Người phá bỏ hàng rào giới tính trong nghiên cứu khoa học

Thứ Tư, 03/01/2018, 21:11
Khi Kono Yasui nhận tấm bằng Tiến sĩ vào năm 1927 tại Đại học hoàng gia Tokyo (TIU), bà nhớ lại: "Vây quanh tôi khi đó là nhiều bạn bè chúc mừng tôi, không gì có thể cản trở tôi, chỉ đơn giản tôi phấn đấu đi theo con đường mình đã chọn".

Ở tuổi 47, bà Yasui đã trở thành người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên giành được học vị Tiến sĩ về khoa học.

Việc giáo dục trẻ gái và phụ nữ ở Nhật Bản từng khá bất công: các nữ sinh học khác trường so với nam sinh, và việc học hành của họ chủ yếu là để tạo ra ryôsai kenbo: vợ ngoan, mẹ hiền.

Theo 2 nhà giáo dục Kodate thì "Việc bắt phụ nữ đi theo một lập trình như thế về cơ bản là các bậc phụ huynh không cho con gái của họ sự lựa chọn học hành, cũng như các viện xã hội không cung cấp cho phụ nữ cơ hội bình đẳng như nam giới".

Bức ảnh hộ chiếu của bà Kono Yasui.

Trước năm 1899, các tỉnh ở Nhật Bản không phát triển chương trình giáo dục cấp 2 cho nữ sinh. Phụ nữ bị cấm đi học ở các trường đại học hoàng gia cho mãi đến năm 1913. Nếu các nữ sinh được đào tạo nghề nghiệp, họ sẽ làm cô giáo, một dạng nghề nghiệp được coi là an toàn phù hợp với giới tính của phụ nữ Nhật khi đó. Mặc dù vậy, bất chấp hệ thống giáo dục bất công, Kono Yasui đã tận dụng mọi cơ hội để vươn lên.

Năm 1898, Yasui tốt nghiệp trường chuẩn tỉnh Kagawa (tương đương với trường cấp 2 ở Mỹ) và thi đầu vào để học khoa học và toán học tại Đại học phụ nữ ở Tokyo (TWHNS), ngôi trường này được công nhận đại học vào năm 1890.

Trước khi hoàn thành chứng chỉ đại học, Yasui đã cho công bố bài báo đầu tiên "Gan ruột loài cá chép của Weber" trên tạp chí Zoological Science, và trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Nhật Bản có bài đăng trên tạp chí khoa học Nhật. Năm 1907, Yasui bước vào thời kỳ nhận việc trợ lý giáo sư tại TWHNS. Dù không được sự ủng hộ của trường đại học, Yasui cũng bắt tay vào việc nghiên cứu tế bào thực vật.

Năm 1911, sau 5 năm nghiên cứu độc lập, Yasui đã cho công bố công trình nghiên cứu của mình mang tiêu đề "Lịch sử sự sống về Salvinia Natans" đăng trên tạp chí Annals of Botany, trong đó có 119 bản vẽ các mặt cắt Microtome. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ Nhật có công trình khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài.

Nhờ những thành tích nghiên cứu khoa học vượt trội của Kono Yasui mà TWHNS đã đệ đơn lên Bộ Giáo dục Nhật nhằm hỗ trợ cho Yasui nghiên cứu ở nước ngoài. Lúc đầu, Bộ không đồng tình, có thể là do Bộ hoài nghi rằng phụ nữ không thể nào thành công trong các lĩnh vực khoa học.

Nữ khoa học gia Kono Yasui thời công tác tại Đại học hoàng gia Tokyo.

