình tròn (Opaion) đường kính 8,92m, phần cũng để giảm trọng lượng của mái vòm, phần nữa nó là chỗ duy nhất cho ánh sáng chiếu qua thành một luồng sáng như thần lực rọi lên nền đá hoa cương bóng loáng. Cần biết rằng, chất liệu đá hoa cương được lựa chọn cho phần lớn công trình kiến trúc thời cổ đại phục vụ đông đảo dân chúng ở những nơi công cộng vì độ bền của nó.
Qua gần 2.000 năm, hàng triệu triệu người đã đi lại, giậm bước lên đó mà các miếng ghép vẫn hầu như nguyên vẹn cả về vị trí lẫn màu sắc. Một điểm đặc biệt nữa là bán kính của mái vòm đúng bằng độ cao của bức tường (21,72 m), nên nếu lộn ngược mái vòm xuống, nó sẽ vừa tiếp giáp mặt đất nếu như không có lỗ hổng. Để chịu tải được mái vòm khổng lồ đó, tường đền hình trụ này dày đến 6,20m.
Cho đến năm 1506, nhà thờ St. Peter, nhà thờ chính ở Vatican vẫn còn rất nhỏ và ọp ẹp. Học theo các hoàng đế La Mã và Sultan (quốc vương Hồi giáo), Giáo hoàng Julius II quyết định tạo cho nhà thờ xưa cũ một mái vòm đặc biệt. Ông giao kiến trúc sư Donato Bramante làm việc này. Ý tưởng của Bramante khá đơn giản: Mái vòm của tòa vương cung thánh đường là một chữ thập kiểu Hy Lạp với những cánh tỏa ra chung quanh mái vòm trung tâm. Nhưng cả Bramante lẫn Giáo hoàng đều qua đời trước khi công trình được khởi công.
![]() |
Luồng ánh sáng tự nhiên rọi qua lỗ tròn trên đỉnh mái vòm. |
Năm 1546, một chàng họa sĩ trẻ từ thành Florence tên là Michelangelo được Giáo hội La Mã giao toàn quyền thiết kế và xây dựng. Họa sĩ trẻ tài năng đã bỏ ra nhiều tháng liền để tìm hiểu bí quyết xây dựng mái vòm khổng lồ của Pantheon với ý định tạo nên một mái vòm phiên bản cho tòa vương cung thánh đường. Những bản vẽ và thư tịch cổ lưu lại thật hiếm hoi, nhưng cũng đủ để ông kinh ngạc phát hiện một điều rằng, bên trong mái vòm đền Pantheon không hề có “khung xương” hay bất kỳ vòng chống đỡ nào và quãng thời gian nghiên cứu kết cấu mái vòm kỳ vĩ này chỉ giúp Michelangelo đúc kết được rằng, “người xưa tạo được mái vòm này chính nhờ sự trợ lực của các vị thần”!
Vì thế, Michelangelo đã thiết kế một mái vòm tuy có dáng vẻ bề thế nguy nga hơn công trình đền Pantheon (mái vòm của Vương cung Thánh đường St. Peter có đường kính 42m, nhỏ hơn Pantheon, chiều cao thì hơn nhiều - 138 m) làm gần như hoàn toàn bằng đá nhưng để đỡ được một mái vòm khổng lồ như thế, các thợ xây phải đặt 3 vòng sắt bên trong lớp đá của mái vòm. Vài chục năm sau khi khánh thành Thánh đường St. Peter, những vết rạn đã xuất hiện xung quanh chân mái vòm.
Đến cuối thế kỷ XVI, các kỹ sư của Vatican phải thêm vài vòng đỡ khác trong một đợt sửa chữa khẩn cấp. May sao, giải pháp này đã giúp mái vòm của tòa Vương cung Thánh đường St. Peter - “Viên kim cương trên vương miện Vatican” - đương đầu được với thời gian.
Đồng hồ mặt trời lớn nhất hành tinh?
Sau gần 2.000 năm, các nhà khoa học vẫn đang cố tìm ra lời giải cho cấu trúc kỳ lạ của ngôi đền La Mã từ thời cổ đại này. Chủ đề của luồng tranh luận cho rằng, liệu đền Pantheon có phải là một chiếc đồng hồ mặt trời hay không? Nếu câu trả lời là đúng thì với kích thước cao 43m, dài 84m và rộng 58m, Pantheon sẽ là chiếc đồng hồ mặt trời lớn nhất hành tinh.
