Người dân khắc khoải vì ô nhiễm môi trường khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Thứ Sáu, 26/12/2014, 13:55
Theo kế hoạch, đến năm 2020 nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Tân Phú, TP HCM) với khoảng 70.000 ngôi mộ sẽ "lột xác" thành phức hợp trung tâm thương mại, công viên cây xanh và tháp lưu tro cốt. Để nghĩa địa hỗn tạp, ô nhiễm, lắm tệ nạn được trở thành chốn văn minh mai này, từ năm 2008 thành phố đã có chủ trương ngưng tiếp nhận chôn cất và xúc tiến việc di dời, giải tỏa, bồi thường cho chủ mộ cùng những cư dân sống lâu năm tại đây.

Nhưng điều đáng buồn là đến nay mọi chuyện ở Bình Hưng Hòa hết sức ngổn ngang. Hộ dân sống lâu năm mòn mỏi trông đợi chính sách di dời - an cư thỏa đáng của Nhà nước để ổn định cuộc sống, người có mộ phần thân nhân thì khắc khoải chẳng biết lúc nào mả mồ người thân bị giải tỏa cũng như chính sách bồi thường ra sao.

Tất cả những điều ngổn ngang ấy đã khiến Bình Hưng Hòa đến nay vẫn là nghĩa trang nằm giữa lòng thành phố. Nguy hiểm nhất là nơi đây sặc mùi tệ nạn như nạn mại dâm, ma túy, trộm cắp và đặc biệt là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước...

Đất hứa của cánh con nghiện

Hàng trăm hộ dân sống trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa có 1.001 chuyện để nói về nạn con nghiện phê thuốc. Ông Quý, 54 tuổi, hộ dân sống trên đường Bình Long (con đường nằm dọc mặt ngoài nghĩa trang) tặc lưỡi cho biết so với thời điểm năm 2000 thì nạn con nghiện nay đã vơi vắng nhiều, nhất là khi thành phố thực hiện chủ trương 3 giảm: mại dâm, ma túy, tội phạm hình sự. Nhưng giờ thì...!

Con nghiện lởn vởn bên trong nghĩa trang.

Tôi biết ông Quý khi thực hiện loạt bài về những con người vì nhiều hoàn cảnh phải bám nghĩa trang Bình Hưng Hòa, làm chốn an cư và sinh nhai. Bận ấy ông Quý đã tận tình đưa chúng tôi đến nghĩa trang Phật học nằm sát lò thiêu Bình Hưng Hòa gặp vợ chồng ông Hai Sến, sống ở nghĩa địa này từ trước năm 1975. Ông Sến nay đã mất, vợ ông, bà Hai cũng mất cách đây 2 năm. Những gì tôi nhớ về ông Hai là ông già bị tai biến nhẹ với cánh tay phải co rút, ngồi chồm hổm bên đống kim tiêm nặng hơn 1kg được ông nhặt nhạnh tại những mả mồ trong khuôn viên nghĩa trang mà đám con nghiện sau khi sử dụng vứt bỏ lại. Còn nhớ bận ấy, ông Sến đã dành hơn 3 giờ đồng hồ nói thao thao bất tuyệt chuyện về đám con nghiện mê độp thuốc cũng như chuyện vợ chồng ông cùng nhiều cư dân phải lấy nghĩa địa làm nhà bị chúng không ít lần khoắng sạch đồ bằng cách dí dao xin đểu...

Rời đường Bình Long, đi sâu vào các khu dân cư nằm trong lòng nghĩa trang Bình Hưng Hòa, gặp nhiều cư dân có thâm niên sống ở đây trên 20 năm, dù câu chuyện con nghiện hoành hành với họ không còn, ghê gớm như những năm trước nhưng nỗi e ngại, sợ sệt thì vẫn còn đó: "Khi các chính sách, giữ tụi nó không còn hiệu lực nên phải thả ra, được tháo cũi sổ lồng tụi nó tràn về nghĩa địa đông đến khiếp. Chuyện đó xảy ra cũng gần 1 năm qua, bây giờ thấy công an ra quân thu gom cũng bộn".

Tiếp lời bà V. (56 tuổi), ông K. ở gần nghĩa trang Đa Minh nói, đặc sản ở Bình Hưng Hòa là... con nghiện. Dân bản địa cho biết ở đây, con nghiện các kiểu không có chuyện trấn lột cướp của, chúng chỉ tụ về đây để dễ bề hút chích, ẩn náu và trộm cắp. Có không ít hộ dân bộc bạch chuyện nhà cửa của họ bị trộm năm lần bảy lượt dọn sạch. Sáng 12-12, khi chúng tôi đến hỏi thăm chuyện có hay không phản ánh của người dân rằng các con nghiện bị truy quét đổ về Bình Hưng Hòa, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Công an phường cho biết, thời điểm này phường tạm ngưng chiến dịch thu gom vì các cơ sở tiếp nhận người nghiện hiện quá tải: "Hôm qua chúng tôi phát hiện 2 đối tượng là người địa phương nên lập biên bản hành chính thôi" - Thiếu tá Tuấn cho biết.

