Người đưa Việt Nam vào danh sách 4 nước chế tạo được máy plasma lạnh ứng dụng trong y học
Điều khiến ông sung sướng đến bàng hoàng là chỉ ít ngày sau, vết loét se dần rồi thuyên giảm rõ rệt. Cũng nhờ được chiếu tia plasma lạnh, những cơn đau do virus zona thần kinh của bà Trần Thị Nga (Hà Nội) đã chấm dứt một cách kỳ diệu...
Đó chỉ là 2 ví dụ điển hình trong số hơn 1.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh bằng tia plasma mà không cần dùng thuốc kháng sinh - kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học của TS. Đỗ Hoàng Tùng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh trong y học.
Nhà khoa học trẻ dám dấn thân
Đam mê khoa học từ khi còn nhỏ, với thành tích đồng đều trong học tập, lại giỏi ngoại ngữ, Đỗ Hoàng Tùng - chàng trai xứ Thanh - đã lọt “mắt xanh” của GS.TSKH. Nguyễn Ái Việt - Viện trưởng Viện Vật lý khi đó - một nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam, để ngay khi tốt nghiệp đại học năm 2001, Tùng đã có niềm vinh dự không phải sinh viên nào cũng có: được đích thân GS. Nguyễn Ái Việt mời về Viện Vật lý công tác.
Vốn là nhà khoa học thông thái, đầy tâm huyết, GS. Nguyễn Ái Việt sớm nhìn thấy ở Đỗ Hoàng Tùng phẩm chất của một nhà khoa học đầy tiềm năng trong tương lai. Cũng là người có tầm nhìn xa nên GS. Ái Việt nhận thấy xu hướng phát triển của ngành vật lý plasma và tiềm năng ứng dụng của ngành này nên đã gợi ý cho Tùng tập trung nghiên cứu plasma từ khi đó - dù đã rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn hoàn toàn xa lạ với Việt Nam.
Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng. |
Lý do thầy Ái Việt định hướng cho Tùng hoàn toàn đúng đắn: plasma có thể ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, nên có cơ hội phát triển, nhưng ở Việt Nam vẫn còn trắng. Vả lại chính sự mới mẻ càng đòi hỏi phải có một người không chỉ giỏi, đam mê khoa học mà còn phải dám dấn thân.
Năm 2002, Đỗ Hoàng Tùng sang Đức - trung tâm hàng đầu về công nghệ plasma trên thế giới, bắt đầu thực tập về plasma, rồi làm nghiên cứu sinh về plasma tại Greifswald - một thành phố nhỏ yên bình ở đông bắc nước Đức nhưng có tới 3 viện nghiên cứu chuyên về plasma. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, Tùng tập trung nghiên cứu về plasma chế tạo vật liệu nano.
Với khát vọng cháy bỏng là “mang công nghệ hiện đại nhất của thế giới về Việt Nam, anh miệt mài chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay sau khi về Việt Nam là có thể bắt tay ngay vào nghiên cứu và phát triển. Mang theo những kiến thức cơ bản về plasma, TS. Đỗ Hoàng Tùng trở thành người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu sâu về plasma.
Ngay khi trở lại Viện Vật lý, TS. Tùng lập tức bắt đầu tìm cách chế tạo nguồn plasma jet riêng cho Việt Nam bằng việc nghiên cứu plasma hồ quang trượt ở áp suất khí quyển. “Theo xu hướng hiện nay, các thiết bị plasma áp suất khí quyển có chi phí hợp lý hơn đang thay thế dần các thiết bị plasma áp suất thấp. Đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với xu hướng phát triển của thế giới. Đặc biệt, xu hướng nghiên cứu y học plasma, một ngành khoa học liên ngành (vật lý-sinh học-y học) có khả năng ứng dụng rất lớn, nhưng không đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền đã mở một cánh cửa để ngành vật lý plasma ở Việt Nam có thể song hành cùng vật lý plasma thế giới” - TS. Tùng chia sẻ.
Nhưng vì công nghệ này hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam nên việc nghiên cứu gặp vô vàn khó khăn, từ kinh phí đến thiết bị. Vì thế, Tùng phải lên mạng, tìm kiếm qua Internet rồi ra chợ trời lần tìm từng sợi dây, từng con ốc, để mày mò tự chế tạo. Bao nhiêu tiền dành dụm được trong gần 10 năm ở nước ngoài, Tùng dồn hết cho việc nghiên cứu. Có thể nói rằng anh dành trọn tâm huyết, tình cảm và thời gian cho công trình nghiên cứu mà anh đã ấp ủ suốt hơn 10 năm học tập và làm việc ở nước ngoài.
Không phụ niềm đam mê của nhà khoa học trẻ, năm 2015, máy plasma lạnh ra đời - một sản phẩm made in Vietnam mang đẳng cấp thế giới với tính an toàn, hiệu quả cao trong tiệt trùng và kích thích tái tạo mô, có thể được ứng dụng trong điều trị vết thương, da liễu và thẩm mỹ.
