Người lên kế hoạch cứu nhân loại khỏi "mùa đông hạt nhân"

Thứ Tư, 31/07/2019, 16:33
Đó là trợ lý giáo sư kỹ thuật cơ khí David Denkenberger tại Đại học Alaska Fairbanks, Mỹ. Ông cho rằng nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, cây cối, mùa màng sẽ ngừng phát triển và vì thế con người cần kế hoạch dự phòng để tránh chết đói.

Giai đoạn sau chiến tranh hạt nhân được gọi là mùa đông hạt nhân. Đây là giai đoạn mà Trái Đất có thể sẽ chìm trong bóng tối và lạnh lẽo do các tầng khói bụi mà vụ nổ hạt nhân gây ra sẽ ngăn tia nắng chiếu tới mặt đất.

Cách đây 70.000 năm, con người đã trải qua một sự kiện khiến loài người suýt tuyệt chủng. Núi lửa Toba ở Indonesia đã phun trào dữ dội, bắn ra lớp tro bụi dày bao phủ phần lớn thế giới và che ánh Mặt Trời trong vòng 6 năm. Mùa màng trên thế giới đều chết lụi. Theo ước tính, chỉ vài nghìn người sống sót. Một số nhà nghiên cứu thậm chí cho rằng chỉ còn 40 cặp nam nữ có thể sinh con khi đó.

Ông David Denkenberger.

Khả năng một sự kiện tương tự xảy ra lần nữa khiến ông David Denkenberger trăn trở hàng đêm. Suy nghĩ nhiều về các kịch bản tận thế đã khiến ông vạch ra một dự án nghe có vẻ viển vông. Ông tìm cách đảm bảo không ai chết đói sau khi xảy ra những thảm họa thiên nhiên như núi lửa Toba phun trào hay một thảm họa do con người gây ra như mùa đông hạt nhân.

Đây là một vấn đề thực sự mà ít người suy nghĩ tới. Thế giới không có đủ lương thực dự trữ trong trường hợp xảy ra thảm họa quy mô lớn. Tất nhiên, những thảm họa này khá hiếm. Toba mới là một trường hợp như vậy. Một trường hợp khác là thiên thạch đâm vào Trái Đất khiến khủng long tuyệt chủng. Khả năng dễ xảy ra nhất là mùa đông hạt nhân nếu con người kích hoạt chiến tranh hạt nhân.

Dù cả ba trường hợp đều khó có thể xảy ra nhưng nếu chẳng may có xảy ra thì sẽ gây thảm họa. Ông Denkenberger cho rằng nếu con người bắt đầu hành động ngay bây giờ thì có thể khiến các thảm họa này bớt kinh hoàng hơn. Ông đã thành lập một tổ chức mang tên Alliance to Feed the Earth in Disasters (ALLFED), nghĩa là Liên minh nuôi sống Trái Đất trong thảm họa.

Ông Denkenberger nảy ra ý tưởng này năm 2011 khi đọc một bài báo tên là "Nấm và sự bền vững". Bài báo kết luận nếu con người tự đưa mình tới bờ tuyệt chủng, nấm sẽ lại một lần nữa thống trị thế giới. Ông Denkenberger nhớ lại: "Tôi nghĩ tại sao chúng ta không ăn nấm để tránh tuyệt chủng?".

Từ lâu, chỉ một số cá nhân và tổ chức quan tâm tới kỹ năng sinh tồn mới nghĩ về những thảm họa diệt vong loài người. Có ít lý do học thuật để nghiên cứu những thứ có thể quét sạch loài người và cách ngăn chặn các thảm họa hay sống sót qua các thảm họa này. Một nhà nghiên cứu về rủi ro tồn vong đã viết năm 2018: "Có nhiều nghiên cứu học thuật về loài bọ phân hơn là số phận của người Tinh khôn".

Tuy nhiên, thực trạng đó đang dần thay đổi, dù chậm chạp. Số phận của văn minh loài người là một chủ đề nghiên cứu và tìm hiểu khoa học. Nếu chẳng may con người trải qua một thảm họa như vậy, những chủ đề nghiên cứu này có thể rất cần thiết.