Trong cuốn sách mang tiêu đề "Các nhà nữ khoa học và tư tưởng về giới", nhà nhân chủng học Sumiko Otsubo đã khám phá ra rằng giữa thời gian năm 1875 và 1940, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã tài trợ ngân sách học hành cho tổng cộng 3.209 du học sinh Nhật tại Châu Âu và Mỹ, nhưng chỉ có 39 người trong số này là học tiếng Anh hoặc học vật lý. Với sự giúp đỡ của Kenjiro Fuji, một nhà nghiên cứu Tế bào học tại Đại học Tokyo, mà

Bộ Giáo dục Nhật đã ký phê chuẩn cho Kono Yasui được nhận ngân sách du học, nhưng kèm theo một điều kiện là "phải nghiên cứu về kinh tế gia đình" cùng với ngành chính là khoa học. Bản thân Kono Yasui cũng cam kết với Bộ Giáo dục rằng: sẽ không lập gia đình, và giành toàn bộ đời mình cho nghiên cứu khoa học.

Năm 1914, Kono Yasui đặt chân đến Đại học Chicago (Mỹ). Chỉ trong vòng 1 năm, bà đã nghiên cứu về các hình thái học của loài thủy sinh azolla tại Khoa thực vật của trường đại học này. Yasui dự định sẽ đi nghiên cứu tiếp ở Đức, nhưng vì Đại chiến thế giới thứ I nổ ra nên bà đã chuyển đến đeo đuổi khoa học tại Đại học Radcliffe ở Cambridge (tiểu bang Massachusetts, Mỹ) vào năm 1915, nơi đây bà nghiên cứu dưới sự dìu dắt của nhà Thực vật học Edward C. Jeffrey từ Đại học Harvard.

Quay trở lại Nhật Bản vào năm 1916, Yasui tiếp tục nghiên cứu về than đá Nhật Bản và một lần nữa bà đảm nhận công việc giảng dạy tại TWHNS. Năm 1919, Yasui nhận được một khoản tài trợ từ Bộ giáo dục để tiếp tục nghiên cứu về Tế Bào học.

Trong suốt thời gian nghiên cứu, lần lượt Yasui đã khám phá ra 6 giống loài thực vật cổ đại, bao gồm giống cây Cù Tùng mà bà tìm thấy tại một mỏ than. Năm 1927, Yasui cho công bố công trình nghiên cứu thực vật học của mình, một tổng hợp gồm 9 tập tài liệu nói về địa chất, trong đó cây cối mục nát biến thành trầm tích carbon và thành than đá.

Để công nhận những cống hiến phi thường trong nghiên cứu khoa học tiên phong của Kono Yasui, Đại học Hoàng gia Tokyo đã trao học vị Tiến sĩ khoa học cho bà, dù Yasui không phải là sinh viên chính thức của trường này.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Kono Yasui đã cho công bố tổng cộng 99 tài liệu khoa học và nhận được rất nhiều lời khen ngợi bởi sự cống hiến của bà. Mặt khác, bà cũng thực hiện chiến dịch cho nữ giới đi học đại học, nâng cấp TWHNS thành trường đại học nghiên cứu quốc gia dành cho phụ nữ vào năm 1949, đổi tên thành trường Đại học Ochanomizu.

Tại trường Ochanomizu, Yasui trở thành giáo sư khoa học và cuối cùng là giáo sư danh dự trước khi nghỉ hưu vào năm 1952. Nhưng có vẻ nhà khoa học Kono Yasui cũng có vẻ không thống nhất, vì khi được mời vào Hiệp hội các nhà nữ khoa học gia (SWS), bà đã từ chối.

Cùng với nhà nữ khoa học Chika Kuroda (người cũng có học vị Tiến sĩ khoa học), họ đã thành lập nên Học bổng Yasui-Kuroda, chuyên trao cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc trong các ngành khoa học tự nhiên.

Bất chấp có rất nhiều ấn phẩm khoa học được phát hành, bản thân Kono Yasui tỏ ra rất ngại ngần khi tự viết về bản thân bà, đồng nghĩa rằng phần lớn những câu chuyện nói về bà đều do người khác chấp bút.

Hải Nguyễn (tổng hợp)
.
.