TS. Đỗ Hoàng Tùng cho biết, plasma chứa nhiều thành phần có khả năng diệt khuẩn như ion, gốc tự do, hoạt chất chứa oxy và nitơ, tia cực tím v.v... nên khi tác động tổng hợp có khả năng diệt khuẩn mạnh, chỉ trong vòng 5-10 giây, đồng thời, giảm đau, giảm ngứa, giảm phù nề; kích thích và tăng tốc làm lành vết thương nên có thể giảm hoặc không cần dùng kháng sinh mà thời gian điều trị rút ngắn.
Đặc biệt, việc ứng dụng cho thấy, plasma có khả năng diệt cả các loại khuẩn đã kháng thuốc kháng sinh một cách dễ dàng. Plasma còn diệt được cả màng sinh học mà thuốc kháng sinh không diệt được, đồng thời, kích thích tế bào phát triển nhanh để chóng mọc da non. Đặc biệt là không có tác dụng phụ và biến chứng.
Sau khi được kiểm nghiệm tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế. máy PlasmaMed đã được làm thử nghiệm vi sinh đánh giá khả năng diệt khuẩn tại Khoa Y dược - Đại học Quốc gia, thử nghiệm tiền lâm sàng tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác và thử nghiệm lâm sàng tại 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Tháng 6-2016, Bộ Y tế đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành cho máy plasma của Tùng, đưa Việt Nam vào danh sách 4 quốc gia đầu tiên chế tạo thành công máy phát tia plasma lạnh ứng dụng trong y học. Điều đáng nói là máy phát tia plasma của Việt Nam chỉ có giá bằng một phần so với nhập khẩu.
Biến khát vọng thành hiện thực
Chế tạo được thiết bị plasma rồi, TS. Tùng lại vướng phải khó khăn lớn trong việc thử nghiệm vì phải được tiến hành ở bệnh nhân. Nhưng thuyết phục để các bệnh viện sử dụng plasma vào điều trị là không hề đơn giản.
“Mặc dù về nguyên lý thì rất rõ ràng, nhất là plasma đã là ngành khoa học riêng, nhưng không phải ai cũng có thể tin rằng chỉ chiếu những tia plasma vào vết thương mà khỏi được” - TS. Nguyễn Thế Anh, một người trong nhóm nghiên cứu của TS. Tùng chia sẻ.
Phải sau nhiều lần thuyết phục, việc ứng dụng mới được đồng ý thử nghiệm ở 3 Bệnh viện lớn là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM và Bệnh viện Trung ương Huế. Kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng đều cho thấy điều trị các vết thương hở nhiễm khuẩn, vết loét mạn tính khó liền bằng công nghệ plasma lạnh khỏi nhanh hơn cách chữa truyền thống, an toàn và hiệu quả.
Khó có thể nói hết được niềm hạnh phúc của TS. Tùng và các cộng sự, nhất là khi kết quả khả quan từ việc điều trị plasma diệt khuẩn cho phép phương pháp này tiếp tục được triển khai ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nội tiết.
Bệnh vết loét bàn chân của người bị bệnh tiểu đường là một vấn đề rất nan giải vì có khi vết loét bị nhiều năm không liền, có thể còn phải cắt cụt tứ chi. Vì thế, ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương phải có một Khoa Chăm sóc bàn chân. Nhưng bằng công nghệ plasma, nhiều người bệnh đã giã từ được những vết loét hành hạ nhiều năm một cách ngoạn mục chỉ sau vài tuần điều trị bằng tia plasma.
Điều trị cho bệnh nhân bằng tia plasma. |
Càng ngày, plasma do TS. Tùng chế tạo càng được sử dụng trong điều trị rộng rãi hơn ở các bệnh viện. Từ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau mổ sản, áp-xe vú ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương đến các bệnh nhân lớn tuổi bị loét do dinh dưỡng kém, lại nằm lâu ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương, đều được chữa khỏi. Các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cũng đều thành công khi điều trị mụn cho bệnh nhân hoặc hỗ trợ sau điều trị lazer v.v...
Cho đến nay, đã có trên 1.000 bệnh nhân được chữa trị bằng tia plasma cho các ổ loét bệnh da liễu, loét biến chứng tiểu đường, loét do thiểu dưỡng, loét mỏm cụt chi, loét do tì đè nằm lâu...
GS.TS. Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, việc sử dụng plasma trong điều trị nhiễm khuẩn sau mổ đã kích thích tổ chức hạt phát triển, giúp cho vết thương mau liền, nâng cao chất lượng điều trị. Đặc biệt, phương pháp này đã giúp cho đỡ phải điều trị bằng kháng sinh nên hạn chế được việc kháng thuốc kháng sinh về sau.