ALLFED là một tổ chức phi lợi nhuận gồm 8 thành viên. Họ có một tuyên bố sứ mệnh đơn giản: giúp tăng cường khả năng sẵn sàng cho các chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, tập đoàn và cơ quan quốc tế trong nuôi sống mọi người trên thế giới sau một thảm họa. Tổ chức này tập trung vào cả nghiên cứu và truyền thông: tìm cách sản xuất lương thực mà không cần Mặt Trời và tuyên truyền thông tin để giúp nhân loại trong trường hợp thảm họa.

Khi ông Denkenberger lần đầu tiên nghiên cứu về sự tồn vong của loài người sau thảm họa, điều ông phát hiện ra không khả quan. Đa số nghiên cứu hiện có mặc định rằng hàng tỷ người sẽ chết. Tuy nhiên, ông Denkenberger lý luận rằng công nghệ đã tiến bộ tới mức không có lý do gì lại bi quan như vậy. Nấm hóa ra không phải là giải pháp vì nó quá đắt và lớn chậm. Côn trùng phát triển nhanh, có thể ăn những thứ con người không ăn được và con người lại ăn được côn trùng.

Lựa chọn khác là tảo biển và tảo. Hai loài này có thể mọc tốt mà không cần nhiều ánh sáng. Khi không có ánh nắng Mặt Trời, trái đất sẽ lạnh, khiến các dòng chảy trên đại dương thay đổi hướng. Đại dương giàu dinh dưỡng hơn để phát triển các loại cần ít ánh sáng.

Có các vi khuẩn biến các sản phẩm sinh học như lá cây, cỏ thành đường và protein để con người có thể ăn. Loại vi khuẩn đó sống bằng mê tan sinh ra từ khí đốt thiên nhiên. Các công ty nghiên cứu vi khuẩn này gọi đó là "protein một tế bào duy nhất".

Trong cuốn sách "Feeding Everyone No Matter What (Nuôi sống tất cả cho dù chuyện gì xảy ra), ông Denkenberger và đồng tác giả Joshua M. Pearceexplore đều đề cập tới những lựa chọn này. Dù các loại thức ăn này có vẻ không ngon miệng nhưng điều quan trọng là chúng khả thi.

Tuy nhiên, đây không phải là những thứ mà người ta có thể tự làm ở nhà. Ngày nay, sản xuất lương thực hiệu quả hơn nhiều nhờ được tập trung hóa trong các nhà máy và điều đó vẫn sẽ đúng trong trường hợp xảy ra thảm họa. Vì thế, ALLFED tìm cách chuyển đổi các nhà máy hóa học để sản xuất lương thực với quy mô lớn hơn nhiều so với các gia đình và cá nhân tự làm. Dù một số ý tưởng có thể thực hiện với quy mô nhỏ ở gia đình nhưng đó chỉ là kế hoạch dự phòng nếu chúng ta không thể sản xuất quy mô lớn tại nhà máy.

Nếu cả thế giới đủ ăn, con người sẽ có thể gián tiếp góp phần ngăn chặn các thảm họa tốt hơn. Trong hoàn cảnh có đủ lương thực, sẽ có ít khủng hoảng, xung đột hơn là trong trường hợp thiếu lương thực.

Trong những người hợp như xảy ra hạn hán kéo dài khiến sản lượng lương thực giảm 10% theo tính toán của ông Denkenberger, khi đó, thế giới vẫn đủ thức ăn cho tất cả mọi người, nhưng giá thực phẩm sẽ tăng và hàng trăm nghìn người sẽ chết đói. Kế hoạch dự phòng của ông Denkenberger cũng hữu ích trong các tình huống này.

ALLFED chỉ là một tổ chức tương đối mới mẻ nên hiện tại, họ mới tìm hiểu các mục tiêu dễ đạt nhất để nghiên cứu khả năng nuôi sống thế giới trong thảm họa. Ví dụ như khả năng dùng lò phản ứng sinh học tạo ethanol để biến nhiên liệu sinh học thành đường mà con người có thể ăn.

Cuối cùng, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao không nỗ lực ngăn chặn những thảm họa này thay vì tìm cách sống sót sau thảm họa? Câu trả lời là chúng ta vẫn nên tập trung nỗ lực ngăn chặn thảm họa nhưng cũng đáng để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, đó là khi không thể tránh khỏi thảm họa.

Nhật Minh
.
.