"Ô nhiễm cùng cực - bà con... đói nước sạch!"

Trò chuyện với nhiều cư dân sống lâu năm, ổn định, nhà được cấp giấy tờ hợp pháp quanh khu vực Bình Hưng Hòa, chúng tôi mới rõ cùng với nỗi lo trộm cắp hoành hành, họ còn nỗi lo khác về chất lượng nguồn nước sử dụng. Tiếng là dân thành phố, sống cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 20 phút chạy xe máy, vậy nhưng đến nay, tính từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng đã gần 40 năm, với nhiều hộ dân Bình Hưng Hòa, nước sạch vẫn là khái niệm xa xỉ.

Nhiều hộ dân phải dùng nước bơm ở nghĩa trang.

"Tôi phải dùng nước giếng thôi. Giếng nhà tôi sâu đến 80m" - bà Đỗ Thị Nở, ở địa chỉ 12/40A, khu phố 19, bộc bạch. Theo bà Nở, vì gia cảnh khó khăn nên hơn 20 năm trước,bà mua đất nghĩa trang làm nhà: "Đất tôi mua giá 10 triệu đồng nhưng để khoan được giếng nước tôi phải trả đến gần 2 triệu đồng, thời đó một chỉ vàng khoảng 500.000 đồng. Ở đây chỉ cần khoan ngoài 20m đã có nước rồi nhưng muốn được dùng nước gọi là sạch, tôi phải nhờ người ta khoan sâu gần gấp 4 lần".

"Địa phương có biết chuyện bà con dùng nước khoan từ lòng nghĩa trang không, thưa cô?", tôi hỏi.

"Biết chứ, phường rất quan tâm. Gần 2 năm trước, phường phát động chủ trương, kêu gọi người dân đăng ký bắc nước thủy cục đợt một. Đến lượt hộ dân vùng lõi như tôi đăng ký thì phía công ty cấp nước cho ngưng. Lý do nghe đâu là họ nói bị lỗ gì đó. Giờ thì họ cho nộp đăng ký lại. Tuần trước tôi nộp hồ sơ rồi. Nộp cho ông tổ trưởng là Nguyễn Văn Lượm. Nộp thì nộp thôi chứ chưa biết đến khi nào được dùng nước thủy cục".

Không phải ai cũng có điều kiện đóng giếng sâu gần trăm mét như bà Nở. Thực tế cho thấy có nhiều gia đình phải dùng nước giếng khoan sâu chỉ vài mươi mét, có người khoan chưa đến 30m. Dùng nước như thế, người dân chợn thì có chợn nhưng cũng phải dùng:  "Chủ yếu dùng để tắm giặt thôi. Còn nấu ăn với uống thì cứ nước bình mà làm tới"- bà Th., trông coi trong  trong  khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa, cho biết.

Ông Lê Văn Hải, ở khu phố 5, ông từ trông coi đình Bình Khánh nằm giữa lòng rừng mộ chí Bình Hưng Hòa cũng có cùng nỗi niềm ấy như bà Nở. Ông Hải là thương binh 2/4, tại  chiến trường Campuchia từ năm 1978 khi đụng độ với Khmer đỏ, sống ở nghĩa địa Bình Hưng Hòa cũng trên 30 năm. Nói chuyện dùng nước sạch, ông Hải trầm giọng bảo có vô số chuyện gắn với nạn nguồn nước ở Bình Hưng Hòa. Ông Hải kể không ít người đi tảo mộ nghe chuyện người dân ở đây sử dụng nguồn nước khoan trong nghĩa trang đã hỏi tới chuyện có hay không việc nguồn nước nhiễm mỡ người: "Chuyện ấy thì chỉ có Viện Pasteur mới biết" - ông Hải tặc lưỡi bảo.

Bao giờ, Bình Hưng Hòa... "lột xác"?

Có quy mô gần 45ha với khoảng 70.000 ngôi mộ, nên hình hài từ trước năm 1975, theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu để thu hồi 12ha đất, thành phố sẽ di dời lò thiêu cùng 18.000 ngôi mộ (10ha nằm trên đường Tân Kỳ - Tân Quý và hương lộ 3 thuộc địa phận phường Bình Hưng Hòa, 2ha còn lại nằm trên đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A). Số mộ phần còn lại sẽ được di dời tiếp sau đó, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành... nhưng ngay tại thời điểm này, được biết có chưa đến 3.000 ngôi mộ được cất bốc và chi trả bồi thường. Tiến độ chậm chạp này theo những người trong cuộc cho biết là do… đói vốn.

Dự án nghĩa trang bị "treo" khiến nhiều cuộc đời bị mắc kẹt chẳng biết đến bao giờ mới thoát được.