Điều đáng nói là điều trị bằng plasma rẻ hơn nhiều lần so với các phương pháp khác, phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là người bệnh nghèo. Hiện một phút điều trị chỉ 30-40 ngàn đồng, mỗi lần điều trị là 3-5 phút, một liệu trình điều trị bình quân 4 lần. Như vậy, một liệu trình điều trị chỉ hết 500-600 ngàn đồng. Trong khi với những vết thương khó như loét chân do đái tháo đường, nếu sử dụng thuốc đặc trị phải mất 20 triệu đồng/mũi, một liệu trình 4-5 mũi.
Còn nếu phải ra nước ngoài điều trị thì một liều trình điều trị plasma mất khoảng vài chục ngàn USD, chưa kể chi phí ăn ở của bệnh nhân và người theo phục vụ. Do đó, giá điều trị plasma ở Việt Nam thực sự là một giấc mơ thành hiện thực với người bệnh nghèo.
Là người song hành cùng nhóm nghiên cứu khoa học, GS.TS. Lê Hồng Khiêm - Viện trưởng Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Thực tế có nhiều vết thương không thể điều trị khỏi bằng kháng sinh, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn điều trị bằng plasma là đã phục hồi. Hiện plasma đang được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực của khoa học công nghệ và đời sống. Trong thế kỷ 21 này, người ta đánh giá rằng plasma sẽ có mặt ở khắp mọi nơi.
Mở cánh cửa cho ứng dụng plasma ở Việt Nam
Plasma của TS. Tùng chế tạo được đánh giá có nhiều thế mạnh vượt trội, khi mang cả tính chất của plasma cân bằng và plasma phi cân bằng, nên có ưu điểm của cả 2 loại này, là chuyển hóa hóa học cao, đồng thời chọn lọc tốt hơn cho cơ thể, khi chỉ diệt khuẩn và virus mà không diệt tế bào lành của người. Do đó kích thích liền vết thương tốt hơn. Đây là bước tiến so với plasma của Đức chỉ có tính chọn lọc, mà tính chuyển hóa không cao.
Bên cạnh đó, plasma của Việt Nam to gấp 25 lần của Đức, giúp cho việc thao tác nhanh, tốc độ xử lý vết thương, diệt khuẩn cũng nhanh hơn. TS. Tùng cho biết, ở vết thương bỏng chỉ sau 2 lần dùng tia plasma là đã lên da non. Máy plasma của Công ty Adtec, Nhật Bản, cũng có plasma rộng nhưng chỉ sử dụng với vết thương phẳng, còn không thể làm được vết thương gồ ghề.
Không chỉ giá thành rẻ hơn của nước ngoài, do sản xuất tại Việt Nam nên việc bảo hành, bảo trì máy móc thuận lợi hơn nhiều. Trong bối cảnh thiết bị plasma của châu Âu chưa vào được Việt Nam thì máy plasma của TS. Đỗ Hoàng Tùng thực sự là một cứu cánh.
Việc sáng chế thành công thiết bị plasma ứng dụng trong y sinh đã giải quyết được hàng loạt vấn đề. Trước hết, công nghệ này đánh dấu một bước tiến mới trong điều trị vết thương ở Việt Nam, giúp người bệnh không phải chịu đau do bệnh tật, mà việc điều trị cũng nhẹ nhàng, giá lại khá rẻ, tương lai có thể được bảo hiểm y tế chi trả. Phương pháp này còn đưa ra lời giải về khả năng diệt vi sinh vật thay thế cho kháng sinh, góp phần quan trọng vào việc phòng chống kháng thuốc kháng sinh - một vấn đề lớn của y học thế giới lẫn Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, điều rất quan trọng là công trình khoa học này thực sự mở ra một cánh cửa rộng lớn để plasma tiếp tục ứng dụng vào nhiều lĩnh vực ở nước ta như thiết bị chiếu sáng, chế tạo chip điện tử, công nghiệp sơn, dệt, giấy, kính... Nó cũng chứng tỏ trình độ, tài năng của các nhà khoa học Việt Nam không hề thua kém thế giới - cơ sở để các nhà quản lý, hoạch định chính sách có thể đưa ra những quyết sách phù hợp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học hoạt động và nghiên cứu.
Với những kết quả có được, công trình khoa học của TS. Đỗ Hoàng Tùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế. Thiết bị plasma còn mang lại cho nhà khoa học trẻ Giải thưởng Vifotech 2016 và lọt vào danh sách 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu về khoa học - công nghệ của năm 2016.
Nhưng, niềm đam mê với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực plasma của TS. Đỗ Hoàng Tùng vẫn đầy ắp. Anh cho biết hiện đang tiếp tục nghiên cứu phát triển plasma theo hướng chuyên biệt như nhỏ hơn, gấp khúc, để có thể điều trị trong nha khoa, sản khoa, bên cạnh các tia rộng để điều trị bỏng. Hiện anh đã chế tạo được plasma có hình dạng đặc biệt và đã được Bệnh viện Đa khoa Hà Đông ứng dụng thành công trong điều trị viêm nội tuyến.
TS. Đỗ Hoàng Tùng còn cho biết, anh cũng đang mơ ước plasma “hóa” nước, để mở rộng phạm vi điều trị cho nhiều loại bệnh hơn.