Người Eskimo – Những chủ nhân thực sự trên vùng Bắc cực

Thứ Sáu, 22/06/2018, 09:00
Không chỉ một lần trong lịch sử nhân loại, các nhà thám hiểm biết về một sắc dân nào đó qua những bộ tộc sống gần đấy - đôi khi là những thế lực không thân thiện, để ghi lại tên gọi của sắc dân đó, khiến dân tộc ấy phải mang cái tên người ta áp đặt cho mình. Như trường hợp của tộc người Eskimo trên vùng Cực Bắc là một ví dụ điển hình.

Trong thực tế bộ tộc Eskimo không gọi mình là… dân Eskimo. Theo tiếng của thổ dân da đỏ Algonquin ở Bắc Mỹ, từ "Eskimo" có nghĩa là những kẻ ăn cá sống, một thói quen của sắc dân này vốn gây ấn tượng mạnh cho người da đỏ, khắc sâu vào trí nhớ của họ.

Đó là nguyên nhân khiến định nghĩa "Eskimo" không hẳn đúng. Tự họ gọi mình là "Inuit" (Những người thực sự). Ẩn trong nghĩa này không mang nặng đầu óc dân tộc cục bộ nào hết, một đại từ danh xưng mà bất cứ sắc dân nào trên địa cầu cũng đều có thể tự gọi mình - qua những từ có xuất xứ bởi thực thể con người thật "bằng xương bằng thịt".

Kiểu nhà truyền thống của dân Eskimo.

Ngoài ra dân Inuit còn cho rằng, "người thực sự" là người phải sống trong những điều kiện xứng đáng cho sự tồn tại như ven bờ Bắc Băng Dương, hay trong vùng Cực Bắc của quả đất. Những cánh rừng phía nam luôn làm họ lo sợ: với bóng tối quỷ quái, nơi cây cối đan chen che lấp tầm nhìn cùng sự nguy hiểm rình rập từng bước, khác hẳn ngoài bình địa ngút ngàn băng giá. Thật ít người có cách nghĩ như họ, còn các nhà khoa học thì gọi dân Eskimo là những người "sống trong điều kiện thử nghiệm". Người Inuiti đã dùng biết bao trí lực cùng óc sáng tạo thông minh không những chỉ để tồn tại, mà còn tạo ra được một nền văn minh duy nhất trong điều kiện sống cực kỳ gian khó.

Trong tất cả những điều liên quan mật thiết đến cuộc sống như nhà cửa, thức ăn, áo quần, cấu trúc xã hội… đều được họ cân nhắc và thử nghiệm qua nhiều thế kỷ. Nhiều nhà thám hiểm gạo cội thường dày công mô tả tỉ mỉ về những bộ trang phục kỳ lạ bằng da của các sắc dân phương Bắc. Rồi những ngôi nhà "ẩn" trong băng tuyết và những cỗ xe trượt do chó kéo của họ. Người từ nơi khác đến thường mặc những bộ quần áo đặc biệt chuyên dụng dành cho công tác thám hiểm và sống trong những lều bạt tinh xảo - những thứ suýt làm họ thiệt mạng giữa các điều kiện của cực Bắc. 

Giới thám hiểm yên tâm ngủ trong những lều bạt có dây kéo kín đáo và ấm cúng, sáng dậy không thể nào mở ra được sợi dây kéo cực chắc - biểu tượng của nền văn minh tân kỳ. Sợi dây kéo dài và chắc chắn bị băng giá đông cứng tới độ trơ lì, bắt buộc phải dùng dao rạch lều là cách duy nhất để thoát ra được. Các nhà thám hiểm bước ra ngoài trời, nhưng lều thì không dùng được nữa.

Trường hợp nêu trên đã xảy ra với nhà thám hiểm người Đan Mạch nổi tiếng Knud Johan Victor Rasmussen (1879-1933), người được tôn vinh là "cha đẻ" của ngành Eskimo học. K. Rasmussen là người Âu châu đầu tiên học cách làm "nhà - tuyết" như dân bản xứ. Từ đó các nhà thám hiểm sau ông đều áp dụng cách trú ẩn bão tuyết trong những điều kiện tương tự như với người Eskimo - với các ngôi nhà do băng tạo nên. Nhưng bản thân dân Eskimo vẫn thích ngụ trong những căn lều rộng rãi khâu bằng da hươu hơn, cho dù cũ rách. 