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được thì dự kiến tổng kinh phí để di dời toàn bộ nghĩa trang Bình Hưng Hòa chưa bao gồm chi phí xây dựng tháp lưu tro cốt, khoảng 2.000 tỉ đồng. Nhưng vì đói vốn nên đến nay việc di dời giải tỏa Bình Hưng Hòa như đã nói vẫn là con số không to tướng. Và, vì nghĩa trang bị quy hoạch "treo" nên khiến biết bao phận người sống trong nó mắc kẹt: "Mắc kẹt nghĩa là muốn thoát nhưng thoát không được. Các chú cứ thử tưởng tượng đi,  sống giữa hàng chục ngàn mả mồ vầy, lại sống với con nghiện, với lò thiêu, với đủ thứ quẳng xả rác thải... thì nó khiếp như thế nào?”.

Bà Vân, 48 tuổi, sống gần khu vực nghĩa trang Đa Minh - một nghĩa trang nhỏ hợp thành "phức hợp" Bình Hưng Hòa, nhấn giọng ở cụm từ "rác thải" với cái rùng mình. Tâm sự của người phụ nữ có thâm niên hơn 30 năm sống với người cõi âm gợi cho chúng tôi nhớ những quang cảnh hôi thối, rác rưởi ngập ngụa đến khủng khiếp lúc chạy trên con đường Bình Long, vắt qua rừng mả mồ. Phía dưới các tấm bảng "cấm xả thải rác" là những núi rác bốc mùi tanh tưởi. Chúng tôi đếm có gần chục điểm như vậy: "Những cái các chú thấy chỉ là bề ngoài thôi. Có những thứ mắt thường chẳng thể nào thấy được. Ví như các mùi hôi thối nó lan tỏa trong không khí làm sao chú thấy? Hay như mưa xuống, bao nhiêu chất độc thấm vào đất, thấm vào mạch nước ngầm rồi nó rò rỉ xuống các giếng nước ăn làm sao các chú thấy?".

Mắc kẹt ở Bình Hưng Hòa theo như tâm tình của nhiều cư dân sở tại còn là "mắc kẹt" với nạn ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai và cả ô nhiễm môi trường sống vì nạn con nghiện, nạn trộm cắp rình rập: "Nói thật tui có mấy chục năm sống ở  đây nên quen rồi, dẫu có sống cả đời, sống đến chết như vợ chồng ông Hai Sến cũng chẳng sao. Ngặt nỗi từ khi thành phố có chủ trương ngưng chôn cất và di dời giải tỏa nghĩa trang, gia đình tôi cũng như biết bao gia đình khác cứ luôn sống cảnh phấp phổng âu lo. Chỉ biết mình sớm muộn sẽ bị "bứng" đi, nhưng đi đâu, về đâu, được bồi thường ra sao, bồi thường những gì... thì chẳng biết gì. Sống trong cái cảnh mù mờ như thế, khổ sở lắm, lúc nào cũng nơm nớp âu lo, oải!".

Di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa là điều cần thiết, nhưng có ai biết được phía sau cái nghĩa trang lắm điều tiếng này có rất nhiều phận người quanh năm suốt tháng, chỉ biết sống nhờ người chết với các "nghề" bốc mộ, trông mộ, xây mộ, bán nhang đèn, hoa trái... cho khách viếng mộ... Mang ưu tư, trăn trở, băn khoăn, lo lắng của nhiều cư dân nghĩa địa đến ban quản lý nghĩa địa Bình Hưng Hòa, gặp ông đội trưởng Huỳnh Văn Hoàng và cán bộ phụ trách môi trường ở UBND phường Bình Hưng Hòa A hỏi chuyện, chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời "không biết, không rõ" của những cán bộ địa phương này. Cả thảy anh em chỉ trả lời rằng nghĩa trang cấm cửa việc chôn cất từ lâu, có chủ trương di dời giải tỏa từ lâu nhưng có chắc đến năm 2020 nghĩa trang sẽ lột xác thì... chẳng thể nào nói trước được.

Bình Hưng Hòa càng về chiều càng ảm đạm. Từ nghĩa trang Phật học cạnh lò thiêu hướng về phía nghĩa trang Văn Điển trước mặt, chúng tôi thấy những cơn gió phóng đãng quét qua rừng mả mồ hiu quạnh, cuốn thốc đất cát, rác thải mịt mù. Gió quét qua từng gương mặt cư dân nghĩa trang, những người sống lâu năm ở đây, những người vì kế sinh nhai phải sống cùng hồn ma bóng quế... làm hằn rõ những âu lo, cám cảnh trong họ. Chiều tà, chúng tôi rời Bình Hưng Hòa với tâm trạng ngổn ngang. Với cái đà này, chẳng biết đến bao giờ điểm nóng Bình Hưng Hòa mới thực sự lột xác trở thành công viên văn hóa và trung tâm thương mại. Và chẳng biết đến bao giờ khát vọng an cư lạc nghiệp của những hộ dân sống lâu năm tại nghĩa địa điểm nóng này được trở thành hiện thực?

Phía trước còn đó chặng đường dài.

Xuân – Thành
.
.