Sở dĩ các chuyên gia nghiên cứu đưa ra luận thuyết đầy hấp dẫn này vì trong các thư tịch cổ có ghi lại: Các tia nắng mặt trời lọt qua “oculus” - mắt ngôi đền (tức lỗ hổng trên đỉnh mái vòm hình bán cầu), soi sáng khung cửa chính đúng vào khoảnh khắc Hoàng đế Hadrian bước vào ngôi đền để làm lễ nhân tháng điểm phân (equinox).
Giulio Magli, một nhà lịch sử chuyên nghiên cứu các kiến trúc cổ thuộc Đại học Bách khoa Milan ở Italy và Robert Hannah, một học giả thuộc Đại học Otago ở New Zealand, còn phát hiện rằng, chính xác vào giữa trưa, trong thời gian xảy ra điểm phân vào tháng 3, một luồng sáng hình trụ chiếu xuyên qua oculus và rọi sáng lối vào uy nghiêm của ngôi đền Pantheon. 2 nhà khoa học đã nghiên cứu về giả thuyết này kể từ năm 2009 và gần đây mới công bố nghiên cứu của họ trên tạp chí học thuật Numen.
Những tính toán chính xác trong quá trình xây dựng Pantheon đã khiến luồng sáng nói trên soi vừa vặn hết mép vòm hình bán nguyệt làm bằng đá ở cửa vào ngôi đền.
Một hình ảnh tương tự cũng xảy ra vào giữa trưa ngày 21-4, thời điểm người La Mã cổ đại tổ chức kỷ niệm ngày thành lập thành phố này. Khi đó các tia sáng mặt trời lọt qua oculus và chiếu sáng cửa vào cũng như khoảng sân có các cột đá hoa cương xám ở bên ngoài. Luồng ánh sáng ngoạn mục này được người La Mã cổ đại coi là “chiếc cầu” đưa hoàng đế của họ lên “vương quốc của các vị thần” - một sự xác nhận quyền lực siêu phàm của hoàng đế khi ông ta bước vào ngôi đền này.
Giáo sư Magli nhận xét: “Người La Mã cổ đại tin rằng quan hệ giữa hoàng đế và thiên đường là chặt chẽ nhất vào thời gian xảy ra điểm phân trong năm”.
![]() |
Mộ vua Umberto I bên trong đền. |
Tương tự các ý kiến này, khi đến thăm ngôi đền, nhà khoa học Robert Hannah thuộc Đại học Otago, Dunelin - New Zealand đã nhận ra rằng, Pantheon không đơn giản chỉ là một ngôi đền. Trong ngày xuân phân và thu phân (vào tháng 3 và tháng 9), ánh sáng mặt trời chiếu qua lỗ hổng sẽ đến đúng chỗ nối giữa tường và mái vòm ở cửa lớn phía bắc ngôi đền. Một căn phòng phía trên cửa ra vào cho phép một phần nhỏ ánh sáng chiếu xuống sân trong của tiền sảnh. Sẽ chỉ có một khoảng thời gian ngắn trong năm nhìn thấy được ánh sáng mặt trời nếu các cửa chính của ngôi đền được đóng lại.
Hannah không cho rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Một bán cầu rỗng với một lỗ hổng trên đỉnh là một kiểu đồng hồ mặt trời dùng để tính thời gian của người La Mã, mặc dù trong trường hợp này, nó được dùng để biểu diễn thời gian của một năm. Khi mái vòm của Pantheon khá nhẵn ở bên ngoài, nó làm thành một bán cầu hoàn hảo ở bên trong. “Đây là một đặc điểm của một thiết kế có tính toán”, Hannah nói. Ông diễn giải: Pantheon nghĩa là “nhà của các vị thần”.
Chính mái vòm của công trình tượng trưng cho vòm trời - nơi các vị thần ngự trị theo tín ngưỡng của người La Mã. Hannah nghĩ rằng, bằng cách đánh dấu các ngày phân điểm, Pantheon sẽ là nơi đưa các vị hoàng đế La Mã lên “vương quốc của các vị thần”.
James Evan-một sử gia kiêm nhà thiên văn học ở Đại học Puget Sound, Washington - phát biểu “Kiến trúc sư của ngôi đền Pantheon chắc hẳn có kiến thức kết nối biểu tượng giữa vũ trụ và Đế quốc La Mã; giữa mặt trời và hoàng đế”. Tuy nhiên, ông không tin giả thuyết này đã được làm sáng tỏ vì không tồn tại các ký hiệu ở Pantheon liên quan đến đồng hồ mặt trời.
“Nó là một phần của nền văn hóa, những người xây dựng Pantheon không cần giải thích về công trình của họ mà chỉ đơn giản muốn lưu lại cho hậu thế một tuyệt tác được tạo nên từ những khối óc tinh hoa”.