Khi nhiệt độ xuống tới âm 50-60 độ C, người Eskimo luôn sống giữa những ngôi nhà Igloo, với diện tích rộng rãi khiến một chiếc máy kéo có thể chui vào lọt. Giới thám hiểm gạo cội vốn biết cá tính thận trọng của dân Eskimo, thường rất đỗi ngạc nhiên bởi lối "trú ẩn" của họ vì quá đơn giản và… buồn cười(!) Nhưng chính K. Rasmussen lại tìm ra điều cốt lõi: cư dân cực Bắc mang "nhà" của mình ngay trên lưng - đó chính là quần áo của họ. K. Rasmussen cân trang phục của mình là 8kg. Sau đó ông cân đồ của người Eskimo - chỉ vỏn vẹn 2,1kg! 

Ai có đi bộ hàng chục cây số giữa điều kiện Cực Bắc mới thấu hiểu sự quá tải của một cân hành lý thừa. Dân Eskimo không chỉ mặc một mà tới 2 bộ quần áo: ngoài và trong, bộ nào cũng được làm bằng da. Bên trong là chiếc sơ mi da dài tay. Bên dưới là cặp quần da. Chân đi tất da xỏ trong ủng da cao tới gần đầu gối. 

Áo khoác và sơ mi không dính sát vào nhau, mà luôn có một khoảng hở nhất định tạo thành "hệ thống điều hòa" tuyệt vời, bảo đảm một thân nhiệt không đổi bất chấp mọi tác động của băng giá bên ngoài. Trong mùa hè họ cởi bỏ bộ ngoài. Mùa hè Cực Bắc đâu có nóng, còn lớp da dày của quần áo trong là thứ phòng tránh muỗi, cũng như mọi loại côn trùng khác một cách tốt nhất.

Vào đầu mùa hè năm 1972, cặp thợ săn đồng thời là 2 anh em Hans Greenwald và Yukon Greenwald, chợt phát hiện ra một ngôi mộ cổ trong làng Kilacisok ở bờ tây đảo Greenland đã bị bỏ hoang từ lâu. Sự hanh khô cùng sự điều hòa không đổi giữa 2 lần phục sức, đã giữ nguyên hình dạng thân thể của một phụ nữ và một đứa trẻ được chôn cách đấy 5 thế kỷ. Những bộ quần áo da đã đóng vai trò chủ yếu trong khám phá gây kinh ngạc này, được nhiều nhà khoa học dày công nghiên cứu trong nhiều năm sau đó. 

Họ đã tìm ra các chứng bệnh mà những người sống ở Greenland thời cổ mắc phải, cũng như các thức ăn mà họ đã dùng. Đứa bé mới được 6 tháng tuổi. Còn kiểu quần áo thời đó hầu như không đổi cho đến tận ngày nay, cho dù đã qua trọn cả 500 năm. 

Khám phá cho thấy tính nhất quán trong nền văn hóa của người Inuit, hiện diện trên các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Cực Bắc. Chính nhờ những bộ trang phục tiện lợi - hữu hiệu đó, mà sắc dân Eskimo vẫn tồn tại được qua mọi khắc nghiệt của khí hậu Bắc cực, được cha ông họ sáng tạo ra từ xa xưa để thích ứng với môi trường sống.

Sắc dân Inuit ngày một ít đi Thổ ngữ Inuit ngày càng mai một, dần lùi bước trước Anh ngữ, thứ tiếng mà cha ông họ chỉ biết ít từ - qua cách gọi phân biệt các loại băng tuyết, theo yêu cầu của các nhóm thám hiểm đông đảo đến từ các vùng đất nói tiếng Anh.

Những người lên được tới điểm tận cùng của vòng cực trái đất, thường cho nơi đây - điểm Cực Bắc địa cầu - là chỗ làm việc nghiên cứu tạm thời chứ không để mà sống được. Không ai trong số họ nghĩ rằng sẽ ở hẳn lại đây, giữa mênh mông băng giá này. Nhưng Cực Bắc đối với dân Inuit lại là "Đất nước của những người thực sự", hay là "Chốn duy nhất xứng đáng sống cho một kiếp người!", như nguyên văn lời một thủ lĩnh bộc tộc Eskimo từng quả quyết.

Quang Long (theo Discover)
.
.